Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại một ngày sống của Đức Giêsu, một ngày bận rộn, với nhiều việc phải làm: rao giảng, thăm viếng, chữa bệnh, cầu nguyện…. nhưng Người vẫn chu toàn. Đức Giêsu luôn ở bên cạnh những người thân thiết, luôn hết mình với những người đau khổ cần được cứu chữa, luôn dành thời gian để cầu nguyện với Chúa Cha, và cũng luôn hướng tới những chân trời mới của sứ vụ cứu độ. Một bản văn tóm tắt như thế cho ta thấy những sinh hoạt chính yếu trong nếp sống của Đức Giêsu (Mc 1,29-39).
Như thế, cách tổng quát, chúng ta cũng có thể nói, nếp sống của một người Kitô hữu, theo Chúa Giêsu, cũng cần có những yếu tố căn bản theo nếp sống của Đức Giêsu. Người Kitô hữu đến nhà thờ, nhưng không bỏ rơi công việc trần thế; lo “việc Chúa” nhưng không bỏ qua đời sống gia đình, ngược lại, càng gắn bó với gia đình nhiều hơn; một đan sĩ, trong đời sống cầu nguyện, cũng cần thiết tha với bao nhiêu nỗi đau của cuộc đời, một cha xứ không thể chỉ an ổn trong giáo xứ của mình, nhưng cần luôn liên đới với nhu cầu rao giảng Tin Mừng ở những nơi khác... Những việc đó, cách này cách khác, liên kết với nhau, thôi thúc lẫn nhau.… Đặc biệt, những người Kitô hữu sống đời sống thánh hiến cần họa lại đời sống của Đức Giêsu một cách đúng đắn và quân bình trong một nếp tương tự như Đức Giêsu: sống giữa những người thân trong cộng đoàn, trợ giúp nhau trong đời sống cộng đoàn, tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện, và thiết tha với sứ vụ Tông đồ. Những điều căn bản được gia giảm, sắp xếp cách khác nhau tùy theo từng linh đạo của mỗi Hội dòng, nhưng không thể bỏ đi một yếu tố nào trong những yếu tố căn bản ấy.
Từ ngày sống của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nhìn vào đời sống Đa Minh được thể hiện trong một tổng hợp những yếu tố: sống cộng đoàn, kinh nguyện, học hành, và việc Tông đồ. Cũng là một nếp sống bận rộn. Nhưng cũng lại là một nếp sống phong phú. Nếu một tu sĩ Đa Minh nào đó không sống đời sống cộng đoàn đúng đắn, chỉ lo làm việc Tông đồ, thì đời sống ấy thế nào cũng tạo nên những khó khăn trong đời sống tu trì Đa Minh; nếu một tu sĩ Đa Minh nào đó, không có nhiệt tâm Tông đồ, ít thông hiệp với những sứ vụ Tông đồ của Hội dòng, hoặc của các chị em trong cộng đoàn, thì sẽ tạo nên những chiếc gậy chọc bánh xe làm cho công việc Tông đồ bị trì trệ…
Chúng ta có thể thấy nơi đây một thứ linh đạo của Tin Mừng, bao gồm những yếu tố mà không một người Kitô hữu nào, - nhất là đời sống tu trì-, được bỏ qua: đời sống cộng đoàn, cầu nguyện và việc Tông đồ.
Đức Giêsu giảng dạy ở Caphácnaum và gặt hái nhiều thành công. Thật vậy, Đức Giêsu đã có những khởi đầu ngoạn mục tại thành phố này và các phép lạ chính là sự diễn tả quyền năng nhân ái của Người, Đấng đến để cứu độ. Ta đọc được câu chuyện Đức Giêsu chữa lành nhạc mẫu của ông Simon và các phép lạ chữa lành khác. Cả thành ùn ùn kéo đến, đem theo những người bị quỷ ám để Người chữa lành. Đó là một cuộc chiến thắng, nhưng điều đáng ngạc nhiên là theo Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu dường như muốn rút lui. Sáng sớm, Người thức dậy và lánh riêng ra nơi hoang vắng để cầu nguyện. Rồi khi các môn đệ tìm thấy Đức Giêsu, các ông thưa: “Mọi người đi tìm Thầy đấy!” Thay vì trả lời điều họ muốn, Người đáp: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.”
Mọi người đi tìm Thầy. Chúng ta hãy đi nơi khác. Đức Kitô muốn cho chúng ta chia sẻ mầu nhiệm của Người là loan báo Tin Mừng và không dừng lại. Người không muốn trở thành tù nhân trong cái nhìn của dân cư Caphácnaum về việc giảng dạy, chữa lành.
Ra đi, một công thức quen thuộc của Tin Mừng thánh Máccô về Đức Giêsu. Người ra đi, Người rời thành phố như Người nói: “Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Ra đi, đó là ra khỏi thành phố để dân chúng khỏi hiểu lầm về mầu nhiệm của Người; chúng ta cũng được mời gọi ra đi để không bị chết chìm trong những nề nếp cứng đọng của đời sống hằng ngày. Ra đi, đó là thoát khỏi đám đông để cầu nguyện; chúng ta cũng được mời gọi cùng với Chúa Giêsu thoát khỏi một lối sống tưởng như bận rộn, tưởng như thành công, nhưng thật ra là chết chìm trong những thành công vụn vặt của mình. Ra đi, nghĩa là cuộc đời người Kitô hữu không phải là một nơi trú ẩn an toàn, nhưng là một hành trình, một hành trình mở. Đời sống đức tin của người Kitô hữu là một cuộc đời thể hiện một sự phong phú không ngừng như một hành trình mở ra mãi.
Chúa đến trong cuộc đời chúng ta, Người ở trong cuộc đời chúng ta, Người muốn chúng ta trở thành những người loan báo Tin Mừng, thành những chứng nhân sống động của lời Thiên Chúa. Chúng ta thấy thái độ tích cực của Chúa Giêsu: không phải chờ người ta đến để xin, không phải chỉ là đáp lại lời kêu xin một cách bất đắc dĩ, nhưng là hối hả làm việc. Có thể nói một cách tóm gọn, thái độ tích cực là tìm thấy động lực trong chính bản thân mình, còn thái độ bất đắc dĩ là phải để cho người ta lôi kéo.
+ Hôm nay, Hội dòng chúng ta mừng kỷ niệm 52 năm thành lập, mẫu gương và lời mời gọi của Đức Giêsu vẫn âm vang trong tâm hồn của mỗi chúng ta.
-- 52 năm, một độ tuổi không còn trẻ nữa. Hội dòng đã có được một độ dầy, một độ sâu để một nếp sống-- nếp sống Đa Minh, được thấm nhuần. Quãng thời gian này cũng được coi là đủ để các thế hệ khác nhau học được một cung cách sống đồng thời thích nghi với những hoàn cảnh hiện tại. Chu toàn và làm cho thêm phong phú.
-- 52 năm, như Đức Giêsu “ra đi cốt để làm việc đó”, thì Hội dòng cũng được thành lập để công bố lời Thiên Chúa. Hội dòng vẫn ra đi và phải ra đi hằng ngày, nhờ vậy Hội dòng tồn tại. Ra đi với dấu chân của nhiều người: dấu chân của những người ở miền xa xôi, của những người đang miệt mài với công việc, đang chuyên cần học hành, hay đang lặng lẽ cầu kinh trong nhà nguyện thanh vắng. Ra đi theo mẫu gương của Đức Giêsu và với Đức Giêsu.