Trong cuộc gặp gỡ trước1, chúng ta đã nhìn về tương lai, hướng tới năm 2016, kỷ niệm 800 năm Dòng Anh Em Giảng Thuyết được châu phê. Vào thời điểm chính thức diễn ra biến cố này, các anh em đang hiện diện ở đây đều đã chịu chức linh mục hay đã hoàn tất chương trình đào tạo sơ khởi, bắt đầu tham gia trực tiếp vào sứ vụ của Dòng.
Lần này, tôi vẫn mong chúng ta nhìn về biến cố trọng đại ấy để có thể chuẩn bị cách cụ thể và hiệu quả cho sứ vụ tương lai.
1) Tâm lý chung của anh em khi được hỏi tới: sẽ làm gì khi ra trường, đều là tùy thuộc vào các Bề trên. Các vị hữu trách có bổn phận sắp xếp công việc tương lai cho mỗi anh em cách thích hợp và hữu hiệu.
Suy nghĩ này có nét tích cực là thể hiện lòng tuân phục của mỗi cá nhân. Mỗi anh em dường như sẵn sàng để đảm nhận bất cứ công việc nào mà các vị hữu trách giao phó.
Suy nghĩ này cũng phát xuất từ mong muốn rằng Tỉnh dòng có một cái nhìn tổng thể về nguồn nhân lực của mình. Các vị có trách nhiệm sẽ tùy theo số anh em ra trường và sắp xếp cho phù hợp với những công việc đã có, cũng như mở ra các sinh hoạt mới. Các anh em trẻ dường như không hiểu rõ các nhu cầu của Tỉnh dòng nên để tùy cho các vị hữu trách thu xếp.
2) Dầu vậy, suy nghĩ này cũng hàm ẩn những nét tiêu cực:
-- Trước hết, để tùy cho các vị hữu trách sắp xếp cũng đồng nghĩa với việc không cần chuẩn bị gì trước. Thông thường, các quyết định bổ nhiệm chỉ được công bố vào khoảng thời gian ngắn trước khi kết thúc giai đoạn đào tạo. Từ thời điểm hiện tại cho đến lúc ấy, anh em chưa biết rõ mình có công tác cụ thể nào, và vì thế, cũng chẳng mong ước mai sau mình sẽ làm gì. Khi nào đến việc, sẽ hay. Chính vì vậy, anh em không chú tâm lắm vào việc chuẩn bị riêng những điều cần thiết cho sứ vụ, và điều đáng lo hơn nữa là cũng không muốn lựa chọn một hoạt động nào mà mình cảm thấy có khả năng, hoặc học hỏi một lãnh vực mình chưa biết.
-- Suy nghĩ này còn tạo nên một tâm lý sống cho qua ngày, đến đâu hay đến đó, khi nào Bề trên có quyết định cụ thể rồi sẽ hay, hiện tại không cần suy nghĩ gì nhiều. Cuộc sống như thế dường như không có đích đến, và xảy ra tình trạng mà nhiều người gọi là không có lửa.
-- Thêm nữa, vì không có đích đến nên cũng không có gì gọi là sáng tạo và cố gắng. Cứ sống với những gì đã quy định, đã có sẵn, rồi bớt được điều nào hay điều ấy, càng nhiều càng tốt.
Thưa anh em,
Sứ vụ giảng thuyết thật cao cả và lớn lao. Không thể thi hành sứ vụ này cách tốt đẹp nếu không có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Hơn nữa, đây là sứ vụ chứ không phải nghề nghiệp, là sứ vụ cả đời chứ không chỉ trong một thời gian. Nếu không ý thức sâu xa điều căn bản này và không được đào luyện kỹ càng, người ta khó có thể đi đến cuối đường.
