Thưa anh em. Anh em là các sinh viên thần học của Học viện, anh em đã trải qua một thời gian khá dài trong Dòng. Nếu tính từ khi gia nhập Thỉnh viện, thì cho đến lúc này, ít ra anh em đã đi qua một nửa chặng đường của giai đoạn đào tạo hiến định, thời gian được dành cho các thành viên dần dần tham gia vào đời sống của Dòng, và nhất là để chuẩn bị cho việc thi hành sứ vụ trong tương lai. Anh em đã trải qua những giai đoạn đầu của việc đào tạo: Thỉnh viện, Tập viện, thực tập mục vụ, và đã bước vào những năm thần học. Qua quãng thời gian này, mặc dù không dài lắm, nhưng anh em cũng biết khá nhiều về đời sống, tinh thần của Dòng cách chung, và khuôn mặt cụ thể của Tỉnh dòng Việt Nam.
Thêm nữa, ngoại trừ lớp Thần I, tất cả các anh em đã tuyên khấn trọn đời trong Dòng, tức là dấn thân trọn vẹn vào đời sống và sứ mạng của Dòng; và ngược lại, Dòng cũng đón nhận anh em như thành viên vĩnh viễn, với tất cả quyền lợi và nghĩa vụ. Chắc chắn, đây không phải là một sự thuộc về trên lý thuyết, trên giấy tờ, nhưng là một cam kết cụ thể và sống động, được diễn tả trong đời sống cũng như trong tâm tình.
Dựa trên 2 gợi ý này, tôi muốn cùng anh em suy nghĩ vài điều về nếp sống học viện của chúng ta.
1. Trước hết, tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi và mỗi người đều đáp trả. Điều này dẫn tới việc chúng ta bước vào nếp sống được gọi là thánh hiến cho Thiên Chúa và chúng ta được gọi là tu sĩ.
Cho đến giai đoạn này, chắc không ai trong chúng ta nghi ngờ về việc Thiên Chúa gọi mình và cũng không ai còn ngập ngừng trong đời tu của mình. Mỗi chúng ta đều xác tín vào hành trình của người được mời gọi và mong muốn đáp trả với trọn vẹn cuộc sống của mình.
Chính điều này gợi lại một điều nền tảng là mỗi chúng ta đều quý trọng lời mời gọi cũng như nếp sống mà Thiên Chúa đã gọi mình đến. Cũng chính vì ý thức được điều đó mà chúng ta tổ chức đời sống của mình nhằm nuôi dưỡng lời đáp trả với Thiên Chúa. Tất cả những yếu tố như thinh lặng, cầu nguyện, kỷ luật tu trì không phải là điều thêm vào hay muốn thì làm, không thì thôi, nhưng là những yếu tố căn bản mà nếu thiếu, hay chỉ tuân giữ cách lơ là, đời tu sẽ không có ý nghĩa nữa. Chắc chắn, chúng ta không sống những yếu tố đó như một hình thức bên ngoài, sống cho có (miễn là sống trong nhà tu), nhưng phải là một sự trao tặng trọn vẹn bản thân, đúng ý nghĩa của việc truy tầm chân lý và sống chân lý.
Do vậy, chúng ta thử đặt những câu hỏi:
-- Điều gì làm nên căn tính tu sĩ? Tôi có thật sự ý thức mình là một tu sĩ? Tôi đã sống những điều ấy như thế nào? Tôi có cảm thấy bình an không?
-- Chúng ta có lấy nếp sống tu trì làm trung tâm qui chiếu và có sắp xếp ngày sống của mình theo những điểm qui chiếu này không?
-- Ngoài những việc đạo đức chung, tôi có thường xuyên thi hành những việc đạo đức riêng?
-- Tôi đã sử dụng thời giờ cách hợp lý và hữu ích?
Nếu thật sự quý trọng đời tu của mình, chắc chắn chúng ta sẽ có câu trả lời và cách thức sống phù hợp.
2. Ngoài ý nghĩa là một tu sĩ, đời tu còn kêu mời chúng ta sống cộng đoàn.
Có thể nói rằng, nếp sống học viện của chúng ta là một hình ảnh cụ thể của nếp sống cộng đoàn. Chúng ta vẫn sống chung với nhau, gặp nhau mỗi ngày, vui chơi, ăn uống, cầu nguyện. Có lẽ nhiều người trong chúng ta cảm thấy an ổn vì chẳng ai can thiệp vào cuộc đời, vào nếp sống của tôi và tôi được hoàn toàn làm điều tôi muốn. Tôi vẫn hoàn thành các bổn phận được trao và không cảm thấy khó khăn gì nhiều, vì tôi chỉ cần gặp những người tôi ưa, làm những điều tôi thích, còn những người khác, việc khác thì tôi có muôn vàn lý do để né tránh.
Tôi cũng biết rằng trong tương lai tôi sẽ phải làm việc với những người khác, nhưng để đến lúc đó sẽ hay, còn bây giờ thì tôi cứ sống an ổn như vậy đã.
