Cách đây 5 năm, vào năm 2011, sau buổi lễ tạ ơn mừng 20 năm linh mục, bà cố hỏi tôi: thế 5 năm nữa có làm gì không? Tôi trả lời: “Mẹ cứ sống, cứ khỏe, rồi sẽ làm, gì cũng được.”
Câu trả lời ấy chỉ nhằm nói lên ước ao mẹ được khỏe mạnh và sống thọ, và cột mốc 25 năm đời linh mục sẽ trọn vẹn ý nghĩa hơn. Nhưng hôm nay, năm năm sau, không chỉ bà cố đã về chầu Chúa, mà cả cha cố đỡ đầu, rồi ông cố, cũng đã không còn hiện diện trên trần gian. Bà cố từ giã cõi đời ngày 18-03-2015; cha cố Giuse Nguyễn Kim Ngôn, ngày 14-1-2016; và sau đó, ông cố về với Chúa ngày 25-07-2016.
Có thể nói ba nhân vật để lại nhiều dấu ấn nhất trong cuộc đời, và cách riêng đời sống linh mục, đã không có mặt trong dịp đáng ghi nhớ này. Do vậy, mừng kỷ niệm 25 năm linh mục cũng là dịp nhớ đến các vị ấy, là cách nói lời tri ân các ngài.
Hành trình cuộc đời của mỗi người đều có bao nhiêu mối tương quan, bao nhiêu sự liên đới. Chỉ cần nhìn lại một quãng đường đời nào đó, mỗi người đều sẽ thấy bản thân mình giống như tấm lưới được đan bện bởi bao mắt nối, với bao con người. Nhìn vào tấm lưới cuộc đời ấy, rõ ràng những thành công hay thất bại của ta chẳng phải chỉ là chuyện tài năng hoặc đức độ riêng mình; và quan trọng hơn nữa, phẩm tính căn bản của đời mình cũng chẳng phải chỉ là bài toán cân đo đức độ hoặc tài năng, mà chính yếu là bề dầy nghĩa tình mình đã được đón nhận. Trong thế giới tự nhiên cũng thế và trong trật tự ân phúc siêu nhiên cũng vậy. 25 năm đời linh mục giống như câu chuyện tình yêu trong gia đình, điều quan trọng nhất chẳng phải là những thành tích nhiều ít, mà là bề dày nghĩa tình có thêm đậm đà thắm thiết không.
* Năm nay, tôi mừng 25 năm linh mục. So với nhiều người, vào tuổi tôi, mừng ngân khánh linh mục kể là hơi trễ, vì đã U70 rồi. Tuy vậy, so với nhiều người khác, được mừng 25 năm linh mục đã là một hồng ân lớn. Thời ấy, chuyện chịu chức linh mục quả là quá khó khăn, như một ước mơ ngoài tầm với. Rất nhiều người sống đời tu mà chẳng biết ngày mai sẽ ra sao, chẳng biết Chúa dẫn mình đi đâu. Cứ sống như một sự buông trôi mọi toan tính. Tương lai như thế nào, chẳng ai có thể tưởng tượng. Điều ấy có tạm gọi được là phó thác cho Chúa?
Vào thời điểm tháng 05-1975, và một thời gian sau đó, khoảng thời gian tranh tối tranh sáng, nhiều qui định của nhà nước chưa rõ ràng nên đã có những lớp anh em được chịu chức linh mục, kể cả những người chưa hoàn tất chương trình học...
Sau đó, mặc dù rất khó khăn, nhưng các địa phận vẫn có thể có thêm linh mục, mỗi năm một vài người, do các Đức Giám mục đứng đơn, với lý do nhu cầu mục vụ. Phía các dòng tu thì chẳng chút hy vọng nào; một phần vì dòng tu vẫn bị coi là ngoại sổ, vì chẳng có công tác mục vụ; và phần khác, đa số các tu sĩ dòng thường không có hộ khẩu ở thành phố, mà đó lại là điều kiện tiên quyết để có thể được duyệt xét. Các chủng sinh địa phận thì tương lai chỉ là một đốm sáng lập lòe; còn tu sĩ các Dòng thì tương lai quả thật là đen tối.
Chính vì tình trạng “giấy phép chịu chức” như một thứ ân huệ nhỏ giọt, nên đây đó có tiếng đồn là ai muốn chịu chức phải nhờ vả người có thế giá chạy chọt. Có vị đã mạnh miệng nói rằng tình trạng này giống như một hình thức mua chức....
