“Thưa Rapbi, Thầy ở đâu? Người bảo họ: Đến mà xem. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc ấy vào khoảng bốn giờ chiều” [Ga 1,38-39]
25 năm cuộc đời, chắc hẳn ai đã trải qua, nhất là những ai đang đi vào tuổi già, đều thấy rằng nó trôi qua quá mau, mau đến mức không ngờ1.
25 năm sống đời linh mục chẳng những trôi qua mau, nhưng còn có một nét mà, cứ theo cảm nhận bình thường, càng làm cho người linh mục thấm thía hơn cái ghê gớm của thời gian: không thấy thành quả rõ ràng đo đếm được.
Trong cuộc sống của người tín hữu, 25 năm trôi qua, cho dù là đau khổ vất vả, cho dù là thất bại đắng cay, người ta vẫn còn có những điều rõ ràng, cụ thể làm động lực tiếp tục hành trình: một căn nhà, cho dù là căn nhà lụp xụp; một người bạn đời, cho dù nhiều khi cũng phải cay đắng nuốt giận để chấp nhận nhau, và nhất là những đứa con, cho dù là những đứa con chưa thực hiện được trọn vẹn ước nguyện của cha mẹ; … Người tín hữu sống giữa đời, đã trải qua một hành trình, chất chồng thêm hành trang cuộc đời, mà ta có thể gọi là những rờ moọc; và luôn bị thúc bách phải đi tiếp, phải chịu trách nhiệm về quãng đời đã qua. Cứ thế, người tín hữu phải làm, phải xoay sở, phải nỗ lực, vì không thể để cho những hành trang, những rờ moọc của mình bị ngưng trệ. Cứ thế, người tín hữu trở thành cha mẹ, rồi thành ông bà, với những đứa con, đứa cháu...
Đời sống của một linh mục, một tu sĩ, 25 năm cũng trôi qua thật mau. Nhưng qua một quá trình thật dài, nhìn lại, anh vẫn là anh, tóc có bạc hơn, sức khỏe có yếu hơn... những vẫn là anh, đời sống anh không thay đổi bao nhiêu, vẫn là ông linh mục như ngày nào, một cách nào đó vẫn một thân một mình. Cả những trò đùa trẻ con nơi người linh mục nhiều khi cũng vẫn còn y nguyên.
Đời sống người tín hữu là một hành trình mà người ta buộc phải đi tiếp, người tín hữu buộc phải trung tín vì những liên đới trách nhiệm chung quanh. Còn đời sống người linh mục lại là một hành trình mà người ta vẫn cứ như ở điểm khởi đầu, và phải bắt đầu lại không ngừng; người linh mục phải trung tín trong thái độ luôn phải bắt đầu lại với một sự chơi vơi, luôn phải quyết định như trong một cuộc phiêu lưu mới, một cuộc mạo hiểm đầy chông chênh.
Quả thật, nhìn đời sống của người linh mục, ta có thể thấy những điều khác với quy luật tự nhiên, và đó là một hành trình lội ngược dòng
Thì cũng vậy, đời sống người linh mục, quanh đi quẩn lại cũng là bấy nhiêu, nếp sống vẫn “vũ như cẩn”, kinh nguyện, Thánh lễ, giảng giải, vui đùa với nhau với những câu chuyện như trẻ nhỏ... Nhìn bên ngoài, những “thành quả” của đời linh mục không bao nhiêu. Những “thành quả” của đời linh mục, xét từ bản thân người linh mục, không để lại bao nhiêu ý thức trách nhiệm về một người khác và chúng dễ dàng trôi vào dĩ vãng hơn.
Như thế, có lẽ điều ta rút ra được đầu tiên qua những suy tư này là: người tín hữu đừng tưởng rằng mình phải mang gánh nặng như là một sự bất hạnh. Anh chị em mang gánh nặng, nhưng anh chị em biết được mình phải vác gánh nặng đó đi đến đâu. Đó là nguồn sức mạnh lớn lao cho anh chị em. Ý nghĩa cuộc sống của anh chị em được xác định rõ trong trách nhiệm liên đới với những người thân yêu của mình, và điều đó trở thành sức mạnh cho cuộc hành trình.
