Có lần, một Đức Giám mục đặt câu hỏi: Các Hội dòng Nữ Đa Minh liên hệ thế nào với Dòng Đa Minh Nam? Câu trả lời được đưa ra vắn tắt: “nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn, tiền ai nấy xài”. Câu trả lời gây ngỡ ngàng! Đó mới chỉ là một câu trả lời nửa chơi nửa thật, nhưng nếu muốn kéo dài ra thì vẫn còn nhiều điều để nói. Chẳng hạn như: việc ai nấy làm, quyền ai nấy thi hành… và còn nhiều nội dung tương tự như thế nữa. Có vị còn đặt câu hỏi: các sơ Đa Minh có cần thêm hai chữ OP sau tên gọi của mình không?
Quả thực, về pháp lý, dường như chẳng có một thứ liên hệ nào, có chăng là chung một danh xưng, một tổ phụ, một tinh thần và một chút nghĩa tình. Các nữ tu Đa Minh Việt Nam hiện nay trực thuộc các Đấng Bản Quyền địa phương, trong khi anh em thuộc về thể chế Dòng quốc tế. Tuy nhiên, dù không có những cơ cấu chung bên ngoài, thì điều cốt lõi và mối liên hệ thâm sâu nhất chính là tinh thần. Các nữ tu Đa Minh vẫn thường thêm hai chữ OP sau tên gọi của mình, chẳng phải là một khẳng định gắn bó với đoàn sủng giảng thuyết và gắn bó sứ vụ phục vụ Lời hay sao?
Theo lịch sử, các nữ tu Đa Minh Việt Nam vốn có chung một nguồn gốc, đã được cha chính Bustamante Hy thành lập từ năm 1715. Tính ra sắp đến ngày chị em kỷ niệm 300 năm phục vụ trên quê hương này. Về sau, mỗi cộng đoàn mới thành lập đều dựa trên một vài chị em của các cộng đoàn cũ. Chị em vốn có chung một nguồn gốc.
Chính vì thế, tất cả anh chị em Đa Minh, với những tổ chức độc lập về điều hành và nhân sự, đều góp phần để phong phú hóa cách thức thể hiện cùng một đoàn sủng chung. Tổng hội Providence khẳng định: “Đó là những người nam nữ tu sĩ đang cùng chia sẻ lòng yêu mến thảo hiếu thiết tha đối với thánh Đa Minh, và chia sẻ sự lôi cuốn mạnh mẽ của thừa tác vụ giảng thuyết Tin Mừng” (xc. TH Providence, số 407), cũng như muốn tiếp tục sứ mạng của thánh Đa Minh là đem Lời Cứu Độ đến cho muôn người. “Dòng máu của thánh Đa Minh đang lưu chuyển trong huyết quản của tất cả các người con tinh thần nam nữ của ngài” (X. TH Providence, số 408).
Đúng thế, đây là một gia đình được quy tụ từ Lời. Dù thuộc thể chế nào, dù thuộc cơ cấu nào, những người được quy tụ này vẫn có thể đọc lên lời ngôn sứ Isaia đã từng được áp dụng cho Đức Giêsu: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18).
Khi cam kết gia nhập đời tu Đa Minh, những người này nhận Lời làm lẽ sống. Người Đa Minh tận tâm phục vụ Lời. Mặc dù sứ vụ Lời không phải là công việc dành riêng cho họ, nhưng họ là những người được chia sẻ sứ vụ loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu ở mọi nơi. Họ không phải là những người duy nhất phục vụ Lời, và họ không độc chiếm trách vụ này. Tuy nhiên, họ là những người dốc tòan tâm toàn lực phục vụ Lời. Họ chỉ phục vụ Lời, phục vụ cách trọn vẹn, nghĩa là Lời thấm nhập vào cách ăn nết ở của họ. Nếu làm khác đi là họ phản bội ơn gọi của mình.
Người Đa Minh dâng hiến cả cuộc đời cho Lời. Vì thế, họ không được phép thực thi bất cứ công việc nào khác, cho dù chúng có lợi hơn, hấp dẫn hơn. Họ tận hiến cả cuộc đời cho Lời, hiểu cả theo nghĩa thời gian, vì họ dấn thân cho đến chết, lẫn theo nghĩa cường độ vì họ dấn thân hết mình (x.Guy Bedouelle, Alain Quilici, Anh em Đa Minh hay anh em Giảng Thuyết, tr 78-79).
