Mới đây Tòa Thánh Vatican công bố: vào ngày 4 tháng 9, 2016, Ðức Thánh Cha Francis sẽ tuyên thánh Mẹ Têrêsa Calcutta. Cả thế giới đều biết Mẹ Têrêsa là một vị thánh vĩ đại. Tuy nhiên, ít ai biết đàng sau những thành quả ngoại hạng về mặt bác ái, Mẹ có một đời sống nội tâm rất sầu khổ. Mẹ đã bày tỏ tâm can của mình trong những lá thư gửi riêng cho quí cha linh hướng. Những lá thư mang một nội dung mà Mẹ phải dặn, “xem xong xin đốt đi”. Nhưng chính từ những lá thư ấy, Giáo Hội nhận ra Mẹ đã đạt tới trạng thái tâm linh thần bí (mystic). Ở đây, tôi xin nói về ánh sáng đức hạnh của Mẹ qua những lá thư đen tối đó.
Mẹ Têrêsa Calcutta (1910-1997), tên thật là Agnes Bojaxhiu, nữ tu dòng Đức Mẹ Loreto chuyên lo về giáo dục. Chị Agnes dạy học ở trường Đức Trinh Nữ Maria (Blessed Virgin Mary) ở Bengal, Ấn Độ, trong khoảng 7 năm. Vào năm 1946, chị đến Darjeeling dự khóa tĩnh tâm và để dưỡng bệnh. Trên chuyến xe lửa đến đó, chị đã có một chứng nghiệm kỳ diệu. Chị nghe thấy tiếng Chúa Giêsu kêu gọi: “Hãy đến, mang Ta tới chốn tồi tàn của người nghèo… Hãy đến làm ánh sáng của Ta.”(1) Chúa muốn chị bỏ nghiệp giáo huấn, tới Calcutta phục vụ những kẻ bần cùng sống nơi cống rãnh bùn lầy.
Chị đã vâng lời Chúa Giêsu. Trong đơn côi, không tài chánh, bị nghi kị đủ mọi chiều, chị đã vượt qua bao nhiêu cay đắng để thực hiện sứ mạng ấy. Rồi năm 1950, chị trở thành Mẹ Têrêsa, vị sáng lập dòng Thừa Sai Bác Ái (Missionaries of Charity) phục vụ dân nghèo. Mẹ Têrêsa thành công nhờ luôn được nâng đỡ bởi những lời khích lệ của Chúa Kitô. Mẹ cho biết đã có lần Chúa Giêsu trên Thập Giá đối thoại với Mẹ. Mẹ nhắc lại việc ấy bằng một cảm nhận rất riêng tư, “Chúa Giêsu trao ban chính Người cho tôi.”
Khoảng đầu năm 1948, khi công việc cứu giúp dân nghèo đã có cơ sở, đột nhiên Mẹ Têrêsa thấy tâm hồn mình rơi vào khoảng trống vắng. Những cảm nhận tâm linh không còn nữa. Thiên Chúa hoàn toàn lánh mặt để Mẹ khắc khoải bơ vơ đi tìm mà không thấy. Nói theo ngôn ngữ của Mẹ, “người tình” đã bị Thiên Chúa “bạc đãi” và “ném bỏ” một cách “chán ghét”. Từ đó Mẹ sống trong đen tối của khủng hoảng đức tin. Khủng hoảng đến mức Mẹ hoài nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Tháng 12, năm 1979, trong đáp từ lãnh giải Nobel Hòa Bình, Mẹ Têrêsa tuyên xưng với thế giới, “Chúa Kitô ở trong tâm chúng ta, trong những người khốn cùng chúng ta gặp, trong nụ cười chúng ta cho và trong nụ cười chúng ta nhận.” Nhưng 3 tháng trước đó, Mẹ gửi cho cha Michael Van Der Peet một lá thư với lời lẽ hoàn toàn trái ngược, “Chúa Giêsu đặc biệt ưu ái cha, phần con một cõi im lặng và trống rỗng vĩ đại, con nhìn mà không thấy, lắng nghe mà không thấy tiếng, miệng chuyển mà không ra lời.” Qua những lá thư khác Mẹ cho biết linh hồn Mẹ lạnh buốt như “một khối băng”. Mẹ than thở trong đau đớn, “Khi con cố gắng hướng ý nghĩ tới Thiên Đàng, nơi đó trống rỗng khiến những ý nghĩ dội lại như những lưỡi dao sắc làm thương tổn linh hồn con.” Mẹ đã dùng những chữ cảm khái nhất như “khô cằn”, “đen tối”, “cô đơn”, “đầy đọa”… để diễn tả nỗi cay đắng, nhưng chúng vẫn chưa đúng hoàn toàn. Mẹ thật sự muốn thốt ra những lời trung thực hơn, nhưng “phải che dấu vì sợ phạm tội lộng ngôn.” Vì vậy Mẹ têrêsa càng thêm đau khổ vì phải sống ray rứt với nỗi mâu thuẫn của chính mình.