Cũng do tình trạng mỗi năm được vài vị, trong khi danh sách chờ đợi vẫn rất dài, nên người nào được chịu chức là một biến cố rất đặc biệt. Chức linh mục đã cao quý nay càng thêm quý hiếm. Mãi cho đến năm 1990, 5 năm sau thời mở cửa, mới có 1 hoặc 2 linh mục dòng được duyệt chịu chức linh mục, với những lý do rất đặc biệt. Chúng tôi, chỉ là tu sĩ bình thường, chẳng có “thành tích” gì và cũng chẳng có lý do mục vụ cấp thiết nào, nên cũng chẳng chút hy vọng.
Năm nay 2016, khi đọc tin các vị như Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, giám mục Phú Cường, mừng ngân khánh linh mục, tức là chịu chức vào khoảng giữa năm 1991, chúng tôi không khỏi nhớ lại khoảng thời gian “nhiệm mầu” ấy. Khi đó, chúng tôi mới nộp đơn và cũng là nộp để mà nộp chứ chẳng biết thế nào. Chức linh mục là ân huệ cho không của Chúa đã trở nên món hàng quá quí hiếm qua cơ chế xin-cho, khiến chúng tôi chẳng ai dám nghĩ mình có thể được lãnh nhận... Thật là trớ trêu!
Mãi gần đến cuối năm, chúng tôi mới được tin mình có tên trong danh sách lãnh tác vụ linh mục. Khi ấy đã là tháng 12 rồi, các vị có trách nhiệm muốn tổ chức lễ truyền chức sớm, nên chúng tôi chỉ có khoảng 10 ngày chuẩn bị từ khi nhận được tin. Quả là một cuộc chạy đua với thời gian, từ việc quan trọng nhất là tĩnh tâm cho đến việc may áo lễ và các chương trình lễ tạ ơn, tất cả đều lạ lẫm, mà lại phải thật nhanh chóng. Điều an ủi lớn là anh em trong Tỉnh dòng cùng xúm lại để lo cho lễ truyền chức ấy...
Đây là lễ phong chức linh mục cho các tu sĩ đông nhất từ sau năm 1975, gồm 7 người: 2 Đa Minh, 2 Dòng Tên, 1 Don Bosco, 1 Thánh Thể và một chủng sinh triều. Vì là lần đầu tiên, nên từ phía các Dòng, bầu khí thật là phấn khởi, không chỉ cho các cá nhân có tên trong đợt này, mà còn hy vọng mở ra cho tương lai của tập thể.
Với Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam, tôi và anh Giuse Phạm Quang Sáng là hai người đầu tiên được lãnh tác vụ chính thức sau năm 75. Thật ra, phải kể đến một anh em đã lãnh tác vụ trước đó 3 năm (1988) tại giáo phận Xuân Lộc, đó là anh Đa Minh Phạm Ngọc Điển. Anh Điển chịu chức linh mục theo danh nghĩa làm mục vụ do Đức Giám mục Xuân lộc đứng đơn xin. Ở Sài Gòn, Đức Tổng Giám mục Pl. Nguyễn Văn Bình cũng ký tên, nhưng đó là danh sách do các Dòng đề nghị và không phải với lý do mục vụ.
Sau “biến cố” ấy, tưởng rằng chuyện chịu chức linh mục đã được khai thông, thế nhưng sự việc chưa dễ dàng như người ta nghĩ. Mỗi năm vẫn chỉ có vài người, nộp đơn từ đầu năm rồi cứ thấp thỏm chờ, thường là gần cuối năm mới có tin. Sở dĩ sự việc chưa được khai thông là vì việc chịu chức chỉ dành cho những người có hộ khẩu ở thành phố, mà đa số các tu sĩ thường không phải là người Sài Gòn. Mãi đến khoảng năm 2005, anh em có hộ khẩu ngoài thành phố mới có thể chịu chức. Hơn nữa, trước khi nhà nước công bố danh sách những ứng viên đều phải “làm việc” không ít lần. Biết bao nhiêu chuyện bi hài trong câu chuyện linh mục vào thời gian ấy.
* Bên cạnh việc nộp đơn chịu chức và chờ, phải kể đến nỗi ưu tư của các vị có trách nhiệm. Bao nhiêu anh em đã hoàn tất chương trình đào tạo, nhưng vì chưa chịu chức linh mục nên việc gì cũng mang tính tạm thời. Tình hình nhân sự của các nhà dòng giống như cất số “thầy già” trong hàng tồn kho. Rất nhiều nhà dòng rơi vào thế bị động, rất nhiều cá nhân loanh quanh lẩn quẩn với đủ mọi thứ toan tính. Đó là chưa kể đến việc chờ đợi ấy làm thui chột bao nhiêu khả năng và nhiệt huyết. Quãng tuổi sau ba mươi đầy hăng hái và nhiều hoài bão bỗng dưng bị chặn lại chỉ vì cánh cửa linh mục chưa được khai thông.
