Anh Hoàng Dũng mời tôi chia sẻ với anh em Tu viện Mai Khôi nhân tuần tĩnh tâm năm của Tu viện với chủ đích nhìn lại quá trình hợp nhất giữa Phụ tỉnh Lyon lúc ấy và Tỉnh dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đó là trên danh nghĩa, và thực tế chỉ là giữa Tu viện Mai Khôi với Tỉnh dòng Việt Nam. Tôi được mời chia sẻ với tư cách là một người thi hành quyết định này từ khởi đầu cho đến hôm nay (sắp sửa sang đến Tỉnh hội thứ 3), quãng thời gian ấy là hơn 10 năm -- chính xác là 11 năm. Tất nhiên, cái nhìn của tôi mang tính chủ quan, và chỉ nhìn từ một góc độ, trong khi đây là một tiến trình (đã được đề cập trong chuyến viếng thăm của BTTQ Timothy Radcliffe tại VN vào cuối năm 1997) với nhiều nét khác nhau. Hy vọng qua phần trao đổi chúng ta sẽ có cái nhìn tổng quát hơn. Các vị thời ấy vẫn còn đây -- hầu như nguyên vẹn.
Tôi về lại Việt Nam sau vài năm đi học, vào lúc mà việc chuẩn bị Tỉnh hội 1999 mới khởi đầu. Đi vắng một thời gian, trở lại quê nhà, tôi đang làm quen với cách sống và suy nghĩ của người Việt, và trong thâm tâm vẫn nghĩ rằng phải làm một công việc gì đó trong Tỉnh dòng -- như một chuyện tất nhiên, vì tôi là người đầu tiên của Tỉnh dòng được gửi đi học ở ngoại quốc sau 1975 và trở về. Tôi không nghĩ mình sẽ có vai trò quyết định trong giai đoạn này, cũng còn tương đối trẻ và không có gì đặc sắc lắm. Nhưng anh em muốn khác và muốn đặt tôi vào vai trò điều hành Tỉnh dòng. Tôi ngần ngại vì thấy chuyện khó quá mà khả năng không nhiều. Nhưng anh em muốn vậy và tôi phải chấp nhận.
Tỉnh hội 1999 diễn ra lúc mà trong toàn Dòng đang diễn ra một xu hướng chung là tái cấu trúc để sứ vụ đạt được hiệu quả nhiều hơn. Tỉnh dòng Paris với Tỉnh dòng Lyon đã cấu trúc lại thành một đơn vị (7-7-1997) và như vậy việc hợp nhất giữa Phụ tỉnh Lyon tại Việt Nam với Tỉnh dòng Việt Nam như một chuyện tất nhiên. Là chuyện tất nhiên vì cả hai đều là người Việt Nam và cùng thuộc Dòng Đa Minh. Coi như không có vấn đề nhiều lắm vì Bề trên Tổng quyền là một, Hiến Pháp là một,… Dầu vậy vẫn có những vấn đề được đặt ra:
-- Tỉnh dòng Việt Nam đông đảo hơn về nhân sự và cơ sở trong khi nhân sự Tu viện Mai Khôi lúc đấy chỉ chừng 1/10 của Tỉnh dòng. Cha Đỗ Xuân Quế viết: “Ngày hợp nhất, Mai Khôi có 4 tập sinh, 10 sinh viên, 1 trợ sĩ, 5 linh mục và mấy thỉnh sinh (xem Đến mà nghe tôi kể, trang 314). Phải chăng việc hợp nhất như thế là một sự hoà tan, biến mất của một thực thể?
-- Cùng là người Việt Nam, cùng là Dòng Đa Minh nhưng thuộc về hai truyền thống khác: một bên là Tỉnh dòng Mân Côi thuộc các vị truyền giáo Tây Ban Nha với tính đạo đức bình dân và mục vụ, một bên là các vị thừa sai gốc Pháp thiên về học hành và giảng dạy. Các anh em Tây Ban Nha truyền giáo ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, và có nhiều ảnh hưởng trên giới bình dân; anh em thuộc tỉnh Lyon truyền giáo ở vùng miền núi thuộc tỉnh Lạng Sơn và một phần hướng về sinh hoạt trí thức.
-- Nhớ lại phút ấy -- x. báo CGDT số 1210, tr 10-11, tuần lễ từ 4-10 tháng sáu/1999 -- Thiện Cẩm.
