Sách Tin Mừng của Thánh Mátthêu có ghi “bài giảng trên núi” của Đức Giêsu. Bài giảng nói về tám mối phúc, trong đó mối phúc thứ hai đã được dịch ra tiếng Việt như sau:
Phúc cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất.
Thánh Mátthêu viết Tin Mừng bằng tiếng Aram. Thánh Mátthêu và Đức Giêsu đều nói tiếng Aram, nên ngôn ngữ của Đức Giêsu đã được thánh Mátthêu ghi lại rất trung thực. Nhưng tại sao những kẻ nhu mì sẽ hưởng được đất? Ngôn từ của lời dạy này rất kinh điển, vì vậy không nên hiểu theo nghĩa đen và cũng không nên hiểu một cách đại khái chung chung. Chúng ta cũng thấy ngay chỉ có thể hiểu trọn vẹn lời dạy của Đức Giêsu, khi mở khóa được hai chữ “nhu mì” và “đất”.
Theo các nhà chú giải Thánh Kinh, câu nói trên của Đức Giêsu là bản tóm lược những câu Thánh Vịnh có cùng chủ đề. Một số những câu này nguyên gốc bằng tiếng Aram, một số khác là tiếng Hebrew. Có điều trong những câu thánh vịnh đó, dân Do Thái cổ dùng chữ “anawim”, nghĩa là những người nghèo khổ. Vậy lời dạy của Đức Giêsu bằng tiếng Aram là: Phước cho những kẻ anawim vì sẽ được hưởng đất. Về phương diện dịch thuật, trong câu nói này, chữ “đất” vẫn được người đời sau dịch là “đất” nên không có gì cần nói, nhưng tại sao chữ “anawim” (nghèo khổ) lại được dịch là “nhu mì”.
Dò lại từ nguyên gốc, người ta thấy bản dịch Kinh Thánh cổ nhất là của “nhóm Bảy Mươi”. Họ đã dịch chữ “anawim” qua tiếng Hi Lạp là “praeis”, nghĩa là “hiền từ”. Kế đó là Bản Latin Vulgata đã dịch anawim là “mites”, nghĩa là “nhu mì”(1). Vì bản Latin Vulgata là bản kinh thánh chính thức của Giáo Hội Công Giáo, nên các giáo hội địa phương trên thế giới dựa vào đó mà dịch ra ngôn ngữ của mình. Anawim đã được dịch ra sao qua những ngôn ngữ khác? Tôi xin trích dẫn ra đây vài bản dịch Anh ngữ và Việt ngữ:
Bản Vulgata:
Beati mites: quoniam ipsi possidebunt terram.
(Phúc cho những kẻ nhu mì: vì họ sẽ được đất).
Bản King Jame Bible:
Blessed the meek: for they shall inherit the earth. (meek = hiền lành; earth = đất).
Bản New American Standard Bible:
Blessed are the gentle, for they shall inherit the earth. (gentle = hòa nhã; earth = đất).
Bản Knox Bible:
Blessed are the patient; they shall inherit the land. (patient = kiên nhẫn; land = đất).
Bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn:
Phúc cho những kẻ hiền lành, vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp.
Như chúng ta thấy, chữ “terram” đã được dịch giống nhau là “đất”, nhưng chữ “anawim” đúng nghĩa là “nghèo khổ” lại được chuyển nghĩa theo những ý niệm khác. Như vậy anawim đã biểu thị cho một trạng thái tinh thần nào đó, nên các dịch giả phải tìm chữ để mô phỏng cái nội dung mà nó hàm ý. Điều này dẫn chúng ta đến việc tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng của anawim.
Theo Bách Khoa Tự Điển Công Giáo (Catholic Encyclopedia), anawim là lớp người nghèo khổ cùng cực. Câu nói trên của Đức Giêsu là lời tóm lược câu Thánh Vịnh 37:11 của Cựu Ước. Câu vịnh này nói rằng Giavê thương những người anawim (nghèo khổ). Họ đáng được hưởng phần đất dành cho họ trong bình an. “Đất” mà Thánh Vịnh nói tới là mảnh đất canh tác, nơi Đất Hứa, tức lãnh thổ của Israel (2). Tuy nhiên lời dạy của Đức Giêsu đã chuyên chở cả một lịch sử tiến hóa tư tưởng từ Cựu Ước qua Tân Ước. Vào thời Tân Ước, ý nghĩa của anawim không còn giống như cũ, nó trở thành biểu tượng ám chỉ phong cách sống của những nạn nhân nghèo khổ. Từ tình trạng nghèo mà dẫn đến thái độ khiêm tốn, ngoan ngoãn cúi mình xuống trước mặt thiên hạ và Thiên Chúa. Vì vậy khi Đức Giêsu nói “Phúc cho những kẻ anawim…” Người muốn nhắn nhủ với những người khiêm tốn. Đồng thời “đất” mà Đức Giêsu nói đến ở đây cũng không còn là mảnh đất để định cư, nhưng là biểu tượng về Nước Trời.