Một mặt, các dòng tu phải tìm một cơ sở hoạt động mục vụ, các giáo xứ chẳng hạn, để các linh mục “có việc làm”, hoặc có lý do xin cho anh em được chịu chức. Mặt khác, nhiều Dòng, dù không đảm trách công tác mục vụ tại giáo xứ, nhưng cũng rất cần có linh mục để đảm nhận những trách nhiệm trong nhà dòng. Về mặt cá nhân, có những anh em đã chờ quá lâu mà không có lối thoát thì phải tự tìm cách giải quyết, có khi là con đường vượt biên...
Tình thế buộc các nhà dòng phải tự tính chuyện của mình. Chẳng ai bảo ai, bởi vì lúc ấy nỗi sợ “đi cải tạo” vẫn còn nặng nề lắm, và những “bí mật” trong kế hoặc riêng của mỗi dòng tu đều phải theo phương cách càng ít người biết càng đỡ lo bị lộ. Bắt đầu từ những Dòng lớn, nhiều nhân sự và cũng nhiều hoạt động, đã có những anh em âm thầm lãnh tác vụ linh mục và sống như một tu sĩ bình thường.
Thời gian ấy, có khá nhiều tiếng đồn về thầy này vị kia đã chịu chức linh mục, đang đảm nhận công tác này công tác kia trong nhà dòng. Có tiếng đồn thầy này thầy kia đã chịu chức vì có kẻ chính mắt trông thấy đã dâng lễ ở đâu đó... Những tiếng đồn có khi đúng có khi sai, đưa đến nhiều chuyện vui chuyện lạ trong đời sống Giáo hội. Có những thầy già bỗng dưng được người khác chào là cha; có những linh mục luôn phải bận tâm tìm chỗ để dâng lễ mà không ai biết; có những vị phải đi “học tập” vì đã chịu chức chui; có những linh mục chui nhưng bán công khai, miễn là đừng dâng lễ chính thức ở những nơi công khai. Có nhiều vị chưa bao giờ có Thánh lễ tạ ơn cách chính thức như các linh mục hiện nay... Quả thật thời ấy, “câu chuyện linh mục” trở nên vừa bí ẩn, vừa linh thiêng, vừa bi hài... mà có lẽ những anh em trẻ bây giờ khó lòng hiểu được.
Tuy vậy, quãng thời gian đó, có thể gần 20 năm, cũng đã tạo nên một thế hệ linh mục để tiếp nối công việc cho các linh mục đàn anh đã lớn tuổi. Rất nhiều nhà dòng đã có được những bước kế thừa để duy trì và phát triển sự sống của mình nhờ thế hệ các linh mục trong thời gian khó khăn ấy. Có những vị âm thầm chịu chức rồi đi du học như một công dân, để sau này về làm việc; có những vị âm thầm chịu chức để “bám chốt” trong việc đào tạo nội bộ; có những vị chịu chức chui nhưng rồi công khai dần dần để đảm nhận những công việc mục vụ...
Đã có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề chịu chức linh mục trong thời gian ấy. Có những vị lãnh đạo trong nhà dòng chủ trương phải cho anh em chịu chức chui; có vị lại không đồng ý vì nhiều lý do; có những cá nhân tự xoay xở bằng mọi cách để được chịu chức; có những người “để mặc Chúa lo”; có những người, vì được chịu chức chính thức trong thời điểm hiếm hoi ấy, nên mặc nhiên cũng phải đảm nhận những trách vụ chính thức của nhà dòng; và có những vị chịu chức trong thời điểm hiếm hoi ấy, giờ đây đã đảm nhận trách nhiệm giám mục, góp một phần nào đó cho sự sống của Giáo hội Việt Nam; và dĩ nhiên cũng đã có những người bỏ cuộc...
Cho tới nay, những chuyện như thế đã tạm khép lại. Nhưng có lẽ dịp mừng ngân khánh linh mục trong thời điểm này là thời gian thích hợp nhất để nhìn lại. Nhìn lại một giai đoạn lịch sử của Giáo hội Việt Nam, một giai đoạn lịch sử của mỗi dòng tu tại Việt Nam. Có lẽ giai đoạn ấy cũng kể được vào số những thời điểm khó khăn, thời điểm mà người trong cuộc không khỏi thấy nhiều “bát nháo”; và việc nhìn lại ấy chắc chắn cho chúng ta thấy rõ hơn bàn tay Thiên Chúa vẫn giơ lên để che chở, để chúc lành, để tăng sức cho từng bước hành trình của chúng ta.