Những bức thư bộc lộ tâm tư khắc khoải của Mẹ gửi cho các cha linh hướng và các vị bề trên làm bàng hoàng người đọc. Trước khi qua đời, năm 1997, Mẹ yêu cầu “Xin hủy bỏ mọi thư từ hay những gì con viết”. Tuy nhiên Tòa Thánh đã truyền giữ chúng lại vì ơn ích cho Kitô hữu. Cha Brian Kolodiejchuk, cáo thỉnh viên phong thánh cho Mẹ Têrêsa, ra công thu thập những thư từ rải rác trong vòng 66 năm cay đắng của Mẹ. Vào tháng 9 năm 2007, ngài tiết lộ những tài liệu ấy qua cuốn sách nhan đề “Mẹ Têrêsa - Hãy Đến Làm Ánh Sáng Của Ta” (Mother Teresa - Come Be My Light). Cha Kolodiejchuk cho biết khi đọc một lá thư cho vài nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái nghe, họ sửng sốt đến há hốc miệng. Phản ứng ấy biểu lộ trọn vẹn cái chiều kích mới mà người ta chưa biết về Mẹ.
Mẹ Têrêsa hoàn toàn sống trong bóng tối thiếu vắng Thiên Chúa trong 50 năm. Thật là một khoảng thời gian chịu đựng quá mức. Cha James Martin, chủ nhiệm tạp chí America của dòng Tên, tác giả sách Đời Tôi Với Các Thánh đã phải thốt lên: “Tôi chưa từng đọc tiểu sử vị thánh nào mà phải chịu nỗi thống khổ tâm linh đen tối đến thế.”
Khi những lá thư của Mẹ được tiết lộ, hai chủ nghĩa hoài nghi của thời đại là vô thần và duy lý chụp lấy cơ hội để đả kích. Họ vẽ ra hai chân dung về Mẹ. Một nhóm, đại diện là Christopher Hitchens, người vô thần sừng sỏ nhất, cho Mẹ là người giả dối, kẻ thức tỉnh nhưng không dám chấp nhận sự thật. Một người có óc cuồng tín tôn giáo nhưng ngoài mặt vẫn đóng kịch hiền lành. Ông mỉa mai cho Mẹ là một diễn viên hài. Nhóm khác, tiêu biểu là Richard Gottlieb, lý giải tâm trạng của Mẹ qua phân tâm học. Vị bác sĩ này nhận định rằng Mẹ bị vướng mắc trong tình trạng xung đột nhân cách. Cuộc xung đột xảy ra vì bà là người có cá tính mạnh mẽ nhưng đồng thời lại là người có bản tính khiêm nhường. Bà thấy “bất cứ sự nhận công nào cho mình qua những thành đạt -- dù là trong ý nghĩ thầm kín -- cũng là tội lỗi.” Vì vậy để giữ cho quân bình tâm trí, khi bà càng thành công, nổi tiếng, thì bà lại càng tự hạ mình xuống làm kẻ bất xứng. Trên thực tế bà luôn luôn được ca tụng, nên nỗi đau khổ trở nên triền miên bất tận. Do đó cuộc khổ nạn của bà vô nghĩa vì nó do chính bà gây ra và tự ôm lấy cho mình.(2) Rồi cả hai nhóm đưa ra kết luận: nếu chính một vị thánh Công Giáo phủ nhận “không thấy Chúa Giêsu trong lòng và trong Thánh Thể” thì “Tôn giáo chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng” và không còn gì để nói thêm.
