Nước Mỹ vẫn là điểm đến của nhiều người, chẳng cần phải có những slogan như Việt Nam, Điểm đến của thiên niên kỷ hay Amazing Thailand..., vẫn có nhiều người mong đến Mỹ, có khi chỉ một lần, để du lịch, để xem cho biết. Và quả thật, cũng có nhiều chuyện để xem, để trải nghiệm.
Chỉ riêng Châu Á thôi, gần đây cũng có nhiều chuyến bay đến nước Mỹ. Mỗi người có thể chọn cho mình một hành trình. Mà vé máy bay cũng đắt rẻ tùy lúc, tùy người. Có thể cùng trên một chuyến bay nhưng không phải ai cũng phải trả bằng nhau.
Máy bay trong nội địa nước Mỹ quá nhiều chuyến. Nước Mỹ thật mênh mông và những khoảng cách khá xa. Nếu bay ngang nước Mỹ, liên tục từ Đông sang Tây, không ngừng lại chỗ nào, người ta cũng phải mất trên 5 tiếng, tương đương với chuyến bay từ Việt Nam sang Hàn Quốc hay Nhật Bản. Vì vậy ngành hàng không ở Mỹ thật phát triển. Trước năm 2001, các chuyến bay thật dễ dàng, các phi trường tựa như bến xe đò. Hành khách và người thân có thể tiễn đưa, đón tiếp nhau ở tận cổng máy bay, nên sân bay lúc nào cũng nhộn nhịp, đông người đi lại. Bây giờ, vì vấn đề an ninh, hành khách phải có mặt sớm hơn và chỉ những người có vé máy bay mới được vào bên trong, thành ra sự nhộn nhịp cũng kém đi.
Có lẽ vì ảnh hưởng giá xăng dầu, nên giá vé bây giờ dường như đắt hơn. Chuyến bay chẳng dài lắm, nhưng giá cả cũng xấp xỉ một chuyến từ Việt Nam sang Mỹ. Đó là chưa kể đến, ít khi có những chuyến bay thẳng trực tiếp từ chỗ này đến chỗ kia, có khi phải dừng hai ba chặng, có khi bay ngược lại một nơi nào đó rồi mới quay về. Chính vì thế, một chuyến bay lúc này dường như lâu hơn, vì thời gian chờ ở các phi trường quá dài.
Do bị động như vậy, lại mất thời gian, có những người chọn lái xe hơi vài tiếng thay vì phải đi máy bay, nhưng không phải đa số.
Đường xá nước Mỹ quả là thuận lợi cho việc di chuyển. Đường đi và đường về bao giờ cũng tách biệt nhau, nhất là các xa lộ. Đã lên đường thì cứ đi tới, chẳng có chuyện lùi lại hay đi ngược chiều. Nếu vượt quá nơi muốn đến thì chịu khó đi vòng lại. Cách tổ chức hầu như giống nhau. Các xa lộ luôn ở bên ngoài khu trung tâm, và muốn đến đây thì phải vào Exit để xuống.
Thôi chuyện còn dài, xin viết chút vậy.
Người Việt di cư sang Mỹ thuộc nhiều thành phần, nhiều thế hệ. Có những người ra đi ngay những năm 75, lúc còn trẻ, bây giờ cũng đã lớn tuổi. Có những thế hệ đi sau này, hầu như năm nào cũng có thêm. Một số nơi tập trung đông người Việt, có những nơi rải rác vài ba người, nhưng hầu như nơi nào cũng có.
Riêng về người Công giáo, nơi nào có cộng đoàn thì sinh hoạt tương đối, dĩ nhiên không như ở Việt Nam, nhưng sinh hoạt khá phong phú. Tuy nhiên, mối bận tâm lớn nhất là những người trẻ, sinh ra và lớn lên ở bên này, nên cũng chịu nhiều ảnh hưởng của lối sống tự do. Ưu tư lớn nhất của những người lớn tuổi là đời sống đức tin của con cái. Khó có thể khuyến khích lớp trẻ đi tham dự các cử hành phụng vụ, chỉ được lễ Chúa nhật là khá rồi. Dường như chuyện này không sáng sủa lắm.