Trong buổi tiếp kiến chung tại Vatican ngày 23/05/2001, Giáo Hoàng John Paul II giảng rằng Thánh Vịnh thường đề cao anawim, họ là những người nghèo đói thấp hèn. Tuy nhiên anawim bây giờ là danh xưng, không những để chỉ những người nghèo bị áp bức, mà còn là những người vì trung thành với giáo huấn của Thiên Chúa mà bị hãm hại bởi những kẻ giàu có và quyền lực. Trong ánh sáng của nhận thức này, "nghèo" không nhắc tới một giai cấp xã hội mà là một thái độ lựa chọn tinh thần, một tinh thần nghèo. Nó hợp với ý trong câu "Phúc cho những tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ " (Mt 5,3).
Giáo Hoàng Benedict XVI phát biểu trong buổi tiếp kiến chung tại Vatican ngày 15/02/2006, "Theo tinh thần Thánh Kinh, từ ngữ 'anawim' nói tới những tín hữu tự ý thức mình là ‘nghèo’, không những qua sự từ bỏ mọi thần tượng về giàu có và quyền lực, mà còn ở tính khiêm nhường sâu xa của một tâm hồn biết trống rỗng trước cám dỗ của lòng kiêu ngạo, để mở lòng cho ân sủng cứu độ của Thiên Chúa tràn vào.” Đức Benedict cho biết nội dung của từ anawim đã được diễn giảng trọn vẹn trong kinh Magnificat (Kinh Ngợi khen) của Đức Mẹ Maria. Như vậy anawim là một đức hạnh tu đức, nó không liên quan gì đến tình trạng túng thiếu tài sản, nhưng là một tâm hồn khiêm cung đón nhận Thiên Chúa.
Trong sứ điệp ngày Quốc Tế Giới Trẻ Thứ 29 , năm 2014, Giáo Hoàng Francis dẫn giải rằng, khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Chúa đã chọn trở nên nghèo. Nhưng “nghèo” không hoàn toàn mang ý nghĩa thiếu thốn vật chất. Chúng ta phải nối kết nó với khái niệm “anawim” của người Do Thái, nghĩa là “người nghèo của Thiên Chúa”. Anawim là sự khiêm nhường, là ý thức sự giới hạn của mình hòa hợp với một tâm hồn nghèo khó. Người anawim chỉ biết trông cậy vào Chúa, vì họ thấy rõ họ có thể tin tưởng vào Người. Giáo Lý Công Giáo cho con người là “người hành khất trước mặt Thiên Chúa (số 2559), nghĩa là một người nghèo. Trong thư gửi tín hữu Philipphê, Thánh Phaolô nói, “Thiên Chúa là Thiên Chúa nhưng đã tự trống rỗng chính mình, sinh ra làm người, chấp nhận thân phận đầy tớ thấp hèn” (Pl 2:5-7). Đây là mầu nhiệm khi chúng ta chiêm ngắm Con Thiên Chúa nằm trong máng cỏ, và sau đó trên cây thập giá, nơi Chúa trống rỗng chính mình ở điểm cao nhất. Đó là ý nghĩa của anawim.
Theo thần học gia Joan L. Roccasalvo, chữ anawim thường được dùng trong Cựu Ước để chỉ những người nghèo khổ, giai cấp thấp nhất trong xã hội, sống trong sự thiệt thòi, chịu mọi áp bức. Qua thời gian chữ anawim được dùng để nói về phong cách sống nghèo, hướng về tâm linh, của những người hoàn toàn chỉ biết trông cậy vào ơn Thiên Chúa. Joan đưa ra hình ảnh cụ thể về mẫu người anawim là Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse. Mẹ Maria và Thánh Giuse sống đời rất đạm bạc, khiêm nhường, và hoàn toàn tuân theo Thánh Ý Thiên Chúa. Nói rõ hơn, linh mục Jefferson Bennit, viết trong Vaticos Theologies (Vườn Thần Học), danh từ anawim của Cựu Ước với nghĩa nghèo khổ đã chuyển ra nghĩa “người nhiệt thành sùng đạo” (pious/devout people). (Who are the poor? Vaticos Theologies Nov., 15, 2013).
