Một vài nữ tu trong đoàn, khi vừa đặt chân xuống phi trường Ben Gourion (Tel Aviv), đã chụp ngay vài tấm hình kỷ niệm. Cũng dễ hiểu thôi, ai mà chẳng cảm thấy ít là một chút xúc động khi lần đầu tiên được đặt chân tới đây, quê hương trần gian của Đấng Cứu Thế. Một chút hạnh phúc!
Quả thế, đa số các Kitô hữu, ai cũng mong một lần được viếng thăm nơi Đức Giêsu đã sống, đã loan báo Tin Mừng cứu độ, đã chịu khổ nạn và phục sinh. Ngoài mối xúc động lần đầu tiên đặt chân tới một vùng đất, cuộc viếng thăm này còn có ý nghĩa là một cuộc trở về. Lịch sử đất nước này, nhất là những gì liên quan đến lịch sử cứu độ, tuy chưa thuộc nằm lòng, nhưng đã nghe nói đến nhiều lần. Những nơi ấy tuy xa lạ, nhưng ngược lại, cũng thật gần gũi, thân quen. Ai cũng háo hức muốn nhìn tận mắt những địa danh này. Ai cũng ao ước được đặt chân đến những nơi đã một lần ghi dấu chân của Con Thiên Chúa làm người.
Cũng là đất nước, cũng là phong cảnh, những hàng cây, những tảng đá. Thế nhưng nó gây cho con người ấn tượng đặc biệt vì những ý nghĩa lịch sử. Đây là nơi đã từng in dấu chân của Đấng Cứu Thế, của Đức Trinh Nữ Maria. Nơi đây đã từng chứng kiến những phép lạ của Đức Giêsu; nơi đây đã từng vang lên những lời hằng sống đem lại ơn cứu độ.
Chính vì những giá trị lịch sử và tôn giáo mà mảnh đất nhỏ nhoi và đầy sỏi đá này đã trở thành trung tâm của những cuộc tranh chấp ngay từ những thế kỷ đầu và còn kéo dài cho tới ngày nay.
Theo lịch sử, ít ra từ thời Đức Giêsu đến nay, vùng đất này đã trải qua những giai đoạn: đế quốc Rôma (63-313), thời Byzantin (313-636), đế quốc Ả-rập (636-1099), Đạo binh Thánh giá (1099-1291), thời Mamelucco (1291-1516), đế quốc Ottoman (1517-1917), đế quốc Anh (1918-1948), và năm 1948 độc lập. Như thế, quốc gia này năm nay mừng kỷ niệm 50 năm thành lập, 14-5). Nhưng kể từ ngày ấy, chiến tranh vẫn chưa ngừng. Hẳn người ta còn nhớ những cuộc chiến năm 1956 cũng như 1967, và hôm nay thì cuộc chiến vẫn còn tái diễn chỗ này chỗ kia, vẫn chưa có hoà bình thật sự…
Những cuộc tranh chấp vẫn ngấm ngầm đâu đó, và khách hành hương cảm thấy không nên đi vào những chỗ không được chỉ định trước. Chẳng phải đầu lại phải tai…, và biết đâu “tai bay vạ gió” thì sao…
Ngày nay, người Do Thái đã có một quê hương, nhưng cuộc tranh chấp vẫn còn đó. Người ta có thể thấy điều này qua những trạm gác khắp nơi. Và trước khi lên máy bay, du khách đã phải qua một cuộc tra hỏi kỹ càng, -- có lẽ là nhất thế giới! Những câu hỏi có vẻ vu vơ được đặt ra để kiểm tra nhân thân của người muốn đặt chân đến vùng đất này. Các nhân viên kiểm tra có nhiệm vụ bảo đảm an toàn tối đa cho các chuyến bay, cũng như tránh không để bất cứ chuyện gì xảy ra trên đất nước mình. Họ sợ những âm mưu cũng như những vụ đặt bom. Phải thôi! Những câu hỏi có thể làm du khách lo lắng, nhưng với những người đã trải qua một lần đâu đó thì coi là chuyện thường, vì người ta không sợ bị phiền hà, nếu như trong hành lý chẳng có vũ khí hay thứ gì nguy hiểm.