Chúng ta có thể rút ra một bài học nữa: chắc chắn rằng phẩm chất của đời linh mục không phải là những công trình thành đạt, vì thà có một đứa con để vất vả chăm sóc nó còn hơn là viết được một cuốn sách để rồi tự hào và an nghỉ trên thành công của mình.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào một đám cưới, mà chúng ta chỉ thấy áo cưới đẹp, thấy cô dâu chú rể xứng đôi vừa lứa, thấy cỗ bàn linh đình... và cho rằng đó là một gia đình hạnh phúc thì sẽ lầm to. Phẩm chất của một gia đình hạnh phúc không phải là những cách diễn tả, những thành tựu bề ngoài ấy, nhưng là chính phẩm chất của tình yêu giữa hai người với nhau.
Tôi nghĩ đời linh mục hơi giống như một cặp vợ chồng già không con. Hai ông bà dành hết tình thương của mình cho những đứa trẻ lang thang. Nhưng rồi cuối cùng thì những đứa trẻ ấy lớn lên, thành đạt và chấp cánh bay xa trên hành trình riêng của chúng.
Tuy nhiên, chính trong khi cùng bàn bạc cùng làm việc, cùng lăn lưng vào gánh vác, có những thành công và có những thất bại, có những an ủi và cả những tủi thân, thì tình nghĩa của hai người lại càng thêm đậm đà thắm thiết.
Thì cũng thế, hằng ngày vị linh mục làm việc của Chúa, dâng lễ trên bàn thờ, cầu nguyện cho người khác, lao vào công tác Tông đồ… Tất cả những “thành quả” ấy, 25 năm nhìn lại, như thể đã bay đi đâu mất. Nhưng chính 25 năm nhìn lại, ta lại thấy một lịch sử nghĩa tình với Chúa. Chính bề dày nghĩa tình của người linh mục với Chúa mới là điều còn lại, rõ nét nhất trong 25 năm cuộc đời linh mục, chứ không phải là những thành công, những chức vị, hay một bản tiểu sử vàng chói.
Có lẽ một linh mục trẻ sẽ khó thấy được điều này: Anh lao vào công việc với tất cả nhiệt tình tuổi trẻ, luôn nhìn về phía trước. Nhưng 25 năm linh mục là thời điểm người linh mục có thể thấy khá rõ tâm trạng tôi vừa thử diễn tả.
Thưa cộng đoàn,
Trong tâm tình ấy, chúng ta đọc lại bài Tin Mừng hôm nay:
“Thưa Rapbi, Thầy ở đâu? Người bảo họ: Đến mà xem. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc ấy vào khoảng bốn giờ chiều” [Ga 1,38-39].
Bước đường theo Chúa được thánh Gioan thuật lại, sau một hành trình dài, cuối cùng vẫn chỉ có một điều quan trọng nhất “ở lại với Người”. Và biến cố đơn giản ấy là khúc dạo đầu cho một cuộc phiêu lưu để cuối cùng, không phải là thành đạt gì với người khác, mà chính mối thân tình càng ngày lại càng thâm sâu và kỳ diệu hơn, với Chúa, và với con người, hay đúng hơn, với Chúa, qua con người.
Còn vài tháng nữa mới đến đúng ngày kỷ niệm của anh, nhưng vài tháng có là gì so với ân huệ và những hồng ân đã lãnh nhận. Đây là một dịp gặp gỡ đông đảo của những người thân từ nhiều nơi khác nhau. Gặp nhau để tạ ơn Thiên Chúa vì những việc Người làm cho cuộc đời linh mục và cho người linh mục. Đàng khác, cũng là dịp để tri ân tất cả mọi người, những người đã đưa anh đến với chức linh mục, những người đã đồng hành với anh trong suốt chặng đường dài. Mỗi người một cách, có khi âm thầm lặng lẽ ở một nơi xa xôi nào đó, có khi ở ngay bên cạnh anh.
Ngày lễ hôm nay chỉ là một mặt nổi cho cả một đời, đời đã qua và đời sẽ tới: tri ân mỗi ngày qua những Thánh lễ, qua những lời kinh lặng thầm. Đó là niềm vui của anh, tri ân cho mọi người, cho mình, và tri ân mọi người. Chỉ có lòng tri ân mới xứng với tình thương. Tình thương của Thiên Chúa và của mọi người.
Anh Chỉnh thân mến,
25 linh mục là một chặng đường của đời anh, và mở ra một chặng đường mới. Điều tôi cầu chúc anh cũng chỉ đơn giản như thánh Gioan: nhìn lại cuộc gặp gỡ, dấn thân theo Chúa với niềm tri ân. Và chỉ duy điều ấy làm cho cuộc đời, cuộc đời linh mục của anh có ý nghĩa.