Chúng ta sẽ trao gửi điều gì trong sứ vụ giảng thuyết của chúng ta? Thông thường, chúng ta nghĩ đến một số công việc hay một vài bài giảng. Nếu như thế, chúng ta không khác gì so với những linh mục, những tu sĩ khác. Chúng ta là những tu sĩ giảng thuyết cơ mà! Cha Timothy Radcliffe OP viết: Chúng ta được kêu gọi để làm chứng cho một thứ tự do khác, sâu sắc hơn, nó hệ tại việc giải phóng chúng ta, như Đức Kitô: Đây là Mình Thầy... Chúng ta tự do để được sai đi2.
Đức Kitô đầy thương tích và phục sinh đã mở cửa nỗi sợ của các Tông đồ và sai các ông đi, tự do, sống cái họ phải sống. Chúng ta được sai đi để làm chứng cho thứ tự do mà tất cả chúng ta tìm kiếm. Chúng ta được mời gọi thể hiện sự tự do và khả năng quyết định điều gì tốt. Thiên Chúa tin vào khả năng chọn lựa làm điều tốt của chúng ta. “Tôi được phép làm mọi sự”, nhưng không phải mọi sự đều có ích. (1Cr 6, 12) Nhưng tôi sẽ không để sự gì làm chủ được tôi” (1Cr 10, 23). “Được phép làm mọi sự”, nhưng không phải mọi sự đều có tính cách xây dựng” (1Cr 10,23).
Đúng vậy, chúng ta được mời gọi để công bố một thứ tự do mà mỗi người đã cảm nghiệm, đã sống, đó là niềm vui được Đức Kitô giải thoát và sai đi. Chúng ta được sai đi thi hành sứ vụ giảng thuyết trong tinh thần trách nhiệm và nhiệt thành. Chỉ những người trưởng thành mới có thể thực thi sứ vụ cách tốt đẹp.
Xin trích lại một suy nghĩ hiện tại về điều này: Trưởng thành là việc bạn suy nghĩ thế nào, không phải chỉ là kết quả của những gì bạn làm. Bạn đã được cha mẹ nuôi dạy, và sau đó bạn muốn đi tiếp con đường như thế nào, bạn sẽ chịu trách nhiệm gì với bản thân, đó mới là trưởng thành. Trưởng thành là việc bạn tự chủ và cân nhắc mọi việc, không cho tình cảm vượt quá sự kiểm soát của mình3 .
Trong giảng thuyết, đề nghị lưu ý bốn điểm:
Những điều này không thể có ngay được. Kỹ thuật phải tập luyện mới quen.
Nhìn về sứ mệnh hay vai trò của Tỉnh dòng, có thể nêu lên những hoạt động chính mà chúng ta có thể đảm nhận.
-- Hoạt động trí thức (tạm gọi như thế): hoạt động này không bao giờ dư thừa, nếu như chúng ta có khả năng cùng với lòng say mê.
-- Công tác tại những cơ sở hiện có: mỗi đơn vị của chúng ta phải là một đơn vị Tông đồ. Có rất nhiều hoạt động tại các đơn vị này chưa được đầu tư đúng mức và xứng tầm, vẫn luôn cần có những hoạt động mới hơn, sâu sắc hơn.
-- Những địa điểm mới của sứ vụ truyền giáo: Có nhiều lời mời từ các vị hữu trách, tuy nhiên vẫn không có nhân sự để đáp ứng.
Trong tất cả, điều cần nhất là lòng nhiệt thành và khả năng. Những điều này không ai đem lại cho chúng ta, ngoại trừ chính mình.
Thưa anh em,
Truyền thống sống động 800 năm giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi và đổ tràn trên chúng ta lòng nhiệt thành và can đảm để tiếp tục truyền thống này.
Thật là diễm phúc được sống trong thời điểm hồng ân và đặc biệt như thế. Chúng ta không nhìn vào biến cố này như một người ngoài cuộc, nhưng như một người làm cho biến cố ấy được tròn đầy và đạt được ý nghĩa cao cả của nó.
Cách đây 800 năm, thánh Đa Minh đã quy tụ anh em và sai họ đi với sứ mệnh cao cả là công bố Tin Mừng cứu độ cho nhiều người. Đó là lý tưởng của Dòng.
