Tháng 11-2006, Tu xá Tam Hà sẽ mừng bổn mạng thánh Vinh Son Liêm. Đây cũng là năm kỷ niệm Tu xá Tam Hà thành hình được 25 năm. Tuy nhiên, nếu kể từ nguồn gốc của “nhóm anh em Tam Hà” ban đầu, thì trước đó phải kể thêm 3 năm ở Tam Hải nữa.
Sau biến cố Học viện Thủ Đức bị tiếp thu tháng 4 năm 1978, cha Giám tỉnh, lúc bấy giờ là cha Gioakim Nguyễn Văn Liêm, đã cố gắng thu xếp để các anh em còn muốn theo đuổi lý tưởng Đa Minh được sống thành những cộng đòan nhỏ. Thời bấy giờ, theo ý kiến một số đông anh em, cả trẻ tuổi lẫn cao niên, anh em Đa Minh không muốn nhận các giáo xứ. Chính vì thế, khi giải tán Học viện, một số anh em về sống tại các Tu viện, còn một số đông các anh em còn lại được qui tụ lại thành những cộng đoàn mới. Những cộng đoàn này ở gần với giáo xứ, nhưng không chính thức coi sóc một giáo xứ nào. Quyết định này có ảnh hưởng đến những nét sinh hoạt của anh em, và phần nào đó, cũng ảnh hưởng đến bộ mặt của Tỉnh dòng sau này.
Do đó, một loạt các cộng đoàn mới được hình thành: Bình Phước, Long Bình, Lạc Quang, Tam Hải (tiền thân của cộng đoàn Tu xá Tam Hà) và Minh Đức (riêng cộng đoàn này có giáo xứ). Các cộng đoàn này nằm trong một hoàn cảnh đặc biệt trước đây chưa hề có, và có lẽ sau này cũng chẳng có hoàn cảnh nào tương tự. Anh em trong các cộng đoàn này liên hệ khá chặt chẽ với nhau, có thể nói là rất thân tình, nhất là những anh em chưa hoàn tất chương trình học quy củ. Ra khỏi một nề nếp quen thuộc của một cộng đoàn lớn và ổn định, anh em bắt đầu một lối sống đời thường hơn, nghèo khó hơn, bấp bênh hơn và cũng nhiều sáng tạo hơn.
Cộng đoàn Tam Hà, lúc đầu trú ngụ tại nhà một giáo dân ở giáo xứ Tam Hải tên Phi, làm nên một cộng đoàn mà dân chúng quen gọi là “Dòng Ông Phi”, gồm có một linh mục là cha Ignatiô Nguyễn Ngọc Rao và sáu anh em: Nguyễn Cao Luật, Phạm Quang Sáng, Đặng Chí San, Nguyễn Trọng Viễn, Nguyễn Văn Viển, và Trần Ngọc Trung. Sau đó, Tỉnh dòng đầu tư mua một ngôi nhà tại giáo xá Tam Hà gần đó, với diện tích đất là 1000 mét vuông. Tháng 6 năm 1981, Tu xá Tam Hải được dời ra Tam Hà. Tại đây, cộng đoàn đón tiếp thêm linh mục chui Lã Ngọc Đẩu từ cộng đoàn Long Bình chuyển về; trước đó, anh Nguyễn Văn Viển đã rời cộng đoàn đi vượt biên và anh Trần Ngọc Trung sau đó một thời gian ngắn đã xin chuyển hướng.
Trong thời gian ở Tam Hải, bầu khí sống chung của cộng đoàn khá căng thẳng. Có rất nhiều sự khác biệt về tính tình, về lối sống, về quan niệm đời tu của anh em. Sáu anh em phục viên thì mỗi người một vẻ, chẳng ai giống ai và chẳng ai hợp gu với ai. Có lần, khi cộng đoàn Tam Hải tĩnh tâm năm, anh em Bình Phước phải phái người qua cùng tĩnh tâm, sợ anh em Tam Hải tĩnh tâm với nhau thì sẽ biến thành cuộc cãi vã bất phân thắng bại; bởi vì trước đó có lần anh em đã sắp sửa giải quyết xung đột bằng “cơ bắp”. Tuy nhiên, cộng đoàn đã vượt qua được giai đoạn ấy nhờ “cà phê và bia hơi”. Nói cách khác, trong thời gian ấy, anh em thường xuyên mượn cà phê và chút men để rủ rỉ tâm sự với nhau. Còn nhớ có lần cha Giám tỉnh Đoàn Thiệu đã chỉ thị anh em hãy uống cà phê tại nhà chứ đừng ra quán… Cũng phải nói rằng, cộng đoàn Tam Hà sau đó vượt qua được tình trạng thường xuyên xung đột nhờ “chính sách cởi mở” của cha Rao. Cha đã rất thông cảm và chấp nhận để anh em thường xuyên “cà phê và bia hơi”, cùng với nhiều bài giảng khá hay và nhiều câu tuyên bố xanh rờn: “thằng nào quân bình nhất là thằng mất quân bình nhất”; “những đứa ghét nhau nhất rồi sẽ là những đứa thương nhau nhất”. . . . Sau một thời gian, chính tình huynh đệ trong cộng đoàn Tam Hà lại trở thành một điểm son, và nếu không nói quá, cả trong anh em phục viên.
