Hồ sơ đen về tu sĩ Công Giáo xâm phạm tình dục đã có từ lâu, nhưng được giữ kín và bao che từ giới cao cấp trong các giáo phận. Đến nay, những tố cáo công khai của các nạn nhân đã khiến sự việc không còn có thể cất giấu trong ngăn tủ giáo xứ. Bản án luật pháp phơi bày thực trạng tội lỗi của các giáo sĩ đã tạo nên cuộc khủng hoảng niềm tin vào Giáo Hội Công Giáo. Tôi không nêu ra vấn đề này như một bài bình luận thời sự, hay một lối bào chữa có tính cách phe nhóm. Người viết, trong tư thế là giáo dân không bị trói buộc bởi qui luật và mặc cảm, nói ra cảm nghĩ thật của mình. Một sự thật trong vị thế của nạn nhân bị áp bức, trong vị thế phê phán của lương dân ngoại đạo, và trong vị thế Kitô hữu đi tìm giải đáp cho nỗi đau khổ của chính mình.
Vào đầu thập niên 1990, những “scandals” về các tu sĩ Công Giáo phạm tội ấu dâm ở Argentina, Áo và Úc đã làm ngỡ ngàng thế giới. Trong số tội phạm có cả Tổng Giám Mục Vienna, Áo. (Ông đã từ chức vào năm 1995). Qua thập niên 2000, tại Mỹ, một số giáo phận đã phải chi ra những khoản tiền khổng lồ để bồi thường cho các nạn nhân theo lệnh tòa án. Báo cáo ở Úc, 2017, cho biết trong vài thập niên trước đã có hơn 10,000 trẻ em bị lạm dụng tình dục bởi các tu sĩ. Nơi xảy ra biến cố thường là ở trường học, câu lạc bộ thể thao, và ngay cả trong nhà thờ. Giới truyền thông cũng cho biết vào lúc đó, nhiều linh mục đã báo cáo lên cấp trên những kẻ phạm tội, nhưng cấp trên hoặc lờ đi hoặc âm thầm thuyên chuyển ác phạm đi nơi khác.
Cuối tháng 8, 2018, một biến cố đã tạo ra cuộc khủng hoảng lớn khi tòa án bang Pennsylvania kết án 300 linh mục cưỡng bức tình dục 1000 trẻ em, trong vòng 70 năm qua. Đọc bản cáo trạng, người ta sững sờ không thể tin nổi sự vụ sa đọa đến mức như vậy (1). Cùng tháng đó giới truyền thông đưa tin về vụ các linh mục phạm tội ấu dâm ở Úc và ở Mỹ, nổi bật là vụ Giám Mục Hồng Y ở Washington D.C. Trong không khí hổ thẹn đang diễn ra, người ta lại bắt gặp hai linh mục làm tình với nhau trong xe hơi giữa ban ngày ở vùng Miami Beach, Chicago (2). Sự vụ xảy ra khiến giới vô thần cho rằng Công Giáo đã suy đồi đến mức đáng khinh.
Vào khoảng 50 năm trước, khi xử tội một linh mục xâm phạm tình dục, giới chức cao cấp trong giáo phận lúng túng không biết phải giải quyết cách nào. Các vị đã áp dụng một mô thức chung là giữ kín sự việc rồi xét xử kín với tội phạm. Lỗi lầm của cách hành xử vụng về này, sự thật nằm trong quan điểm lỗi thời của nền thần học đạo đức (moral theology), một giáo trình của chủng viện, đặt nặng vào ý thức tội lỗi. Vào hồi đó Giáo Hội cho việc xâm phạm tình dục là tình trạng thiếu ý thức tội lỗi do bởi sự rối loạn tâm thần tạo ra. Do đó Giáo Hội chỉ chú trọng đến việc hoàn chỉnh tâm trí và sự hối lỗi. Với nhận thức này, Giáo Hội đặt kẻ phạm tội vào cuộc tự xét lương tâm, ý thức đạo đức, cầu nguyện và hãm mình đền tội. Đáng tiếc, cách xử lý “giải tội” kiểu này đối với những nạn nhân chính là lối giải quyết bao che (3). Suy ra môn thần học đạo đức, có từ thế kỷ XVI, đã không lường trước được những vấn nạn mới của thời cuộc.
