Ngày 25 tháng 03 năm 2014, Đức Giám mục Giáo phận Xuân lộc chính thức công bố sắc lệnh thành lập Đan viện nữ Đa Minh Xuân lộc tại Giáo xứ Ngũ Phúc, Giáo phận Xuân lộc. Đan viện đã được khởi sự cách đây 15 năm với nhiều bước thăng trầm, và trong dịp đặc biệt này, các chị em ngỏ lời xin tôi viết lại những diễn tiến từ lúc ban đầu. Thực ra, tôi đã quên rất nhiều vì chẳng ghi chép lại gì cả, nên cũng hơi lúng túng. Tuy vậy, đây là dịp thuận lợi để nhớ lại, không chỉ là việc thành lập Đan viện nữ Đa Minh đầu tiên tại Việt Nam, mà cũng là dịp để nhắc nhớ những cảm nghiệm cá nhân về đời Đan tu.
Cho đến khi lên tới Học viện Thủ Đức vào đầu những năm 70, tôi vẫn chưa hiểu rõ gì về nếp sống Đan viện, bởi vì cho đến lúc ấy, chưa có lần nào được viếng thăm Đan viện. Trong thời gian tại Học viện, mặc dù vẫn thường học chung với các anh em tu sĩ sống đời đan tu như Phước Sơn, Phước Lý, Châu Sơn..., tôi cũng chẳng hiểu rõ về nếp sống của các anh ấy. Chỉ gặp thấy nơi các anh một nếp sống giản dị, vui tươi. Đôi lúc đi thăm Đan viện, cũng chỉ gặp thấy ở nơi này một khung cảnh tĩnh lặng, nghèo khó, những căn phòng đơn giản, và được nghe những truyền khẩu đầy sống động là các anh ấy ngủ đêm trên một tấm ván; đến lúc qua đời, người ta chỉ lấy một cái hòm úp lên rồi hạ huyệt, rồi lấy cái hòm ra, và lấp đất lại. Người qua đời sau lại sử dụng cái hòm ấy. Những tiếng suýt xoa đầy thán phục! Lòng thán phục càng tăng thêm khi thấy các anh ấy tự lực mưu sinh, làm đủ mọi chuyện để có cái ăn, để xây dựng nhà cửa,... hết mọi chuyện. Và hiểu biết của tôi về Đan viện, về nếp sống đan tu chỉ có thế thôi.
Sau này, nhờ học hỏi, nhờ tiếp xúc, nhất là đọc lại lịch sử, tôi mới dần dần hiểu ra được tầm quan trọng của đời đan tu trong Giáo hội. Hóa ra người chọn đời đan tu, rút lui vào trong đời sống cô tịch không phải để chịu khổ, để trở thành những anh hùng, nhưng là để gặp gỡ Thiên Chúa cách sống động hơn, phong phú hơn. Và thêm nữa, cứ tưởng rằng phải làm việc này việc kia, phải đi đó đi đây mới là phục vụ Giáo hội, thì nay thấy rằng, chính nếp sống ẩn dật, lặng lẽ kia mới đem lại nhiều nguồn sinh lực dồi dào cho Giáo hội.
Hiểu biết này càng sâu sắc hơn khi có cơ hội cùng với Đức cha Hợp (lúc đó ngài còn là linh mục, đang dạy học tại Angelicum-- Rôma) thăm viếng Đan viện nổi tiếng như Monte Cassino, gần Napoli, nơi thánh Tôma Aquinô đã từng theo học, hay được cha Nguyễn Văn Khiêm OP đưa đi thăm các Đan viện Chalais, Chartreux ở miền Nam nước Pháp. Những khung cảnh thanh vắng và xa xôi này luôn có nhiều người tìm đến sống trong thinh lặng, để tiếp xúc với Thiên Chúa, và đó là sức sống của Giáo hội.
Năm 1998, khi còn đang học ở Rôma, tôi gặp cha Beda Ngô Minh Thúy, Bề trên Đan viện Biển Đức, Tam Hải, đi dự hội nghị các viện phụ tại Đan viện San Anselmo. Cha khen bài nói chuyện của cha Timothy Radcliffe OP với các viện phụ rất sâu sắc. Đọc lại bài này,1 tôi mới cảm nghiệm được phần nào nét sâu xa của đời đan tu. “Đời sống của người đan sỹ chẳng có gì là đặc biệt trừ việc ở lại với Thiên Chúa”. Đó là một cuộc sống không đưa đến đâu, không phải để trở thành ông kia bà nọ, nhưng chỉ là có mặt ở đó, tạo nên những khoảng không cho Thiên Chúa, và vinh quang Thiên Chúa được biểu lộ trong sự trống rỗng.
