Buổi diễn nguyện và tâm sự với cha Phêrô Hoàng Văn Thiên, OP tại nhà thờ Giáo xứ Lộ Đức tối thứ hai 27 tháng 10- 2014 đã kéo dài khá lâu so với dự trù. Ban tổ chức đã nhiều lần xin cộng đoàn nán lại thêm chút nữa để lắng nghe những tâm tư, những bày tỏ về vị linh mục quá cố. Ai cũng sẵn lòng cả vì đêm nay là đêm cuối người ta còn nhìn thấy hình hài của cha trong chính ngôi thánh đường giáo xứ mà cha đã xây dựng và phục vụ trong suốt thời gian khoảng 10 năm.
Quả là những tâm sự, những chia sẻ thật chân thực và quý báu. Mỗi người một cách, mỗi người một tâm trạng, có người với tư cách cá nhân, có người đại diện cho một đoàn thể, ai nấy đều kể lại những dấu ấn mà vị linh mục đã lưu lại trong cuộc đời của mình, trong tâm hồn mình, trong gia đình, hay trong đoàn thể mình sinh hoạt. Những tâm sự như được giấu kín ở đâu đó, nằm sâu trong ký ức, nhưng nay được khơi dậy, được thốt ra thành lời và mạnh dạn kể lại cho những người khác, dù có khi rất riêng tư.
Những tâm sự, những chia sẻ ấy cho thấy nét phong phú của con người linh mục mà Thiên Chúa đã gửi đến cho trần gian, cụ thể trong môi trường Giáo xứ Lộ Đức, hay xa hơn, trong nước Mỹ bao la rộng lớn và cả quê hương Việt Nam. Con người linh mục này đã liên lụy đến bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu biến cố. Những tâm sự ấy thật cảm động, vì tất cả đều xuất phát từ tấm lòng đầy chân thành và thương mến đối với vị linh mục quá cố.
Đến một niềm tin
Thưa anh chị em,
Trong những chia sẻ đầy tình thương mến ấy, chẳng có lời nào than van kêu trách như lời cô Mátta thưa với Chúa Giêsu về cái chết của người em là Ladarô: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con đã không chết.” Ai cũng thương tiếc, cũng bàng hoàng như không thể tin nổi, nhưng không ai kêu trách Chúa cả!
Thật ra, trong câu nói này của cô Mátta đã hàm ẩn một niềm tin vào Chúa Giêsu đồng thời cũng là một nỗi thất vọng, chỉ có Chúa Giêsu mới có thể chiến thắng cái chết, chỉ có thể tin vào Chúa Giêsu mới có thể vượt qua cái chết. Cái chết vẫn được coi là một điều vô lý, một sự trừng phạt, chỉ có thể giải thích được, đón nhận được qua Chúa Giêsu, Đấng cứu độ con người.
Có lẽ cô Mátta không nghĩ đến việc Chúa Giêsu sẽ làm cho ông Ladarô sống lại ngay lúc ấy, nhưng cô hiểu rằng Chúa Giêsu có uy quyền và Người có thể can thiệp với Chúa Cha: “Ngay cả bây giờ, con biết rằng Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho”. Cô xác nhận Đức Giêsu có quyền nên cô nói thêm: “Em con sẽ sống lại vào ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại”.
Từ niềm tin ấy của cô Mátta, Đức Giêsu đưa ra một khẳng định lạ thường: “Chính Thầy là Sự Sống Lại và là Sự Sống. Ai tin vào Thầy thì dù có chết, cũng sẽ được sống”. Quả là một khẳng định tuyệt vời! Chúa Giêsu đã từng tuyên bố Người là Ánh Sáng, là Bánh Hằng Sống, còn ở đây, Người khẳng định Người là Sự Sống. Sự Sống thuộc về Thiên Chúa, Sự Sống là của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể tuyên bố như vậy.
Như chúng ta biết, sau khi giúp cho cô Matta xác tín vào niềm tin của mình, Chúa Giêsu đã làm cho ông Ladarô sống lại. Sự kiện này càng củng cố thêm lời thưa của cô Mátta: “Thưa Thầy, Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, đã đến trong thế gian”.
