Cách đây tròn 10 năm, cộng đoàn Đa Minh Thánh Thể Việt Nam chính thức được sát nhập vào Hội dòng Đức Mẹ Mân Côi Monteils và trở thành một Phụ tỉnh của Hội dòng này. Chặng đường 10 năm chưa phải là dài cho một tiến trình hội nhập, nhưng mới chỉ là bước đầu cho một định hướng về sự hiện diện và hoạt động.
Đọc công vụ Tổng hội 2007: chúng ta thấy danh sách những chị em Việt Nam bên cạnh tên những chị em ngoại quốc. Danh sách này cho thấy nét đa dạng phong phú của Hội dòng. Phụ tỉnh được thành lập như một nét mới cho Hội dòng, đồng thời cũng đem lại nét mới cho những người đang theo đuổi đời tu Đa Minh tại Việt Nam.
Quả thế, đây là một sự bổ túc lẫn nhau và mỗi thành phần làm cho sứ vụ của Hội dòng thêm lan rộng và hiệu quả. Do đó, vào thời điểm mừng kỷ niệm này, chúng ta cần nhìn lại xem quãng thời gian vừa qua đã làm cho chúng ta thêm được điều gì, và hơn nữa, còn là dịp để hướng nhìn về tương lai.
Cái nhìn đầu tiên có thể thấy là việc thành lập này đem lại tính ổn định cho cộng đoàn. Nếu như trước đây chúng ta đã có một vài thể nghiệm, thì nay, những hình thức ấy được rõ ràng và xác thực hơn.
Tuy nhiên, việc hội nhập cũng buộc chúng ta, cả cá nhân lẫn cộng đoàn, phải cố gắng nhiều hơn để tham gia vào sứ vụ của Dòng. Chúng ta được thành lập thành một Phụ tỉnh tức là một đơn vị độc lập, nhưng đồng thời cũng phải thể hiện được nét riêng của mình.
Trong dịp kỷ niệm này, chúng ta có cơ hội xác định lại ý nghĩa đời tu trì của mình, đồng thời cũng định hướng rõ nét hơn cho tương lai. Chúng ta cùng dựa trên bản tuyên ngôn của Tổng hội 2013 với chủ đề là Muối Đời để nêu lên một vài nhận định.
Tu hành không phải là chê bỏ đời, nhưng là một cách thưởng thức đời, một chất nêm cho cuộc sống. Đời tu có thể được coi như là muối, một phẩm vật cần thiết cho nhân loại.
Nhờ mối liên kết giữa chúng ta với Chúa, với mọi người và với vũ trụ, đời tu mở rộng mọi chân trời cho chúng ta. Lời Chúa kêu gọi chúng ta hãy biết tự thắng, hãy biết đi ngược hệ thống hiện hành, với ước muốn được gieo tình thương.
Lời gọi đó không phải bao giờ cũng dễ thực hiện, vì nó trái ngược với thói quen, nhưng tạo hương vị cho cuộc đời và, nhân danh Phúc Âm, mở rộng lãnh vực sống: đó là những hành động đương nhiên được bao hàm trong sứ mệnh tu sĩ.
Chúng ta được mời gọi trở thành muối cho chính mình, cho những người sống quanh ta và cho toàn thế giới. Lối sống đó dẫn chúng ta vào trong kế đồ của Chúa.
Muối biểu tượng lời thề ước (Lv 2, 13). Đời sống tu sĩ chúng ta là một cách đem muối đến cho nhau, giữa chị em cùng nhà, cùng Dòng, và giữa chị em với toàn thể nhân loại. Trong triển vọng đó, chúng ta hãy thực hành lời khuyên của Mẹ Anatasia: “Các chị em hãy trở thành muối cho nhau, nhưng là muối của sự khôn ngoan”.
Muối có thể được coi như một sự hiện diện vô hình: tuy vô hình, nhưng không có muối thì không gì có mùi vị thật sự. Muối là một phẩm vật tối cần. Cũng như muối, chúng ta phải sống gần gũi với mọi người, phải đem muối đến cho họ và nhận muối của họ, nhận phần tối hảo của họ. Muối thường tác động bằng cách tan hoà và thâm nhiễm. Cũng thế, chúng ta phải làm “lây” đức tin và nhịp sống Tông đồ của chúng ta.