Công Giáo phủ nhận tất cả những lối phê phán ngụy biện kiểu như trên. Thần học gia Elizabeth Lev cho rằng có người cả đời không tin có linh hồn, chưa hề có một chứng nghiệm tâm linh, sao dám phong cho mình thẩm quyền giải thích hành trình tâm linh của một vị thánh. Nhóm vô thần và duy lý không thấy được nguồn sinh lực tâm linh. Họ cũng không đủ thành thực và can đảm để nói ra sự thật. Sự thật là tuy bị khủng hoảng nội tâm, nhưng Mẹ Têrêsa không bao giờ giả dối. Mẹ rất thành thật trong lời nói, trong tư tưởng và việc làm. Thiên Chúa luôn luôn là tâm điểm đời sống của Mẹ. Mẹ làm việc là vì Chúa, đau khổ là vì Chúa, than thở là vì Chúa, và vẫn mãnh liệt khao khát Chúa. Trên thực tế, dù trong cơn tuyệt vọng khiến Mẹ phải than thở với Giám Mục Calcutta Ferdinand Périer, “Có một cõi tối tăm ghê rợn trong con, hầu như mọi sự đã chết”, nhưng Mẹ vẫn tha thiết yêu cầu, “Xin đặc biệt cầu nguyện cho con, để con không làm hỏng việc của Chúa và để Chúa tỏ mình ra.”
Đối với Công Giáo, hiện tượng tâm hồn vắng bóng Thiên Chúa được gọi là trạng thái “đêm đen của linh hồn”, đặc ngữ của Thánh Gioan Thập Tự Giá (St. John of the Cross). (3) Đó là mức tiến hóa tâm linh trong giai đoạn cực cao. Hiện tượng này chỉ có nơi những bậc có sự liên kết với Chúa Giêsu đến mức cuồng si. Giáo Lý Công Giáo dậy rằng đức tin có thể bị thử thách đi vào “đêm tối của đức tin”, để hiệp thông với Chúa Con trong cơn khổ hình Thập Giá (GLCG 164-65). Cũng như Đức Giêsu đã trải qua cơn hấp hối đen tối để đi vào cuộc phục sinh (GLCG 2719). “Đêm đen” là ân sủng Thiên Chúa gửi đến cho những linh hồn ưu tuyển để thực hiện những việc vĩ đại. Trong “đêm đen”, linh hồn cảm thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi. Linh hồn lạc lõng trong vô định, không điểm tựa, không ý thức phán đoán chân giả. Cảm giác giống như thất lạc trong đêm tối mênh mông không dấu vết Thiên Chúa. Thánh Gioan Thập Tự Giá cho biết “linh hồn bị hủy hoại như tan rữa trong cơn đau khổ của cái chết tâm linh.” Nhưng đó không phải là một trống vắng thật sự mà vừa là một thử thách vừa là cuộc thanh tẩy. Thomas Merton giải thích theo hướng thần học, “Trước khi tâm linh có thể thấy Chúa Hằng Sống, tâm linh phải bị mù, cho dù nó có một tri giác và trí phán đoán thông minh nhất. Nhất thiết cần phải đi vào bóng tối tinh tuyền. Bởi vì bóng tối ấy lại là ánh sáng tinh tuyền -- Ánh Sáng vô hạn này chính là bản thể của Thiên Chúa. Nhưng trong Ánh Sáng vô hạn của Thiên Chúa, trí óc hữu hạn của chúng ta chỉ thấy là bóng tối.”(4) Nói một cách giản dị, để đến với Thiên Chúa, có người phải đi qua vùng đêm đen, nơi đau khổ dường như bất tận vì không còn đức tin dẫn đường. Đêm đen là tinh túy của giáo lý chết là sống. Phù hợp hơn cả, thần học nhận ra tiếng rên thẳm thiết của Mẹ Têrêsa: “Lạy Chúa, Chúa của con, con là ai mà Chúa bỏ con” đồng dạng với lời than của Đức Giêsu bị bỏ rơi trên thập giá: “Lạy Chúa, lạy Chúa con, sao Chúa bỏ con.” Mẹ Têrêsa đã thật sự nhận lãnh sự đau khổ của Chúa Giêsu.
