Kính thưa chị em,
Tôi được mời chia sẻ với chị em hôm nay. Nói là không biết gì về hoàn cảnh hiện nay thì là không đúng, nhưng nói là biết hết thì cũng không đúng. Có điều chắc chắn, đó là để chia sẻ suy nghĩ với chị em khi chị em đang tìm kiếm một thể thức quản trị cho cộng đoàn Hội dòng của mình.
Tôi không dám trình bày về mặt Giáo luật, vì mình không biết và đã có người khác lo. Tôi chỉ xin đặt mình vào hoàn cảnh của chị em để suy nghĩ thôi1.
1. Để có một cái nhìn tổng quát và lạc quan, tôi xin chia sẻ suy nghĩ của Zigmunt Bauman về cộng đoàn:
“Chữ có nghĩa: nhưng có những chữ còn có một “tình cảm” nữa. Chữ “cộng đoàn” là một trong số đó. Chữ “cộng đoàn” làm cho người ta cảm thấy vui, thấy thích. Bất kể chữ “cộng đoàn” có nghĩa gì, “có một cộng đoàn”, “ở trong một cộng đoàn” vẫn là điều tốt, là điều đáng mong ước. Nếu có ai đi lang thang ra ngoài con đường đúng đắn, thường chúng ta hay cắt nghĩa cái thái độ lông bông của người ấy bằng cách bảo rằng “hắn cứ đàn đúm (company) cho nên ra thế”. Nếu có ai là đáng thương, phải chịu nhiều đau khổ, không được sống đúng với phẩm giá, chúng ta mau lẹ kết án xã hội (society), tại xã hội cho nên mới hóa ra như vậy! Đàn đúm hay xã hội có thể là xấu, nhưng cộng đoàn (community) thì không…
Cộng đoàn là chữ làm cho người ta cảm thấy tốt là vì ý nghĩa của chữ cộng đoàn chuyển tải: đó là tất cả những gì hứa hẹn niềm vui sướng… Cộng đoàn là một nơi “ấm cúng”, một nơi dễ chịu giống như mái nhà che nắng che mưa, ở đó có thể ngồi chung quanh ngọn lửa hơ tay cho ấm. Ngoài cộng đoàn ấy ra, trên đường chẳng hạn, có đủ thứ lo âu nguy hiểm. Vì thế, ra ngoài chúng ta bắt đầu phải cảnh giác, phải ý tứ xem người mình đang đối diện, người đang nói chuyện với mình là ai, phải dè chừng mọi giây phút. Còn ở trong cộng đoàn thì không thế. Ở đấy, chúng ta cảm thấy yên ổn, không lo nguy hiểm cho dù có phải đi đến cái góc tối trong nhà. Trong cộng đoàn, chúng ta hiểu nhau rõ, có thể tin điều mình đang nghe, mọi lúc đều cảm thấy an toàn. Không cảm thấy mình là người lạ đối với những người khác. Đôi khi cũng có cãi nhau, nhưng là giữa những người trong gia đình, cãi cọ bằng hữu, tức là một cố gắng để xích lại gần nhau hơn, để vui sống tốt hơn và nhiều hơn hiện tại, vì dường như đang xa nhau quá. Bởi có chung một khao khát là làm cho cuộc đời mình được canh tân, nên có thể không đồng ý với nhau về cách thức thực hiện tốt nhất, nhưng không bao giờ muốn cho nhau phải chuyện không vui, và có thể chắc chắn rằng mọi người khác chung quanh cũng mong muốn chúng ta được tốt đẹp.
Xa hơn nữa, trong một cộng đoàn, chúng ta có thể tin vào thiện chí của người khác. Nếu như chúng ta có thất bại, vấp ngã thì đã có những người khác giúp chúng ta đứng dậy. Những người trong cộng đoàn ấy không cười chúng ta, không vui khi thấy chúng ta gặp điều không may. Nếu có làm gì sai, trong đó chúng ta vẫn có thể thú lỗi, giải thích và biện minh, hối hận ăn năn khi cần. Trong đó, người khác sẽ lắng nghe chúng ta với thiện cảm và không chấp nhất. Trong những khoảnh khắc chúng ta gặp khó khăn, chúng ta sẽ có được những người chia sẻ, đỡ đần… Và còn biết bao lợi ích khác nữa.