Về phía tiếng Việt, linh mục Nguyễn Thế Thuấn, từ bản Vulgata, đã dịch câu nói trên là: Phúc cho những kẻ hiền lành, vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp. Nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là: Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp. Theo Giáo sư Trần Thái Đỉnh, từ căn gốc anawim, nếu dịch là “hiền lành” tuy đúng nhưng hơi có vẻ hẹp nghĩa. Theo ông nên dịch là “khiêm cung tin tưởng”. “Chính cái nghĩa khiêm cung tin tưởng, nhẫn nhục, không bực tức, xem ra hợp với [những chỗ sử dụng từ này trong] Thánh Vịnh hơn” (3). Nhận định của giáo sư Trần Thái Đỉnh coi như là lời ghi chú làm rõ nghĩa cho chữ “hiền lành” của bản dịch Việt ngữ.
Ngày nay chữ anawim đã được hiểu vượt qua bản chất tiêu cực “nghèo” của nó để làm sáng nghĩa “hiền lành” của thần học trong Tân Ước. Nếu không liên kết “hiền lành” với đặc ngữ “anawim” của Tân Ước, rốt cuộc chữ “hiền lành” sẽ tạo nên ngộ nhận khi người ta chỉ hiểu một cách hạn hẹp “hiền lành” là người tính tình ủy mị, không thích gây gổ. Đàng khác lại có những người hiểu quá xa, họ biện luận rằng “hiền lành” là thái độ thức thời của bậc hiền nhân trong triết lý Đông phương. Họ cho “hiền lành” là sự hàm dưỡng bản tính an nhiên tự tại theo thuyết Trung Dung của Khổng Tử. Một số khác cho “Hiền lành” là lối sống nhàn theo thuyết Vô Vi của Lão-Trang. Tôi nghĩ rằng suy luận như thế là quá “siêu”. Đức Giêsu nhắn nhủ với những ai khao khát những giá trị tinh thần hướng về Thiên Chúa, chứ không nhắm vào trạng thái tâm lý hay một nghệ thuật sống trần thế. Hơn nữa, hiểu anawim là khiêm nhường rất hợp với chủ đề Đức Giêsu nêu ra trước đó “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”. Đức Giêsu nói về “tinh thần nghèo khó” hướng thượng chứ không nói về tinh thần thế tục.
Ngay từ thế kỷ thứ 8 BC, tiên tri Isaiah là người đầu tiên trong thời Cựu Ước đã dùng chữ anawim với ý nghĩa bao hàm dân Do Thái trong thời kỳ hậu lưu đày. Ông đã dùng chữ anawim để chỉ những người đặt hết tâm trí mong đợi ơn Thiên Chúa giải cứu họ. Như vậy theo lối nhìn của Isaiah, anawim là thái độ của ý thức về ơn cứu chuộc. Đến thời Tân Ước, trong môi trường của Đức Giêsu, anawim bao gồm những người bị tôn giáo Do Thái ruồng bỏ, những người tội lỗi, và những người bị bỏ rơi sống bên lề xã hội. Trong bối cảnh đó, toàn bộ lịch sử của ơn cứu độ được tóm tắt trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa và anawim, những người tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa trong tinh thần nghèo.
Nói về “đất”, người ta cũng có thể hiểu một cách chung chung là mảnh đất canh tác hay để cất nhà. Đó không phải là đất Đức Giêsu muốn nói tới. Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu dặn bảo các Tông đồ, “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở … Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chổ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,1-3). Đức Giêsu đã mở rộng ý niệm sở hữu đất qua ý thức Vương quốc Thiên Chúa (Nước Trời). Khi chúng ta kết hợp với Thiên Chúa, mọi sở hữu liên quan đến vật chất, quyền lực, danh vọng không còn ý nghĩa gì nữa. Đức Giêsu đã chứng tỏ như thế qua lời đối đáp của Người với Satan qua ba cơn cám dỗ ở sa mạc. Trong ý thức ấy, “hiền lành” là những người tâm trí tự do. Họ không bị nô lệ bởi bất cứ một ràng buộc nào của dục vọng. Họ đặt đời sống của họ trong tay Thiên Chúa.
Tóm lại, đối với Công Giáo, cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và con người là những lời mạc khải về chân lý. Qua bài giảng trên núi, Đức Giêsu đưa ra bản hiến chương để xây dựng một thế giới an bình thật sự. Mỗi lời khuyên đều mở đầu bằng câu “Phúc cho những ai…” bởi vì đây là nguồn hạnh phúc đích thật. Thánh Gandhi, một lãnh tụ lừng danh thế giới, rất trân quí bài giảng trên núi. Ông thường giữ một bản sao bài giảng này bên mình. Ông cho biết lời giảng trên núi là tâm điểm cho đường lối tranh đấu của ông. Riêng với mối phúc thứ hai, chúng ta có thể lập lại cho dễ hiểu, “Phúc cho ai có lòng khiêm cung tin tưởng vào Thiên Chúa, vì họ sẽ được hưởng Nước Trời làm gia nghiệp.” Trong tinh thần ấy tất cả Kitô hữu chúng ta, một cách nào đó, đều phải là những người “khiêm cung” (hiền lành - anawim).