Ngoài ra, cộng đoàn Tam Hà còn có nét đặc trưng là cộng đoàn tiếp đón. Nhiều giáo dân quen thuộc có thể ra vào cộng đoàn cách tự nhiên và thường ở lại dùng cơm chung với cộng đoàn cách thân tình. Hầu hết các “khách riêng” của anh em cũng trở thành khách chung của cộng đoàn và trở thành như người nhà. Nhiều anh em ở các cộng đoàn khác thường ghé chơi; hoặc về sau, khi tình hình chung của đất nước đã “dễ thở” hơn, cộng đoàn Tam Hà cũng là môi trường làm việc khá lý tưởng: cùng nhau dịch sách, hội họp . . . Một số sinh hoạt văn hóa lúc bấy giờ của Tỉnh dòng đã khởi đầu từ đây.
Thời gian ấy, mặc dù cha Giám tỉnh lúc bấy giờ luôn nhắc với anh em rằng cứ lo học và đừng quá lo lắng về kinh tế, và trong thực tế, ngài vẫn lo cho anh em những nhu cầu cần thiết của cuộc sống, nhưng trong tình hình của cả đất nước, anh em vẫn luôn được khuyến khích chia sẻ cuộc sống lao động và cuộc sống khó nghèo của dân chúng. Mọi anh em, hoặc làm việc chung của cộng đoàn, hoặc nỗ lực tìm việc làm riêng, đều đóng góp một phần nào đó cho kinh tế của cộng đoàn. Cũng phải nói thực rằng, việc lao động của anh em không phải là phần chính trong việc nuôi sống chính mình. Thu nhập không bao nhiêu nhưng vẫn cứ làm vì đó cũng là lối sống chung của toàn xã hội. Vả lại, anh em còn dành thời giờ cho việc đọc kinh cầu nguyện, lo công tác mục vụ, và nhất là, lo bổ túc việc học. Từ đó hình thành một loạt những nghề hoàn toàn mới đối với đời tu: dạy học kèm, làm sách chui, bán xoài, bán dừa, đi làm rau muống, đạp ba gác chở nước đá đi bán, làm đậu hũ, quay sợi, làm nước mắm, làm bột sắn giây, làm xưởng cưa, làm người coi cổng xí nghiệp, làm công nhân viên nhà nước, đi nông trường, nuôi thỏ, nuôi heo... Trong cộng đoàn Tam Hải -- Tam Hà, có sáu anh em sinh viên, với một linh mục đáng kính mà anh em thường gọi cách thân thiết là “Cố Rao”. Cha Rao cùng lao động, cũng cuốc đất với anh em; và khi chuyển về Tam Hà, chính cha là người “chủ xị” trong nghề làm nước mắm và cũng là lao động chính trong công việc này.
