Các bài đọc của ngày lễ Chúa nhật thứ IV Mùa Vọng kể lại câu chuyện vua Đavít và lời hứa của Thiên Chúa. Bài đọc I cho biết, vua Đavít đã thống nhất đất nước với Giêrusalem là thủ đô, và ông lên kế hoạch xây đền thờ để tôn kính Thiên Chúa. Thế nhưng, chính Thiên Chúa lại có chương trình khác: một người con của ông sẽ xây Đền Thờ, và Thiên Chúa cho biết chính Người sẽ thiết lập vương triều Đavít, một vương triều sẽ tồn tại mãi mãi. Có những giai đoạn tưởng chừng như lời hứa ấy không thành tựu, như khi đền thờ Giêrusalem bị phá huỷ vào năm 587 trước CN. Tuy nhiên, vẫn còn đó niềm hy vọng là Đấng Mêsia sẽ xuất thân từ dòng dõi Đavít.
Niềm mong chờ được hoàn trọn khi thiên sứ báo tin cho Đức Maria rằng Mẹ sẽ sinh hạ Đấng Cứu Thế. Qua thánh Giuse, Đấng Cứu Thế ấy xuất phát từ dòng dõi Đavít, và những lời của thiên sứ Gáprien làm âm vang những lời hứa với vua Đavít. Còn bài đọc 2 trích từ thư Rôma cho biết rõ ràng lời hứa từ thời Cựu Ước đã được hoàn trọn nơi con người và cuộc đời Đức Giêsu.
Khi được sứ thần báo tin, Đức Maria đã không thưa lại rằng mình đã bận và có chương trình riêng; trái lại Mẹ đã thưa xin vâng với lời mời. Với lời thưa này, Đức Maria trao tặng chính mình cho Thiên Chúa và chấp nhận nhiệm vụ được trao. Mặc dù không biết rõ những gì hàm ẩn bên trong, nhưng Mẹ tin rằng Thiên Chúa sẽ ban tặng những trợ giúp cần thiết. Mẹ Maria xin vâng mà không hề biết rằng chỉ ít lâu sau ngày sinh con, Mẹ sẽ phải bồng ẵm con tìm đường đi trốn. Mẹ thưa xin vâng mà không hề biết rằng 33 năm sau, Mẹ sẽ bồng ẵm cũng người con ấy, nhưng là một thân thể đầm đìa máu và không còn hơi thở. Khi hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, Mẹ cũng hoàn toàn mở ra cho mọi khả năng. Thế đấy, xin vâng là hành trình của lòng tin.
Cuộc sống đặt ra nhiều trách nhiệm và bổn phận. Bên cạnh những bổn phận với chính mình, chúng ta còn có những bổn phận với người khác, với Thiên Chúa. Liệu chúng có quá lo cho tự do, hạnh phúc của riêng mình mà lãng quên trách nhiệm của mình với người khác, với Thiên Chúa? Ai là người lãnh trách nhiệm như Đức Maria thì đừng lo tìm hạnh phúc và thành toàn theo cái nhìn của trần gian, nhưng phải theo cái nhìn của Thiên Chúa.
Sẽ là ân huệ lớn nhất của cuộc đời khi mà điều chúng ta phải làm cũng chính là điều ta muốn làm.
Nhớ lại ngày 21-12 năm nào, tôi chẳng thể nào hình dung ra được con đường Thiên Chúa sẽ dẫn mình đi, chỉ thấy rằng với biến cố này, Thiên Chúa đang mở ra cho mình một chân trời mới. Giờ đây nhìn lại, nẻo đường ấy thật lạ lùng, nhưng cũng phải nhận rằng mình chưa đủ tin, mặc dù lúc nằm sấp mình đang khi cộng đoàn hát kinh cầu các thánh, tôi đã nhận ra rằng mình rất cần Thiên Chúa trợ giúp.
Mỗi người không thể hiểu rõ hết những cam kết và trách nhiệm của mình. Khi thưa xin vâng, chúng ta như nhìn vào đêm đen, và không biết rõ những gì hàm ẩn phía sau. Điều này được mặc khải dần dần. Do vậy, phải luôn lặp lại lời thưa xin vâng lúc ban đầu, không chỉ một lần mà nhiều lần, đồng thời xin Chúa nâng đỡ để ta được trung tín.
Tựa như những đứa trẻ nêu câu hỏi và được trả lời, nhưng dường như không bao giờ thoả mãn, chúng ta cũng nhiều lần đặt ra những câu hỏi, và ít khi có được câu trả lời rõ ràng. Hãy để Thiên Chúa là Thiên Chúa, và chúng ta cần khám phá mầu nhiệm... Với câu chuyện của ngày lễ hôm nay, Mẹ là hình ảnh của Giáo hội, một Giáo hội luôn bước đi với lòng tin. Khi chiêm ngắm Đức Maria, ta nhận ra rằng sức mạnh đích thực của Giáo hội là trung tín với Đức Kitô và tin tưởng vào Thánh Thần. Thiên Chúa là Đấng luôn tạo ra những điều người ta không nghĩ tới và cũng là Đấng thực hiện những điều không thể.
Với chức linh mục, ta cũng có thể hiểu rằng con người linh mục là để Thiên Chúa thực hiện nơi mình những điều dường như không thể và rồi lại cộng tác với Thiên Chúa để làm những điều tự sức mình không thể làm.
Sự tuân phục của những người tôi tớ như Đức Giêsu đề nghị, đó là tuân phục vì yêu mến. Đức Giêsu không hề đề cập đến ích lợi, nhưng nhấn mạnh đến tính nhưng không, và dường như vô dụng.
Mẫu thức phục vụ Kitô giáo là một sự phục vụ khiêm tốn do một người nghèo thực hiện cho những người nghèo. Đức Giêsu đã sống đời phục vụ như thế, và với cái chết đau thương trên thập giá, Người đã trao tặng những người nghèo sự sống của Thiên Chúa.
Sự phục vụ của Đức Maria là đem Chúa Giêsu đến cho thế giới. Đây là sự phục vụ cao quý và tuyệt vời nhất. Tuy nhiên, chính khi chấp nhận để Đức Giêsu đi vào đời mình, Đức Maria đã sẵn lòng để Người thoát khỏi mình. Khi còn niên thiếu, Đức Giêsu ở với Đức Maria, nhưng từ khi đi rao giảng, Đức Giêsu là bạn của mọi người, Đức Maria chỉ lặng lẽ nhìn ngắm Đức Giêsu từ xa. Chỉ khi mọi người đã bỏ đi hết, lúc ấy Mẹ mới gặp lại Đức Giêsu, nhưng là xác thân giá lạnh.
Tin Mừng cho ta cảm tưởng rằng Đức Giêsu không mời, không nhắn gì, nhưng Đức Maria đã đi tới chân thập giá. Ta có thể nói Đức Maria đã đến đây vì lời thưa xin vâng của câu chuyện hôm nay. Mẹ tự do đến đó, vì lòng yêu mến thúc đẩy. Mẹ chẳng thể làm gì ngoài việc hiện diện thinh lặng và trung tín của tình yêu. Mẹ đã đến, người mẹ đầy tình yêu và đầy tin tưởng.
Hôm nay chúng ta chiêm ngắm Đức Maria như một thiếu nữ làng quê, đó chính là hình ảnh đích thực của Giáo hội, và tôi cũng nghĩ đến chức linh mục của mình. Hôm qua hôm nay và mãi mãi, mỗi chúng ta, nhất là mỗi linh mục, luôn phải là người tôi tớ khiêm tốn để thông truyền cho thế giới sự phong phú đầy sống động của Thiên Chúa.