Thế đấy, người Do Thái vẫn sợ, nhưng đồng thời họ cũng ý thức rằng chính nhờ du lịch mà đất nước họ có thể vươn lên ngang tầm thế giới. Vẫn kỹ càng, nhưng vẫn phải luôn rộng mở!
Ngồi trên xe bus từ phi trường về Giêrusalem, vị hướng dẫn đoàn hành hương, cha Oliva Raimondo, một linh mục già thuộc dòng Phanxicô đã đọc lại Thánh vịnh 121:
Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!
Và giờ đây, Giêrusalem hỡi,
cửa nội thành, ta đã dừng chân.
Giêrusalem khác nào đô thị
được xây nên một khối vẹn toàn.
Từng chi tộc, chi tộc của Chúa,
trẩy hội lên đền ở nơi đây,
để danh Chúa, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Ítraen.
Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử,
ngai vàng của vương triều Đavít.
Hãy nguyện chúc Giêrusalem được thái bình:
Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,
tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn,
lâu đài dinh thự mãi an ninh.
Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu,
tôi nói rằng: Chúc thành đô an lạc.
Nghĩ tới đền thánh Chúa, Thiên Chúa chúng ta thờ,
tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô!
Giêrusalem, thành phố của ba tôn giáo độc thần. Chẳng phải là điều dễ giải quyết vì lịch sử quá dài khiến cho những người cư ngụ ở đây không dễ dàng bỏ đi được. Ai cũng đã có một quá khứ thâm niên với nơi chốn này. Ai cũng cảm thấy mình có liên quan đến vùng đất, và nhất là, với thành phố được cả thế giới nhìn nhận là chốn linh thiêng. Những công trình xây cất hay những di tích còn sót lại minh chứng điều đó.
Từ bên núi Cây Dầu, nơi Đức Giêsu đã trông thấy thành và khóc, quang cảnh thành phố thật đẹp: những ngôi nhà bằng đá trắng rực rỡ dưới ánh mặt trời. Không kể khu vực thành phố mới, Giêrusalem cổ gồm 4 cộng đồng tôn giáo cư ngụ: Hồi giáo, Do Thái giáo, Chính thống giáo, Công giáo.
Đối với người Dothái, đây là thành phố của vua Đavít, được thành lập từ 1006 trước CN, nơi đây cũng có đền thờ do vua Salômôn xây dựng (năm 950 trước CN), là thủ đô chính trị lẫn tôn giáo. Kể từ ngày thành phố bị đế quốc Rôma tàn phá vào năm 70, và bị phân tán đi khắp nơi trên thế giới, người Do Thái lưu đày vẫn trao cho nhau lời chào đầy thân ái và hy vọng. “Năm tới tại Giêrusalem”. Chẳng lạ gì mà sau khi chiếm được trọn thành phố trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967, người Do Thái đã muốn chuyển thủ đô từ Tel Aviv về đây.
Với những người Ảrập, Giêrusalem là thành phố quan trọng thứ ba sau La Mecque và Medine. Tại đây, theo truyền thống kể lại, Mahomet đã được đưa về trời trên một con ngựa. Calife Omar đã chiếm được thành phố năm 683 và đã xây cất một đền thờ (mosquée) trên tảng đá, nơi xưa kia ông Ápraham đã đặt đứa con duy nhất là Ixaác trên đó để sát tế, theo lệnh truyền của Thiên Chúa. Đền thờ ấy hiện nằm trên phần đất trước đây là đền thờ do vua Salômôn xây dựng và còn mang tên ông Omar. Ngày ngày, tại các đền thờ Hồi giáo rải rác trong thành phố, vẫn hằng vang lên lời kêu gọi mọi người ca tụng Đấng Allah, tức là Đấng Tối Cao, Đấng Quyền Năng.
Còn đối với Kitô hữu, thành phố này là nơi diễn ra giai đoạn chót trong cuộc đời dương thế của Đức Giêsu, là nơi Đấng Cứu Thế đã chịu khổ nạn và phục sinh. Nơi đây vẫn còn nhiều di tích của những biến cố đau thương và vinh hiển này.