Các anh em “phục viên” (một từ ngữ chỉ các anh em được đặt ra để chơi đùa nói về những anh em chưa học xong nhưng đã “giải ngũ”, và dần dần trở thành một tên gọi quen thuộc, -sau này các anh em này có một tên gọi chính thức hơn là “sinh viên 78”) được Tỉnh dòng sắp xếp để có thể hoàn tất, một cách vắn tắt tối thiểu, những học phần còn thiếu trong chương trình đào tạo qui củ. Chương trình sống hằng ngày được ưu tiên dành cho vấn đề lao động. Hằng tuần có khoảng bốn hoặc sáu tiết học chui. Các anh em ở trong những cộng đoàn gần nhau tập trung lại nơi kín đáo, để các giáo sư đến dạy học. Giờ học, các giáo sư thường giảng bài êm êm vì là học chui; các học viên thì mệt vì công việc lao động nên cũng thường lim dim, phương tiện học tập thì tự ghi chép lấy hoặc cũng có khi được đánh máy bằng giấy “pô-luya” mỏng tanh và nhăn nhúm; ngay cả bảng đen thường là cũng không có... Trong tình hình ấy, có thể nói phần chính yếu trong hành trang kiến thức triết thần của các anh em sống trong giai đoạn này là do tự học. Có những anh em chỉ học được một hai năm ở Học viện, trong tình trạng đất nước đang nóng bỏng về những tin tức chiến sự hằng ngày; hoặc từ sau 1975 đến 1978, trong tình trạng tương lai mù mịt và thấp thỏm không biết còn được ở trong nhà Dòng đến ngày nào; rồi tiếp đến là vài năm ở các cộng đoàn nhỏ trong tình trạng “vừa học vừa làm” như thế. Có thể khẳng định rằng nếu có một chút thành đạt nào đó của các anh em được đào tạo trong giai đoạn này thì đó là do lối học “nghề dạy nghề”. Chính tình trạng hụt hẫng về nhân sự trong Giáo hội Việt Nam cũng như trong Dòng và trong các cộng đoàn nữ tu thời đó đã mở nhiều cánh cửa cho anh em “tìm việc”, và khi lao vào công việc, anh em tự xoay sở để trau dồi khả năng của mình.
Nhìn lại, những năm tháng thăng trầm ấy, ta có thể rút ra được một số bài học. Tháng 4-1978, nhà nước tiếp thu Học viện Đa Minh Thủ Đức, anh em sinh viên đối diện với một viễn tượng mù mịt; không ai có thể đoán được nhà nước sẽ đưa mình đi đâu, sống ra sao và để làm gì. Nhiều anh em đã tưởng như là sắp có một cuộc đi đày nơi rừng thiêng nước độc nào đó. Một số anh em rời nhà Dòng tìm con đường vượt biên hoặc trở về với đời sống giáo dân. Cuối cùng, những anh em chấp nhận ra đi theo chương trình của Tỉnh dòng, được phân bổ vào các cộng đoàn nhỏ chung quanh thành phố, đó đã là một hồng phúc lắm rồi. Tuy vậy, phải nhìn nhận rằng hoàn cảnh chung lúc bấy giờ chẳng những là một hoàn cảnh khó khăn về mọi mặt, nhưng còn là một tình huống hết sức bấp bênh và bế tắc. Anh em “sinh viên 78” không thể biết tương lai sẽ ra sao, con đường lãnh tác vụ linh mục, nói chung, kể như hoàn toàn bế tắc. Tuy vậy, chính trong hoàn cảnh “thất nghiệp” như thế, anh em vẫn không ngừng xoay sở, cả với những dự định “đội đá vá trời”. Thời bấy giờ, cùng với sự hỗ trợ của một số anh linh mục trẻ, đặc biệt là các anh Đỗ Lục và Hoàng Văn Thiên, “sinh viên 78” có đầy những khát vọng muốn làm một điều gì đó, và anh em có rất nhiều sáng kiến, đã xoay sở đủ cách: làm báo chí, lập nhóm chia sẻ, thành lập những đoàn giảng thuyết, những tổ sinh hoạt gia đình Đa Minh, xuất bản sách vở, dịch các văn kiện Giáo hội và Tự Điển Bách khoa Thần học... Thất bại cũng nhiều, nhưng thành công cũng không phải là ít. Có thể nói là số lượng sách báo do sinh viên 78 khi ấy xuất bản chui (kiêm cả khâu đánh máy và quay ronéo chui) thật sự vượt xa số lượng các anh em trẻ, sinh viên và anh em ra trường trong 10 năm trở lại, đã làm được hiện nay!
Ngoại trừ một hai trường hợp đặc biệt, chỉ từ 1991 mới bắt đầu có những đợt chịu chức tương đối đều đặn, mỗi năm hai người, và nhóm “sinh viên 78”, cả về nhân sự cũng như công việc, dần dần tắt lịm để chuyển sang một giai đoạn mới.
Năm 1997, Tỉnh dòng đầu tư xây dựng Thỉnh viện tại Tu xá Tam Hà, và chuyển Thỉnh viện cùng anh em trong Tu xá Bình Phước sáp nhập với Tu xá Tam Hà thành nên một Tu xá mới, nhận bổn mạng là thánh Vinh Sơn Phạm hiếu Liêm, với nhiệm vụ chính là đào tạo anh em thỉnh sinh như hiện nay.