Theo lẽ tự nhiên học sinh tin vào thầy giáo, trẻ con tin vào cha mẹ, quần chúng tin vào khoa học, xã hội tin vào công lý … Đó là niềm tin theo luận lý (logic) tự nhiên và nhân loại phải có để sinh tồn. Sự tin tưởng này thuộc lĩnh vực phẩm hạnh (ethical, virtues) nhân văn. Nhưng tin rằng có Thiên Chúa là Đấng tạo ra vũ trụ không phải là niềm tin tưởng theo lẽ tự nhiên. Nó thuộc lãnh vực thần đức (theological virtues) siêu việt. Niềm tin này gọi là “đức tin”. Danh xưng đức tin chỉ dùng để nói về niềm tin của cá nhân hướng tới Thiên Chúa. Như vậy chúng ta có hai ý niệm khác nhau: sự tin tưởng tự nhiên và đức tin siêu việt (faith). Trong bài này, đức tin siêu việt hướng về Thiên Chúa sẽ được gọi ngắn gọn là đức tin.
Trước hết cần phải minh xác chúng ta đang nói về mục tiêu nào của sự tin tưởng. Nói chung, con người có niềm tin trong rất nhiều lãnh vực như khoa học, lịch sử, luân lý, chính trị… Ở đây chúng ta chỉ nói đến niềm tin trong mục tiêu luân lý đạo đức mà thôi. Như trên đã nói, niềm tin về luân lý đạo đức là bản tính của con người theo lẽ tự nhiên. Ngoài niềm tin về luân lý đạo đức, còn có đức tin siêu việt hướng về Thiên Chúa.
Đã và đang có sự lầm lẫn giữa đức tin và niềm tin tưởng theo lẽ tự nhiên. Sự lẫn lộn không phải khi sử dụng danh xưng nhưng lầm lẫn về căn tính của hai ý niệm đó. Những người ngoài Kitô Giáo không tin có Thiên Chúa, họ chỉ thấy và chỉ chấp nhận niềm tin vào nền luân lý tự nhiên. Họ tin rằng con người phải ăn ở hiền lành, đạo đức, nhân ái … vì đó là logic tự nhiên. Tôn giáo nào cũng phải có những đức tính này là lẽ đương nhiên. Một lối nhìn khác, hai hệ phái Tin Lành là nhóm Phúc Âm (Evangelicals) và nhóm Chính Thống (Fundamentalists) đã giản lược đức tin siêu việt vào niềm tin tự nhiên. Họ cho rằng niềm tin tự nhiên cũng có niềm tin về thượng đế. Điều này không đúng vì nó sẽ vẽ ra nhiều chân dung thượng đế theo từng nền văn hóa.[1] Vả lại luân lý tự nhiên chỉ có giá trị tương đối. Nó xác định đúng hay sai tùy theo truyền thống của cộng đồng. Chẳng hạn cách đây 100 năm, chế độ nô lệ được luân lý xã hội cho là hợp đạo. Hiện nay đa số quốc gia cho phá thai là hợp đạo... Nếu không có một nền đạo đức khách quan làm căn bản - rút ra từ chân lý của sự thật - sẽ không thể phân biệt giữa thiện và ác, có giá trị hay vô giá trị.
Đối với Công Giáo những đức tính luân lý tự nhiên như can đảm, từ bi, hỷ xả … là rất tốt, chúng có giá trị thật, nhưng chúng không thể đưa con người vào thiên đàng. Yếu tố thiếu sót cần thiết là đức tin. Đi xa hơn, Tin Lành Lutheran cho rằng đức tin là tối quan trọng đến mức chỉ cần có đức tin là đủ (Sola Fide) để được cứu rỗi. Bởi vì dù con người có tốt lành cỡ nào cũng không đủ xứng đáng để được lên thiên đàng. Trái lại, Công Giáo cho rằng không phải khi ai đó có đức tin, người ấy không cần phải làm gì nữa. Đức tin mà không thể hiện qua việc làm là đức tin chết. Những phẩm hạnh luân lý như can đảm, từ bi, hỷ xả … rất cần, nhưng chúng chỉ là nền tảng để xây dựng đức tin siêu việt. Luân lý tự nhiên như mảnh đất có phân bón tốt để hạt mầm đức tin siêu việt mọc lên và nở ra những bông hoa đẹp. Bấy giờ mảnh vườn mới có giá trị.
Chúng ta hãy đưa ra hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất, có hai người cùng một trình độ học vấn như nhau, cùng được nghe câu “Đức Chúa Trời là Đấng tự hữu. Người tạo ra vũ trụ. Người có ba Ngôi trong cùng một bản thể”. Người thứ nhất không tin, người thứ hai tin là thật. Phản ứng của người thứ nhất rất dễ hiểu, bởi vì câu nói trên nêu ra một đối tượng vô hình, nằm ngoài logic suy luận đến mức không thể hiểu để có thể chấp nhận. Nhưng tại sao người thứ hai lại tin là đúng. Như vậy phải có một tác động siêu nhiên đã tác động tâm trí anh ta. Đúng vậy, Đức Giêsu cho biết sự chấp nhận đức tin là một ơn do Thiên Chúa mặc khải cho biết (1Cr 2:10-11).