Khi truyền thông tố cáo những linh mục phạm tội, cũng có một số người bào chữa rằng tội ác đang xảy ra chỉ là những hành vi cá nhân. Lời biện bạch này trở thành lạc lõng nếu người ta nhìn nó như một phản ứng bào chữa có tính cách phe nhóm. Nói vậy có khác gì cho rằng hành vi tốt cũng chỉ là hành vi cá nhân. Đối với xã hội, nhất là giới vô tôn giáo, họ nhìn Giáo Hội là một khối duy nhất không thể phân chia.
Hiện nay Giáo Hội không bào chữa và tránh né vấn đề, nhưng nhìn thẳng vào sự thật một cách minh bạch để giải quyết. Giáo Hội ý thức rằng hành vi xâm phạm tình dục, về mặt pháp luật, nó là một tội hình sự. Về mặt dân sự nó là vấn đề ỷ thế uy quyền chức vị để áp chế kẻ dưới. Về mặt giáo huấn, nó làm tổn thương và phá hủy niềm tin của những giáo dân trẻ tuổi. Về mặt tôn giáo, họ làm ô uế danh Thiên Chúa. Với một nhận định như vậy, Giáo Hội bạch hóa mọi hồ sơ phạm tội. Các vị giám mục chuyển hồ sơ tội phạm qua sở cảnh sát địa phương. Giáo Hội cách chức các phạm nhân dù họ là linh mục, giám mục hay hồng y (4). Giáo Hoàng Francis đã cho cải tổ Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên (The Pontifical Commission for the Protection of Minors, ủy ban này gồm 16 vị, 8 nam và 8 nữ). Như vậy hiện nay, Giáo Hội chú trọng đến việc bảo vệ trẻ em và công lý cho nạn nhân hơn là việc bảo vệ thanh danh của mình.
Để có một đường lối thống nhất, ngày 22 tháng 8, 2018, Giám Mục Philip Egan, Giáo phận Portsmouth, miền nam nước Anh, đề nghị Giáo Hoàng Francis triệu tập một Thượng Hội Đồng Bất Thường (Extraordinary Synod) để giải quyết cuộc khủng hoảng xâm phạm tình dục. Tuần lễ sau đó, Giám Mục Edward Burns, Địa phận Dallas và Giám Mục Charles Chaput, Địa phận Philadelphia, cũng gửi lên giáo hoàng lời yêu cầu tương tự. Phản ứng của 3 vị giám mục này đã gây nên những tiêu đề lớn trong giới truyền thông.
Trước hết chúng ta nên xét tới những con số khách quan của thống kê. Báo Cáo Của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về vụ xâm phạm tình dục bởi các linh mục Công Giáo từ 1950-2010 cho biết có 4% linh mục phạm tội. Chúng ta suy ra 96% linh mục không phạm tội. Tuổi tác và phái tính của các nạn nhân được biểu thị qua những con số xác xuất như sau:
Số thống kê cho thấy đa số nạn nhân là nam giới. Nạn ấu dâm (nạn nhân từ 7 tuổi trở xuống) có tỷ số thấp. Suy ra bản chất đồng tính luyến ái (gay) là động lực chính. Có lẽ Giám Mục Robert Morlino, Giáo phận Madison, Wisconsin, là người đầu tiên trong hàng giáo phẩm cấp cao nêu ra vấn đề này. Trong thư gửi giáo dân ngày 18 tháng 8, người viết, “[Đây] là thời gian để thừa nhận rằng có một nền văn hóa đồng tính luyến ái trong các cấp bậc (hierachy) của Giáo hội Công giáo [nó] đang phá hủy vườn nho của Chúa.”