Trong lịch sử Công Giáo đã có một số thánh đạt chứng nghiêm đêm đen, chẳng hạn Thánh Francis Assisi, Thánh Têrêsa Lisieux, Thánh Têrêsa Avila, Thánh Gioan Thập Tự Giá, Thánh Gregory Nyssa. Ngay cả Đức Trinh nữ Maria, vào thời tu trì trong đền thánh, cũng đã trải qua kinh nghiệm “đêm đen”. Thiên Chúa đã vắng mặt với Mẹ Maria trong 10 năm. Không những thế Người còn cho phép Satăng tới tạo áp lực để lung lạc lòng kiên trì của Mẹ.(5) Dù mỗi trường hợp “đêm đen” của các thánh có mức độ khác nhau, nhưng các vị đều có chung một đặc tính: vững tin, một lòng yêu Thiên Chúa, và nhiệt thành phục vụ tha nhân. Linh mục Kolodiejchuk cho rằng trường hợp Mẹ Têrêsa thì đặc biệt hơn cả, vì thảm trạng ấy kéo dài tới 50 năm. Bề mặt xem ra như Mẹ mất đức tin, nhưng chính khoảng thời gian chịu đựng quá dài mà không ngả lòng, chính những lời tự thú quá thảm thiết mà vẫn thực hiện những việc vĩ đại, lại là bằng chứng hùng hồn về đức tin kiên cường hiếm có của Mẹ.
Cuối cùng Mẹ Têrêsa cũng hiểu được giá trị của đêm đen. Cha Joseph Neuner, nhà thần học nổi tiếng mà Mẹ Têrêsa tin cậy, đã trấn an Mẹ rằng cảm nhận trống vắng không phải là lỗi của Mẹ. Trạng thái “đêm đen” là thành phần của đời sống tâm linh. Lời dẫn giải này đã mang đến bình an cho Mẹ Têrêsa. Trong thư gửi cha Neuner, Mẹ viết, “Con trở nên yêu bóng tối… Hôm nay con cảm thấy vui mừng sâu xa. Chúa Giêsu không thể đi vào trong đau khổ thêm nữa. Người muốn chuyển nỗi khổ ấy qua con. Hơn bao giờ hết con phó mình con cho Chúa.” (6) Đây là một nhận thức quan trọng bậc nhất mà mọi Kitô hữu đều phải biết: trạng thái vắng bóng Thiên Chúa là một cảm nghiệm thần bí siêu việt. Mẹ viết cho cha Neuner, “Con sẵn lòng chịu đau khổ… Cho bất kỳ mọi lý do bất tận, nếu điều ấy cần xảy ra”. Cha Kolodiejchuk cho biết khi đọc đến câu này, ngài đã thảng thốt kêu lên “Chao ôi!”, ngài nói thêm, “Mẹ Têrêsa là vị tu đức thần bí vĩ đại của Công Giáo.”
