Thưa anh em,1
Anh em là những người đã trải qua một thời gian sống trong Dòng và sắp sửa bước vào một thời điểm rất quan trọng trong đời sống cá nhân lẫn đời sống tu trì. Anh em sẽ tuyên khấn trọn đời trong Dòng, tức là cam kết mãi mãi sống trong đời tu, dù cuộc đời có thế nào chăng nữa.
Thêm nữa, đó còn là tuyên khấn trọn đời trong Dòng Giảng Thuyết, một Dòng có sứ mệnh riêng là công bố Lời Thiên Chúa đến mọi nơi trên thế giới. Lời tuyên khấn này đặt anh em vào một tình trạng là hoàn toàn trao tặng bản thân và cuộc đời của mình để nhiều người khác có cơ hội được nghe lời Thiên Chúa. Tình trạng này sẽ là toàn bộ cuộc đời anh em về cả chiều dài lẫn chiều rộng. Trong ý nghĩa này, xin chia sẻ với anh em một vài điểm liên quan đến lời cam kết của chúng ta.
Để tuyên khấn trong Dòng, anh em sẽ bày tỏ ước nguyện của mình trong tư cách là một người hiểu biết và đầy tràn tự do. Tuyên khấn là một hành vi tự nguyện, là trao tặng chứ không phải do ép buộc. Để bày tỏ ước muốn và tâm tình tự do này, mỗi anh em tự tay viết đơn xin được tuyên khấn. Một ý tưởng vẫn thường được nêu lên trong các lá đơn là “sau khi đã cảm nhận lý tưởng của Dòng, chúng con muốn được tuyên khấn và xin Dòng chấp thuận để có cơ hội thi hành sứ vụ này”, coi sứ vụ này là toàn bộ cuộc đời của mình.
Vâng thưa anh em,
Điều này quá đẹp! Công thức tuyên khấn của Dòng chúng ta thật vắn gọn với những chữ cuối cùng đầy ấn tượng và ý nghĩa: cho đến chết. Công thức này bày tỏ một thái độ can đảm và lòng hy sinh. Khi tuyên khấn, chúng ta làm chứng cho ơn gọi căn bản của con người, đó là lời nói có giá trị và uy tín. Chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề này sau.
Dòng Đa Minh nhấn mạnh đến chiều kích cộng đoàn. Những yếu tố trong đời tu đều được nhìn dưới lăng kính cộng đoàn và cũng hướng về cộng đoàn. Ngay cả những hoạt động được kể là riêng tư cũng cần phải được nối kết với các sinh hoạt của cộng đoàn.
Tuy nhiên, theo tinh thần Hiến pháp: anh em tụ họp lại với nhau không phải chỉ là sống bên nhau, mặc dù trong nếp sống này đòi nhiều hy sinh, nhưng là để cùng nhau thi hành sứ vụ mà thánh Đa Minh đã khơi dậy, đó là công bố lời Thiên Chúa, đó là đem ơn cứu độ đến các linh hồn.
Đây chính là nét quy chiếu cho toàn bộ đời sống cá nhân cũng như tập thể. Mỗi anh em tuyên khấn và gia nhập vào cộng đoàn là đảm nhận đời sống sứ vụ, và cộng đoàn có nhiệm vụ hỗ trợ anh em thực thi lý tưởng này.
Chắc hẳn anh em đã thấu hiểu điều ấy. Tất nhiên, vẫn còn nhiều điều phải nói về sứ vụ, nhưng chúng ta chỉ nhắc lại với nhau nét cơ bản. Sứ vụ này đã được thánh Đa Minh gợi hứng, xuyên qua nhiều thế kỷ với nhiều con người, với các sinh hoạt khác nhau, và nay đến lượt anh em, mỗi người đều cảm thấy sứ vụ này thật hấp dẫn, thật cần thiết, và anh em muốn mang cả cuộc đời của mình để thực thi.