Một yếu tố khác, theo thần học gia Todd Salzman, là sự lạm dụng quyền lực. Salzman, giáo sư tại Đại học Creighton, chuyên gia về thần học đạo đức và đạo đức tình dục (sexual ethics) cho rằng cấu trúc đầy quyền lực của hàng giáo sỹ đã dẫn đến sự lạm dụng quyền bính và lương tâm. Đó là nền văn hóa “giáo sĩ trị”. Khi một người có quyền lực, vướng mắc với nhu cầu tình dục, dễ dẫn tới hành vi xâm phạm trẻ em, hay kẻ dưới, là những người thấp bé vô quyền lực.
Những nhận định trên không có tính cách khẳng định hay đầy đủ. Tuy nhiên chúng góp phần vào việc nhận diện một vấn đề rất phức tạp mà cách giải quyết hiện tại chưa hoàn chỉnh, hoặc đôi khi lại làm cho vấn đề thêm phức tạp. Chúng giúp cho giới hữu trách trong Giáo Hội trong nỗ lực sửa đổi giáo trình đào tạo linh mục tương lai.
Chúng ta phải là những Kitô hữu trưởng thành trong ý thức tôn giáo của riêng mình và vị thế của mình trong Giáo Hội. Dựa vào ý tưởng của Giáo Hoàng Francis đưa ra trong thư gửi giáo dân mới đây chúng ta có thể nhận ra những thái độ công chính và thích hợp với thực trạng này (6).
1. Không thể tách mình ra khỏi thảm trạng chung của Giáo Hội
Thái độ phủi tay coi đó không phải là vấn đề của mình là sai lầm. Giáo Hội là một khối duy nhất, một chi thể đau, toàn thân đều đau (1 Cor 12:26). Giáo Hội không nằm trong tay một số người ưu tú. Thiên Chúa đặt chúng ta trong gia đình, trong cộng đoàn, nghĩa là trong tương giao với tha nhân. Trong Giáo Hội, nếu các thành viên không tích cực tham gia sẽ không tạo được động lực mạnh cần thiết cho sự thay đổi. Những linh đạo do Giáo Hội đưa ra, nếu không được các thành viên hưởng ứng sẽ không có gốc rễ và không có sự sống. Vì vậy chúng ta cảm thông với nỗi đau khổ của nạn nhân và cùng tìm cách phục hồi đức tin. Trong tinh thần đó chúng ta cầu nguyện cho các nạn nhân, cho Giáo Hội và giữ vững đức tin. Đó là cách thức chúng ta hợp ý với Giáo Hội lãnh trách nhiệm về ý thức tội lỗi và khôi phục lại sức mạnh tâm linh.
2. Biết chuyện sai lầm mà im lặng là sai lầm
Thái độ im lặng che giấu để giữ uy tín cho Giáo Hội là sai lầm. Nó không những khiến chúng ta mang tội đồng lõa mà còn gây ra tổn hại lớn cho Giáo Hội (7). Giám Mục Jaime Soto, địa phận Sacramento, California đã gửi thư cho toàn thể tín hữu trong giáo phận yêu cầu tố cáo ngay những tu sĩ hay viên chức nào có hành vi xâm phạm tình dục. Tôi tin rằng những vị giám mục ở khắp nơi trên nước Mỹ cũng có những lời kêu gọi tương tự. Rõ nghĩa hơn, Giám Mục Allen Vigneron, giáo phận Detroit dạy rằng tố cáo tội lỗi là phương cách tẩy sạch ô uế cho Giáo Hội. Người nói, “Chúng ta phải tiến về phía trước với niềm tin Thiên Chúa không từ bỏ Hội Thánh của Người. Chúa muốn tẩy sạch những tội lỗi ô uế để có cuộc sống mới.” Chúng ta cũng có thể tự trả lời cho câu hỏi: Thiên Chúa muốn tẩy sạch tội lỗi hay muốn bao che tội lỗi?