“Phải nói là kỷ nguyên mới vì từ sau ngày 22 tháng 05 năm 1999, Mai Khôi không còn thuộc Tỉnh dòng Pháp nữa. Chiều ngày 23 tháng 05 năm 1999, một phái đoàn đang tham dự Tỉnh hội Tỉnh dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam mang Văn thư chấp thuận hợp nhất của cha Bề trên Cả sang cho Mai Khôi. Tu viện Mai Khôi có mặt đông đủ (trừ cha Lịch) đã bình tĩnh đón nhận quyết định này. Từ nay Mai Khôi bước sang một kỷ nguyên mới” (xem Đến mà nghe tôi kể, trang 314).
-- Một cơ hội để hoà nhập: Ngay sau biến cố hợp nhất, việc cần làm là sắp xếp lại Học viện. Nhà Gò Vấp đang trong thời gian tu sửa nên không đủ chỗ cho toàn thể các anh em sinh viên. Vì vậy, các anh em lớp thần học được chuyển sang Tu viện Mai Khôi để theo học tại Học viện Liên Dòng. Các anh em triết học ở lại Gò Vấp. “Đang từ chỗ là một Tu viện hoạt động Tông đồ nay trở nên một học viện nhỏ, Mai Khôi phải sắp xếp lại chỗ ở và điều chỉnh sinh hoạt cho thích hợp. Tình trạng này chỉ kéo dài mấy năm, đang khi chờ đợi xây học viện mới ở Gò Vấp” (xem Đến mà nghe tôi kể, trang 316). Ít lâu sau, “cha Trân được bầu làm Tu viện trưởng Mai Khôi liên tiếp 3 khoá, cùng với cha Trân về Mai Khôi có thêm 2 cha Vũ và Mão (cha Viễn)… Từ năm 2005 có thêm cha Hợp bỏ hẳn Rôma về sinh sống trong Tu viện này. Ở đây, có vấn đề tuổi tác và lỗ hổng thế hệ kế thừa, cũng như sự không đồng đều về huấn luyện. Thành ra khó tránh khỏi tình trạng mà ngày nay người ta gọi là sự khác biệt và tranh chấp giữa các thế hệ. Người trẻ không nghĩ và sống như người già và ngược lại. Bởi vậy, nếu không để ý và tương nhượng thì thế nào cũng xảy ra xung khắc và va chạm” (x. Đến mà nghe tôi kể, trang 315-317).
Thêm vào đó, một đề nghị vẫn được duy trì là “không thuyên chuyển đi nơi khác các vị xưa nay vẫn ở Mai Khôi”. Thật ra, đây chỉ là một đề nghị mang tính tình cảm, chứ không có tính pháp lý. Một anh em đã tuyên khấn thì có thể được bổ nhiệm đến bất cứ nơi đâu với tư cách là tu sĩ (Văn thư bổ nhiệm gọi là bổ nhiệm đơn thuần) và không có bất kỳ điều kiện nào kèm theo. “Trước đó, trong một buổi họp giữa cha Trân, Giám tỉnh Tỉnh dòng Việt Nam và cha Lintanf, Giám tỉnh Tỉnh dòng Lyon, hai bên đã đồng ý với nhau là để cho Mai Khôi có một quy chế riêng sau khi hợp nhất, nghĩa là Mai Khôi vẫn giữ và theo đuổi bản sắc riêng của mình là thiên về hoạt động trí thức trong môi trường sinh viên và đại học” (x. Đến mà nghe tôi kể, trang 314). Tôi không biết có văn bản thoả thuận nào về vấn đề này không, hay chỉ là trao đổi bằng miệng. Một Tu viện mà có quy chế riêng, thì hóa ra lại trở thành Phụ tỉnh. Hơn nữa, quy chế riêng để bảo vệ bản sắc hoạt động trí thức của Tu viện là thừa. Bởi lẽ, Hiến pháp nhấn mạnh sứ vụ trí thức là sứ vụ của chính mỗi anh em, của mọi cấp độ quản trị Tu viện, Tỉnh dòng và toàn Dòng. Nên không chỉ Tu viện này mà mọi Tu viện phải chú tâm đến hoạt động trí thức.
Trong Tỉnh hội 1999 này, một số vị thuộc Tu viện Mai Khôi được bầu giữ các chức vụ quan trọng trong Tỉnh dòng, cũng như một số vị vào trong Ban Cố vấn Tỉnh dòng.
