Kitô hữu chúng ta ai cũng biết sự tích Chúa Cha phán gọi ông Môise trên núi Sinai và Chúa Con kêu gọi Thánh Phaolô trên đường đến Damascus. Môise và Phaolô đều là những người ngoại đạo. Môise sống trong nền văn hóa La Mã và Phaolô là người chống đạo Kitô. Sau khi nghe tiếng Chúa gọi, cả hai vị đều hoán cải thành người nhiệt thành theo Chúa. Có lẽ nhiều người cho rằng những kỳ tích đó chỉ xảy ra vào thời xa xưa, thuở mà Thiên Chúa còn gần gũi với dân Chúa. Sự thật trong mọi thời, Thiên Chúa không ngừng lên tiếng kêu gọi. Thiên Chúa kêu gọi con người như thế nào? Điều này chúng ta không thể biết. Chúa Thánh Thần như gió, muốn thổi đâu thì tới đó, nào ai biết đến từ đâu và đi về đâu (Ga 3:8).
Ở đây, tôi xin nêu ra hai trường hợp điển hình để dẫn chứng về sự phong phú của tiếng gọi và tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Sở dĩ những truyện này được biết tới vì chính những người trong cuộc kể ra, nhưng còn biết bao nhiêu người đã được ơn hoán cải mà chúng ta không biết.
Vào dịp viếng thăm nước Mỹ năm 2016, Giáo Hoàng Francis đã đọc diễn văn trước quốc hội Mỹ, trong đó ngài long trọng nhắc đến tên cha Thomas Merton. Người đã “khai mở những chân trời mới cho các linh hồn và cho Giáo Hội”. Thần học gia Thomas Merton (1915-1968) là một đan sĩ dòng tu kín Xitô (Cister), nhưng tư tưởng uyên bác của ngài đã vượt khỏi giới hạn dòng tu để góp công rất lớn vào nền thần học Công Giáo hiện đại.
Tuy nhiên trong thời thanh xuân, Thomas có cuộc sống rất phóng đáng. Mẹ chàng là tín đồ Tin Lành, phái Quaker, nên cũng có thể nói chàng thuộc về Kitô giáo. Trên thực tế mồ côi mẹ từ năm lên sáu nên tôn giáo của bà không tạo ảnh hưởng gì nơi chàng. Đúng ra chàng là người vô tôn giáo.
Năm 22 tuổi, Thomas theo học ở Đại Học Columbia, môn Văn Chương Pháp Thời Trung Cổ (French Medieval Literature). Một hôm dạo phố, vô tình đi ngang qua tiệm sách, Thomas thấy bày trong cửa tiệm quyển “Tinh Thần Triết Học Thời Trung Cổ” (The Spirit of Medieval Philosophy), do Erienne Gilson soạn. Thấy sách có vẻ cùng chủ đề với môn học của mình, Thomas mò túi tìm được 5 dollars, chàng bèn mua nó. Về nhà mở sách ra, ngay trang đầu, một hàng chữ Latin nhỏ đập vào mắt chàng “Nihil Obstat …Imprimatur” (1). (Hàng chữ này có nghĩa sách đã được tòa giám mục duyệt và cho phép ấn hành.) Hàng chữ đó đã gây cho Thomas một cú xóc phản cảm. Thông thường, bậc trí thức có quyền viết bất cứ gì mình suy tư. Người đọc cũng có quyền đọc bất cứ sách gì họ muốn. Viết hay đọc mà phải qua sự cho phép của giới lãnh đạo tôn giáo là phản trí thức. Thomas nổi giận cho rằng mình đã bị lừa và uất ức như bị ai lụi một dao vào bụng. Nếu biết trước đây là sách Công Giáo thì chàng đâu thèm mua nó.
