Tôi tu ở một Dòng hoạt động, luôn phải có những tiếp xúc với con người, không dám nói là hết mọi thành phần, nhưng rất nhiều người, đủ mọi hạng, đủ mọi lứa tuổi. Mỗi ngày lại có những tiếp xúc, những cuộc hẹn, không bao giờ ngừng. Đôi lúc tôi thầm nghĩ, giá như không có điện thoại, nhất là điện thoại di động, hẳn mình sẽ thảnh thơi hơn nhiều. Nhưng nghĩ lại, những cuộc giao tiếp cũng phần lớn là để giúp cho những người liên hệ được biết Chúa nhiều hơn, được thoát ra khỏi những bế tắc của mình. Tóm lại là giúp người khác gặp Chúa và mình cũng gặp Chúa ở đấy!
Có một thời gian, tôi hơi, hơi thôi, kém xác tín về đời đan tu chiêm niệm, với ý tưởng rằng những người này ít đóng góp cho đời sống xã hội, vì không có công tác mục vụ, không có những hoạt động bên ngoài. Tuy nhiên, thời gian sau này, tôi nhận ra rằng đời đan tu có những nét đặc sắc rất đẹp và lại rất cần cho xã hội, một xã hội văn minh và luôn nhộn nhịp. Đời đan tu là một cuộc sống lặng lẽ, không tiếp xúc, liệu giúp gì cho xã hội? Thưa có rất nhiều. Hôm nay, nhân lễ tuyên khấn lần đầu của một chị em, trong vài phút ngắn ngủi này, tôi xin chia sẻ vắn tắt: nét đẹp của đời đan tu là tìm Thiên Chúa.
Cuộc sống Kitô hữu và đời tu đều là tìm Thiên Chúa, nhưng đời đan tu tìm kiếm Thiên Chúa theo cách thế riêng của mình. Bài Tin Mừng về các mối phúc là tiêu chuẩn tìm hạnh phúc hay là tìm Thiên Chúa của mọi Kitô hữu. Đời đan tu cũng tìm hạnh phúc với những tiêu chuẩn ấy, nhưng theo một cách thế khác.
Cha Marie Dominique Chenu, một linh mục Dòng Đa Minh đã viết: “về căn bản, đời sống thần bí không là gì khác hơn đời sống Kitô hữu”.
Nhưng đời sống đan tu là giam mình tại một nơi để lắng nghe Thiên Chúa. Lắng nghe là hoa trái của thinh lặng. Đời sống chiêm niệm là một sự đào tạo để lắng nghe.
Đây không phải là một công việc khô khan. Lắng nghe Lời Chúa, suy gẫm Lời Chúa để Lời Chúa có thể đụng chạm và thay đổi con người, đồng thời đặt tất cả con người mình trước Lời, cả trí khôn lẫn tình cảm, cả niềm vui lẫn nỗi buồn, cả khó khăn lẫn hy vọng.
Vẫn biết rằng trong mọi cộng đoàn chiêm niệm đều có những nỗi buồn chán, vì phải sống mãi ở một nơi, luôn gặp những con người ấy, nghe hoài những câu chuyện, ăn mãi cùng món ăn. Nhưng Lời Chúa thể hiện mới mẻ với sự trẻ trung là chính Thiên Chúa. Niềm vui và hạnh phúc của đời chiêm niệm ở chỗ khám phá ra sự diệu kỳ của Thiên Chúa trong cái bình thường và lặng lẽ mỗi ngày, trong khuôn viên Đan viện.
Phần lớn thời gian của đời chiêm niệm là cầu nguyện trong cung nguyện. Đây là nét chính của đời đan tu. Ca tụng vẻ đẹp của Thiên Chúa mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc là điều kỳ diệu của đời đan tu.
Lời cầu nguyện ấy càng có giá trị và ý nghĩa hơn khi biết rằng lời cầu nguyện của mình là cho toàn thế giới, cho Giáo hội, cho những nhu cầu khác nhau, và nhất là cho bước chân loan báo Tin Mừng của nhiều nhà truyền giáo trong Giáo hội. Cầu nguyện tham gia vào việc làm cho Lời đến. Trong Hiến pháp của một Hội dòng đan tu có ghi: các nữ đan sĩ tìm kiếm, suy niệm và khẩn cầu Thiên Chúa trong cô tịch để Lời phát xuất từ miệng Thiên Chúa không trở về với Người vô ích, nhưng hoàn tất điều đó vì Lời đã được phái đi.
Hơn thế, Thiên Chúa muốn con người cầu nguyện để Người có thể ban tặng, đáp lời. Vì thế, lời cầu nguyện của các chị là một sự tham gia vào hành động của Thiên Chúa đối với thế giới.
Bất cứ đời sống đan tu nào cũng đều phải là nơi chốn của lòng mến thương nhau, ở đó Thiên Chúa đã chọn làm nơi cư ngụ.
Cuộc sống hằng ngày với những người chung một lý tưởng là một niềm vui to lớn nhất của cuộc đời, nhưng đôi khi cũng đầy gay go. Niềm vui và khổ cực còn mãnh liệt hơn nữa khi cộng đoàn đan tu là những người có thể sẽ sống suốt đời với cùng những người ấy.
Tuyên khấn trong đời đan tu là đón nhận những người sống ở đây là chị em mình, và những người ấy đón nhận người tuyên khấn làm người của mình. Một sự thuộc về nhau rất đẹp và có tính vĩnh cửu.
Chính trong khung cảnh nhỏ hẹp của nội vi, mỗi người tự học để không trốn tránh tình bạn của Thiên Chúa, của những người chị em cũng như không trốn tránh bản thân. Đôi khi, người ta bị cám dỗ trốn tránh chị em của mình. Nhưng trong Đan viện, chẳng có chỗ nào để ẩn núp, tại đó mỗi người được mời sống lòng nhân từ và biết rằng mình được mến yêu.
Có một nữ đan sĩ viết: tôi vào Đan viện không phải để trốn tránh, để quên lãng thế gian, hoặc để làm ngơ coi như thế gian không có, nhưng là để hiện diện trong thế gian một cách sâu hơn, để sống giữa lòng thế giới cách ẩn dấu nhưng tôi tin là còn thực hơn. Tôi đến đây không phải để tìm cuộc đời êm ả hay an toàn, nhưng để chia sẻ, để mang lấy vào thân những nỗi đau nhức nhối cũng như những hy vọng của toàn thể nhân loại.
Như vậy, tuyên khấn trong đời đan tu là dấn thân vào một hành trình, hành trình tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm Thiên Chúa là hạnh phúc rất thực. Hành trình này sẽ kết thúc vào ngày từ giã trần gian, khi cái chết đến; thế nhưng mỗi ngày vẫn đang nở hoa, đang sinh trái qua sự lặng lẽ, qua lời kinh và trong tình huynh đệ.
Đời đan tu thể hiện một chuỗi kinh nghiệm mà nhân loại loại ngày nay đã thường mất đi: ý nghĩa về sự siêu việt, về vĩnh cửu, theo kiểu nói của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, đó là chứng nhân cho sự hiện diện có sức biến đổi của Thiên Chúa.
Xin cho những chị em tuyên khấn hôm nay luôn đi mãi vào mầu nhiệm hạnh phúc, vì chính Thiên Chúa là sự mới mẻ, là hạnh phúc vĩnh cửu.