Muối biểu tượng đức tính khôn ngoan. Sự khôn ngoan đó thể hiện khi ta dùng muối đúng chừng mực, vừa đủ để làm nở mùi vị thơm ngon trong cuộc đời chúng ta và thế giới. Đức tính đó giúp chúng ta biết điều hành cuộc sống mỗi ngày, biết lắng nghe chính mình và lắng nghe kẻ khác, biết sẵn sàng cải hóa mình và mang Tin Mừng đến khắp nơi.
Tuyên ngôn đưa ra hướng dẫn:
Thánh Kinh có thể vạch lối dẫn chúng ta đi từ tình thế hỗn độn đến một thế giới mới và, nhờ đó, giúp chúng ta cộng tác vào công cuộc thực hiện một Trời mới và một Đất mới (Kh 21,1-4).
Đây vốn là một hành trình lâu dài, dài suốt cả đời và bao hàm nhiều nguy cơ, nhiều mò mẫm, nhiều bấp bênh, nhiều nản chí… Nhưng Chúa bảo chúng ta: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5).
Làm sao đạt được mục tiêu chính yếu của đời chúng ta giữa tình thế hỗn độn đó? (Gv 1,2-3; 2,24-25; 3,12; 3,22; 5,17-19;7,12-14; 8,15; 9,7+). Cần tạo cho mình một ý thức minh mẫn, biết xét đoán để nhận thức cách sáng suốt và khôn ngoan những dấu chỉ thời đại. Đó phải là lối đi của chúng ta.
Khi chấp nhận thay đổi chính mình, chúng ta cũng nhận thấy chung quanh nhiều cảnh huống có thể thay đổi được; nhờ đó cuộc đời được công bằng hơn, đẹp đẽ và bớt nặng nề hơn. Chúng ta có khả năng và có phận sự phải khai triển lòng ước muốn thay đổi thế giới.
Đó chính là biến cải chính cuộc đời mình; Tuyên ngôn cho biết:
Làm sao để cuộc đời chúng ta được mặn mà? Chúng ta phải làm gì để trở thành muối cho đời (cho cộng đoàn và cho thế giới)? Nói cách khác: làm cách nào để cuộc sống mỗi ngày của chúng ta trở thành một bài giảng, một tác động truyền bá Tin Mừng?
Tóm lại: chúng ta phải làm gì và phải sống cách nào để cuộc đời Tông đồ của chúng ta phản ảnh Tin Mừng?
-- Trên bình diện cá nhân
Ngoài việc trung tín sống trong bầu khí cầu nguyện, trầm tư, hiệp nhất với Chúa và lắng nghe những tín hiệu của thời đại, mỗi chị phải biết:
+ tự tìm hiểu chính mình để hiểu biết người, chấp nhận mỗi người với nhân cách riêng của họ, và, như thế, đến gần Chúa là nguồn gốc đời chúng ta,
+ ân cần và nhã nhặn với mọi người,
+ tìm hiểu mỗi người và tôn trọng nét khác biệt của họ,
+ lắng nghe mỗi người và giúp họ vượt thắng khó khăn,
+ đề cao phương diện tích cực nơi mỗi người và sẵn sàng nhúng tay vào các tác vụ hằng ngày.
+ đọc và suy niệm Sách Thánh; thường xuyên chia sẻ Lời Chúa giữa cộng đoàn.
+ giữ thinh lặng, một trong những điều kiện cần thiết để nhận ra những dấu chỉ thời đại.
-- Trên bình diện cộng đoàn
+ Hội họp trong mỗi cộng đoàn, giữa nhiều cộng đoàn, giữa nhiều Tỉnh dòng, để củng cố dây liên lạc và khả năng đón nghe nhau trong Dòng;
+ Tiếp tục phát hành tập san “Gạch nối” để phổ biến tin tức mọi Tỉnh và mọi Phụ tỉnh;
+ Thành lập mạng internet của Dòng để mọi Tỉnh và Phụ tỉnh cùng đóng góp trong việc thông tin về sinh hoạt của Dòng.
+ Học các sinh ngữ và tham khảo các nền văn hóa hiện diện trong Dòng và trong lĩnh vực hoạt động của chúng ta;
+ Đào tạo nghề nghiệp, thần học, Thánh Kinh;
+ Biết phê phán thực hư khi xử dụng các phương tiện liên lạc và truyền thông hiện đại; dùng internet và các mạng xã hội cách khôn ngoan, sáng suốt.