Thật là ghê gớm và cũng thật là cảm động khi đọc lên những lời này. Chẳng ai có thể biết được khi nào mình sẽ giã từ trần thế và sẽ giã từ như thế nào. Chỉ có Thiên Chúa mới biết. Thế mà mỗi người lại dám trao cái hữu hạn tầm thường vào cái vĩnh cửu và cao cả của Thiên Chúa. Anh em không tuyên khấn trong một thời hạn nào đó, điều đã được thể hiện trong giai đoạn khấn tạm, nhưng là vĩnh viễn, là vô biên, là vô thời hạn. Chính điều này làm nên tính quyết liệt của việc tuyên khấn.
Khi nói lời tuyên khấn “cho đến chết"2, anh em bắt đầu một hành trình dài mà chẳng ai biết bao giờ mới kết thúc. Đó là quãng thời gian vô định và chẳng ai có thể làm chủ được hoàn toàn. Tuy nhiên, hành trình ấy cũng là sứ vụ, hay sứ vụ cũng là hành trình.
Trước tiên, đó là hành trình cảm nghiệm về Thiên Chúa, Đấng mà mỗi người vẫn tìm kiếm và loan báo. Chính trong sự khắc nghiệt và lâu dài của hành trình mà Thiên Chúa được bày tỏ cách rõ rệt và sâu sắc hơn, đồng thời Người cũng được làm chứng cách sống động và sâu xa hơn.3
Sau nữa, hành trình này cũng mang tính địa lý với những di chuyển khác nhau để Lời Thiên Chúa được công bố cách rộng rãi hơn. Thánh Đa Minh đã muốn thành lập một Dòng với nét đặc trưng là du thuyết. Chính cha thánh đã được gọi là “người lữ hành của Tin Mừng”. Nếu không chấp nhận ra đi, người ta không thể rao giảng lời Thiên Chúa cho những người ở xa được. Hẳn là chúng ta vẫn nhớ biến cố quan trọng của Dòng chính là việc thánh Đa Minh sai các anh em tiên khởi đến những vùng đất mới.
Có thể không có nhiều thay đổi về chỗ ở, nhưng mỗi anh em vẫn phải luôn ý thức về tính lữ hành này. Có thể nói, nếu không chấp nhận tính lữ hành, lời tuyên khấn sẽ mất đi ý nghĩa và đời tu Đa Minh sẽ cạn kiệt, khô cằn, nếu không muốn nói là tắt ngúm.
Thưa anh em, tuyên khấn rồi, anh em còn phải theo học thêm vài năm nữa mới chính thức bước vào việc thi hành sứ vụ. Tuy nhiên, theo cái nhìn Đa Minh, học hành cũng là một sứ vụ: tìm kiếm Thiên Chúa cách thiết tha hơn. Và thêm nữa, hành trình sứ vụ tương lai cũng được đặt nền trên tất cả những gì chúng ta sống hôm nay. Dưới đây, xin ghi lại một vài nét như là bổn phận của chúng ta trong giai đoạn này trước khi chính thức đi vào sứ vụ.
Trước khi nói tới những yêu sách của đời sống tu trì Đa Minh, xin nhắc với anh em điều mà HP buộc phải tuyên bố:
HP 32.§1 Khi tuyên khấn, chúng ta hứa với Thiên Chúa không sở hữu của gì theo quyền tư hữu, nhưng để mọi sự làm của chung, và dùng những của cải ấy nhằm công ích của Dòng cũng như của Hội thánh theo sự sắp xếp của các bề trên (Cần đọc thêm HP 200, IV).
Tiếp đến là những yêu sách, được qui về hai khía cạnh:4
(1) Đời sống đối với Chúa.
(2) Đời sống bổn phận.
Hai khía cạnh này luôn gắn liền với nhau để giúp người tu sĩ hoàn trọn tốt ơn gọi của mình trong đời sống dâng hiến.
(1) Đời sống đối với Chúa
Tu sĩ không phải là một công chức, một cán bộ làm việc lấy lương, hay dành một phần thời giờ cho công việc bổn phận và một phần khác cho đời tư.
Chúa Giêsu kêu gọi các Tông đồ không phải chỉ để làm một công việc mà thôi. Thánh Máccô viết: “Chúa Giêsu lên núi và kêu gọi những kẻ Người muốn. Và họ đến với Người. Người đã đặt nhóm Mười Hai để họ ở với Người và để Người sai đi rao giảng”(3,13-14).