Trường hợp thứ hai, có một gia đình Công Giáo rất ngoan đạo gồm cha mẹ và cậu con trai. Khi lên đại học cậu con từ từ xa đạo, rồi sau khi tốt nghiệp đại học thì bỏ đạo. Cậu đã được Thiên Chúa ban cho đức tin, cậu đã giữ đức tin này trong một thời gian, nhưng sau đó lý trí của cậu không chấp nhận đức tin đó nữa. Như vậy đức tin không thể dựa vào truyền thống gia đình hay tập quán cộng đồng mà có. Đức tin là hành vi của ý chí tự do của con người có muốn chấp nhận hay không. Tự do là phẩm giá Thiên Chúa ban cho con người để con người có thể làm chủ ý thức và hành vi của mình. Thiên Chúa không ép buộc con người phải tin (Rm 4:16; GLCG 160).
Suy ra người có đức tin là người trước hết phải được nghe đến điều siêu việt. Kế đó là ân sủng Thiên Chúa ban cho sự mở lòng đón nhận. Sau đó là sự chấp nhận từ lý trí tự do của người đó. Thánh Thomas Aquinas đã tóm tắt như sau: “Đức tin là một hành vi của trí khôn nhận ra chân lý mặc khải, được ân sủng từ Thiên Chúa tác động, rồi chấp nhận chân lý đó theo lệnh của ý chí tự do.” (Summa Theologica – Tổng luận Thần Học)
Người can đảm và người hèn nhát, người tốt bụng và người xấu bụng khi chết đều như nhau. Vậy tại sao ta phải hy sinh cho người khác để đến cuối đời chết là hết. Tất cả những việc mình làm đều trở thành trống rỗng và sự sống trở thành hư vô. Nhưng sự thật, đứng trước Đấng Phục Sinh, cái chết không phải là hết và sự sống không phải là vô nghĩa. Do đó chỉ có đức tin mới trao ý nghĩa cho những việc mình làm và mang đến phần phúc cho đời sau và ngay cả ở đời này.
Suy ra những nghĩa cử đạo đức và ngay cả sự sống đều hàm chứa niềm hy vọng. Qua đức tin, chúng ta đặt hy vọng vào tay Đấng Cứu Độ, bởi vì chính Người là chân lý của sự sống. “Niềm tin mà không có chân lý thì không có khả năng cứu độ và không bảo đảm cho bước đi của chúng ta.” (Giáo Hoàng Phanxicô, Lumen Fidel ‘Ánh Sáng Đức Tin’, chương 2, đoạn 24).
Suy ra sức mạnh đức tin không đến từ bên ngoài mà từ nội tâm. Sức mạnh đức tin thúc đẩy chúng ta “trước hết tìm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người. Còn những thứ khác Người sẽ thêm cho” (Mt 6:33). “Nước Thiên Chúa” là nơi dành cho những ai có đức tin. “Đức công chính” của Thiên Chúa không phải là luật lệ mà là tình yêu. Nếu xét theo luân lý tự nhiên, người bố thí nhiều có giá trị hơn người bố thí ít. Nếu thế, những người giàu luôn luôn có phúc hơn những người nghèo. Đức công chính của Thiên Chúa không xét theo số lượng, nhưng xét theo lòng yêu thương tha nhân và lòng hy sinh của người bố thí (Lc 21:1-4). Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu là bằng chứng cho những ai chỉ có thể làm những việc nhỏ bé. Thánh nói, “Nhặt một cây kim vì tình yêu cũng có thể hoán cải một linh hồn.” Thánh Têrêsa Calcutta nói, “Không phải tất cả chúng ta đều có thể làm những việc lớn, nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ với tình yêu lớn.” Từ một hành vi nhỏ như nhặt một cây kim đến một hành vi lớn như liều mạng can trường, tất cả chỉ có ý nghĩa khi cá nhân đó thể hiện chúng trong tình yêu với niềm hy vọng về một thành quả tốt cho đời sau. Tóm lai tình yêu làm trọn vẹn ý nghĩa của luật công chính, nhưng chỉ những ai có đức tin mới thể hiện được điều này.