Tình yêu có hai yếu tố: cảm giác rung động của con tim và lý lẽ thấu triệt của lý trí. Nền văn hóa duy vật hiện đại đã đặt toàn vẹn tinh túy của tình yêu vào nguồn cảm xúc. Yêu thương được coi là cảm nhận rung động của con tim. Người hiện đại tin rằng ý nghĩa của tình yêu là những gì mà con tim cảm xúc. Giáo lý Công Giáo cho biết tình yêu đích thực không đơn thuần chỉ có cảm xúc. Nó phải gồm cả cảm xúc, ý thức, ý chí tự do, và mối giao ước. Bốn chủ đề này vẫn được nêu ra cho mỗi đôi tân hôn trong nghi lễ hôn phối.
Thử hỏi chuyện gì xảy ra nếu ta bị mù. Hiển nhiên tình yêu bị thiếu hụt một nguồn cảm xúc. Nếu vừa bị mù, vừa bị câm, vừa bị điếc, thế là mọi nguồn cảm xúc đều bị cắt đứt. Đối với người sống bằng cảm xúc khi ấy tình yêu cũng mất theo. Bởi vì họ lệ thuộc vào những cảm xúc hạn chế của chính mình hơn là nguyên lý nội tại của tình yêu. Trái lại trong hoàn cảnh khiếm khuyết ấy, người Kitô hữu đích thực vẫn còn tình yêu vì họ vẫn còn lời giao ước và ý chí thể hiện lời giao ước ấy. Nhờ đó Kitô hữu đạt tới mức sâu đậm nhất của tình yêu. Chính vì vậy Công Giáo phủ nhận quan niệm cho rằng con người chỉ có thể tin và yêu Thiên Chúa nhờ có cảm giác về Người. Quan niệm ấy đã gạt tri thức và ý chí tự do ra ngoài. Giáo Hoàng Benedict XVI đã nhiều lần minh xác lý trí và đức tin không có gì nghịch lại nhau. Đức tin cũng có phần đóng góp của ý chí tự do và tri thức về chân lý.
Như một người trưởng thành tự cắt đứt mọi nâng đỡ và điểm tựa trẻ thơ. Thiên Chúa muốn bậc thánh nhân phải vượt khỏi mọi cảm xúc để tự chủ đứng một mình. Lời dẫn giải của Thomas Merton về trường hợp thánh Gregory Nyssa và thánh Gioan Thập Tự Giá có thể giúp chúng ta hiểu về điều này. “Linh hồn phải leo lên đỉnh cao, bỏ lại tất cả những gì thuộc bản năng phàm tục mà con người bám víu, để đi vào cung thánh tuệ giác của Thiên Chúa. Nơi tứ bề toàn là bóng tối mà linh hồn không thấy bất cứ gì ngoài sự hư vô không thể hiểu.”(7) Bấy giờ con người mới thực sự biểu lộ ý chí tự do của mình. Tiếp tục tiến bước hay quay lại. Khi cảm giác không còn, vị thánh nhân sống bằng lý trí của mình. Trong thư gửi cho cha Neuner, Mẹ Têrêsa viết: “Con chấp nhận Thánh Ý Chúa không phải qua cảm xúc, nhưng bằng ý chí của con.” Mẹ viết cho Chúa Giêsu: “Xin đừng cất đi những buồn phiền -- dù Chúa thấy con nghẹt thở vì đau đớn. Tất cả là do tự ý con muốn.”
Những lá thư của Mẹ Têrêsa là bằng chứng cho thấy nếu không có ý chí thì một người bình thường không thể chịu đựng được một thảm cảnh như thế. Khi đã đặt tay vào chiếc cày quyết không quay đầu nhìn lại sau lưng. Mẹ Têrêsa không thấy Chúa Giêsu trong tâm, nhưng Mẹ thấy Chúa trong những kẻ hấp hối nơi cống rãnh. Giám Mục Périer đã viết cho Mẹ, “Mẹ thân yêu, Mẹ đã có chứng cớ bên ngoài để thấy là Chúa chúc phúc cho Mẹ.”