Khu vực đồi Golgotha xưa kia nằm trong vùng của người Ảrập, cả nơi Đức Giêsu lên trời cũng thế, hay làng Bêtania và cả Bếtphaghê nữa… Những di tích nằm xen lẫn nhau, phần do người Kitô hữu cai quản, phần thuộc người Dothái, phần thuộc người Ảrập. Nhưng phần thuộc Kitô giáo lại chia thành nhiều nghi thức khác nhau, chẳng hạn nhà thờ Mộ Thánh có ba cộng đoàn: cộng đoàn Armenie, cộng đoàn Chính thống Hylạp và cộng đoàn Kitô giáo Latinh.
Nhìn những người Do Thái lầm bầm đọc bên bức tường gọi là Tường Than Khóc, du khách chợt thông cảm hơn với hoàn cảnh của họ. Giờ đây họ đeo thẻ kinh trên đầu và trên cánh tay, đứng gật gà gật gù bên bức tường còn sót lại của đền thờ cổ, thật thành tín. Có người không dám quay lưng lại, mà phải đi giật lùi, và nhìn sang bên kia, trên sân đền thờ cũ là hai đền thờ to lớn, nguy nga của người Hồi giáo, hẳn họ cũng mong có ngày được đặt chân đến đó, và nhất là có ngày xây dựng lại đền thờ. Chỉ vài bước thôi, nhưng có trạm canh phòng cẩn mật, sợ những cuộc tranh chấp…
Hẳn rằng trong họ vẫn vang lên lời Thánh vịnh 137:
Giêrusalem hỡi,
lòng này nếu quên ngươi,
thì tay gảy đàn thành tê bại!
Lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm,
nếu ta không hoài niệm,
không còn lấy Giêrusalem
làm niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn.
Hay những lời của bài quốc ca:
Trong cõi sâu trái tim,
tâm hồn của người Do Thái vẫn thổn thức
và quay về phía Đông, mắt hướng nhìn về Sion.
Hy vọng của chúng ta chưa tiêu tan,
hy vọng từ hai ngàn năm qua
được trở thành dân tộc tự do trên đất nước của chúng ta,
đất nước của Sion và Giêrusalem.
Mà Giêrusalem chính là đền thờ của tổ tiên, nhưng chưa về tay con cháu trọn vẹn. Phải chăng vì thế mà cây đèn bảy ngọn, hay chín ngọn chỉ được thắp có 4?
Thành phố Giêrusalem như thế đó, thành phố của những mâu thuẫn. Pha trộn giữa những khu phố khang trang sạch sẽ, ngăn nắp của người Do Thái là những khu phố có vẻ nhếch nhác, luộm thuộm của người Ảrập.
Có lẽ cần lặp lại lời cầu nguyện của Thánh vịnh 121 cho thành phố này:
Hãy nguyện chúc Giêrusalem được thái bình:
Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,
tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn,
lâu đài dinh thự mãi an ninh.
Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu,
tôi nói rằng: Chúc thành đô an lạc.
Nghĩ tới đền thánh Chúa, Thiên Chúa chúng ta thờ,
tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô!
SHALOM. Hoà bình cho Giêrusalem, -- như ý nghĩa của tên gọi. Đó là niềm ao ước của nhiều người, từ Đức Giáo hoàng cho tới những người dân bình thường. Hoà bình cho những người đang cư ngụ tại thành phố này. Hoà bình cho những nơi thiêng thánh để mọi người có thể lui tới và trân trọng nhau.
Hoà bình cho Giêrusalem, thành phố đã qua 17 lần bị tàn phá trong dòng lịch sử. Ước mong thành phố trở thành điểm quy tụ gặp gỡ trong tinh thần huynh đệ và tôn trọng của những người cùng tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất.
Con đường từ Giêrusalem về Bêlem không xa, chỉ chừng 9 cây số. Nhưng nếu nói về ranh giới thì du khách đã qua một quốc gia khác, -- có thể nói như thế. Bêlem ngày nay thuộc quyền của Palestin.
