Hai sự kiện. Thứ bảy tuần này (tháng 4, 2013), cha Giuse Đinh Châu Trân mừng lễ kỷ niệm 50 năm chịu chức linh mục; thứ bảy tuần sau, đến phiên cha Vinh Sơn Bùi Đức Sinh mừng 60 năm linh mục. Có một vài anh em nói chơi, không biết mình có được mừng như thế không!
Thế hệ các vị trước đây, kể từ năm 75 về trước, độ tuổi để chịu chức linh mục thường là dưới 30. Một vài vị đặc biệt như cha Giuse Trân thì mới trên 30 thôi. Ngày nay, nhìn thấy như vậy, người ta cho là sớm quá. Thời ấy, thường sau tú tài II là vào nhà tập, và cứ thế học, hết chương trình thần học chưa đến 30 tuổi, và đã chịu chức linh mục.
Bây giờ thì không thế, vì nhiều lý do, các anh em khi vào nhà tập đã sắp tới ngưỡng ba mươi rồi, có anh học xong thì đã trên 40, vậy mà cứ vẫn bảo là trẻ. Thế hệ bây giờ đi tu muộn hơn, chịu chức linh mục cũng muộn hơn.
* Năm cha Trân kỷ niệm 50 năm linh mục thì lớp chúng tôi gia nhập đời tu Đa Minh được 50 năm, lúc ấy là lớp Đệ Thất. Thật ra gọi là lớp, chứ như bản thân tôi thì mãi năm 1966 mới vào đệ tử viện, còn anh Điển thì muộn hơn nữa. Nhưng dù sao cũng là một cột mốc đánh dấu. Tôi không biết rõ lúc ấy lớp tôi được bao nhiêu người, bây giờ, ngoài tôi ra, chỉ còn lại có 4 là các anh Phan Tự Cường, Phạm Hưng Thịnh, Lưu Công Chỉnh, Nguyễn Thanh Nhơn, chẳng biết là bao nhiêu phần trăm!
Tôi gia nhập đệ tử viện lúc bước vào lớp đệ tứ, rồi cùng đi nhà tập với các anh trên, thêm anh Điển nữa.
Khi rời Học viện Thủ Đức vào năm 1978, chúng tôi đang học năm cuối thần học, có thể coi như xong chương trình. Lớp 6 người ấy chỉ có chung nhau ngày khấn, còn chịu chức linh mục thì mỗi người một ngày khác nhau, chẳng ai trùng với ai cả. Thật thế, việc chịu chức linh mục của lớp chúng tôi diễn ra rải rác trong gần 20 năm, mỗi người một cách, mỗi người một thời gian, không người nào giống người nào.
Đúng vậy, ngoài anh Lưu Công Chỉnh lãnh chức linh mục khá sớm vào đầu năm 1979, một thời gian dài sau đến anh Nguyễn Thanh Nhơn ở bên Úc (khoảng 1985), rồi đến anh Điển (1988), người thứ sáu là anh Phan Tự Cường , năm 1995. Chen vào giữa là tôi -- Luật (1991) và anh Phạm Hưng Thịnh (1993).
Tôi nhớ ngày lễ này của anh Điển gây nhiều phấn khởi trong anh em. Cả hơn 10 năm chẳng có anh em nào được tiến lên bàn thánh, thì biến cố này không chỉ là của cá nhân anh, nhưng gây xôn xao trong anh em. Niềm vui đó thúc đẩy chúng tôi phải ghi nhớ biến cố này, và chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã hoàn thành một tập san nho nhỏ để đánh dấu. Lúc ấy chưa có in ấn gì cả, in lụa cũng không, và phương thế trong tầm tay là đánh máy. Viết bài đã khó, nhưng tìm được máy để đánh, người đánh máy cũng chẳng dễ chút nào. Mỗi bài được đánh máy với chừng 7-8 tờ pelure, bản cuối chỉ còn đọc được mờ mờ. Nhưng không phải chỉ đánh một lần, muốn có vài chục tập sách thì phải đánh nhiều lần. Ôi nhớ lại ngày ấy, vất vả mà quá nhiều kỷ niệm!
Riêng với lớp tôi, ngoài anh Nhơn ở bên Úc, thì năm nay còn một kỷ niệm tròn là anh Thịnh mừng 20 năm linh mục. Từ anh Thịnh đến anh Phan Tự Cường chỉ có 2 năm thôi, nhưng vào thời ấy, chừng đó là dài lắm rồi. Thời gian tâm lý bao giờ cũng dài hơn, nhất là không thể biết được khi nào đến lượt mình, và tiêu chuẩn cũng chẳng có gì rõ ràng.
Người cuối cùng trong lớp chịu chức linh mục là anh Cường, vào năm 1995, lúc đó anh đã gần 50 tuổi. Cũng đạt tới đích, nhưng cái giá phải trả cũng nhiều, và nhiệt tình cũng giảm luôn. Đó không phải là chuyện cá nhân mà là chuyện của cả một thế hệ chúng tôi.
-- Nhìn lại, điều cần tạ ơn trước hết là sức khỏe. Tạ ơn Chúa đã đưa anh em qua ngưỡng tuổi 60 mà vẫn còn làm việc. Đã có những lúc yếu đau, đã có những giai đoạn vất vả nơi vùng sâu, vùng xa, nhưng vẫn đủ sức khỏe để vượt qua và làm tốt công tác của mình.
-- Một điều tạ ơn kế tiếp là lòng hăng hái, nhiệt thành. Tâm tình này đã ấp ủ từ những năm nào, xuyên qua những thời điểm khó khăn, dù suy giảm đôi chút, nhưng cho đến hôm nay vẫn tràn đầy. Quả là một điều tốt đẹp!