Trong khi Mẹ Têrêsa không thấy Chúa Giêsu trong lòng, vậy lời Mẹ khuyên người ta đến với Chúa Giêsu có giá trị không? Hạnh của Mẹ Têrêsa nổi bật ở điểm này. Mẹ ôm vết thương lòng bị Thiên Chúa bỏ rơi. Mẹ đón nhận sự thất sủng vì cho rằng mình là người bất xứng, nhưng Mẹ vẫn tin Chúa Giêsu là Đấng cứu chuộc và tha thiết yêu Chúa Giêsu. Vì vậy Mẹ thật lòng mong muốn các linh hồn đến với Chúa. Thư cho cha Neuner, Mẹ viết, “Nếu đêm đen của con là ánh sáng cho vài linh hồn, dù chả là bao, con cũng hoàn toàn hạnh phúc được là bông hoa trong cánh đồng của Chúa” .
Với dáng người nhỏ bé, khiêm nhường, và thô sơ, Mẹ Têrêsa cứu giúp những người nghèo khó nhất trong những người nghèo khó. Mẹ là biểu tượng tình yêu toàn hiến của Kitô giáo. Với nỗi thống khổ vì sống trong trống vắng Thiên Chúa, Mẹ là biểu tượng về lòng bền đỗ của bậc thánh nhân. Thông thường khi không còn thấy Chúa, người ta sẽ ngả lòng đi yêu những thứ khác không phải là Chúa. Đối Mẹ Têrêsa, Mẹ cắt đứt mọi ham muốn để nhận lãnh nỗi đau khổ với một tình yêu tinh tuyền. Mẹ thưa với Chúa Giêsu, “Nếu việc này mang lại vinh quang cho Chúa, dẫn dắt các linh hồn đến với Chúa, với lòng vui sướng con chấp nhận mọi sự cho đến hết đời con.” Giám Mục Périe cho công nghiệp của Mẹ ngang hàng với những vị mang danh hiệu Têrêsa của đời trước là Thánh Têrêsa Lisieux và Thánh Têrêsa Avila. Học giả Dinesh D’Souza, thành viên Trung Tâm Phương Thức Giáo Dục Công Giáo (Catholic Education Resource Center) nhận định rằng, để yêu Thiên Chúa, Mẹ Têrêsa phải thể hiện công đức một cách khốn khổ trong một xã hội bạc đãi như thế cũng là quá kinh ngạc rồi. Nhưng nếu Mẹ thực hiện việc này trong nỗi cô đơn thiếu vắng Thiên Chúa “mà không được coi là thánh thiện thì tôi không biết cái gì có thể tạo nên thánh thiện nữa.”
Đức hạnh của Mẹ Têrêsa lúc còn sống đã gây chấn động thế giới. Sau khi qua đời, những lá thư của Mẹ cũng gây chấn động thế giới không kém. Trong một thư Mẹ hứa, “Nếu có ngày tôi là thánh, tôi sẽ là vị thánh của đêm đen. Tôi sẽ thường xuyên vắng mặt trên Thiên Đàng để đi chiếu sáng cho những kẻ sống trong tối tăm dưới trần gian.” Triết gia Simone Weil đã có lần tâm sự, “Vào lúc từ đáy lòng, chúng ta tìm kiếm một âm thanh, nhưng khi cầu nguyện, chẳng có tiếng trả lời, chúng ta đã đi vào sự im lặng của Thiên Chúa.” Nhờ biết về chứng nghiệm “đêm đen” của Mẹ Têrêsa, chúng ta nhận ra “sự im lặng của Thiên Chúa” mà triết gia Simone Weil nói tới rất gần với đời sống tâm linh của mỗi người. Vào những lúc ấy chúng ta nhận rõ, như gương của MẹTêrêsa, là phải giữ vững ý chí. Chúng ta xin Mẹ Têrêsa Calcutta trợ giúp chúng ta trong cơn tối tăm tâm hồn như lời Mẹ đã hứa.