3. Không thể tảng lờ nỗi đau khổ của những nạn nhân
Các nhà chuyên khoa về tâm thần đều khẳng định rằng nạn nhân bị cưỡng bách tình dục sẽ bị khủng hoảng tâm thần về lâu dài, nhiều trường hợp đã dẫn đến hành vi tự tử. Thời gian có qua đi nhưng nỗi đau khổ của nạn nhân vẫn còn và hầu như không thể chữa lành. Vết thương trong tâm hồn của họ lớn hơn những gì Giáo Hội có thể đền bù. Giáo Hoàng Francis nói, “Nỗi đau khổ của các nạn nhân và gia đình của họ cũng là nỗi đau của chúng ta. Chúng ta phải cấp thiết bảo vệ các trẻ vị thành niên và những người lớn bị tổn thương.” Nhận định này làm mạnh thêm trách nhiệm hành động quyết liệt nhổ tận gốc tội ác xâm phạm tình dục của các giáo sĩ.
4. Không củng cố hệ thống giáo sĩ trị
Chúng ta không thể phủ nhận có một truyền thống lâu đời về lòng kính trọng các tu sĩ. Nền văn hóa này đã ăn sâu trong lịch sử Giáo Hội và dễ dàng thành hình một mô hình chủ nghĩa giáo sĩ (clericalism). Giáo dân chúng ta rất e ngại khi phê phán truyền thống này. Tuy nhiên chính Giáo Hoàng Francis đã mạnh dạn lên tiếng phê phán chủ nghĩa giáo quyền, mà theo người nó đang làm suy yếu sứ mạng mục vụ của Giáo hội (Clericalism is crippling the pastoral mission of the church). Giáo Hoàng Francis nhận định rằng chủ nghĩa giáo quyền đã tạo ra một giai cấp tự cho mình là cao cả và có đặc quyền hơn giáo dân. Do đó nó làm mất cung cách của vị mục tử và không thể nối kết với tha nhân trong tinh thần phục vụ. Đồng thời nó tạo nên tình trạng lạm dụng quyền bính và lương tâm. Nó là khối ung thư có thể giết chết Công Giáo. Đức Giáo Hoàng khuyên nhủ không nên dung dưỡng một nền văn hóa như vậy vì nó giúp sức cho tội lỗi phát triển.
Qua các cuộc thăng trầm trong lịch sử Kitô giáo, Giáo Hội đã vượt qua những thời kỳ cấm đạo tàn bạo ở khắp nơi. Giáo Hội cũng đã trải qua những phong trào lạc giáo đầy hoang mang vào thời trung cổ. Bây giờ Giáo Hội đối diện với cuộc khủng hoảng đến từ chính những phần tử trong Giáo Hội. Mỗi biến cố có những hệ lụy khác nhau, nhưng trong mọi biến cố chúng ta đều nghiệm ra sức mạnh của Giáo Hội đến từ các vị chủ chăn tốt lành với sự góp công của từng giáo dân. Chúng ta nhận ra mức độ hạnh phúc, sâu xa hơn bao giờ, Thiên Chúa ban cho chúng ta. Đó là niềm hạnh phúc của đức tin và ý chí tự do. Thánh Phaolô cho biết Đức Giêsu đến thế gian để giải thoát tội lỗi để chúng ta được tự do (Gl 5:1). Vì vậy mặc dù có những yếu tố tác động của hoàn cảnh, một hành vi tội lỗi vẫn là một hành vi lựa chọn trong ý thức tự do. Do đó không thể bào chữa hay che giấu lỗi phạm. Đối với giáo dân, chúng ta cũng có tự do chọn lựa một thái độ để đối mặt với hiện trạng, nhưng thái độ công chính nhất là thái độ tôn trọng công lý, thương cảm nạn nhân, ngăn ngừa và sửa chữa lỗi lầm. Chúa Giêsu đã cho biết sức mạnh của hỏa ngục cũng không phá nổi Hội Thánh của Người. Chúng ta có thể hiểu sự vững bền này là sức mạnh năng lực tâm linh của 96% các linh mục tốt lành và của toàn thể giáo dân chúng ta.