Trên con đường về Bêlem đêm 24-12, đoàn hành hương thuộc nhiều quốc gia thay phiên nhau hát những bài thánh ca Noel. Bầu khí thật vui vẻ, từ những bài thánh ca của vùng Nam Mỹ, đến những bài thánh ca truyền thống như Đêm Thánh Vô Cùng… Vị linh mục già hướng dẫn đoàn phải thú nhận là chưa bao giờ ngài cảm động như lần này, mặc dù ngài đã hướng dẫn bao nhiêu đoàn hành hương trong khoảng thời gian trên dưới 20 năm. Cả những người lính Palestin đang đứng gác bên đường cũng phải vui lây.
Bài thánh ca Việt Nam Hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời… cũng được cất lên trong khung cảnh này. Các thính giả không phải là người Việt Nam chẳng ai hiểu ý nghĩa bài hát, nhưng nghe âm giọng và thấy hai người Việt Nam hát say sưa, nên cũng cảm nhận được phần nào tâm tình hân hoan.
Thánh lễ đêm 24 của đoàn được cử hành dưới hang đá, nơi xưa kia Đức Giêsu đã giáng sinh. Hang đá này cách nhau một bức tường, phần chính phía bên kia thuộc quyền cai quản của anh em Chính thống giáo… Cứ ngỡ hang đá phải lớn thế nào, ngờ đâu chỉ chừng vài mét vuông, và trong khoảng nhỏ nhoi ấy, lại thuộc quyền của hai cộng đoàn. Và cũng như bao di tích khác, nơi đây cũng đã qua nhiều lần đổi chủ, bao lần bị tàn phá rồi được xây dựng lại. Mỗi lần xây dựng, cái thì còn, cái thì mất. Có chăng chỉ còn lại vài dấu tích mà nhờ những chuyên viên khảo cổ, người ta có thể hình dung đôi chút về cuộc đời Đấng Cứu Thế.
Chỉ riêng người Kitô hữu thôi, vấn đề đã chẳng đơn giản. Ai cũng cảm thấy mình có liên hệ với Đấng Cứu Thế, thành ra mỗi người chia nhau một tí. Cứ nhìn xem hang đá nơi Đức Giêsu ra đời, cũng như nơi an táng Người thì đủ rõ. Chỉ trong một khoảng nhỏ chút xíu mà có đến hai ba bàn thờ, hai ba nghi lễ khác nhau. Đó mới chỉ là theo truyền thống, chứ đích xác thì chẳng ai biết rõ. Vì ngay từ đầu, chẳng có dấu hiệu nào để ghi dấu, tùy theo lòng đạo đức của tín hữu. Âu cũng là một điều hay! Thiên Chúa vẫn rất gần gũi với con người, nhưng những nơi đã từng ghi dấu sự hiện diện thể lý của Người, con người ngày nay cũng chẳng biết đích xác.
Một lời mời gọi vượt lên trên tất cả những gì hữu hình!
Ngoài ra, chẳng biết Đức Giêsu có sinh ra vào một đêm đông có tuyết rơi hay không? Theo lời một nữ tu Việt Nam đã ở Thánh Địa gần 40 năm, thì trong thời gian đó mới chỉ có 2 lần tuyết rơi trong dịp lễ Giáng Sinh. Năm nay, vào dịp lễ này, thời tiết thật mát dịu, chứ không lạnh lẽo như tại các nước Tây Phương, và cũng chẳng nóng nực như tại Việt Nam.
Có lẽ vừa mới nhận được quyền tự trị thời gian mới đây -- trước lễ Giáng Sinh 96, nên việc tổ chức Thánh lễ nửa đêm không được chu đáo lắm, mặc dù số người được vào tham dự trong nhà thờ không bao nhiêu. Vấn đề chính vẫn là chuyện an ninh, vì có chủ tịch Arafat và phu nhân tham dự Thánh lễ này.
