Dẫn
Xin mượn một câu ngắn trong bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm đề tựa cho bài chia sẻ.
Khi phân chia công tác cho dịp tĩnh tâm, cha phụ tá Giám tỉnh lấy lý do là tôi đã có thời gian làm việc điều hành và hiện là cha giáo, nên có đủ tư thế để chia sẻ về đề tài .
Thật ra, đề tài sống chung là chuyện muôn đời của mỗi cộng đoàn tu trì, và bất cứ ai, dù là một thành viên bình thường, cũng có thể có những kinh nghiệm riêng tư về vấn đề đó. Ở đây, tôi cũng trình bày vài suy nghĩ của mình, hy vọng gợi lên những suy tư để chúng ta cùng trao đổi thêm.
Cái nhà của ta
Một trong những bài hát sinh hoạt thường được cất lên là: “cái nhà là nhà của ta, công khó ông cha lập ra...”.
a. Ở nhà
Cha Timothy Radcliffe OP nói rằng khi ở nhà, người ta cảm thấy thân thiện, thoải mái1. Ở nhà tức là người ta được nhìn nhận, được yêu thương, và đồng thời cũng nhận ra trách nhiệm của mình.
Vâng thưa anh em,
Gia nhập đời tu là chúng ta nhìn nhận nhà Dòng là ngôi nhà của mình, trong đó chúng ta sinh sống, làm việc, trao đổi với nhau và được yêu thương.
Những anh em lớn tuổi có lẽ cảm nghiệm điều này dễ hơn, khi mà ông bà cụ đã qua đời, các anh chị em có gia đình riêng của mình. Thời gian ông bà cố còn sống, tất nhiên nơi ông bà cố ở là gia đình, bây giờ không còn ông bà cố thì ý nghĩa gia đình sẽ hiểu khác đi.
Căn nhà là nơi diễn ra những sinh hoạt, bình thường của con người, từ ăn uống, ngủ nghỉ đến những sinh hoạt khác. Cha Henri J.M. Nouwen có hai nhận xét: Thứ nhất, không có gì đau khổ cho bằng không nhà. Điều này cho thấy một trạng huống lầm than của con người; trạng huống bất an, không có nơi để thuộc về. Thứ đến, sự mật thiết chính là phẩm chất căn cốt và tiên quyết nhất của ngôi nhà. Khi ai đó than rằng: Tôi cảm thấy thừa thãi trong nhà, thì điều này cho thấy người đó không có được sự thân mật. Hoặc khi ta nói: Welcome bạn đến nhà tôi, thì ta diễn tả khát khao có sợi dây mật thiết tạo nền tảng cho một cảm giác thuộc về2.
Đúng là khi ở nhà người ta cảm thấy thoải mái vì mọi sự đều quen thuộc và dường như chẳng có gì phải sợ. Thật không dễ để cho người khác khoảng không gian này, vì chúng ta sợ người khác thấy cái bất toàn của ta. Nhưng khi sẵn sàng tự thú nhận rằng mình cũng có những khuyết tật, có những yếu đuối, chúng ta cần lớn lên, thì chúng ta sẽ dễ trao cho nhau sự mật thiết để cùng nhau thăng tiến3.
Ở đâu có sợ hãi, ở đó không có mật thiết. Sự mật thiết không ở “giữa”. Đó là một cách sống mà mâu thuẫn giữa khoảng cách và gần gũi được giải quyết để có chỗ cho một chân trời mới. Sự mật thiết thì vượt quá nỗi sợ. Những người có kinh nghiệm mật thiết với Chúa Giêsu biết họ không có gì phải lo khi ở quá gần hay quá xa. Khi Chúa Giêsu nói: “Thầy đây, các con đừng sợ”, Người cho thấy một không gian mới, nơi người ta có thể di chuyển tự do mà không sợ. Khoảng không gian thân mật này là một sợi dây mỏng giăng giữa khoảng cách và gần gũi, nhưng đúng hơn là một cánh đồng rộng lớn, ở đó vấn đề quá gần hay quá xa không còn đáng kể nữa.
Dựa theo cách nói của Đức Giáo hoàng Phanxicô, chúng ta có thể nói: ngôi nhà là nơi mỗi chúng ta đặt tất cả tâm hồn, cả con tim của mình vào đó.
