Trong cuộc đời, mỗi người đều có nhiều cuộc tiếp xúc và gặp gỡ với người khác. Nhưng tiếp xúc hay gặp gỡ cũng có rất nhiều loại, nhiều tính chất và nhiều cấp độ khác nhau.
Có những cuộc tiếp xúc do công việc, việc xong thì đường ai nấy đi. Tôi cần xin giấy tờ, nên tôi gặp người có trách nhiệm; tôi nói chuyện làm sao để vấn đề của tôi được giải quyết tốt đẹp. Cuộc tiếp xúc đó chẳng qua là coi ai đó như một phương tiện, một khâu cần để giải quyết công việc nào đó mà thôi, chứ chưa phải là gặp gỡ một ai khác.
Cũng có những cuộc gặp gỡ xô bồ; khi mà người ta nói với nhau về những công việc chung như trong một buổi họp, những lời nói “đông đổng” chứ chưa hẳn là lời nói với, lời ngỏ với một ai. Bạn có thể sống nhiều năm với một nhóm người mà chẳng biết gì về gia đình họ, về nỗi buồn, về hy vọng, về ưu tư của họ và cũng chẳng có chuyện gì của họ để lại một chút ưu tư nơi mình.
Rồi cũng có rất nhiều cuộc gặp gỡ lạt lẽo, những gặp gỡ thường xuyên hoặc hằng ngày mà vẫn không để lại dấu ấn gì. Bề mặt gặp bề mặt; không ai muốn nói điều trong lòng mình và cũng không ai hiểu được nỗi lòng của ai. Đó là những cuộc gặp gỡ không có ý nghĩa gì và mau chóng rơi vào quên lãng. Bạn có thể nói chuyện hằng giờ mà không hiểu gì về người đối diện.
Đó là chưa kể có những cuộc gặp gỡ mà khi nhớ lại ta lại càng thêm buồn, vì chỉ đưa đến hiểu lầm tai hại mà ta không thể hoặc không muốn đính chính.
Tuy nhiên, có những cuộc gặp gỡ cho ta cảm nếm được niềm vui, để lại một chút vấn vương, một chút ngọt ngào của tình nghĩa. Có những cuộc họp mặt mang một một ý nghĩa “thiêng liêng” mà bất cứ giá nào ta không thể vắng mặt được...
Sau cùng, có những cuộc gặp gỡ chẳng những đem lại ý nghĩa phong phú cho đời sống , mà còn làm thay đổi cuộc đời. Thứ gặp gỡ “cứu độ” này quả thật đụng chạm đến chính vận mạng của con người. Bạn có thể gặp một ai đó và toàn bộ cuộc đời bạn thay đổi.
Ta có thể nói rằng một cuộc gặp gỡ đích thực luôn có một chiều hướng càng ngày càng tăng triển trong tình thân để tiến tới một sự hiệp nhất càng ngày càng sâu đậm hơn. Chiều hướng đích thực của gặp gỡ, cho dù chưa phải là từ một tình trạng xấu sang một tình trạng tốt, nhưng điều quan trọng hơn, đó là một sự gắn bó thân mật và sâu xa, mỗi ngày mỗi hơn.
Tiếc thay cho những ai, trong cuộc đời mình, không có được những cuộc gặp gỡ thân tình, những cuộc gặp gỡ làm phong phú tâm hồn; và bi đát thay cho ai đó, trong suốt cả đời, không có được một cuộc gặp gỡ làm thay đổi hẳn cuộc sống, thứ “gặp gỡ cứu độ”. Bởi vì điều thiết yếu của truyền thống Do thái -- Kitô giáo là đạo cứu độ, nghĩa là nhờ tới ơn phúc của Ai khác, đưa tới kết quả “sống với Ai, vì Ai, cho Ai”; chứ không phải đạo “luân lý” chỉ tập trung vào cách “sống thế nào”, hoặc là sống “ăn ngay ở lành” như một thứ tự hoàn thiện bản thân. Nói rằng cuộc đời mà không có được một lần “gặp gỡ đổi đời” là một cuộc đời bi đát, bởi vì nói cho cùng, đức tin Kitô giáo không là gì khác hơn một cuộc gặp gỡ như vậy.
Điều này giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Giêsu và ông Nathanaen, một cuộc gặp gỡ thăng tiến dần. Nathanaen đã sống với thiên kiến “Nadarét có gì hay đâu”. Nhưng rồi ông “đến mà xem”, rồi nhận ra Đức Giêsu đã “gặp gỡ” ông trước cả khi ông đến với Người; và dĩ nhiên cuộc gặp gỡ ấy không phải là thứ gặp gỡ qua đường, không phải là thứ gặp gỡ lạt lẽo... vì Chúa tỏ cho ông thấy Người biết cả điều riêng tư nhất của ông: “khi anh ngồi dưới cây vả”. Nathanaen đã đi từ chỗ ngạc nhiên về Đức Giêsu, đến chỗ gặp gỡ Đức Giêsu và tin vào Người. Cuộc gặp gỡ ấy là một bước ngoặt, là một cuộc đổi đời của Nathanaen, vì nhờ đó, ông khám phá ra chính mình, ông có được cái nhìn về điều mà ông nghĩ rằng mình có thể trở thành. Ông sẽ trở thành môn đệ Đức Giêsu và được hứa sẽ còn có một sự gặp gỡ sâu xa hơn nữa, khi ông được thấy các thiên thần lên lên xuống xuống trên Con Người.