Năm 2000 với thành phố Bêlem sẽ là biến cố rất quan trọng, vì Đức Giêsu đã giáng sinh tại đây. Thành phố đang ráo riết chuẩn bị đón tiếp số du khách tuốn đến đây trong dịp này. Người ta có thể thấy qua những công trình xây dựng đó đây. Hy vọng biến cố này sẽ là cơ hội tốt để mọi người nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của nhân loại, cũng như nhận ra sứ điệp bình an của mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. Từ đó, mọi người, tuy khác biệt, vẫn có thể chung sống với nhau.
Rời miền Nam, với những vùng khô cằn, những đồi trọc như sa mạc Giuđê, thưa thớt dân cư, -- chỉ thấp thoáng những căn lều của người Bédouin; rời những địa danh như Biển Chết, di tích Massada, Qumrân; rời khu vực Giêrusalem, con đường lên phía Bắc đưa khách hành hương đến một phong cảnh khác.
Phải nói rằng phong cảnh ở đây rất quyến rũ. Con đường từ Tel Aviv lên hải cảng Haifa toàn những vườn trái cây, nhiều nhất là cam và chuối. Đây là công trình của những kibbouzt, -- theo đường hướng tập thể tuyệt đối, và moshav, -- một loại hợp tác xã, được thành lập lần đầu tiên vào năm 1909. Nghe nói các kỹ sư Do Thái đã bỏ nhiều công sức để khai phá vùng đất này. Ở đây có nhiều đồng bằng và nhất là gần nguồn nước từ sông Giođan và hồ Tibêria.
Cũng trên những con đường này, người ta nhận ra công lao của các kỹ sư trong việc gây rừng. Trước đây thường là những đồi trọc, kể từ khi tuyên bố độc lập, do sự tài trợ của người Do Thái từ khắp thế giới, chính phủ đã trồng khoảng 4,5 triệu cây xanh, -- chưa kể 200 triệu cây khác trong những cánh rừng, và ngày nay người ta còn thấy những hàng cây đó.
Dọc theo bờ biển là những thành phố kỹ nghệ và thương mại như Cesarea, Haifa… Núi Camêlô bên hải cảng Haifa là một nơi thơ mộng, đáng ghi nhớ: mỏm núi nhô ra bờ biển theo dáng mũi một con tàu đang hướng về phía trước. Tu viện trung ương của dòng Camêlô sừng sững bên sườn núi, nhìn xuống thành phố nằm ven bờ biển Địa Trung Hải xanh ngát. Dòng Camêlô do thánh Brocard thành lập năm 1212, định cư tại đây từ năm 1767 và Tu viện được xây dựng năm 1827 như một pháo đài. Không kể di tích liên quan đến ngôn sứ Êlia, khách hành hương còn có dịp viếng Đức Mẹ núi Camêlô, cầu xin Đức Mẹ ban ơn lành cho những người thân quen, đặc biệt cho các nữ tu dòng kín.
Phía trong, dọc theo sông Giođan và hồ Tibêria là những cánh đồng trù phú. Đập vào mắt du khách là những cánh đồng xanh tươi, trải dài, thấp thoáng phía xa những ngôi làng nằm ven sườn đồi.
Cánh đồng rộng nhất là Esdrelon, theo sự phân chia ban đầu thuộc chi tộc Issachar (x. St 49,14). Cánh đồng này không những nổi tiếng vì các sản phẩm nông nghiệp, nhất là bông vải, nhưng còn vì trong lịch sử đã từng diễn ra rất nhiều cuộc giao tranh, đã thấm máu hàng ngàn chiến binh thuộc nhiều thời đại. Cánh đồng này là nơi giao nhau của những con đường xưa kia từ các đế quốc Đông sang Tây. Do vị thế và có núi bao bọc chung quanh, hình như nó được tạo dựng để trở thành nơi giao tiếp giữa những dân tộc khác nhau. Đỉnh của cánh đồng này là núi Tabor.
Galilê được vinh hạnh là nơi Đức Giêsu trải qua thời thơ ấu suốt 30 năm, cũng là nơi Người bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ. Chính những phong cảnh của vùng này với đồi núi, vườn cây, đã ảnh hưởng đến cuộc sống và tâm hồn cậu bé Giêsu, và được Người sử dụng trong những bài giảng, những dụ ngôn. Đó là quê hương của Đức Giêsu, Đức Maria, thánh Giuse; quê hương của các Tông đồ chất phác và thân tín của Đức Giêsu.