-- Đón nhận những người anh em: Cùng một Dòng, một hiến pháp, một Bề trên Tổng quyền. Trên danh nghĩa vẫn là anh em, nhưng từ ngày hợp nhất, ý nghĩa này mang tính sâu đậm hơn. Tôi nhớ lời cha Thiện Cẩm trong dịp đám tang của Ông Cố, khi nhìn thấy rất đông anh em đến tham dự Thánh lễ: “Tôi là người đầu tiên được hưởng lợi từ biến cố này”.
Tuy nhiên đón nhận anh em cũng là đón nhận những con người với những suy nghĩ, những cách thức sống và loan báo Tin Mừng. Đón nhận người anh em cũng có nghĩa là chấp nhận những khác biệt và đồng thời cũng có thể bị tổn thương (x. Timothy Radcliffe OP: Trở nên người anh em tr. 46).
Nói chung, biến cố này không gây xáo trộn bao nhiêu trong nếp sống của anh em Đa Minh đang sống tại Việt Nam. Có thể nói chuyện hợp nhất như là một ơn Thiên Chúa ban vào đúng thời điểm của nó, -- nhẹ như hơi thở, đúng vào ngày lễ Ngũ Tuần, theo cách nói của cha Thiện Cẩm.
Ơn Chúa ban ấy đã được thể hiện lâu dài, dường như ít người để ý như: -- các lớp Tập của chung hai đơn vị -- Cha Ánh sang dạy học cho Học viện, rồi Tập viện, -- có những vị được an táng trong nghĩa trang Bình Hưng Hoà.
-- Như đã nói, biến cố hợp nhất không gây xáo trộn bao nhiêu vì đã có những yếu tố thuận lợi là cùng thuộc về một Dòng và cùng ý thức về sứ mạng truyền giáo.
-- Biến cố hợp nhất làm cho cơ chế của Dòng tại Việt Nam có thêm những cơ sở mới. Một cách nào đó, ngoài những cơ sở đã có của Tỉnh dòng Việt Nam lúc bấy giờ, thì lại có thêm một cơ sở mới là Tu viện Mai Khôi, trong đó có cả trung tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình và cơ sở hiện làm trụ sở cho Tỉnh dòng.
-- Sứ vụ trí thức vẫn được thực hiện: -- Mục vụ cho Pháp kiều, -- Trung tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình, -- Học viện Liên Dòng.
-- Chuyện nhìn nhau: Không dễ gạt đi những cái nhìn đã có từ xa xưa. Vẫn là những con người với nếp sống cộng đoàn, với một chút ganh tị -- tạm gọi là như thế.
-- Chúng ta đã nhận lại cơ sở hiện là Trung tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình và chúng ta đã sử dụng cơ sở ấy như thế nào? Những vị đã thiết tha với việc xin lại cơ sở này đều mong muốn thành lập một trung tâm cho sinh viên, cho việc học hành, một chỗ qua lại của giới trí thức. Tuy nhiên, cho đến nay, điều ấy vẫn chưa được thực hiện. Dường như chúng ta chưa có người kế thừa, không có nhân vật tầm cỡ. Giải pháp cho thuê nhà chỉ là tạm thời, một thứ né tránh hay đợi chờ một giải pháp tích cực hơn. Cũng có thể gợi ý đến một vấn đề là lưu xá cho sinh viên: hiện nay anh em phải chạy vạy để tìm kiếm chỗ, các sinh viên phải ở chật chội, xa vị phụ trách.
Như thấy đấy, hiện diện của Dòng tại Việt Nam như một dòng sông với hai nhánh, và đến một lúc hai nhánh ấy nhập thành một, thành dòng sông lớn. Dòng sông đổ ra biển sau khi đã tưới mát bao cánh đồng. Dòng sông ấy hôm nay vẫn đang chảy miệt mài, có lúc mạnh mẽ nhưng có lúc lững lờ trôi.
Chúng ta là dòng sông ấy, dòng sông được hình thành để làm nhiệm vụ tưới mát cuộc đời.
Chuyện được mất có lẽ không quan trọng, nhưng điều đáng nói hơn là chúng ta đã có thể làm gì với tư cách là các tu sĩ Đa Minh, những người anh em. Chúng ta có nối kết được hai nhánh của dòng sông? Chúng ta đã thực sự trở thành dấu chỉ hợp nhất cho Hội thánh, cho thế giới?