Merthon định ném sách ra ngoài cửa sổ như vứt bỏ một đồ vật độc hại thiếu lành mạnh. Nhưng ơn lạ xảy ra, không hiểu sao chàng lại đọc nó. Thomas thuật lại, “Tôi có tật mua sách rồi cất vào kệ mà không đọc. Không ngờ tôi đã mua một quyển sách về đạo Công Giáo và không ngờ đã đọc nó… Tôi phải thú nhận rằng thật là ơn phước vì tôi đã đọc quyển sách ấy, đọc với sự suy tư sâu xa. Sách đã thay đổi tôi như tạo nên cuộc cách mạng đời tôi. Điểm quan trọng nhất là tôi đã lãnh hội một ý niệm mới về Thiên Chúa. Tôi nhận ra rằng tôi chưa bao giờ hiểu Thiên Chúa trong sự huyền nhiệm của Người. Từ trước tôi chỉ biết Thiên Chúa qua hình ảnh tôn giáo và qua bất cứ gì mà con người gán ghép cho Chúa. Khi tôi bỏ quyển sách xuống, tôi khao khát được đến nhà thờ. Sự khao khát rất chân thành, rất chín chắn, rất thâm sâu mà tôi chưa bao giờ có (2).”
Có lẽ các bạn không ngờ, từ một chữ Latin “aseitas” của giáo sư Erienne Gilson, một đặc ngữ được dùng bởi triết gia, mà Thomas thức tỉnh. Chữ này có nghĩa là “Tính Tự Hữu của Thiên Chúa” (God Being Itself). Xin nói rộng nghĩa thêm về aseitas, Thiên Chúa Tự Hữu hoàn toàn do bởi Đức Hạnh của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện hữu không do bởi một nguyên nhân nào. Cũng không phải Thiên Chúa là nguyên của chính Mình. Thiên Chúa hiện hữu hoàn toàn không bởi bất cứ nguyên nhân nào. Không có định nghĩa hay sự giải thích nào cho sự hiện hữu của Thiên Chúa, ngoại trừ chính bản chất tự tồn tại của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng tự có, vô cùng hoàn hảo, tuyệt đối độc nhất. Ý niệm aseitas là chìa khóa mở cửa tâm hồn Thomas đón nhận Công Giáo. Những năm kế tiếp chàng bắt đầu tìm hiểu đạo. Một tối nọ, chàng đọc cuốn sách nói về cuộc trở lại đạo Công Giáo của Gerard Manley Hopkins, một thi sĩ người Anh, rồi sau đó trở thành linh mục dòng Tên. Bất chợt ý nghĩ trở thành linh mục lóe sáng trong đầu Thomas. Chàng vội chộp áo khoác, phóng mình tới nhà thờ Corpus Christi gần đó, để gặp cha xứ và để thổ lộ tâm ước của mình.
Năm 27 tuổi (1941) Thomas gia nhập đan viện Gethsemani, rồi trở thành linh mục dòng Xitô (the Order of Cistercians, còn gọi là dòng Trappists). Cha Thomas Merton ở trong nhà dòng 27 năm, nhưng cha nổi tiếng khắp nơi bên ngoài nhà dòng qua những sách tu đức và thần học của ngài.
Mario Joseph là người Ấn Độ trong một gia đình theo đạo Hồi. Ngay từ khi lên 8 tuổi, cha mẹ đã gửi cậu vào học viện Hồi giáo nơi đào tạo các giáo sĩ. Cậu phải sống trong mosque (đền thờ). Nếu cậu rời mosque về nhà, mọi người, kể cả cha cậu, sẽ đánh đập cậu. Nhà trường cưỡng chế học trò giữ luật đạo rất nghiêm khắc. Chẳng hạn ai không ăn chay trong mùa ramadan (mùa chay), kẻ đó sẽ bị nhốt trong phòng và bị bỏ đói. Lối giáo huấn bạo hành này đã khiến Mario bất mãn. Cậu tin rằng không nên ép buộc người ta theo đạo nếu họ không muốn.
Tu trì được 10 năm, Mario Joseph trở thành giáo sĩ Islam. Một hôm khi chàng thuyết giảng, “Allah là Thiên Chúa duy nhất. Giêsu không phải là Thiên Chúa, cũng không phải là con Thiên Chúa, vì Allah không lập gia đình thì làm sao có con.” Chợt trong đám đông có người hỏi, “Vậy Giêsu là ai?” Câu hỏi này đánh động tâm hồn Mario Joseph, nó khiến chàng tự hỏi “vậy Giêsu là ai”.
