Dẫn nhập
Khoảng 10 năm trở lại đây, tức là khi vừa bước sang thiên niên kỷ mới, một số tu sĩ Đa Minh nam đã được gửi đi làm công tác mục vụ tại miền Bắc Việt Nam, kể từ Vinh trở ra đến Cao Bằng, Lạng Sơn. Sự hiện diện sớm nhất của một anh em linh mục tại Cao Bằng vào năm đầutiên của thế kỷ mới, tuy kéo dài không lâu lắm -- khoảng 2 năm, nhưng được coi là những bước đầu tiên mở ra một sứ vụ mới cho Dòng.
Hiện nay, có khoảng 20 anh em, cả linh mục lẫn tu sĩ đang công tác mục vụ tại 7 giáo phận miền Bắc, rải đều từ Vinh tới Lạng Sơn. Con số đó không nhiều lắm, nhưng cũng đủ để gợi lên một vài điều.
Trở về chốn xưa
Có một lần, Đức Giám mục Hải Phòng nhận định như thế này: Không phải Dòng Đa Minh ra miền Bắc làm việc, nhưng là trở về.
Nhận xét đó hoàn toàn chính xác. Đây là một cuộc trở về, trở về nơi xưa kia các cha anh đã từng sống, từng xây dựng, từng đổ máu và gửi thân. Các tu sĩ Đa Minh đã có mặt tại miền Bắc Việt Nam từ những chuyến truyền giáo đầu tiên, và đã có lúc, có đến 5 giáo phận được cai quản do các giám mục xuất thân từ dòng Đa Minh. Năm nay, khi Hội thánh Việt Nam mừng kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận đầu tiên thì trong đó có sự đóng góp rất lớn của các tu sĩ Đa Minh, bằng chứng là con số các vị tử đạo của Dòng.
Trở về tìm lại dấu vết xưa đã tàn phai theo năm tháng, đã sụp đổ vì bao cuộc chiến tranh, và nhận thấy ở đó một lịch sử hào hùng, thấm đẫm bao hy sinh của mấy trăm năm dài trong nỗ lực công bố lời Thiên Chúa.
Sự kiện các anh em hiện diện lúc này tại những địa danh đã từng được nhắc đến nhiều lần trong lịch sử truyền giáo, được coi như đang viết một giai đoạn mới trong lịch sử của Dòng tại Việt Nam. Sứ mệnh của những người tìm về chốn xưa, cũng như của mọi anh em khác, không chỉ là khơi lại đống tro tàn, tìm những dấu vết cũ, nhưng là để tiếp tục, để khởi đầu lại. Như thế, những địa danh ấy vừa quen vừa lạ, những chốn ở vừa lạ lẫm mà cũng rất thân quen, vì ở đấy vẫn còn quá nhiều kỷ niệm của người xưa, với những câu chuyện cảm động, đồng thời dường như vẫn còn dang dở, cần được tiếp tục.
Cộng tác với giám mục: Xây dựng mầu nhiệm hiệp thông
Sự hiện diện của các anh em tại các giáo phận, phần lớn là các giáo phận đã có ảnh hưởng lớn của Dòng, dựa trên yêu cầu và đề nghị của các giám mục, những vị hiện nay đang có nhiệm vụ cai quản các Giáo hội địa phương. Có lẽ các vị cũng nhận thấy rằng không có gì thuận lợi và tốt đẹp hơn việc tạo cơ hội cho một Dòng đã từng có mặt ở đây để tiếp tục đóng góp vào việc xây dựng Giáo hội. Các vị hiểu rằng chắc chắn những người con, những người em sẽ vẫn tô đậm hình ảnh đã từng in dấu vết trong lòng Giáo hội địa phương.
Sứ mệnh của anh em tại các giáo phận này là trở nên những người hăng say cộng tác trong việc xây dựng các cộng đoàn địa phương. Anh em chịu sự điều động và sắp xếp của giám mục và đảm nhận những công việc do giám mục giao phó. Chính điều này nói lên tinh thần hiệp thông và chiều kích vô vị lợi trong việc xây dựng Hội thánh.
Với các linh mục giáo phận: cổ võ tình huynh đệ
Một số anh em xuất thân từ địa phương, rồi theo đuổi đời tu và việc học hành ở nơi khác, nay trở về làm việc trong giáo phận. Sự kiện này có thuận lợi vì anh em quen biết với địa phương, am hiểu tình hình, đồng thời lại được huấn luyện tương đối bài bản. Điểm thuận lợi này càng được củng cố thêm khi anh em hăng hái cộng tác với các mục tử tại các giáo xứ. Anh em hiểu rằng, một bên mình là khuôn mặt của Dòng, một bên mình là người địa phương, nhưng anh em sẽ không ở lại mãi trong giáo phận, bởi vì một lúc nào đấy, sẽ có bổ nhiệm khác và anh em lại ra đi. Do vậy, sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau luôn là ưu tiên hàng đầu.