Những hiểu biết này không chỉ giúp cảm nghiệm về đời đan tu, nhưng còn đưa đến một kinh nghiệm sâu sắc, phong phú cho đời tu cá nhân. Dù là đời tu hoạt động hay chiêm niệm, điều cần thiết vẫn là tạo nên những khoảng không để Thiên Chúa có thể làm việc chứ không phải mình phải làm việc này việc kia. Một kinh nghiệm quá tuyệt vời!
Sứ vụ của đời tu Đa Minh là truyền giáo, là loan báo Tin Mừng, nhưng sứ vụ ấy không chỉ là hành trình của các nhà truyền giáo, nhưng còn là sự thinh lặng của đời đan tu. Trước khi lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết vào năm 1216, thánh Đa Minh đã lập Đan viện đầu tiên ở Prouille từ năm 1207.
Chị em cũng hoàn toàn là những nhà truyền giáo như các anh em, không phải bằng việc lên đường đi đây đi đó, nhưng vì chị em sống cuộc sống của mình bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Cha Giođano Saxônia, người kế vị thánh Đa Minh, đã nói với chị Diana: “Việc chị hằng ở yên trong tĩnh lặng của Tu viện với những chuyến đi rong ruổi khắp thế giới của tôi giống như nhau, cả hai đều được thực hiện vì tình yêu Thiên Chúa”. Chị em là một lời rao giảng bằng chính sự hiện diện của chị em.2
Hiểu được đến vậy cũng là khó rồi, nhưng không chỉ thế, vì chính mình sẽ phải lo để thành lập Đan viện nữ Đa Minh tại Việt Nam, quả là điều chưa bao giờ nghĩ tới.
Tỉnh hội 1999 giao cho Giám tỉnh cùng với một số vị trong Ban Trù bị nhiệm vụ xúc tiến thành lập Đan viện nữ Đa Minh Việt Nam (Công vụ Tỉnh hội [CVTH], số 188), cùng với những việc khá cụ thể (CVTH,189). Ngoài ra, Tỉnh hội cũng gửi một lá thư cho các chị em nữ tu Đa Minh tại Việt Nam, trong đó nêu lên sự cần thiết của một Đan viện nữ Đa Minh trong sứ mệnh truyền giáo của Tỉnh dòng, cũng như nhắc lại ước nguyện của cha Bề trên Tổng quyền. Đã có những cuộc thăm viếng, gặp gỡ của vị đặc trách nữ đan sĩ từ Rôma, cũng như của các Bề trên thuộc Đan viện Blessed Sacrament. Bên nào cũng sẵn lòng trợ giúp.
Tiến trình lại có những thuận lợi là lòng nhiệt thành hăng say từ nhiều phía, cả phía anh em lẫn các nữ tu. Đã có một số chị em nữ tu Đa Minh trong các Hội Dòng, xưa nay vẫn mong muốn theo đuổi nếp sống đan tu, nay có cơ hội để gia nhập. Vậy là một số chị em ban đầu liên lạc với Đan viện Blessed Sacrament ở Farmington Hills (Michigan) và được gửi sang Đan viện để được đào tạo, sau đó sẽ trở về thành lập Đan viện tại Việt Nam.
Xét về một khía cạnh, số các chị em này đã theo đuổi đời tu Đa Minh khá nhiều năm, đã hiểu biết nhiều về tinh thần Dòng, đây là một thuận lợi. Tuy nhiên, bước vào nếp sống đan tu chiêm niệm không phải là chuyện đơn giản. Hy vọng các chị em sẽ kể lại những cảm nghiệm cũng như hành trình của mình từ buổi ban đầu ấy.
Về phía người lo tiến hành cho chương trình này, ngoài việc quan tâm nhiều đến nơi ở, thì kinh tế là mối ưu tư lớn, nhưng đáng lo nhất là chuyện đào tạo. Vì đây là một nếp sống mới hoàn toàn, chưa ai có kinh nghiệm gì, có chăng chỉ là chút ít về tinh thần Dòng, còn bao nhiêu chuyện khác thì phải học. Bây giờ nhìn lại, giá như lúc ấy có một anh em nào đứng ra đảm trách riêng tiến trình này, hẳn công việc sẽ tiến triển tốt đẹp hơn nhiều!