Và như vậy, chúng ta dễ nhận ra tại sao “cộng đoàn” vẫn là điều chúng ta mơ ước, tại sao cộng đoàn lại là điều đầu tiên được đề cập đến trong Hiến pháp của chúng ta” (Community, seeking safety in an insecure world, Polity 2001, trang 1-3)
Vậy, xét theo thứ tự luận lý, điều chúng ta đi tìm không phải là một hình thức quản trị. Chúng ta không tìm hoặc tạo ra một hình thức, một thể chế quản trị cho vui cho đẹp, thậm chí cho hữu hiệu trong đời sống chúng ta. Nhưng chúng ta tìm những giá trị, và tìm hình thức quản trị có khả năng gìn giữ và phát huy những giá trị của đời sống được Chúa mời gọi và chúng ta đã đáp lời.
2. Kinh Thánh đưa ra một số hình ảnh để suy ngẫm:
-- trong việc thiết lập vương quyền, Kinh Thánh lưu lại hai cách suy nghĩ đối nghịch nhau: bài quân chủ (1 Sm 8; 10,17-24; 12); phò quân chủ (1 Sm 9; 10,1-16; 11). Sách Thánh không sợ hãi khi trình bày những cái nhìn có vẻ như là đối lập. Điều quan trọng là không được quên Thiên Chúa khi đặt lên một vua mà các dân chung quanh coi là “thiên tử”, hoặc phải thấy rằng dân có vua là do Thiên Chúa chọn để đại diện Chúa mà dẫn dắt dân.
-- trong Hội thánh Côrintô: Phaolô, Apollo, Kêpha, Đức Kitô (1 Cr 1,12tt). Thánh Phaolô hỏi các tín hữu Côrintô: phải chăng Đức Kitô đã bị phân mảnh? Hay là anh em chịu phép rửa nhân danh Phaolô?
-- trong các trình thuật Đức Giêsu phục sinh tỏ mình ra cho các môn đệ cũng thế: bà Maria Magđala (Ga 20,1-18) đi tìm Chúa nhưng bị hình ảnh ngôi mộ trống chi phối hoàn toàn cách nghĩ, hay hai môn đệ đi Emmaus (Lc 24,13-25) “mắt bị che phủ” nên đã thấy Đức Kitô phục sinh đồng hành cũng chỉ là người cùng đi bình thường.
Chúng ta đi tìm một hình thức quản trị, nhưng đừng quên mất giá trị chính yếu là trở nên người môn đệ của Chúa.
3. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết:
a) Không bao giờ chỉ một mình các cơ cấu tổ chức mà thôi, dù chúng hoàn hảo tới đâu đi nữa, có thể bảo đảm cho cuộc sống con người một tình trạng tốt đẹp, hay có thể đưa thế giới đến hoàn thiện hơn. Các cơ cấu đó không những quan trọng, mà còn cần thiết, tuy nhiên chúng không thể và không được phép loại bỏ tự do của con người. Ngay cả những cơ cấu hoàn bị nhất cũng chỉ hoạt động được, khi trong một cộng đồng đã sẵn có những xác tín có thể thúc đẩy con người tự do thoả thuận với nhau về một trật tự cộng đồng chung. Tự do cần xác tín; nhưng xác tín không đương nhiên có, mà nó luôn phải được tập thể đạt tới một cách mới mẻ.
b) Vì con người luôn tự do và vì tự do của họ cũng luôn mỏng dòn, nên sẽ chẳng bao giờ có được một vương quốc sự thiện trên thế gian này. Ai quả quyết rằng sẽ tạo ra được một thế giới tốt đẹp kéo dài bất tận, người đó nói láo; người đó chẳng biết gì tới tự do con người. Để làm điều tốt, con người luôn phải tự tạo tự do cho mình một cách mới mẻ. Không bao giờ có chuyện mọi người đều đương nhiên muốn làm điều thiện. Nếu có những cơ cấu mang khả năng tạo cho thế giới một tình trạng tốt đẹp luôn mãi, thì tự do con người sẽ bị phủ nhận, và vì thế, cơ cấu đó, cuối cùng, cũng chẳng phải là cơ cấu tốt.
