Hôm nào nhận được giấy mời từ chị đại diện Đan viện Đa Minh Ngũ Phúc nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Đan viện, với tư cách là một người đã đồng hành trong quá trình hình thành Đan viện. Tôi nghĩ là mình sẽ cố gắng tham dự và sẽ chia sẻ những gì còn nhớ. Bài viết dưới đây dựa theo trí nhớ, có lẽ vài điều không được chính xác lắm.
Tỉnh hội 1999 đã thành lập một ủy ban đặc trách về Đan viện và ủy nhiệm cho Giám tỉnh cùng với ủy ban này cố gắng thu xếp để hình thành nữ Đan viện Đa Minh. Ủy nhiệm này là kết tinh một thao thức đã âm ỷ từ lâu kể từ ngày thành lập Tỉnh dòng. Quả vậy, từ năm 1967, khi Tỉnh dòng Đa Minh được thành lập tại Việt Nam, đã có nhiều cố gắng và chuẩn bị từ nhiều phía với ước mong nếp sống Đan tu Đa Minh có thể hiện diện tại Việt Nam. Có lẽ các vị có trách nhiệm thời ấy đã nhận ra rằng, Dòng đã được hình thành với các anh em dòng nhất, rồi con số các nữ tu sống chung và các anh chị em huynh đoàn rất đông đảo và phong phú, cần phải có các chị em đan sĩ thì mới trọn vẹn, đầy đủ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do và vì hoàn cảnh, ước mơ ấy chưa thành hiện thực.
Đến Tỉnh hội 1999, tình hình chưa phải là sáng sủa lắm, nhưng đã thuận lợi hơn nhiều, nên đã đến lúc phải thực hiện thao thức của các vị tiền bối.
Tôi không nhớ rõ là bao lâu sau Tỉnh hội, nhưng rất sớm, chuyện đầu tiên của những người được trao trách nhiệm này là Giám tỉnh, cha nguyên Giám tỉnh Giuse Đinh Châu Trân và Cha Tôma Thiện Cẩm đã bàn thảo để tìm vị trí cho Đan viện tương lai. Khu đất Hiền Đức (Long Thành) có sẵn đã được đề cập tới, nhưng lại quá xa và không có Tu viện Đa Minh nào bên cạnh, nên không được chọn. Lúc ấy, Cha Antôn M. Zacharia Phan Tự Cường là Bề trên Tu viện Martinô Hố Nai, nhờ quen biết với một số người, nên đã được giới thiệu khu đất ở Ngũ Phúc. Chúng tôi đã đến xem khu đất và thấy phong cảnh thơ mộng, lại gần Tu viện nên đồng ý chọn. Khi ấy, khu đất thuộc nhiều chủ khác nhau, nhưng có hy vọng sẽ hợp thức hóa được nên Tu viện Martinô đã sẵn lòng bỏ tiền ra mua.
Đang khi chờ đợi để hình thành và hợp thức hóa thủ tục giấy tờ về đất cát, thì nếp sống Đan viện phải được bắt đầu ngay. Một vài chị em từ các dòng nữ Đa Minh hoạt động đã có mơ ước sống đời Đan tu, nay nghe nói có chương trình lập Đan viện nên mau mắn tham gia ngay. Các chị đã tiếp xúc với một Đan viện nữ Đa Minh ở Farmington Hills (Michigan) và được Đan viện này hỗ trợ trong việc đào tạo.
Ban đầu, các chị em cùng với một số em tìm hiểu được quy tụ về sống tại Lạc Quang (Hóc Môn), căn nhà trước đây của anh em.
Thời gian này mới chỉ là phôi thai, các chị em sống với nhau với mục đích để học hỏi kinh nghiệm và nuôi dưỡng nếp sống.
Cuộc sống tại căn nhà này tuy không thuận lợi lắm nhưng cũng là dấu ấn khởi đầu cho quá trình hình thành. Chỉ ít lâu sau, đại diện của Đan viện Farmington Hills (Michigan) cùng với cha đặc trách đan sĩ của dòng (Manuel Merten) đã đến Việt Nam viếng thăm và làm một bản ghi nhớ cho cho việc thành lập Đan viện (có lẽ các chị cũng như văn phòng Tỉnh dòng còn giữ được bản văn này).
Sau đấy, những lần đi qua lại Ngũ Phúc, được biết anh chị Huyền sẵn sàng nhường lại căn nhà hiện có, rất gần với mảnh đất dự kiến thành lập Đan viện, các chị em cảm thấy phù hợp nên đã tậu căn nhà này, với hy vọng một ngày nào đó sẽ được định cư tại mảnh đất dành cho Đan viện.
Cuộc sống của các chị tại Ngũ Phúc dần dần ổn định. Hằng ngày, quý cha bên Tu viện Martinô sang dâng lễ, cử hành bí tích cho chị em. Một số các chị em được gửi sang Đan viện Mẹ Farmington Hills (Michigan) để đào tạo nay đã trở về đem lại nhiều sức sống cho Đan viện. Cơ sở cũng được nới rộng, sửa sang nhiều để chị em có nơi sinh hoạt riêng biệt theo tinh thần Đan viện, đồng thời cũng có nơi để cầu nguyện và cử hành phụng vụ.
Trong thời gian hình thành, điều bận tâm nhất là nếp sống cộng đoàn. Một số các chị lớn đã theo đuổi đời tu Đa Minh khá lâu tại các Hội dòng và đã có nhiều kinh nghiệm về nếp sống cộng đoàn. Tuy nhiên, khi vào Đan viện sống với nhau thường xuyên trong một không gian cố định, thì điều này phải được quan tâm, đặt lên hàng đầu. Nếu nếp sống cộng đoàn không ổn định, đời Đan tu khó có thể tồn tại được. Sống với nhau để đem lại niềm vui, để ca tụng Chúa mà không cảm thấy hạnh phúc thì chắc chắn là sẽ tan vỡ. Tạ ơn Chúa vì cho đến hôm nay, Đan viện vẫn phát triển, thì trộm nghĩ rằng nếp sống cộng đoàn vẫn ổn định.
Một điều khác không kém băn khoăn là vấn đề kinh tế. Cho đến hôm nay, các chị đã cố gắng, đã trải qua nhiều công việc khác nhau, tuy không thành công, nhưng vấn đề kinh tế vẫn chưa đến nỗi nào.
Thêm vào nữa, một tín hiệu lạc quan là vẫn có ơn gọi. Không kể con số các chị em được chuyển sang từ các Hội dòng nữ Đa Minh thì vẫn có những em trẻ đến tìm hiểu, vào tập viện và tuyên khấn. Có ơn gọi là có tương lai.
Mười năm chẳng là gì so với một tập thể, càng chẳng là gì so với nếp sống như Đan viện. Tuy nhiên, thời gian khởi đầu vẫn là khoảng thời gian thật quý giá, đáng trân trọng. Những bước chân chập chững ban đầu của một đứa trẻ vẫn là hình ảnh rất đẹp, vẫn là điều cần phải có trước khi có những bước đi vững vàng.
Với những gì đang có trong hiện tại, thiết tưởng có quyền mơ ước hy vọng cho tương lai. Ước mong các chị sẽ có một cơ sở khang trang hơn, một chỗ ở xứng hợp với ơn gọi và sứ vụ của đời Đan tu. Ước mong các thành phần trong gia đình Đa Minh sẽ biết đến và trợ giúp cho ơn gọi này, ước mong nếp sống này sẽ góp phần tích cực trong việc thực thi sứ vụ “loan truyền Lời Chúa” trên quê hương dấu yêu.