Hôm nay, Giáo hội cử hành Thánh lễ kỷ niệm thánh Phaolô trở lại1. Vị Tông đồ này được gọi vào những phút cuối với những biến cố đặc biệt và trở thành người làm thay đổi khuôn mặt Giáo hội, nhất là trong việc loan báo Tin Mừng.
Thật vậy, từ một người rất hăng hái trong việc bắt bớ các Kitô hữu, thánh Phaolô đã được ơn trở lại và thành một người nhiệt thành đưa những người khác trở về với Chúa. Những bước chân thuở trước để đi lùng bắt thì nay lại trở thành những bước chân công bố Tin Mừng, làm cho Giáo hội hoàn toàn thay đổi.
Và cũng hôm nay, chúng ta lại được hân hạnh đón Đức cha mới được tấn phong Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn về dâng Thánh lễ. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa với Đức cha để những bước chân của ngài sẽ là những bước chân của Tin Mừng, của niềm vui.
Các Tông đồ họp nhau trong căn phòng đóng kín vì sợ hãi, Chúa Thánh Thần đã đến trên các ông, lôi các ông ra khỏi sự khép kín và đẩy các ông đi tới. Sách Công vụ Tông đồ cho thấy các Tông đồ đã mạnh dạn ra đi. Đó là những bước chân hăng say, không mệt mỏi. Chúa Thánh Thần đã mở ra cho các ông những chân trời mới mà các ông tự mình không nghĩ ra.
Theo kiểu nói của Đức Giáo hoàng Phanxicô,thì các Tông đồ đã để cho mình luôn ngạc nhiên vì sự mới mẻ của Thiên Chúa. Chính nhờ vậy, các ông được chiêm ngắm những điều kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện nơi các dân ngoại, và vì thế, các ông càng thêm hăng say trong sứ vụ của mình.
Sự mới mẻ luôn gây cho chúng ta đôi chút sợ hãi, bởi vì chúng ta sẽ cảm thấy an toàn hơn nếu chúng ta kiểm soát được mọi sự, nếu chúng ta là người xây dựng, lên chương trình, đặt kế hoạch cho cuộc đời mình, phù hợp với suy nghĩ của chúng ta, sự an toàn và sở thích của chúng ta.
Đây không phải là vấn đề mới chỉ vì mới tìm kiếm sự mới mẻ nhằm thoát khỏi sự nhàm chán như thường thấy trong xã hội chúng ta.
Sự mới mẻ mà Thiên Chúa mang lại cho cuộc đời chúng ta là làm cho chúng ta được hoàn thiện, được niềm vui và thanh thản đích thực, bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chỉ muốn điều tốt cho chúng ta.
Trong câu chuyện xảy ra vào ngày lễ Ngũ Tuần, những cư dân thuộc nhiều miền khác nhau đều được nghe nói bằng tiếng của mình. Họ là những người xa nhau nhưng lại được quy tụ trong một niềm tin vào Thiên Chúa, vào lòng thương xót vô biên của Người. Loan báo Tin Mừng chính là đưa những người ở các biên cương khác nhau vào trong đoàn chiên của Chúa Giêsu.
Có một nét rất đẹp trong lễ tấn phong giám mục của Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, số các linh mục rất đông, theo Ban Tổ Chức là 670 vị, và số tín hữu tham dự khoảng 10 ngàn. Con số này cho thấy mối liên hệ của Đức cha với những thành phần khác nhau. Mỗi người có liên hệ với Đức Tân Giám mục một cách, và nhất là, mỗi người đều cảm thấy mình cùng hiệp thông trong sứ vụ của Đức cha.
Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể đánh thức được sự đa dạng, đa nguyên mà đồng thời vẫn xây dựng được sự duy nhất. Có Chúa Thánh Thần hướng dẫn thì sự phong phú khác biệt, đa dạng không bao giờ trở thành nguyên nhân gây ra xung đột, bởi vì Người thúc bách chúng ta cảm nghiệm sự đa dạng đó trong sự hiệp thông của Giáo hội.
Càng bước đi trong Giáo hội, dưới sự hướng dẫn của các mục tử là những người được thông ban đặc sủng và sứ vụ, càng cho thấy dấu chỉ Chúa Thánh Thần đang hoạt động.
Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc lại hình ảnh của các nhà thần học xưa để diễn tả linh hồn như chiếc thuyền buồm, còn Chúa Thánh Thần là ngọn gió làm căng buồm và đẩy nó đi tới.
Trong việc loan báo Tin Mừng, Chúa Thánh Thần thúc bách chúng ta mở rộng cửa và ra đi để loan báo và làm chứng cho Tin Mừng; lễ Ngũ Tuần tại phòng Tiệc Ly ở Giêrusalem là sự khởi đầu, một sự khởi đầu được kéo dài. Chúa Thánh Thần vẫn hiện diện nơi chúng ta như lời cầu nguyện của Chúa Giêsu (Ga 14,16).
Chúa Thánh Thần đưa tầm nhìn chúng ta đến tận chân trời và đưa dẫn chúng ta đến những vùng ven của cuộc sống để loan báo sự sống trong Chúa Kitô.
Như cánh buồm căng gió là để đi tới, chúng ta hãy ra khỏi mình.
Thưa cộng đoàn,
Châm ngôn của Đức Tân Giám mục: Vâng nghe Thánh Thần.
“Vâng nghe Thánh Thần” là tâm niệm sống đời Giám mục của vị tân cử, là lối mở con tim đón nhận Ấn tín Tư tế viên mãn chính Thánh Thần Chúa trao ban qua việc đặt tay và lời nguyện tấn phong mà Đức Giám mục chủ phong cử hành với sự hiệp thông của quý Đức Giám mục hiện diện.
“Vâng nghe Thánh Thần” là khiêm nhu cúi mình để dầu thánh được xức trên đầu còn chảy xuống tận gấu áo choàng như dấu chỉ hương thơm của Dầu thánh phải được lan tỏa ra tới vùng ngoại vi theo bước chân của người mục tử.
“Vâng nghe Thánh Thần” là đôi tay dứt khoát mở ra đón nhận Lời Chúa làm nên lương thực cho chính mình và phân phát dồi dào cho đoàn chiên.
“Vâng nghe Thánh Thần” để có thể giữ trọn lời cam kết thủy chung và nên một với Hội thánh khi mang vào ngón tay chiếc nhẫn, ấn tín của đức tin.
“Vâng nghe Thánh Thần” phải là vinh quang duy nhất người mục tử cần chiếu tỏa như chiếc mũ mitra tân chức vừa đội trên đầu.
“Vâng nghe Thánh Thần” là xây dựng việc quản trị của vị mục tử, mà chiếc gậy được trao vào tay như một biểu tượng, theo cung cách quản trị của Đức Kitô, Vị Mục Tử Tối Cao và Nhân Lành.
Và “Vâng nghe Thánh Thần” là mối dây liên kết bền vững vị Giám mục tân cử với Đức Thánh Cha cùng Giám mục đoàn trong Hội thánh, cách riêng với Hội đồng Giám mục Việt Nam qua nghĩa cử trao hôn bình an, hoàn tất nghi thức tấn phong.
Và chúng ta thêm,
Vâng nghe Thánh Thần là như cánh buồm căng gió.