“Ở với Người” là chia sẻ cuộc sống với Người. Nhờ lời khấn, mỗi tu sĩ đã được thánh hiến cho Chúa một cách mới mẻ và đặc biệt, họ thuộc về Chúa không những vì đã chịu phép Rửa tội mà còn vì đã được thánh hiến qua lời khấn. Nền tảng của đời sống trọn lành của tu sĩ là Bí tích Rửa tội và lời khấn. Vậy họ còn phải ra sức nên thánh hơn các giáo dân, họ phải sống kết hợp mật thiết với Chúa Kitô hơn.
Với những phương thế nào? Trước hết là những phương thế chung của mọi tín hữu là: (1) cầu nguyện chuyên cần, (2) Lắng nghe và thực hành Lời Chúa, (3) Năng lãnh nhận các bí tích, (4) Hãm mình, đền tội, (5) sống bác ái và thực thi ý Chúa. Nhưng tu sĩ còn có cách thức riêng để nên thánh. Sắc lệnh PO viết: “Thành tâm và kiên nhẫn thi hành chức vụ mình trong tinh thần Chúa Kitô là phương pháp riêng giúp theo đuổi sự thánh thiện” (số 13).
Nếu mình giảng Lời Chúa cho kẻ khác thì mình lại phải nguyện ngẫm và sống Lời Chúa hơn ai.
Ngày nay hơn bao giờ hết, người tận hiến cần phải quyết tâm nên thánh, ngõ hầu trợ giúp và nâng đỡ lòng khao khát nên thánh nơi các tín hữu. Càng sống mật thiết với Thiên Chúa, người tận hiến càng sẵn sàng trợ giúp anh em mình.5
Khi nói đến đòi hỏi thiêng liêng đặc biệt trong đời sống tu sĩ, cần kể ra ba đòi hỏi chính là:
Nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời: Tại sao? Lý do cuối cùng là vì mình muốn hiến trọn đời cho Chúa Kitô và Giáo hội, mà Chúa Kitô cũng đã sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời như thế để hoàn thành sứ mạng Chúa Cha giao phó.
(2) Đời sống bổn phận
Kết luận
Đời tu thật là cao cả nhưng cũng đầy khó khăn.
Những người đang chuẩn bị trở thành những nhà giảng thuyết phải làm gì?
-- Yêu mến một đời sống đẹp đẽ anh em đang theo đuổi. Có lý tưởng nào cao cả hơn lý tưởng hiến mình cho Chúa Kitô để công bố Lời Thiên Chúa, để cứu vớt nhân loại? Có lý tưởng nào xứng với nhiệt tình của tuổi trẻ hơn? Nó đáng cho ta chấp nhận mọi hy sinh từ bỏ để nhắm tới.
-- Chuẩn bị đời sống mai sau bằng việc học tập trau dồi kiến thức cần thiết, rèn luyện những đức tính và sống những giá trị căn bản của nhà giảng thuyết Tin Mừng ngay bây giờ.
-- Trước đây, các chủng sinh thích thu thập đầy đủ các tài liệu, các thủ thuật, các “ngón nghề”, như nghệ thuật điều khiển đoàn thể, hát ca múa, v.v... Điều đó cũng hữu ích, nhưng cần hơn cả là rèn luyện nhân cách tự nhiên và siêu nhiên:
+ Học tập cầu nguyện.
+ Học tập sống nghèo khó, khiêm nhường.
+ Học tập sống hy sinh từ bỏ, vâng lời, trong sạch, lịch sự, cởi mở, cầu tiến, ham học, yêu lao động, yêu con người, nhất là người nghèo khổ. Những điều đó cần hơn là những ngón nghề.
-- Cần luôn xác tín rằng: Một tu sĩ đích thực, một tu sĩ thánh thiện, nghèo khó, khiêm nhường, khắc khổ, sẵn sàng phục vụ, đầy tinh thần Phúc Âm..., thì bao giờ cũng được yêu mến, kính nể trong bất cứ bối cảnh xã hội chính trị nào, và vẫn thành công hơn mọi sáng kiến, mọi phương pháp, mọi kỹ năng.