-- Cuộc tiếp xúc của ông cố Giuse Phạm Văn Tráng với dòng Đa Minh, theo lời kể của cha Giuse Sáng, đúng là một cuộc gặp gỡ chân thực vì cuộc gặp gỡ ấy đã làm thay đổi rất nhiều trong đời ông. Ông cố đã được sinh ra và lớn lên trong bầu khí một giáo xứ Dòng. Ông đã trưởng thành và cộng tác vào việc nhà Chúa trong giáo xứ Lạc Lâm. Bao nhiêu năm sống ở giáo xứ Lạc Lâm là bấy nhiêu năm nghĩa tình với quý cha đến phục vụ tại giáo xứ này. Nghĩa tình ấy được bền chặt qua những chuyện rất đời thường như đi câu cá với cha cố Thao, hay qua những sinh hoạt của giáo xứ, đặc biệt là việc xây dựng chặng đàng Thánh Giá trên núi Lạc Lâm, trong đó chặng thứ 12 là tượng Chúa chịu nạn, có thánh Đa Minh quỳ ôm chân thánh giá. Khu vực này đã được chỉnh trang và được mang tên rất đẹp là “Đỉnh đồi yêu thương”.
Vậy đấy, những cuộc gặp gỡ như thế làm tăng thêm lòng mộ đạo nơi một con người gốc làng Kẻ Sặt, vốn được thấm nhuần sâu xa lòng yêu mến Thiên Chúa cũng như yêu mến những người dấn thân phục vụ Thiên Chúa và Hội thánh. Những cuộc gặp gỡ ấy còn làm tăng thêm lòng quý mến với đời tu Đa Minh đã từng bước biểu lộ qua chuyện mê thích áo Dòng: trông vừa đẹp, vừa thánh thiện siêu thoát. Chẳng vậy mà có lúc, ông cố đã tìm tòi may sẵn một bộ áo Dòng để đến khi người con mình có tên vào tập viện thì đã có bộ áo để mặc và chụp hình với mình.
-- Cuộc gặp gỡ ấy còn thúc đẩy ông cố sẵn sàng hy sinh nhiều thứ: lúc thì giúp của, lúc thì đến ở luôn tại nhà Dòng để làm những việc tạm gọi là “lặt vặt” mà người đi tu không quen làm, như đóng cái bàn, sửa cái ghế... Nhưng sự hy sinh cao cả nhất phải nói đến là vui lòng dâng hiến những người con của mình trong đời tu, nhất là đời tu Đa Minh. Nhìn vào cuộc đời của hai ông bà cố, tối ngày hai ông bà loanh quanh với nhau, đang khi có tới 4 người con trong số 6 người đang theo đuổi ơn gọi tu trì, đang phục vụ Hội thánh Chúa ở nơi nào đấy. Quên đi bản thân mình, kể cả trong cảnh cô đơn bệnh tật, quả là một hy sinh quá lớn, thật quý giá!
Những kỷ niệm tốt đẹp với đời tu, nhất là đời tu Đa Minh dường như ngày càng sâu đậm hơn. Trên 10 năm trời không nhìn thấy ánh sáng, -- một điều vốn thường xảy ra nơi dân làng Sặt, vẫn luôn là một tâm tình lạc quan và yêu mến. Thời gian còn tương đối khỏe, bà cố còn dẫn ông cố đến nhà thờ tham dự kinh nguyện Thánh lễ với mọi người.
Những yếu đau thể lý, kể cả việc không nhìn thấy ánh sáng cuộc đời, cũng không thể làm vơi đi tấm lòng chân thành và yêu mến của một người vốn có lòng đạo hạnh và đã từng có ý định theo đuổi đời tu. Vâng, ở đây, người ta lại thấy một nét đặc trưng nữa của một người gốc làng Sặt. Sự đạo hạnh ấy hẳn là có thế giá, nên đã có những người đến xin ông cố Giuse khấn thánh Vinh Sơn cho mình.
Đúng thế, lòng tin ấy luôn vững bền, ngay cả trong những năm tháng khó khăn, khi mà cuộc sống xã hội dường như bị thu hẹp lại, phải từ bỏ việc kinh doanh, chuyển chỗ ở. Tất cả những điều ấy không làm suy giảm lòng tin vào Thiên Chúa, gắn bó chân thành với Người, và nhất là, chẳng phàn nàn gì về đời sống, về bệnh tật của mình, mà chỉ luôn cầu nguyện, bày tỏ một tâm tình hoàn toàn quy hướng về Thiên Chúa.
Như thế đó, cũng như xưa kia Anrê đã đưa Nathanaen đến với Đức Giêsu, và Đức Giêsu sau này sẽ lại đưa Nathanen đến với Chúa Cha, thì ông cố Giuse Tráng đã đi vào cuộc gặp gỡ với dòng Đa Minh, rồi với Chúa, và ngày hôm nay, chính Giáo hội, chính Dòng, và chính Đức Giêsu sẽ đưa ông vào cuộc hội ngộ lớn nhất của cuộc đời ông trên thiên quốc. Bây giờ, ông được hưởng điều ông hằng mong ước như được ghi trên thiệp tang:
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi
Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.
(Tv 61,2)
Thưa anh chị em,
Cuộc gặp gỡ với đời tu Đa Minh của ông cố Giuse Phạm Văn Tráng đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp cho chính ông cố và cho rất nhiều người trong chúng ta. Lòng quý mến đời tu Đa Minh bắt nguồn từ một tấm lòng đạo hạnh tin tưởng vào Chúa, một truyền thống sâu xa của dân làng Sặt. Hôm nay, trong lễ tang tiễn đưa ông cố Giuse, chúng ta có thể dùng lại câu nói của Đức Giêsu về ông Nathanaen mà nói về ông cố rằng: Đây đích thật là một người làng Sặt, đầy tinh thần đạo đức và tin tưởng!