Các cộng đoàn hay giáo xứ Việt Nam có hai điểm để nhớ về quê hương là Đức Mẹ La Vang và Các Thánh Tử Đạo. Đây chính là điểm qui chiếu cho đời sống và dường như cũng là nét tự hào. Rất nhiều giáo xứ, cộng đoàn Công giáo Việt Nam mang tên là Đức Mẹ La Vang hay Các Thánh Tử Đạo. Có ai bỏ công nghiên cứu tìm hiểu cũng là điều hay đấy!
Theo thống kê, năm nay số linh mục được truyền chức tại Mỹ là khoảng 600 vị. Con số thật khả quan, thế mà nhiều nơi vẫn thiếu.
Về Dòng Đa Minh, kể từ năm 2009, sau khi chính thức nhận quyền điều hành từ Tỉnh dòng miền Nam, số các anh em Đa Minh Việt Nam hoạt động tại Bắc Mỹ đã gia tăng khá nhiều, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, và nhất là, vẫn chưa xác định được cách thức hiện diện và làm việc. Đã có vài cơ sở, nhưng đời sống vẫn còn nhiều chuyện cần bàn.
Hiện nay, không kể các anh em vốn có của Phụ tỉnh, một số anh em từ Tỉnh dòng Việt Nam đã được gửi sang. Con số này khoảng trên 10 người với 3 thành phần: -- Những anh em được gia đình bảo lãnh và được quyền cư trú, hiện đang học thêm Anh văn, tập làm việc theo môi trường để có thể làm việc lâu dài. -- Loại thứ hai là những anh em được Phụ tỉnh bảo lãnh sang để làm việc trong các môi trường giáo xứ, số này mới bắt đầu, chưa được nhiều. -- Loại thứ ba là số anh em được gửi sang để học và sau này trở về Việt Nam làm việc. Số các anh em này hiện chiếm đông nhất.
Mỗi loại có những khó khăn riêng để hội nhập, nhưng bước đầu bao giờ cũng là sinh ngữ. Vốn liếng tiếng Anh thu thập được từ Việt Nam, tưởng rằng là khá, nhưng thực ra chẳng đi đến đâu. Cứ ngỡ rằng như thế là tạm được, nhưng sang đến nơi, mới nghiệm ra là chẳng thấm tháp gì. Chính khởi đầu này làm chậm lại những bước sau.
Một chuyện riêng của các anh em được gởi đi học là đơn vị đứng ra bảo lãnh, và nhất là, tìm nguồn học bổng. Chưa có ai để tâm nghiên cứu kỹ lưỡng và tìm cách giải quyết, nên vấn đề này vẫn còn lấp lửng vậy, ngay cả với những anh em hiện đang ở đất Mỹ này.
Chuyện khác về con người là việc hội nhập vào môi trường mới. Xã hội văn minh và nhiều điều kiện cho việc học hành, nhưng đồng thời cũng hàm ẩn nhiều nguy cơ mà nếu những con người trong đó không thông minh và kiên quyết thì khó có thể giữ được căn tính của mình.
Nhìn chung, nước Mỹ vẫn là nơi đến cho nhiều người, miễn là biết cố gắng, chăm chỉ và tìm thấy con đường cho mình.
Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, trời nóng như đổ lửa. Đến 5-6 giờ chiều mà không khí vẫn hầm hập. Cộng đoàn Đa Minh ở Houston đang ráo riết chuẩn bị, tập luyện cho những ngày Đại hội của gia đình Đa Minh Bắc Mỹ sẽ diễn ra tại Houston vào dịp lễ kính thánh Tổ phụ 8-8.