Ngoài ra, cũng có những chị em trẻ xin gia nhập. Hóa ra lâu nay vẫn có những người thiết tha với lý tưởng đan tu Đa Minh, nay có cơ hội liền ngỏ ý xin gia nhập. Ước mơ là như thế, nhưng thực tế lại không đơn giản! Sống thinh lặng suốt cả đời mà không buồn chán cần phải có sức khỏe cũng như nghị lực mãnh liệt. Đã có những em gia nhập được một thời gian rồi nói lời “tạm biệt” với đời sống này, hoặc vì chính mình cảm thấy không đủ sức đi tiếp, hoặc là được các vị hữu trách nhận định là không phù hợp. Điều này vẫn thường xảy ra nơi các Hội dòng, và nay lại càng rõ ràng hơn trong đời đan tu. Có những em đã sinh hoạt một thời gian ở Việt Nam, lại có những em đã qua thời gian tập và học hỏi bên Đan viện Mẹ (Michigan), nhưng cũng không theo đuổi được.
Vì chị em có lời khấn trực tiếp với Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh, nên theo bổ nhiệm của Bề trên Tổng quyền, Giám tỉnh sẽ là người chịu trách nhiệm trên Đan viện về pháp lý cũng như mọi sinh hoạt. Có khi việc bổ nhiệm này làm cho người trong cuộc cảm thấy mình nhiều việc hơn, nhưng cũng có lúc lại cảm thấy như oai hơn một chút. Nhớ lại một lần đi sang thăm các chị em tại Đan viện Mẹ ở Farmington Hills, cùng đi có cha Nguyễn An Ninh -- Chủ tịch liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa kỳ, và cha Giuse Nguyễn Bảy, thì hai vị này không được phép vào bên trong Đan viện mà chỉ có cha Giám tỉnh Việt Nam là Bề trên hợp pháp được vào thăm khuôn viên Đan viện. Có vẻ oai đấy, nhưng cũng cảm thấy trách nhiệm nặng hơn.
Chuyện đầu tiên là tìm cho chị em có một nơi để ở tạm, trước khi có nơi ở chính thức. Khởi đầu các chị em tạm trú tại phụ xá Lạc Quang, trước đây là nhà của anh em; tuy nhiên, nơi ở đó không thuận lợi, vì các anh em Đa Minh không tiện đến dâng lễ hằng ngày, và lại giữa khu dân cư ồn ào. Các vị trong Ban Trù bị đã lo tìm một khu đất khác để chị em có thể định cư vĩnh viễn. Nhiều nơi được nêu lên với tiêu chuẩn là khung cảnh yên tĩnh, đẹp đẽ, dễ đưa tâm hồn lên tới Chúa, và cũng phải thuận lợi để các anh em Đa Minh có thể đến dâng lễ, cử hành bí tích hằng ngày, và giảng dạy, giúp tĩnh tâm,.... Sau nhiều lần tìm kiếm, các vị đã chọn được khu đất tại Giáo xứ Ngũ Phúc, Hố Nai, tạm hội đủ các tiêu chuẩn là rộng rãi, yên tĩnh, thơ mộng, và nhất là gần Tu viện thánh Martinô của anh em. Nhưng vì các chị em chưa có phép hoạt động chính thức, vả lại khu đất này cũng chưa hoàn thành thủ tục giấy tờ pháp lý, nên lại phải tìm một nơi ở tạm trước khi có thể sinh sống tại đây. Lúc này, Chúa thương giúp chị em: Anh chị Huyền, thành viên Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh, sẵn lòng nhường lại ngôi nhà tương đối rộng rãi gần với khu đất trên để chị em có thể theo đuổi đời tu của mình. Và như vậy, nếp sống Đan viện nữ Đa Minh đã hình thành.
Trên đây là sơ lược cho bước đường hình thành Đan viện, đó là bước đường dài để xác định về một nếp sống và một lý tưởng. Bước đường này phản ánh trách nhiệm của Tỉnh dòng trong việc hình thành Đan viện, đồng thời cũng là một hồng ân “để thế giới không bao giờ thiếu tia sáng vẻ đẹp của Thiên Chúa, hầu chiếu sáng con đường cuộc sống của nhân loại. Hãy tin tưởng vào lối sống đan tu của chị em. Đó là một hồng ân của Thiên Chúa”.3
15 năm chưa là gì cả, chỉ là một quãng đường ngắn ngủi, nhưng đó là quãng đường hình thành cho Đan viện nữ Đa Minh. Trong ngày lễ Đức Mẹ Truyền Tin năm nay, Đan viện sẽ được chính thức công bố, tức là được cả giáo quyền lẫn chính quyền nhìn nhận. Ngày lễ này sẽ là một khởi điểm cho một giai đoạn tốt đẹp hơn, phong phú hơn. Ước mong rằng, chị em có một nơi ở ổn định hơn, xứng đáng hơn, phù hợp với lý tưởng và ước nguyện của mình là “mặc khải vẻ đẹp đích thực của Thiên Chúa, để sống lòng mến thương nhau, để cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, của thánh Đa Minh....,và cầu nguyện cho toàn thể gia đình Đa Minh đã được trao phó cho sự chăm sóc của chị em”.4