Thưa anh em,
Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đang sống theo lối đó. Chúng ta cảm thấy bình an khi vẫn tham gia cách vừa đủ vào các sinh hoạt chung, còn những lúc khác, lại rút về căn phòng riêng, đóng cửa lại, để hưởng sự bình an của riêng mình. Có lẽ ít người chấp nhận đời tu là cuộc sống không chỉ là cho riêng mình, nhưng là trao tặng và phục vụ. Mất đi ý nghĩa này, nếp sống cộng đoàn, mặc dù vẫn có những căng thẳng, cũng vẫn chỉ là sống dựa, là một sự lợi dụng. Tưởng rằng đời tu giúp mình ra khỏi cái riêng tư, nhưng lại là cơ hội để sống cái tôi của mình, cái tôi quá lớn.
3. Sau nữa, chúng ta sống đời tu hướng đến giảng thuyết.
Giảng thuyết vốn là sứ vụ riêng của chúng ta và chúng ta lãnh nhận sứ vụ này như một ân sủng. Ân sủng này hướng đến việc thanh luyện chúng ta trở thành những người loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Sự thanh luyện này được thể hiện qua việc chấp nhận lối sống thanh bần, chấp nhận những từ bỏ, những thiếu thốn, và nhất là qua việc học hành như sự chuẩn bị trực tiếp.
Sự thanh luyện được thể hiện trong bầu khí tự do theo tinh thần của Dòng. Sự tự do này bắt nguồn từ ý thức cá nhân hiểu rằng mỗi người, mỗi cuộc đời là một ân huệ Chúa ban và cần được tôn trọng. Thêm nữa sự tự do này không nhằm để làm cho mỗi người có một nếp sống thoải mái theo ý mình, nhưng là để suy tư về Lời Thiên Chúa, để phục vụ chân lý ở mức độ cao nhất.
Khi tuyên khấn trọn đời, chúng ta vui mừng vì mình được đón nhận vào trong bầu khí tự do ấy bởi vì chúng ta là những người yêu thích tự do. Vấn đề vẫn luôn đặt ra là chúng ta đã sử dụng tự do như thế nào, có phải để phục vụ Lời hay chỉ để thoả mãn đam mê. Vấn đề này vẫn luôn cần được làm sáng tỏ.
Sau nữa, chúng ta đã đón nhận và sống ân sủng giảng thuyết như thế nào? Chúng ta có sẵn sàng trở thành một nhà giảng thuyết đích thực không?
Chúng ta đã nghe nói nhiều lần là “ngày nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy”. Chúng ta có quá thiên về khía cạnh thầy dạy mà lơ là khía cạnh chứng nhân? Điều gì cần thiết để trở thành một nhà giảng thuyết đích thực?
Trở thành chứng nhân không phải là chuyện ngày một ngày hai, nhưng là cả một cuộc sống và phát xuất từ chiều sâu tâm hồn. Không có sự chuẩn bị này, bài giảng của chúng ta, dù rất hùng hồn, cũng chỉ là những lời sáo rỗng.
Thưa anh em,
Đi đến bước này, chúng ta đều nhận ra rằng đời tu không phải là để an thân, không phải chỉ để lo cho riêng mình, nhưng là để sống điều gì khác hơn, đó là trở thành một tu sĩ giảng thuyết, một người anh em.
Muốn được như thế, có lẽ chúng ta cần phải can đảm hơn, mạnh dạn hơn trong lối sống. Một cách nào đó, chúng ta phải ra khỏi căn tính quen thuộc, những lối suy nghĩ sống vừa đủ để dám sống cho điều gì hơn.
Mỗi ngày, chúng ta vẫn chiêm ngắm bức tượng thánh Đa Minh với hàng chữ Vir evangelicus. Mỗi chúng ta cũng hướng đến tư thế ấy, và điều này phải được sống ngay từ bây giờ.
Thêm một chút, một chút nữa, để cuộc sống thêm đậm đà và ý nghĩa.
Để kết thúc, xin trích một đoạn trong thư thứ nhất của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica (1Tx4,1-3.9-11):
Thưa anh em, anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và anh em cũng đang sống như thế; vậy nhân danh Chúa Giêsu, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa. Hẳn anh em rõ chúng tôi đã lấy quyền Chúa Giêsu mà ra những chỉ thị nào cho anh em.
Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm. Thật vậy, Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện. Vậy ai khinh thường những lời dạy trên, thì không phải khinh thường một người phàm, nhưng khinh thường Thiên Chúa; Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Người.
Thưa anh em, về tình huynh đệ, anh em không cần ai viết cho anh em, vì chính anh em đã được Thiên Chúa dạy phải thương yêu nhau, … tôi khuyên nhủ anh em hãy tiến tới nhiều hơn nữa. Hãy gắng giữ hoà khí, ai lo việc nấy và lao động bằng chính bàn tay của mình, như chính tôi đã truyền cho anh em.