Điều này nêu lên cho chúng ta một câu hỏi: Tỉnh dòng, Tu viện, cộng đoàn của chúng ta có phải là ngôi nhà thực thụ, hay chỉ là một “nhà trọ”?
b. Người nhà:
Trong ngôi nhà là nhà Dòng ấy, mỗi anh em đều đón nhận nhau và chia sẻ đời sống với nhau. Có lẽ cho đến bây giờ, mối giao hảo giữa các anh em trong cộng đoàn không có những chuyện to tát, nhưng cũng chẳng có gì đặc sắc và nhất là không làm nổi bật được ý nghĩa của lối sống này. Chúng ta được đào luyện để sống với nhau, nhưng hình như chưa đạt được mức độ cao, chứ chưa nói đến cao nhất.
c. Việc nhà:
Các sinh hoạt ở trong ngôi nhà thông thường là những điều không có gì quan trọng, thỉnh thoảng mới có những lễ hội. Mỗi thành viên trong ngôi nhà có bổn phận tham gia vào các sinh hoạt chung, và chính trong những sinh hoạt ấy, người ta được lớn lên. Mặc dù không có những hoạt động to lớn, nhưng những hoạt động ấy vẫn cần phải đặt lên hàng ưu tiên so với những sinh hoạt khác. Mỗi người sẽ phải dồn tâm trí vào đấy và cố gắng chu toàn bổn phận.
d. Nếp nhà:
Mỗi nhà có cách sinh hoạt của mình mà người khác nhìn vào sẽ nhận ra ngay.
Có một nhóm người trong Giáo hội được Đức Giáo hoàng gọi là “những người theo chủ nghĩa đa nguyên”. Với một ý thức hệ riêng, họ bước vào Giáo hội với một chân, còn chân kia ở bên ngoài Giáo hội. Họ chỉ xem Giáo hội như một gác trọ chứ không phải ngôi nhà. Họ không thấy được mình thuộc về Giáo hội.
Liệu mỗi chúng ta, trong đời sống tu trì, có cảm thấy mình thuộc về người khác và người khác thuộc về mình không?
Chúng ta cũng tiếp tục một ý tưởng của Đức Giáo hoàng về Giáo hội: Phải tạ ơn Chúa vì tất cả chúng ta có những nét riêng, chứ không giống y chang nhau. Nếu không, mọi thứ sẽ trở thành hoả ngục. Tất cả mọi tín hữu được mời gọi vâng phục trong Thánh Thần. Đây là nhân đức sẽ cứu chúng ta khỏi tình trạng “đồng nhất hoá, bất hoà, hay trục lợi cá nhân trở thành lái buôn trong Giáo hội”. Chính sự vâng phục này sẽ chuyển hóa Giáo hội từ một quán trọ thành một ngôi nhà.
Thiết nghĩ ý tưởng trên cũng phù hợp với hoàn cảnh chúng ta, chúng ta cần cầu nguyện cho Tỉnh dòng và sống theo lời cầu nguyện này.
Cảm thức Đa Minh
Một lối nói vẫn thường được sử dụng trong Giáo hội để nói về tâm tình hiệp thông, cùng chia sẻ với Giáo hội là “Đồng cảm với Giáo hội”. Xin mượn lối nói này để nói lên mối tương quan giữa chúng ta: Cảm thức Đa Minh.
Khi nói tới Dòng Đa Minh, những điều người ta thường nghĩ tới là: -- sự thuộc về, -- tự do, -- dân chủ hay bình đẳng, -- được sai đi.
Chúng ta vẫn sống trong các cộng đoàn, vẫn mang áo Dòng, và trong chừng mực nào đó, vẫn tuân thủ các kỷ luật. Dầu vậy, tất cả những điều này chỉ có ý nghĩa khi chúng trở thành động lực thúc đẩy chúng ta mạnh mẽ hơn trong sứ vụ Lời Chúa. Mạnh mẽ hơn chứ không phải là chỉ làm cho qua, và nhất là, không lười biếng, không thiết tha với sứ vụ. Trong dịp kỷ niệm mừng 800 năm ngày Dòng được châu phê, chúng ta phải nghiêm túc xét lại các tương giao xem chúng có thực sự giúp chúng ta thi hành lời cam kết của mình khi tuyên khấn không.
Vì vậy, rất cần một cái nhìn mới, quả tim mới, lỗ tai mới để hiểu đúng tính hợp nhất của chúng ta. Sự hợp nhất này chỉ có thể đến từ một trái tim yêu thương và trao tặng. Điều này đỏi hỏi một cảm thức siêu nhiên. Thiên Chúa nhìn dân Người như một gia đình hợp nhất qua việc gửi chính Con Một của Người. Người tạo cho chúng ta cảm thức thuộc về. Sự thuộc về này giúp chúng ta hợp nhất trong yêu thương để rồi dần dần hiểu ra chân lý huyền nhiệm: Thiên Chúa yêu chúng ta bằng một tình yêu toàn thiện, không loại trừ ai.
Ở đây, theo Henri J.M. Nouwen, có ba khía cạnh của một đời sống sinh hoa trái là tính dễ bị tổn thương, lòng biết ơn và sự chăm sóc4.