Đại hội này có một ý nghĩa lớn. Trước hết, đây là Đại hội mừng kỷ niệm 800 năm Dòng Giảng Thuyết được châu phê. Năm 2016 mới chính thức là ngày kỷ niệm, nhưng các hoạt động sẽ bắt đầu diễn ra từ năm nay. Gia đình Đa Minh Bắc Mỹ là một trong những nơi tiên phong tổ chức mừng biến cố này.
Thêm nữa, Đại hội quy tụ các thành phần thuộc gia đình Đa Minh vùng Bắc Mỹ gồm cả các anh em, các sơ và các anh chị em huynh đoàn. Đúng ra chỉ là gia đình Đa Mình Việt Nam thôi, nhưng không kém phần rộng lớn. Quý cha, quý thầy thuộc Phụ tỉnh thánh Vinh Sơn Liêm, tức là cả Canada và Mỹ đều tập trung về, thêm vào đó là các sơ Đa Minh thuộc Tỉnh dòng Đức Maria Vô Nhiễm Houston, một số cựu tu sinh Đa Minh, và thành phần đặc biệt nhất là anh chị em huynh đoàn giáo dân ở cả bờ Đông lẫn bờ Tây nước Mỹ, và Canada. Con số dự kiến khoảng ba trăm người.
Đại hội này là biến cố đầu tiên, không chỉ của các anh em Đa Minh mà còn của toàn bộ các thành phần nêu trên. Dòng Đa Minh Việt Nam đã hiện diện tại Mỹ, và đặc biệt tại vùng Houston này ngay từ những năm đầu sau biến cố 75, nhưng nay mới có một cuộc quy tụ rộng lớn như vậy. Hy vọng đây là một dịp để nhiều người biết đến Dòng Đa Minh, Dòng Đa Minh Việt Nam, đồng thời cũng là dịp để mọi thành phần, nhất là các anh em, tập làm việc, cộng tác với nhau.
Đơn vị có nhiệm vụ lo việc tổ chức này là Tu xá thánh Đa Minh Houston, cùng với sự cộng tác tích cực của các sơ Đa Minh thuộc Tỉnh dòng Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm và các anh chị em thuộc hai giáo xứ Lộ Đức, La Vang đang do các cha Dòng Đa Minh coi sóc.
Nhân sự tại chỗ không nhiều mà việc chuẩn bị cho một biến cố như thế này có rất nhiều chi tiết: từ chỗ ăn, ở cho các cha về tĩnh tâm, đến chỗ ăn ở cho các đoàn khách, việc đưa đón tại phi trường, rồi trang trí, chương trình học hỏi, nghi lễ, văn nghệ…, rất nhiều việc linh tinh lặt vặt. Những thứ nào có thể, đều được dự liệu sao cho mỗi người đến tham dự cảm thấy yêu mến hơn, hăng hái hơn với đời tu Đa Minh và thực thi sứ vụ của Dòng.
Cho đến lúc này, công việc chuẩn bị cũng tạm xong. Mặc dù nhân sự không nhiều, nhưng ai cũng cảm thấy vui, và sẵn sàng hy sinh. Có anh chị em ban ngày đi làm, tối 7g00 ghé vào nhà thờ lo công tác chuẩn bị, rồi mãi tới 10-11g00 mới về đến nhà. Thế mà vẫn tươi cười. Thật là những hy sinh cao đẹp!
Thêm nữa, ngân sách cho việc tổ chức này không dồi dào lắm, nhưng Ban Tổ Chức cố gắng hết sức, hy vọng mọi người chấp nhận được.
Tuần lễ Đại hội sẽ khởi đầu với ba ngày tĩnh tâm của quí cha thuộc Phụ tỉnh, sau đó, từ ngày thứ Năm sẽ chính thức khai mạc Đại hội và kết thúc vào Thánh lễ sáng thứ Bảy, lễ kính thánh phụ Đa Minh.
Một chút cảm nghiệm, đọc cho vui và để nhớ.
Tháng 8/2015