Trước tiên phải nói đến Nadarét, cái nôi của Kitô giáo. Nadarét-Nasrat theo tiếng Do Thái có nghĩa Bông hoa của miền Galilê. Nadarét ngày nay là một thành phố khá lớn, với chừng 35.000 dân cư, trong đó gần một nửa là người Kitô hữu: Công giáo Hylạp, Latinh, Maronite và Tin Lành. Những người này là Ảrập Palestin, không kể người Do Thái di cư từ các nơi về, lập một khu vực mới, mang tên là Nadarét-Illit.
Thành phố ngày nay, -- rất nhiều cửa hàng bánh ngọt, không còn mang dáng dấp nào của thời Thánh gia. Thời ấy, Nadarét chỉ là một ngôi làng nhỏ, nghèo nàn, quê mùa, với vài chục gia đình sống trong hang đá. Chính trong khung cảnh nghèo nàn này, Con Thiên Chúa đã khởi đầu cuộc sống làm người.
Nổi bật, nhưng cũng rất hài hoà giữa thành phố là thánh đường Truyền Tin. Ngôi nhà thờ này mới được xây dựng và thánh hiến ngày 23-3-1969. Đây là một kiến trúc tân thời bao trùm lên hang đá cổ, nơi Sứ thần truyền tin cho Đức Trinh Nữ. Ngôi nhà thờ với mái vòm cao (49,4 mét chiều cao; 18 mét đường kính) cho khách hành hương cảm tưởng hồng ân lớn lao của Thiên Chúa bao trùm thân phận nhỏ bé tầm thường của con người. Các kỹ sư đã nghiên cứu để tạo bầu khí thinh lặng, thanh thoát trong toàn bộ thánh đường, nhất là tại hang đá Truyền Tin. Công trình này do sự đóng góp công sức của nhiều thành phần trên toàn thế giới, -- mỗi nơi góp phần đặc trưng của mình; vì thế, tựa như một bảo tàng viện các tác phẩm nghệ thuật về Đức Mẹ. Nước Việt xa xôi, nhờ sự đóng góp của cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Pháp, cũng góp mặt với tấm tranh khảm gián sắc (mosaique) Nữ vương Hoà Bình. Một chút an ủi và tự hào!
Bên cạnh thánh đường kính Đức Trinh Nữ, không thể không đến thăm nhà thờ thánh Giuse ngay kế bên, nhỏ bé, khiêm tốn, lặng lẽ như vị thánh này. Hang đá sâu còn lại dưới lòng nhà thờ gợi cho thấy khung cảnh nghèo nàn xưa kia.
Cũng gần ngay đó, đi băng ngang những cửa hàng của người Ảrập đến Hội đường, là nơi Đức Giêsu đã đọc lời ngôn sứ Isaia, công bố sứ mạng của Người (Lc 4,16-30).
Hồ Tibêria, cũng gọ là biển, nơi diễn ra nhiều hoạt động của Đức Giêsu. Những sườn đồi thoai thoải bên bờ hồ, lấp lánh ánh mặt trời phản chiếu, dưới bầu trời trong xanh. Đứng ngắm cảnh bên bờ hồ chỉ một lát đã thấy người câu cá được một giỏ.
Quanh hồ là những di tích nổi tiếng như núi Bát Phúc, căn nhà của ông Simon và Anrê (Mc 1,29-31), hội đường Caphácnaum, nơi Đức Giêsu đã nói về Bánh Hằng Sống, nơi diễn ra phép lạ hóa bánh ra nhiều, nơi ông Phêrô nhận quyền cai quản đoàn chiên từ Đấng Phục Sinh. Đó là chưa nói đến những địa danh khác như Magđala, Betsaida, Corodain… được nhắc đến trong Tin Mừng. Xa xa, sông Giođan vẫn chảy lững lờ như từ bao năm qua. Có ai đã xuống lấy nước từ dòng sông làm kỷ niệm để nhớ đến phép Rửa mình đã lãnh nhận.