Điều đó có nghĩa: Mỗi thế hệ phải luôn tự tạo riêng cho mình những cơ cấu tổ chức phù hợp; công việc này chẳng bao giờ xong. Mỗi thế hệ dĩ nhiên cũng phải đóng góp phần mình vào việc lập nên những trật tự vững bền cho tự do và sự thiện, để các thế hệ sau theo đó mà sử dụng tự do con người cách đúng đắn. Làm được như vậy, thì dù với tất cả hạn chế, con người cũng đã tạo ra được một bảo chứng nào đó cho tương lai. Nói cách khác, có được các cơ cấu hoàn chỉnh là điều tốt, nhưng chỉ có chúng mà thôi thì không đủ. Không bao giờ con người có thể được cứu độ chỉ do từ bên ngoài. Francis Bacon và phong trào theo ông trong thời mới đã lầm, khi họ tin rằng, con người sẽ được cứu độ bởi khoa học. Khoa học không thể đáp ứng được mong đợi đó. Đó là một hy vọng ảo. Khoa học có thể làm nhiều điều, để thế giới và nhân loại có được bộ mặt người hơn. Nhưng nó cũng có thể tàn phá con người và thế giới, nếu nó không tuân theo những lực ở bên ngoài chính nó. Ngược lại, chúng ta cũng phải nhận chân rằng, đối diện với những thành quả của khoa học trong lãnh vực phát triển và kiến tạo thế giới, Kitô giáo thời mới đã tự rút lui vào vùng cá nhân và chỉ lo việc cứu độ cho từng cá nhân riêng. Như vậy là Kitô hữu đã tự thu nhỏ bán kính hi vọng của mình. Họ đã không nhận ra đủ chiều kích lớn lao của sứ mệnh; và cũng đã không nhận ra những điều lớn lao mình đã làm trong việc giáo dục con người và trong việc chăm sóc những người yếu đuối và đau khổ” (Spe salvi, ss. 24-25).
Trong đêm tối, muốn bước đi, chúng ta cần có đèn. Cái đèn cần có ngọn lửa và cũng không thể thiếu cái bóng đèn. Ngọn lửa là ánh sáng cần thiết, nhưng để duy trì ánh sáng trước những làn gió thì lại cần cái bóng đèn. Cuộc đời của chúng ta, được gọi theo Chúa Kitô, có thể ví như ngọn lửa, ngọn lửa ấy cần được duy trì nhờ cái bóng đèn là cách tổ chức đời sống, là cơ chế điều hành, là cộng đoàn lớn hay nhỏ.
Ánh sáng có thể là ngọn lửa trong cái đèn dầu, ngọn lửa nơi cây nến hay dòng điện; cơ chế có thể là cái bóng đèn dầu, hay là bàn tay chụm lại để che cho ngọn nến… Tôi cho rằng cơ chế cần, nhưng không phải lúc nào cũng phải hệt như nhau. Đối với chúng ta, những người đã kinh nghiệm những gì đã xảy ra gần 34 năm trước, lúc đó mọi cơ chế như đã quen từ bao nhiêu năm bó buộc phải thay đổi miễn sao còn giữ lại được điều cốt yếu nhất, đó là đời tu. Nay, thời gian trôi qua, và những gì đã thích ứng hồi 34 năm về trước (1971) lại hầu như không còn thích hợp nữa. Điều cốt yếu trước và nay vẫn còn đó, nhưng yêu cầu và thử thách không còn hệt như trước. Âu đó cũng là ví dụ.
4. Theo qui luật Nhập Thể, sống trong lịch sử
-- để mặc khải mình cho nhân loại, Thiên Chúa đã dùng những cách thức của nhân loại: chữ viết, hình ảnh, một dân, các biến cố… nhất là mầu nhiệm Nhập Thể. “Thiên Chúa, không ai đã thấy bao giờ; Con Một, Đấng ở nơi lòng Chúa Cha, đã đến để giải thích cho”, “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”, “Đây là con người” (Ecce homo).
-- lịch sử Hội thánh cũng theo qui luật tiến triển này. Dòng chúng ta cũng không đi ra ngoài qui luật ấy. Và ngay trong thời gian chúng ta đang sống, chúng ta cũng cảm thấy qui luật Nhập Thể này.
-- nhưng sự thường là chúng ta níu giữ những gì đã quen thuộc: cô Maria Magđala gặp Chúa nhưng vẫn chỉ nghĩ đấy là “người làm vườn”; hai Tông đồ đi Emmaus gặp Chúa nhưng vẫn nghĩ đó là người lữ khách lạ, là người duy nhất “không biết chuyện đã xảy ra ở Giêrusalem mấy hôm nay”.
5. Hôm nay của chúng ta
Ngày 18 tháng 11 năm 1965, Đức Phaolô VI đã tuyên bố ở công đồng Vaticanô II: “Không phải những canh tân này (giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân), dù thật là cần thiết, là những gì đáng chúng ta chú ý, đúng hơn đó là những canh tân về luân lý và thiêng liêng giúp chúng ta đồng hình nhiều hơn với Thầy chí thánh của chúng ta và thích hợp nhiều hơn để chu tòan những bổn phận thuộc về ơn gọi của chúng ta. Điểm đáng bận tâm chính yếu đó là sự thánh hóa thực thụ và khả năng thực sự của chúng ta để làm cho sứ điệp Tin Mừng lan tỏa nơi con người thời đại” (Le renouveau adapté de la vie religieuse (Canh tân thích nghi đời tu, Lời nói đầu của Đức cha A.C. Renard, trang 9).
29.3.2008