Với các nữ tu: cùng sống đời dâng hiến
Các giáo phận miền Bắc hiện là một cánh đồng truyền giáo mênh mông, cần có sự chung tay góp sức của nhiều người, nhất là các nữ tu. Các chị em sống đời dâng hiến được xem là thành phần nòng cốt trong các sinh hoạt mục vụ tại những miền xa xôi, thiếu vắng linh mục. Tinh thần của những người sống đời dâng hiến mời gọi anh em cộng tác với thành phần này.
Bên cạnh đó, anh em chúng ta hiện diện cùng với các nữ tu Đa Minh -- các chị em là thành phần của Dòng và cùng tham gia vào sứ vụ của Dòng. Các chị em có một điều thuận lợi là rất quen thuộc với đời sống và sinh hoạt của các tín hữu địa phương.
Các chị em rất cần sự trợ giúp của anh em. Và hơn thế, có thể nói, các chị em cần được củng cố về tinh thần Dòng. Cho đến nay, điều này mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, cần phải tiếp tục.
Với anh chị em huynh đoàn: vươn cao sự thánh thiện
Hầu hết các anh em đang hiện diện tại miền Bắc đều sinh hoạt mục vụ tại các giáo xứ. Với hình thức này, khả năng dường như không quan trọng bằng tấm lòng. Chính tấm lòng thiết tha với con người, với ơn cứu độ của các linh hồn sẽ gợi lên cũng như thúc đẩy những công việc phải làm.
Ngoài ra, anh em không chỉ hoạt động với các giáo dân, nhưng còn với một thành phần đặc biệt là huynh đoàn giáo dân Đa Minh.
Đã từ lâu, con số đông đảo anh chị em huynh đoàn giáo dân tại các giáo phận xưa kia do Dòng coi sóc đã làm sáng lên một tinh thần đạo đức và đường hướng nên thánh do thánh Đa Minh khởi xướng. Các anh chị em này gia nhập huynh đoàn vì yêu mến đường lối nên thánh theo kiểu Đa Minh và cũng tìm thấy nơi huynh đoàn một phương thức sinh hoạt phù hợp với nếp sống của mình.
Xuất hiện ở nơi nào có huynh đoàn giáo dân, anh em vẫn được coi như người quen, như người nhà, và đương nhiên việc hướng dẫn, sinh hoạt với thành phần này sẽ được coi là công tác ưu tiên, một bổn phận hàng đầu. Một số anh em cảm thấy khó khăn trong việc sinh hoạt với anh chị em huynh đoàn. Điều này có nhiều lý do, khách quan lẫn chủ quan, nhưng không vì thế mà có thể bỏ qua công tác đó. Cần phải nỗ lực và tìm cách vượt qua.
Hướng đến một tinh thần Đa Minh
Anh em được sai đến các địa phương với tư cách là tu sĩ Đa Minh. Anh em không làm việc với tư cách riêng, nhưng như một khuôn mặt của Dòng. Anh em được Dòng sai đi và cũng cần được sự hỗ trợ của Dòng.
Một trong những nét của tinh thần Đa Minh là tính cộng đoàn. Mặc dù anh em sống rải rác tại các giáo phận, cách trở về địa lý, nhưng không vì thế mà bỏ quên tinh thần liên đới giữa anh em với nhau cũng như với toàn thể Tỉnh dòng. Cuộc gặp gỡ hôm nay là một hình thức tiêu biểu, cần phải được phát huy thêm nữa.
Một nét khác nữa là tinh thần tông đồ. Anh em được sai đi với tư cách là nhà truyền giáo, tức là công bố Lời Thiên Chúa cho người chưa được nghe nói đến Tin Mừng. Hiện diện tại các vùng sâu vùng xa đã là một điều rất tốt, nhưng hơn nữa, còn phải được bày tỏ bằng cả đời sống.
Kết luận
Có lẽ chúng ta không nghĩ đến việc tử đạo như các cha anh thuở xưa, nhưng phải luôn mang ý thức tiếp nối công trình của các vị. Một vài cơ sở chúng ta đang cư ngụ chính là công trình xây dựng của các vị. Chúng ta phải tiếp tục và làm hơn những gì các vị đã làm.