Tôi ở Tu viện thánh Alberto Ba Chuông ba lần vào 3 thời điểm khác nhau, tổng cộng khoảng chừng 7 năm.
Lần đầu tiên vào khoảng năm 1992, sau khi chịu chức linh mục một thời gian. Vào thời điểm ấy, kể từ biến cố 1975, gần 20 năm, Tu viện không được bổ sung một linh mục mới nào. Tôi là một trong hai người của Dòng được chịu chức linh mục chính thức. Và vì vậy, tôi được bổ nhiệm vào Tu viện này, không phải vì tài năng, cũng không phải vì một công tác gì, nhưng chỉ đơn thuần là cần có một sự tiếp nối cho một Tu viện đã qua một thời gian quá lâu không có anh em linh mục mới.
Tuy vậy, lần đầu tiên này, theo tôi nhớ, không kéo dài lâu, vì ngay sau đấy, chưa quen chỗ, chưa quen việc, tôi lại được sắp xếp vào công việc cần thiết hơn, và được bổ nhiệm sang Tu viện khác.
Lần thứ hai, với một công tác trong Dòng, tôi trở lại Tu viện này và ở được chừng một năm. Mới ổn định được một chút thì ngay sau đấy, tôi lại được cắt cử vào một công tác khác.
Lần thứ ba, lâu nhất, từ đầu năm 1999 cho đến 2004, hơn 5 năm. Công việc của tôi trong giai đoạn này không trực tiếp vào các sinh hoạt của Tu viện, nhưng chỗ ở của tôi vẫn ở trong Tu viện và cần sự hỗ trợ của Tu viện.
Nhìn lại quá khứ, Tu viện thánh Albertô được xây dựng kiên cố nhất của Dòng Đa Minh Việt Nam sau năm 1954, khi mà Dòng khởi đầu hoàn toàn mới tại miền Nam. Có thể nói, những bước phát triển của Dòng trong giai đoạn mới, đều xuất phát từ Tu viện này.
Từ lâu rồi, trụ sở của Phụ tỉnh, sau đó là Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam được chuyển về địa chỉ 190 Trương Minh Giảng. Cái tên Đa Minh Ba Chuông trở nên quá đỗi quen thuộc và được sử dụng để phân biệt với Anh em Đa Minh thuộc chi tỉnh Lyon lúc bấy giờ.
Đa Minh Ba Chuông là cái tên gắn liền với nhà thờ và gắn liền với Dòng Đa Minh Việt Nam.
Quả thật, sự phát triển của Tỉnh dòng luôn gắn liền với Tu viện này. Rất nhiều quý cha, quý thầy đã qua thời kỳ đào tạo tại Tu viện này, và bất cứ quý khách nào cũng đã đều lưu trú tại đây, đến nỗi có ai đó từng nói: “nếu chưa ghé Tu viện- nhà thờ Ba Chuông đồng nghĩa với chưa thăm Dòng Đa Minh Việt Nam”.
Chính từ Tu viện này phát xuất nhiều thế hệ tu sĩ Đa Minh hiện đang phục vụ khắp nơi, kể cả ở ngoại quốc.
Rất nhiều cuộc lễ cũng như biến cố của Dòng diễn ra tại đây. Từ dấu ấn thành lập Tỉnh dòng 1967 đến những dịp kỷ niệm 25 năm, và gần đây nhất là 40 năm, đều được tổ chức tại Tu viện này.
Một trong những lý do để xây lại nhà thờ mới, dù là dỡ bỏ đi một hình ảnh quen thuộc, thân thiết với nhiều thế hệ, cũng vẫn là để đáp ứng cho những sinh hoạt càng lúc càng phong phú của Tu viện cũng như củaTỉnh dòng.
Người xưa thường nói: Ngũ thập tri thiên mệnh -- năm mươi tuổi có thể biết được mệnh trời. Năm mươi năm qua, trải dài theo thời gian, Tu viện thụ lãnh bao hồng ân như mưa mà Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên Tu viện cũng như trên từng cá nhân, chứng kiến bao xoay vần của thời cuộc… Bình tâm nhìn lại những gì đã trải qua theo năm tháng, tất cả mọi người đều phải công nhận Thiên Chúa đã thương ban một địa điểm, một cơ sở thuận lợi để Dòng có thể phát triển và thực thi tốt nhất sứ mệnh của mình.
Năm mươi năm so với ngàn năm là con số khiêm tốn, và càng khiêm tốn hơn khi đặt vào thời gian vĩnh cửu của Thiên Chúa. Thế nhưng so với đời người, năm mươi năm cũng kể là dài. Thời gian gần đây, mặc dù trụ sở Tỉnh dòng đã được chuyển đến địa điểm khác, nhưng Tu viện-- giáo xứ Ba Chuông vẫn là địa chỉ cần nhớ đến trong mọi sinh hoạt của Tỉnh dòng.
Dấu ấn của Tu viện vẫn còn đậm nét trong lịch sử của Tỉnh dòng. Từng lớp đàn anh đi qua, những đàn em kế tục và hậu duệ tiếp bước trong thời gian.
Tương lai sẽ ra sao? Chưa ai biết. Sắp tới sẽ là gì? Câu trả lời thuộc quyền Thiên Chúa. Thế nhưng, trong những gì đã xảy ra, những gì đang tới và những gì hy vọng, chắc chắn Tu viện sẽ còn là địa chỉ nằm trong bộ nhớ của nhiều người.
Nơi đây đã từng là Tu viện với bao kỷ niệm khó phai. Và chắc chắn trong tương lai, những biến cố lớn của Tỉnh dòng sẽ được tổ chức tại đây như đã từng xảy ra.
Xin Thiên Chúa, Đấng là chủ tể thời gian, giáng phúc cho Tu viện và cho những ai đã sống, đang sống và sẽ đến phục vụ tại đây được đầy tràn thánh ân.