Ngồi trên thuyền lênh đênh trên hồ, chợt nhớ đến ngày nào Đức Giêsu đã gọi các môn đệ ở đây, đã đi qua hồ này. Thưởng thức món cá chiên ở kibboutz Ein-Guev, -- phía bờ bên kia, lại liên tưởng đến chuyện ông Phêrô (Mt 17,24-27), giờ đây con cá này có tên gọi cá Phêrô (giống cá rô phi!).
Các thành phố phía Bắc không có nhiều di tích như Giêrusalem, nên có vẻ ít nhộn nhịp hơn. Vả chăng dân miền này cũng có vẻ trầm lặng hơn. Có người nói rằng dân Ảrập tại đây đã sống với người Do Thái kể từ khi quốc gia này được độc lập, nên cũng đã quen với lối sống và cũng dám chấp nhận nhau.
Những di tích tại phía Bắc thường là thuộc quyền coi sóc của Công giáo, đặc biệt là các tu sĩ Phanxicô, nên trông có vẻ thanh lịch, trang nghiêm, trong khi của những người khác, kể cả Chính thống giáo, trông có vẻ rườm rà, màu mè hơn. Thế mới biết hội nhập văn hóa không phải là chuyện dễ!
Chặng cuối cùng của chuyến hành hương là núi Tabor để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, đặc biệt. Con đường lên núi quanh co, xe lớn không lên được, du khách phải qua xe taxi để lên tới đỉnh núi. Ngọn núi nổi bật giữa cánh đồng. Từ ngôi nhà thờ kính nhớ biến cố biến hình, du khách có thể nhìn bao quát cả cánh đồng xung quanh. Ánh sáng buổi chiều rực rỡ trên sườn núi và đồng bằng. Thơ mộng! Tại đây, Con Thiên Chúa làm người đã tỏ vinh quang đích thực cho các môn đệ, tự nhiên trong lòng cũng cảm thấy xao xuyến, và hiểu rằng ông Phêrô đã xin một điều hợp lý.
Chuyến đi ngắn ngủi, còn nhiều nơi không thể đến, nhưng cũng cho thấy đôi chút về cuộc đời dương thế của Đức Giêsu, am hiểu hơn về những địa danh trong lịch sử của dân được Thiên Chúa tuyển chọn, làm cho con người cảm thấy Thiên Chúa đang gần gũi với mình, và một lần nào đó Người đã có mặt trên trần gian này, đã sống tại những địa danh này. Giêrusalem, Bêlem, Galilê, Nadarét, Caphácnaum, Naim, Cana, Tabor…, những địa danh đó đã một lần in dấu chân Đấng Cứu Thế, một lần chứng kiến những phép lạ của Người, trở thành những địa danh trong lịch sử cứu độ. Có một linh mục Việt Nam đã nói là nên đi hai lần để cảm nghiệm rõ ràng hơn, vì lần đầu bao giờ cũng là tò mò xem phong cảnh như thế nào. Chỉ từ lần thứ hai trở đi thì óc tò mò mới nhường chỗ cho phần suy niệm. Nhưng điều này khó quá, chắc chẳng có hy vọng trở lại. Một lần, một đời! Những kỷ niệm ấy sẽ chẳng khi nào phai nhoà. Làm sao quên được!
Để kết thúc, xin trích lại một câu của Madeleine Delbrêl:
Si tu vas au bout du monde,
tu trouves la trace de Dieu.
Si tu vas au fond de toi,
tu trouves Dieu lui-même.
Nếu bạn đi tới cuối trời,
bạn sẽ thấy dấu vết của Thiên Chúa.
Còn nếu bạn đi vào cõi sâu lòng mình,
bạn sẽ gặp chính Thiên Chúa.
Thế đấy, vẫn cần có những chuyến đi, nhưng lại vẫn cần có những cuộc trở về với lòng mình. Những chuyến đi gợi lại những ý nghĩa, và những ý nghĩa đó chỉ sáng tỏ một khi trở về với lòng mình. Nếu như không có những cuộc trở về, không sống với Thiên Chúa trong lòng mình, những chuyến đi đó chẳng còn bao nhiêu giá trị!