+ Đi lại để tìm hiểu nhau, tìm hiểu di sản chung và tìm hiểu môi trường hoạt động của chúng ta.
a. Những câu hỏi liên hệ đến ba lời khấn:
-- Đối với lời khấn khó nghèo: chúng ta có thái độ nào khi quản lý của cải vật chất, khi sử dụng các phương tiện liên lạc hiện đại, khi phải thi hành sự liên đới trong cũng như ngoài Dòng?…; thái độ nào trong lối sống của chúng ta, hay trước hiện tượng phung phí?… Lời khấn khó nghèo, phải chăng cũng là một phương thế làm cho chúng ta giàu thêm giây liên lạc và tình thân ái, những trợ lực hữu ích cho chúng ta?
-- Lời khấn thanh khiết để phục vụ trong tình huynh đệ, phải chăng đó cũng là một cách truyền sự sống theo nghĩa rộng?
-- Lời khấn vâng lời tạo điều kiện để thiết lập những dự án cần thiết cho cả cộng đoàn và giúp mỗi chị em dấn thân thực hiện chương trình chung. Phải chăng đó cũng là cách thông cảm với những người không hề được quyền phát biểu?
Như thế, các lời khấn giúp chúng ta sống như Chúa Giêsu: cởi mở với Chúa và với nhân loại.
b. Những câu hỏi liên hệ đến đời sống giữa chị em trong cộng đoàn:
Chúng ta có lưu ý tránh hoạt động thái qúa, dành thời giờ nghỉ ngơi cho cộng đoàn và cho bản thân không?
-- Chúng ta có hoạch định chương trình và phương pháp thích ứng để đánh giá từng bước những dự án cộng đoàn đang được thi hành không?
-- Chúng ta tạo cho các chị cao niên những phương thế nào để giúp họ tiếp tục lối sống Tông đồ của họ (cầu nguyện chung, mời họ tham gia hoạt động với chúng ta…)?
-- Để giữ mối liên đới giữa các thế hệ và các văn hóa -- một đặc điểm của Dòng chúng ta -- chúng ta tín nhiệm vào sáng kiến của ban quản trị trung ương để họ định trước những lúc gặp gỡ hay những khóa trao đổi giữa các Tỉnh hay các Phụ tỉnh của Dòng.
ĐÂU? Đâu có người …:
+ … đã mất hết ý nghĩa cuộc đời và sống thờ ơ với Tạo Hóa và thụ tạo (phá thai, an tử, trợ tử, nghiên cứu phôi sống, tạo sinh người bằng cách nuôi tế bào, ruồng bỏ người già cả, thiếu nhi, người bệnh tật ...)
+ … sống cô đơn, sống trong bồi hồi, bị suy sút tâm thần: những nghịch cảnh khả dĩ dẫn đến tự tử …;
+ … bị gạt ra lề xã hội, nạn nhân của bạo lực (đói khát, hối lộ, chê ghét người có khuynh hướng đồng giới, loại trừ người ngoại quốc, sùng đạo quá khích, chểnh mảng về y tế, về giáo dục ...)
+ …quên các giá trị tôn giáo và các đức tính cần thiết cho sự sống chung giữa người với người;
+ …gặp khó khăn trong hoàn cảnh di cư và nhập cư ở đất người;
+ …buôn người, buôn vũ khí, buôn ma tuý ...
BẰNG CÁCH NÀO? Bằng cách theo những chỉ đạo của Đức Giêsu khi Người phái các đồ đệ đi rao giảng Tin Mừng (Mt 10,7-10):
+ Tỏ ra mình là đồ đệ (chứ không phải là thầy) đi tuyển mộ đồ đệ giữa muôn dân (Mt 28,19);
+ Với xác tín và nhiệt tâm;
+ Không vũ trang, không định kiến;
+ Đơn sơ và không đòi trả công;
+ Sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ.
VỚI AI? Sứ mệnh Tông đồ luôn luôn là một sứ mệnh chung của cộng đoàn. Để giữ tính cách cộng đoàn, hoạt động Tông đồ của mỗi cộng đoàn phải ăn khớp với:
+ Các cộng đoàn khác, các Tỉnh và các Dòng khác;
+ Các cơ cấu tôn giáo, dân sự, nhà nước, quốc nội và quốc tế;
+ Các ủy ban trách nhiệm về Nhân quyền, “Công lý và Hoà bình”;
+ Mục vụ xã hội;
+ Các cơ cấu do dân chúng lập ra và có tổ chức đàng hoàng;
ĐỂ LÀM GÌ? Để giúp mọi thụ tạo được tiếp tục sống dồi dào như Chúa hằng ước muốn.
+ Phục hồi giá trị đời sống của mỗi người;
+ Giác ngộ và cảnh tỉnh;
+ Bênh vực, cổ võ và chăm sóc sự sống dưới mọi hình thức.