Đón nhận Lời, loan báo Lời là sứ mệnh chung của mọi Kitô hữu. Người Đa Minh nhận sứ mệnh này làm trách vụ riêng của mình. Mỗi đơn vị, - anh em, nữ tu hay huynh đoàn giáo dân, khi mang tên Đa Minh cũng đảm nhận sứ mệnh chung này theo cách thế riêng, đồng thời chu toàn sứ mệnh theo khả năng riêng của mình. Mỗi đơn vị theo cái duyên riêng của mình, nam và nữ, làm cho Lời thêm duyên dáng và đạt được hiệu quả.
Nếu mang tên Đa Minh là đảm nhận sứ vụ Lời chứ không chỉ là đón nhận một thể chế, thì việc quy tụ thành Liên hiệp Nữ Đa Minh là gắn kết sâu xa hơn với sứ mạng Lời chứ không chỉ là một cơ chế.
Kỷ niệm mười năm thành lập Liên Hiệp Nữ Đa Minh (2006) là kỷ niệm thành lập một cơ cấu. Cơ cấu đó chẳng có ý nghĩa gì nếu không phục vụ Lời, nếu không được thúc đẩy bởi Lời.
Nhìn lại mười năm qua, những thành tựu đã đạt được rất đáng khích lệ. Chẳng hạn như đã có sự thống nhất tu phục, đã có một bản Hiến pháp chung, một Học viện chung và một số họat động trong lãnh vực Tông đồ.
Tuy vậy, có thể diễn tả về Liên hiệp như sau: mỗi đơn vị ngó nhau mà làm, mỗi đơn vị ngó nhau để “sợ” nhau, mỗi đơn vị đối chiếu với nhau khi đóng góp, kèm theo một chút thăm dò. Và hơn thế, chưa có nét riêng của Liên hiệp Nữ Đa Minh, bên mỗi cái riêng của mỗi Hội dòng.
Bước vào tuổi thứ mười, có lẽ đó sẽ là một vận hội tốt để hướng về tương lai và hy vọng. Có thể vẫn chưa, và cũng rất khó tìm ra, một hình thức pháp lý thực sự đem lại hiệu quả, hay là cũng chỉ cần đến đó thôi, nhưng chắc chắn lòng say mê với Lời sẽ đem lại cho chúng ta khả năng truyền thông, hợp tác và chia sẻ mới.
Gia đình Đa Minh đang độ sung sức. Với một con số đông đảo như hiện nay, chúng ta có thể ví với một thân cây đang đâm cành trổ lá mỗi ngày mỗi xum xuê hơn và tiên báo một mùa bội thu. Hẳn nhiên không phải mọi cành đều tăng trưởng theo một nhịp độ và sức sống. Có những mầm non xanh tươi xuất hiện, báo trước những hoa trái mới… Rễ cây này đã bén sâu vào nguồn phong phú của đòan sủng Đa Minh. Chúng ta hân hoan nhận thấy rằng chúng ta đang tràn đầy sức sống và rất phong phú. Vì thế chúng ta tạ ơn Thiên Chúa và ngày càng khâm phục sự hấp dẫn mà đoàn sủng cổ xưa của thánh Đa Minh vẫn đang tác động trong thời đại mới đầy những lo âu và hy vọng này (TH. Providence, 409).
Có một sự tăng triển tình bằng hữu trong gia đình Đa Minh, nhưng sự tiến triển hướng về sứ vụ chung thì còn ít. Thường thường, các anh chị em bị cầm chân quá nhiều trong các dự án đến nỗi không đủ thì giờ phát triển những dự án mới. Đôi khi các anh em đánh giá thấp khả năng của chị em, hoặc thận trọng đề phòng ảnh hưởng của đơn vị khác, còn chị em lại e ngại khi nghĩ về anh em...
Có vượt qua được những trở ngại ấy, sự hợp tác trong gia đình Đa Minh mới không trở thành một gánh nặng, trái lại sẽ tìm được ở đó một tiềm lực dồi dào cho việc loan báo Tin Mừng (x. tường trình của BTTQ tại TH Providence).
Đó cũng là lời cầu chúc chân thành nhất xin gửi đến Liên hiệp Nữ Đa Minh Việt Nam.