Thưa anh chị em,
Chúng ta đến đây hôm nay, cũng như trong những ngày qua, để vây quanh vị linh mục thân yêu của chúng ta, và cũng là để khẳng định niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu, Đấng là Sự Sống “Chúng con tin Chúa là Sự Sống lại và là Sự Sống”. Chúng ta tuyên xưng như thế không phải là để lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được đáp ứng như trường hợp của cô Mátta. Không biết có ai trong chúng ta mong ước Chúa sẽ cho cha Phêrô Hoàng Văn Thiên sống lại như Chúa đã làm cho ông Ladarô sống lại không? Cũng có thể có, nhưng chắc chắn một điều là, qua những tâm sự, những sẻ chia, chúng ta đều cùng với cô Mátta nhận ra căn tính đích thực của Chúa Giêsu, đồng thời xác tín mãnh liệt vào niềm tin phục sinh, vào sự sống, tức là niềm tin vào tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa.
Thưa cộng đoàn,
Những ngày qua, chúng ta đã nghe, chúng ta đã kể rất nhiều về một con người. Những câu chuyện ấy, hàm chứa biết bao yêu thương, biết bao quý trọng. Bầu khí của buổi tối hôm qua thật cảm động, lặng lẽ,-- nhưng không bi lụy, mỗi người như cảm nhận được tâm trạng của mình trong những chia sẻ, những tâm tình, những lời phân ưu của người đang phát biểu. Mỗi người đều có thể xác tín sâu xa vào lời thư gửi tín hữu Rôma được công bố trong Thánh lễ này: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa”. Cha Phêrô Hoàng Văn Thiên yêu quý của chúng ta đã sống tinh thần ấy, phù hợp với một lời khác cũng của Thánh Phaolô: “Vui với người vui, khóc với người khóc”.
Tất cả những gì chúng ta đã nghe, đã phát biểu, và cảm nhận trong lòng đều là những mắt xích của một lòng yêu thương. Ở đây, có lẽ chúng ta đồng ý với những lời chia sẻ rằng thật may mắn mắn được sống với một con người có lòng yêu thương. Thật thế, chúng ta là những người may mắn được sống với cha Phêrô, vì qua cha, chúng ta cảm nhận được tình yêu thương bao la của Thiên Chúa, Đấng đã dùng một con người, bên ngoài không có nhiều tài năng, không có vẻ hấp dẫn để biểu lộ tình yêu vĩnh cửu của Người. Và như thế, chúng ta cũng cùng với cha Phêrô để tạ ơn Chúa, vì Người đã sử dụng người tôi tớ khiêm hạ mà đổ vào trần gian này tình yêu cuộc sống, và người tôi tớ của Người đã “may mắn” thi hành cách tốt đẹp.
Những câu chuyện về cha Phêrô vẫn còn nhiều, cả chuyện vui lẫn chuyện buồn. Tất nhiên, “thời nào, ở đâu, con người cũng có cái đẹp và không đẹp, hay và chưa hay, đáng nhớ lẫn đáng quên”. Những câu chuyện được kể ra cho thấy nhiều điều hay, nhiều điều đẹp, nhiều điều đáng nhớ mà nền tảng chính là tình yêu Thiên Chúa cũng như tình yêu con người. Tình Yêu Thiên Chúa được diễn tả qua lòng trung thành, thái độ khiêm tốn đơn sơ. Tình Yêu con người được bày tỏ qua thái độ ân cần, dễ thương. Tất cả những điều ấy làm cho chúng ta tin rằng cha Phêrô Hoàng Văn Thiên vẫn sống, sống mãi trong tâm tưởng chúng ta, và nhất là, hơn thế nữa, cha Phêrô vẫn sống trong Chúa Giêsu là Tình Yêu, là Sự Sống, và là Sự Sống Lại.
Cuối cùng, như một lời tự sự, bài thơ dưới đây có thể là một thông điệp:
Tôi tin vào sự chết.
Tôi tin rằng sự chết là một phần của sự sống.
Tôi tin rằng chúng ta được sinh ra để chết, chết để có thể sống trọn vẹn hơn.
Tôi tin rằng chúng ta được sinh ra để chết, mỗi ngày chết một phần: một phần ích kỷ, một phần tự phụ, một phần tội lỗi.
Tôi tin rằng mỗi khi chúng ta bước từ giai đoạn này sang giai đoạn khác của cuộc đời, thì đều có một cái gì đó chết đi và một cái gì đó mới sinh ra.
Tôi tin rằng chúng ta nếm mùi sự chết trong những lúc cô đơn, phiền muộn, thất vọng, thất bại, bị ruồng bỏ.
Tôi tin rằng mỗi ngày chính chúng ta tạo ra cái chết cho mình bằng cách chúng ta sống.
Với đức tin của người tín hữu, tôi tin rằng cái chết không dập tắt được ánh sáng, mà chỉ là tắt đèn đi ngủ (Anon, “I believe in death”)
Vĩnh biệt anh, anh Phêrô Hoàng Văn Thiên.
28-10-2014