Theo Tân Ước, sứ mệnh Tông đồ của chúng ta thể hiện qua ba thái độ: thường xuyên sống với Chúa Giêsu, loan báo Nước Trời và hoạt động (Mc 3, 13-19) để ai nấy được sống dồi dào (Ga 10, 10).
TRONG MỌI HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ, CHÚNG TA PHẢI LƯU Ý ĐẾN NHỮNG ĐẶC ĐIỂM TRONG SỨ MẠNG CỦA CHÚA GIÊSU, ĐẤNG ĐÃ ĐẾN LÀM CHO “MỌI NGƯỜI ĐƯỢC SỐNG, VÀ SỐNG DỒI DÀO” (Ga 10,10).
Xác tín đó làm nẩy ra những dự án sau đây mà Tổng hội đề nghị cho toàn Dòng:
1. Đối phó với nạn buôn người: đánh thức lương tri quần chúng, tác động phòng ngừa, hành động trên bình diện chính trị, nhập liên hội quốc tế các tu sĩ chống nạn buôn người.
Nạn buôn người là một trong những tai hoạ lớn nhất của xã hội hiện thời. Hằng năm, hơn 20 triệu người bị đập tan cuộc đời và mất hết nhân phẩm vì nạn ấy. Hoạt động thương mại đó vừa bất nhân vừa phi pháp, nhưng Liên Hiệp Quốc ước tính rằng đó là một trong ba nguồn lợi bất chính quan trọng nhất trong thế giới: buôn người, buôn ma tuý và buôn vũ khí. Đó là một tội ác trầm trọng, vi phạm nhân quyền và đối lập với kế đồ sống dồi dào của Chúa.
2. Lưu tâm đến hoàn cảnh của những người già cả, đau yếu, bệnh tật, để giúp họ có một phẩm giá xứng đáng hơn. Trong các cộng đoàn, đôi khi chúng ta cần phải chiến đấu để khỏi chán ngán; chúng ta sẽ tăng cường sự ân cần đối với các chị cao niên, năng lui tới với họ hơn, chú ý đến họ nhiều hơn, trao đổi tin tức và biết nhờ họ giúp đỡ trong các công việc nhỏ, nhẹ.
3. Sẵn sàng chịu chất vấn bởi giới trẻ ngày nay, các thanh thiếu niên nam - nữ đang tìm kiếm một ý nghĩa cho cuộc đời, một lớp người trẻ bấp bênh vì gia đình tan vỡ, bị lôi cuốn và lừa đảo bởi một xã hội ham mê tiêu thụ.
Nhân dịp mừng 800 năm thành lập Dòng Đa Minh, mỗi Tỉnh và mỗi Phụ tỉnh cần suy nghĩ và mời các nhóm trẻ tham gia các hoạt động do Hội dòng tổ chức: hành hương, gặp gỡ, đi bộ chung, cử hành phụng vụ...
Khoảng thời gian 10 năm không phải là dà i lắm để có đủ dữ liệu hầu đánh giá tiến trình hội nhậ p. Dù vậy, có lẽ trong thời điểm đặc biệt này, nên có những trao đổi và chia sẻ về tiến trình. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý nhiều hơn, là phải dựa trên những trao đổi ấy để hướng tới tương lai.
Trong tiến trình hội nhập này, Phụ tỉnh Việt Nam là một đơn vị đến sau và có sắc thái riêng của mình. Phụ tỉnh Việt Nam được coi như là dải màu cuối làm thành bảy sắc cầu vồng. Vì vậy, chúng ta đã góp phần thế nào vào Hội dòng? Chúng ta chia sẻ những sứ vụ của Hội dòng như thế nào? Nếu như không thể thi hành toàn bộ những sứ vụ Hội dòng đề ra, đặc biệt trong Tổng hội 2013, chúng ta nên tập trung vào những hoạt động nào được coi là thích hợp với hoàn cả nh của mình? Chúng ta có sẵn sàng chia sẻ nhân sự để đáp ứng nhu cầu của Hội dòng không?
Ngược lại, từ truyền thống của Hội dòng, chúng ta có thể thu lượm được gì? Có phải chúng ta chỉ là những người đứng ở ở bên lề mà nhìn vào kho tàng chung của Hội dòng trong khi không tìm được điều gì phù hợp cho mình?
Con đường hội nhập vẫn ở phía trước, mang chiều kích quốc tế, và cũng là hành trình Tông đồ của chúng ta.