Mừng kỷ niệm ngày Dòng được châu phê tức là lãnh nhận lại ước mơ của thánh Đa Minh và các anh em tiên khởi. Chính vì điều này mà chúng ta có mặt ở đây. Liệu chúng ta có sẵn sàng để được sai đi?
Mà được sai đi có nghĩa là làm chứng về một Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết và ban cho chúng ta sức mạnh (Mc 16,17). Chúng ta được mời gọi gặp gỡ Đức Kitô trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có mời Người đi vào cuộc sống thâm sâu của chúng ta (suy niệm và cầu nguyện), trong những chia sẻ của cộng đoàn, trong suy tư cũng như trong những dấn thân của chúng ta không?
Ra đi để phục vụ sự sống, đem lại niềm vui, giúp ra khỏi sợ hãi và gian dối, và như thế là chiến đấu để đẩy lùi sự chết. Ra đi, đó là kinh nghiệm về sứ vụ và là đoàn sủng Đa Minh của chúng ta. Ra đi, mặc cho sợ hãi, khoảng cách tội lỗi, quá khứ đang đè nặng. Ra đi với cả những yếu đuối và buồn phiền của mình.
Nói theo Đức Giáo hoàng Phanxicô, chúng ta ra đi với một tư cách đặc biệt, một sứ vụ lớn lao: tu sĩ đi theo Chúa một cách đặc biệt, mang tính ngôn sứ. Đó là chứng tá mà tôi mong đợi nơi anh em. Các tu sĩ phải là những người có thể đánh thức thế giới”.
Đức Thánh Cha nói tiếp: Hãy đánh thức thế giới! Hãy trở nên chứng nhân của một cách làm việc khác, cách hành động khác, cách sống khác! Có thể sống khác đi trong thế giới này.
Vâng thưa anh em,
Học viện là giai đoạn chuẩn bị cho việc ra đi, cho sứ vụ giảng thuyết. Đây cũng là khoảng thời gian để tìm được niềm vui, niềm vui đích thực trong việc gặp gỡ Thiên Chúa, sống với anh em và chuyên chăm học hỏi. Đức Giáo hoàng mời gọi các Kitô hữu phải có được niềm vui khi giảng thuyết, bởi vì loan báo là hệ quả của niềm vui. Chúng ta không thể nào trở thành những nhà giảng thuyết đích thực nếu không có được niềm vui Tin Mừng.
Trong tinh thần này, chúng ta nhớ lại những lời của Đức Thánh Cha. Trong bài giảng vào chiều ngày 31/12/2013 tại Rôma, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy xét xem mình đã sử dụng thế nào thời gian Chúa ban: “Phải chăng chúng ta đã dùng thời gian đó chủ yếu cho bản thân, cho tư lợi hay cũng sử dụng nó cho tha nhân, cho Thiên Chúa? Bao nhiêu thời gian chúng ta đã dành để ‘ở với Chúa’, trong kinh nguyện, trong thinh lặng?”
Dựa theo bài giảng của Đức Giáo hoàng Phanxicô nhân ngày đầu Năm Mới, Đức Tổng Giám mục Hà Nội diễn giải: Dù ở môi trường gia đình hay môi trường gia đình lớn là Đại chủng viện, cần luôn biết áp dụng “ba chìa khóa mà thời đại ngày nay thường lãng quên là tập xin phép, tập cám ơn và tập xin lỗi”. Ngài nhấn mạnh: “Hãy thực tập bằng cả trái tim, nếu mỗi chúng ta tuân thủ nó thì sẽ trở nên người trưởng thành về nhân bản. Một người con, một người chủng sinh… nếu biết phép tắc, biết nhìn nhận, biết khiêm tốn sửa lỗi, thì gia đình, chủng viện sẽ được bình an và hạnh phúc”.
Ước mong niềm vui Tin Mừng, niềm vui giảng thuyết, niềm vui của dịp kỷ niệm 800 năm Dòng được châu phê thấm nhuần tinh thần và con người mỗi anh em chúng ta, để ngay từ bây giờ, cuộc sống và việc học hành của chúng ta đã tràn đầy niềm vui.