Đức tin bao gồm những phẩm tính: tin tưởng (believe), tin cẩn (trust), khôn ngoan (wisdom), tôn kính (veneration) và yêu mến (love). Tin tưởng là hành vi của tri thức, chẳng hạn tôi tin mặt trời mọc ở phương đông. Tin cẩn là một trạng thái tâm lý, chẳng hạn tôi tin vị bác sĩ đang chữa bệnh cho tôi. Tôn kính là trạng thái tinh thần, chẳng hạn tôi tôn kính cha mẹ tôi. Khôn ngoan là trạng thái của ý thức, nhưng không phải là loại ý thức khôn ngoan trần thế, nhưng là ý thức về chân lý được mạc khải cho mình. Trong khôn ngoan Thiên Chúa không còn là một khái niệm, nhưng là một hiện hữu cụ thể. Đức tin là một tổng hợp của tất cả những đặc tính nêu trên.
Đức tin là tin để tôn thờ Thiên Chúa, không phải tin vào một khái niệm trừu tượng, vì người ta không thể tôn thờ một khái niệm do chính họ tưởng tượng ra. Đức Giêsu nói với các môn đệ, “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14:1). Nếu chính Chúa Giêsu đã dạy như vậy thì đức tin không phải là hiểu những lý lẽ về Thiên Chúa, nhưng để nhận ra thực tại: Thiên Chúa chính là sự thật. Thiên Chúa là chân lý tối thượng, là đấng mạc khải, Người không thể sai lầm cũng như không lừa dối chúng ta (GLCG 156).
Thánh Anselmo tóm lược tác động của đức tin trong châm ngôn “Đức tin đi tìm sự hiểu biết” (Fides quaerens intellectum). Thánh Augustine suy diễn thêm, “Tôi tin để hiểu và hiểu để tin tốt hơn”. Thánh Anselm cũng nói, “Cho nên tôi không tìm hiểu để có thể tin, nhưng tôi tin để được hiểu. Vì vậy trừ khi tôi tin, nếu không tôi sẽ không thể hiểu.” [2]. Đức tin giúp chúng ta trực giác hiểu biết sâu xa hơn sự hiểu biết của tri thức. Chúng ta trực giác biết sự hiện diện của Thiên Chúa chứ không thể dùng tri thức để chứng minh. Vì vậy đức tin giúp con người bước vào tầng giới siêu nhiên, đưa chúng ta ra khỏi ranh giới của những phạm trù khoa học hay phản khoa học, của ý thức hay vô thức, của mê tín hay thực tế ... nhưng đi vào chân lý mạc khải của Thiên Chúa. Đức tin là một động năng giúp chúng ta nhìn xuyên qua lý lẽ của trí óc như ánh sáng xuyên thấu qua tấm kính để thấy cảnh vật ở phía xa.
Đức tin không phải là một trạng thái tĩnh nhưng là một động năng. Có đức tin cũng đồng nghĩa là có hành vi đức tin. Bình thường những gì chúng ta làm như bố thí, đọc kinh, cầu nguyện... đều là những hành vi đức tin. Do đó có đức tin cũng đồng thời là sống với chân lý Thiên Chúa mạc khải cho mình. Người có đức tin đương nhiên sẽ sống theo luân lý tự nhiên. Ngược lại, không có đức tin, luân lý tự nhiên có thể sụp đổ.
Tuy đức tin vượt khỏi lý trí nhưng không nghịch lại với lý trí, bởi vì cả đức tin lẫn lý trí đều là ơn phúc do Thiên Chúa ban cho. Trong thông điệp Fides et Ratio (Đức tin và Lý trí), đức Gioan Phaolô II viết, “Đức tin và Lý trí như đôi cánh giúp con người vươn cao trong chiêm nghiệm chân lý. Chính Thiên Chúa đã đặt trong tâm con người ước vọng tìm kiếm chân lý, để rồi cuối cùng con người nhận biết Thiên Chúa, ngõ hầu thấu đạt sự thật về mình một cách đầy đủ”. [3]
Trong những bản kinh tuyên xưng đức tin Công Giáo, Giáo Hội luôn luôn dùng công thức “tôi tin...” không có danh xưng “chúng tôi tin”, bởi vì đức tin thuộc phạm vi cá nhân. Đức tin chỉ có khi lý trí cá nhân đó chấp nhận. Suy ra đức tin cũng có thể mất đi khi lý trí của cá nhân đó không muốn chấp nhận. Tuy Đức Giêsu đã cảnh cáo, những ai không tin vào Thiên Chúa sẽ không có chân lý của sự sống (Gn 3:18); tuy trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo đã có hàng trăm ngàn các thánh tử vì đạo để bảo vệ đức tin, nhưng những cám dỗ, những thử thách, những cơn khủng hoảng ... vẫn có thể làm con người không có đức tin hay ngã lòng mất đức tin. Giữa cơn sóng gió bão táp đó, cây thánh giá là mảng cứu hộ duy nhất mà chúng ta có thể bám vào để được cứu sống. Dù chúng ta có sa ngã đến thế nào, Thiên Chúa vẫn chờ đợi chúng ta quay trở lại với Người.