Để tìm hiểu về Đức Giêsu, Mario dò lại toàn bộ kinh Koran (Qur’an), tài liệu tôn giáo duy nhất mà chàng có. Chàng tìm thấy tên Giêsu được nhắc đến 25 lần với những danh xưng là: Lời Chúa, Thần Khí Thiên Chúa, Đấng Kitô. Chương 3 đoạn 45-55 kể rằng Đức Giêsu chữa cho người mù được thấy, người phong cùi khỏi bệnh, kẻ chết sống lại… Đức Giêsu vẫn hằng sống, đã lên Thiên Đường và sẽ trở lại. Mario bị hoang mang, “Trong thâm tâm, tôi thấy Đức Giêsu vĩ đại hơn tiên tri Mohammed”. Mohammed chỉ được Koran nêu danh là vị tiên tri, người không hề chữa bệnh cho ai, không hề cứu kẻ chết sống lại, mà chính người lại phải chết. Mario đến vấn đạo với thầy của mình, cậu hỏi: “Vũ trụ đã được tạo dựng như thế nào?” Thầy trả lời: “Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ bằng Lời.” Mario hỏi: “Vậy Lời Chúa là Đấng Tạo Hóa hay là vật được tạo dựng?” Thầy nói: “Lời Chúa là Đấng Tạo Hóa.” Câu trả lời này đã đảo lộn hệ thống thần học của Islam. Mario lý luận với thầy, “Kinh Koran nói Đức Giêsu là Lời Chúa. Nếu Lời Chúa là Đấng Tạo Hóa, vậy người Muslim đều phải là giáo dân Kitô.” Ông thầy không ngờ mình tự mâu thuẫn, ông nổi giận quát, “Lời Chúa không phải là Đấng Tạo Hóa và cũng không phải là vật tạo dựng.” Mario đáp lại ngay, “Đó là lý do người Kitô gọi Lời Chúa là Con Thiên Chúa.” Ông thầy nói, “Thiên Chúa không có vợ làm sao có con.” Mario chỉ cho ông một đoạn trong kinh Koran “Thiên Chúa có thể nhìn mà không cần mắt, có thể nói mà không cần miệng”, rồi Mario kết luận “vậy Thiên Chúa cũng có thể có con mà không cần có vợ.”… Cuộc đối thoại rốt cuộc chẳng đi đến đâu mà chỉ làm ông thầy nổi giận.
Không tìm được lời giải đáp từ thầy, Mario khẩn cầu Allah (Thiên Chúa) chỉ đường mình phải đi, rồi chàng mở quyển kinh Koran để tìm lời giải. Chàng gặp chương 10 câu 94 viết rằng, “nếu ai còn nghi ngờ điều chi trong Koran, hãy đọc Kinh Thánh, vì chân lý được mặc khải trong đó.” Mario quyết định đến một trung tâm Công Giáo trong tỉnh để học Kinh Thánh. Tại đây chàng được cho biết “Hễ ai chấp nhận Đức Giêsu, người đó sẽ được Đức Giêsu ban cho quyền năng trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:12). Lời dạy mầu nhiệm này không hề có trong Koran, vì Koran dạy rằng “con người là nô lệ của Allah”. Ngay lập tức Mario thấy sự khao khát được đến với Chúa Giêsu vì chàng muốn được gọi Thiên Chúa là Cha, “Không thể nào diễn tả được nềm vui của tôi khi được gọi Thiên Chúa là Cha.”
Khi cha của Mario Joseph biết chuyện cậu đến học kinh thánh ở trung tâm Công Giáo, ông đánh cậu tàn nhẫn đến đổ máu và chết giấc. Ông lột trần truồng cậu, cột chặt tay chân, ông còn rắc ớt bột vào miệng mắt mũi và các vết thương của cậu, rồi nhốt cậu trong một căn phòng nhỏ. Sở dĩ ông hành động như thế vì luật đạo ghi trong Koran là phải giết những ai không tin Koran. Sau hơn 20 ngày bị giam và bỏ đói, cha cậu vào phòng, một tay ông cầm con dao lớn, một tay ông chận cổ họng cậu rồi nói, “Đây là phút chót, nếu mày chọn Allah mày sẽ được sống. Nếu mày chọn Giêsu tao sẽ giết mày.” Mario Joseph kể lại, “Ngay lúc đó tôi nhớ đến lời hứa của Đức Giêsu, nếu tôi chết với Người tôi sẽ có sự sống. Bất chợt có luồng ánh sáng chiếu vào mặt tôi, rồi một luồng năng lực chạy khắp châu thân. Tôi vùng người lên hét to ‘Giêsu’. Cha tôi bật ngã ra sau, con dao cầm trên tay dội vào ngực ông cắt một đường chảy máu lênh láng. Ông ngã xuống sàn nhà. Mẹ và các anh chị em tôi nghe tiếng hét vội chạy tới, họ hối hả khiêng ông vào nhà thương. Lợi dụng cửa phòng mở, tôi lao ra ngoài rồi kêu taxi chở tôi tới trung tâm Công Giáo. Từ đó tôi thoát ly Islam và trở thành tín đồ Công Giáo. Tôi đổi tên là Mario Joseph (Maria-Giuse).”