-- Một đời sống dồi dào hoa trái trước hết là một đời sống chấp nhận sự tổn thương. Khi dám chấp nhận sự tổn thương, là chúng ta đang làm cho đời sống của mình trở nên sung mãn vì dám phá bỏ những bức tường rào phòng thủ, những áo giáp ngăn cản chúng ta đến với nhau.
-- Khía cạnh thứ hai của đời sống phong nhiêu là lòng biết ơn. Nguy cơ của sự thành công có thể đánh mất đi tinh thần biết ơn, bởi vì chúng ta chỉ nghĩ mình sẽ làm thế nào để hơn người khác, hoặc hạ bệ người khác để có được một thứ vinh quang nào đó.
-- Cuối cùng, đó là chăm sóc hoa trái. Điều này rất cần một mái nhà chan chứa tình huynh đệ để có thể loại trừ sợ hãi và làm cho sự yếu đuối được kiện cường nhờ tình thương.
Không giữ việc nhà, nếp nhà dễ dẫn đến việc đánh mất niềm vui trong cộng đoàn. Không có nơi để thuộc về, không có nơi mà ta gọi là nhà, mỗi hành động của chúng ta sẽ trở thành một sự trốn chạy, vô định. Thiếu dấn thân, thì dẫn đến thiếu định hướng. Những người không gắn với nơi mình thuộc về có nguy cơ đánh mất hướng đi. Điều này dễ hiểu, bởi vì ngôi nhà là nơi cho chúng ta khung cảnh, thời gian, và nơi chốn để sáng tạo. Rất nhiều người đã đánh mất động lực khi không tìm thấy ý nghĩa nơi “nhà mình”. Như thế, điều đó đang trở thành mối nguy cơ đánh mất mình.
Thêm nữa, như ta thấy, sứ vụ của Dòng là công bố Lời Chúa. Cảm thức thuộc về nhau sẽ chỉ là sức mạnh giúp chúng ta thực thi sứ mệnh của mình khi tạo nên niềm vui và lòng hăng say.
Cộng đoàn là nơi Chúa ban cho chúng ta niềm vui của Người. Lời Chúa chính là niềm vui được sẻ chia, và như thế niềm vui của chúng ta trở nên trọn vẹn (Ga 15,11). Niềm vui trọn vẹn này là của chúng ta, thuộc về ngôi nhà của chúng ta. Niềm vui trọn vẹn sẽ đưa chúng ta đến nơi mà chúng ta tìm được đời sống mới giữa chúng ta. Nó giúp chúng ta thắng được sự cô lập đến từ chính đời sống thụ động của mình.5
Thông thường dấu chỉ của tình huynh đệ phát xuất từ niềm vui trọn vẹn qua việc chúng ta biết nhạy cảm với nhịp sống của cộng đoàn, với con tim của cộng đoàn. Chúng ta sẽ tìm gặp được chính mình qua việc biết quý trọng từ những niềm vui rất nhỏ đến những câu chuyện hài hước được anh em chia sẻ với nhau6.
Những nét trên sẽ đưa đến một cảm thức khác mà chúng ta được gợi lên trong những ngày này, đó là cảm thức được sai đi. Chúng ta thuộc về nhau và sống những nét đặc trưng của nhau để rồi được sai đi.
Kết luận
Hy vọng, những điều vừa gợi ý giúp chúng ta nhìn những vấn đề rất khô khan như kỷ luật tu trì, nội vi, và xin phép một cách nhẹ nhàng và dễ thương hơn. Mỗi chúng ta đều là thành viên trong ngôi nhà, thành viên thực thụ chứ không phải là khách trọ. Ngôi nhà ấy là mỗi cộng đoàn, Tu viện, Tỉnh dòng, và thậm chí là toàn Dòng. Vì là người nhà, nên chúng ta cùng nhau làm tất cả để ngôi nhà của mình luôn đẹp, và luôn là nơi đem lại sức mạnh cho những ai ở trong ngôi nhà ấy. Một điều cần có và bao trùm những ý tưởng này chính là lòng yêu mến ngôi nhà, hay nói khác đi, đó là lòng yêu mến Dòng. Khi càng có lòng yêu mến, người ta sẽ làm tất cả để thể hiện và gia tăng lòng yêu mến ấy. Dầu vậy, như đã thấy, làm tất cả mọi sự cho ngôi nhà, nhưng không phải chỉ ở trong nhà, mà là để đi ra ngoài-được sai đi. Chỉ khi đi ra ngoài người ta mới cảm thấy yêu mến ngôi nhà mình hơn, và cũng mong về nhà nhiều hơn.