1. Tôi về Học viện Thủ Đức năm 1971. Thời ấy tôi ở vào lớp giữa nhiều thế hệ. Năm tôi vào lớp triết I, các anh Huấn, Thái, Thành, Thiện, Hợp, Văn Luật... đang ở lớp thần IV. Chúng tôi và lớp đầu tiên lãnh chức linh mục sau ngày thành lập Tỉnh dòng sống chung với nhau được 1 năm. Năm 1978, khi Học viện bị “tiếp thu”, các anh Đương, Mão đã hoàn tất chương trình học, chưa chịu chức linh mục; còn lớp chúng tôi đang ở năm cuối thần học, và các anh Tất Trung, Bùi Công Huy… đang học lớp triết II; các anh Đức Bình, Trung Liêm… chưa vào nhà tập. Nhìn chung, lớp chúng tôi ở vào một giai đoạn giao thời.
2. Học viện Thủ Đức vào năm 1971 được gọi là Học viện Liên Dòng. Có thể nói, đây là ước mơ rất lớn của các cha anh, nhất là cha cố Gioakim Nguyễn Văn Liêm. Dù Tỉnh dòng mới thành lập được 4 năm, nhưng các vị luôn nghĩ và đã cố gắng chuẩn bị để thực thi sứ mạng Đa Minh là giảng dạy, đặc biệt trong việc huấn luyện các tu sĩ. Có lẽ ý tưởng này đã được hình thành từ truyền thống trước đó, nhất là với kinh nghiệm của chủng viện thánh Albertô, Nam Định, cũng như tại Hong Kong.
Thực ra, lúc đó đã có những lớp liên dòng: một số các Dòng và tu hội xung quanh như Phanxicô, Phước Sơn, Châu Sơn, Phước Lý, Tận Hiến, Đắc Lộ.. đã gửi các sinh viên đến theo học tại Học viện Đa Minh Thủ Đức. Nhưng vào năm 1971 ấy, tính cách Học viện Liên Dòng được công nhận chính thức từ phía các Bề trên Thượng cấp và được mở rộng hơn với nhiều đơn vị mới, như Mỹ Ca, Don Bosco…
Theo tôi được biết, cũng từ năm ấy, các môn học được giảng dạy bằng tiếng Việt. Nói thế, vì trước đây lớp các anh lớn vẫn học bằng tiếng La tinh. Nghĩ lại thấy cảm phục các anh quá. Các môn học như Vũ trụ luận của cha già Miên, hay môn Siêu hình của cha cố Hoan mà được giảng bằng tiếng La tinh thì có trời mà hiểu. Chúng tôi học bằng tiếng Việt mà đã thấy ngắc ngư rồi.
Trong thời Học viện, có biết bao nhiêu kỷ niệm với các giáo sư; nhưng đặc biệt vẫn là cha Miên. Tôi còn giữ được nhiều kỷ niệm về vị linh mục hiền lành và đơn sơ này, phải nói là quá đơn sơ nữa. Thỉnh thoảng, vào lớp dạy học, và để minh hoạ cho sống động, ngài vui vẻ “trồng cây chuối” cho các sinh viên xem. Thôi thì cả áo dòng, cái quần ta cháo lòng cũ đen của ngài phô ra cùng với cặp giò lòng khòng và đôi giày ba ta cũ kỹ.
Chưa hết, đến kỳ thi cuối năm, ngài ra mấy đề tài để sinh viên soạn trước, và sinh viên phải rút thăm trả lời một đề tài. Ngài đâu biết đám sinh viên ma quái chỉ học thuộc lòng một hai đề, rồi rút số nào thì cũng nói đúng cái số mình đã học thuộc. Ngài đâu có kiểm tra xem sinh viên đã rút được số nào.
3. Trở lại lớp liên dòng. Phải nói đây là một ý tưởng rất tốt, nhưng về thực hành thì chưa trọn vẹn. Từ lâu, đã có nhiều linh mục thuộc dòng Đa Minh được gửi đi học tại nước ngoài và đã được đào tạo khá bài bản, đầy đủ. Tuy nhiên, dường như thời gian du học quá ngắn ngủi, lượng kiến thức chưa đủ thấm, cái học vẫn chỉ mang tính trường ốc và hàn lâm, nên dễ làm cho các môn học vốn khô khan lại càng thêm khó hiểu. Đó là chưa kể các vị vốn còn ảnh hưởng bởi bản văn gốc bằng tiếng La tinh, nên vẫn phải dựa vào các giáo trình đã có từ trước. Các lớp Triết vẫn cứ theo bản La tinh như Gredt, Napoli để học. Và vài năm sau, tôi nhớ khi đã lên thần học mà vẫn phải mệt nhoài với Prumer về luân lý, đương nhiên bằng tiếng La tinh. Học mệt quá, có anh đã thốt lên: một bên “Ru”, một bên “Mơ”. Giáo trình bằng tiếng Việt vẫn là niềm mơ ước của các sinh viên, mà chỉ có một vài vị giáo sư có thể đáp ứng được. Cũng có một vài vị đưa ra những tài liệu mới, nhưng chỉ đến khi cha Thiên Phong Bửu Dưỡng về dạy học thì môn tín lý mới sáng sủa hơn.
Về chương trình học cũng thế: các sinh viên chỉ biết chung chung là học để làm linh mục, chứ khó có thể nhận ra môn nào với môn nào, và liên hệ với nhau làm sao.
4. Một thế hệ đã đi qua, Học viện Thủ Đức còn tồn tại chừng 10 năm, sau đó khoảng hơn 10 năm nữa với những lớp “chui”. Trong suốt hành trình ấy, các cha anh vẫn coi việc đào tạo là sứ vụ chính của Dòng, và cũng là một ưu tư lớn với các vị có trách nhiệm. Các vị coi việc đào tạo là niềm vui và cũng là mối quan tâm đặc biệt của Tỉnh dòng, bởi vì từ đấy mới có tương lai.
Có một thời gian, các Dòng không gửi sinh viên đến theo học, vì nhiều lý do, trong đó một phần vì các môn học vẫn cứ miệt mài với tiếng La tinh; nhưng dù vậy, có thể nói, suốt hành trình tồn tại của mình, từ Học viện Thủ Đức đến Trung tâm Học vấn Đa Minh Gò Vấp, đây vẫn là nơi được nhiều đơn vị dòng tu tin cậy và gửi các anh em của mình đến học hành. Đây là niềm vui lớn và cũng là điều đáng để tự hào.
Đã có bao nhiêu anh em sinh viên theo học tại Học viện Đa Minh nhỉ? Chắc phải có ai đó ngồi xem lại và tổng kết mới có thể biết chính xác. Thỉnh thoảng đi đây đó, tại cả những miền xa xôi, có anh em tự xưng mình đã được học với các cha Đa Minh vào năm ấy, năm ấy. Từ đó nảy sinh một ước mơ là một ngày nào đó, một dịp nào đó trong năm hay hàng năm, có thể quy tụ tất cả các cựu sinh viên Học viện Đa Minh để cùng nhau chia sẻ, ôn lại những kỷ niệm và nhất là, giúp định hướng rõ nét hơn cho việc đào tạo trong tương lai. Rồi, Trung tâm Học vấn cũng sẽ phải xác định nét đặc sắc của mình để việc cống hiến cho Giáo hội địa phương được hữu hiệu và rõ nét hơn.