Mario Joseph không phải là một tín đồ Công Giáo bình thường như chúng ta nghĩ. Chàng năng nổ đi khắp nơi thuyết giảng kinh thánh. Trong thời hỗn loạn bởi những người quá khích Hồi giáo, một người bỏ đạo Hồi đi rao giảng đạo Công Giáo, ngay trong vùng của những người đa số theo đạo Hồi, là một việc làm khó ai dám nghĩ tới. Có thể nói, Mario Joseph nhiệt thành theo Chúa đến sẵn sàng tử vì đạo.
Qua hai câu truyện trên, chúng ta thấy tiếng gọi của Thiên Chúa luôn luôn hợp với trình độ và hoàn cảnh của mỗi người. Thích hợp một cách lạ lùng đến nỗi người ngoài cuộc không thể nào hiểu được. Theo nhà tâm linh học Aldous Huxley, khi thần khí của cá nhân được tự do, nó trở về kết hợp với Thần Khí Tuyệt Đối và Hoàn Hảo, tức Thiên Chúa. Sự kết hợp qua một chứng nghiệm rất hiện thực không thể diễn giải bằng lời. Tuy nhiên qua hai câu truyện nêu trên, chúng ta cũng có thể nghiệm ra một mẫu số chung. Những người được hoán cải không do họ tự ý thức trong đơn độc, nhưng luôn luôn có ơn Chúa chuyển tới họ từ người khác. Thomas Merton đọc sách của Erienne Gilson, Mario Joseph nghe câu hỏi từ một vị thính giả. Vì vậy khi Thomas Merton viết quyển Núi Bảy Tầng, Mario Joseph kể chuyện trên website, họ có ý vượt khỏi những mảnh tư liệu về ơn hoán cải của họ, để làm chứng cho ơn kêu gọi của Thiên Chúa và để thức tỉnh lòng người. Ơn Chúa gọi chính là sự sống của Thiên Chúa chia sẻ cho con người. Sự sống như dòng nước tâm linh chảy từ người này qua người khác để tạo sinh trong sa mạc tâm hồn của mỗi người. Dòng nước trở thành một chuỗi những tác động chữa lành vết thương lòng, cải hóa tâm hồn, mở cửa tâm linh để đón nhận Thiên Chúa. Vì vậy Thiên Chúa thiết lập Hội Thánh để các tín hữu có thể tự thánh hóa chính mình và để đối thoại với người khác hầu dẫn đưa họ về với Chúa. Nói rộng ra, chính mỗi giáo dân đều có chức vụ ngôn sứ và chứng nhân để loan báo tin mừng (GLCG 897).
Qua kinh nghiệm bản thân, Thomas Merton nhận ra nhiều người tự xưng là vô thần chẳng qua chỉ vì trí óc họ không thể chấp nhận chân dung Thiên Chúa được trình bày qua những phương cách nghịch với trí óc của họ. Rồi họ cho rằng không còn phương cách nào khác. Họ khép tai lại, từ chối nghe các triết gia và thần học gia phân giải. “Tôi đã khám phá ra chẳng có một tư tưởng nào, một hình ảnh nào có thể giảng nghĩa về Thiên Chúa. Đó là lý do Công Giáo đề cao Đức Tin (viết hoa). Đó là khí cụ cuối cùng vượt trên tất cả. Đáng tiếc cho những người thông thái đứng bên ngoài cửa chết đói trong khi những kẻ bần cùng, khờ khạo, thất học, vô hạnh, và ngay cả những kẻ bất lương đều vào bàn tiệc đã được dọn sẵn cho tất cả mọi người” (3). Đúng như vậy, Thiên Chúa vẫn lên tiếng gọi, tuy nhiên Người chỉ đứng ngoài cửa mà gõ, mở cửa lòng hay không là tùy ở người nghe tiếng gọi.