Đức Giêsu thường hướng lời giảng của Người về thời chung cuộc của lịch sử cứu độ. Vào ngày ấy, Người trở lại trái đất lần thứ hai để phân xử nhân loại. Xác người chết sống lại kết hợp với hồn để ra tòa phán xét. Sau đó người lành sẽ được lên thiên đàng, kẻ dữ phải xuống hỏa ngục. Kitô hữu gọi ngày đó là “ngày phán xét”, thánh Luca gọi là “ngày của Chúa”, thần học gọi là thời “cánh chung”.
Mùa vọng là mùa nhắc nhở Kitô hữu chúng ta hướng về thời cánh chung. Tuy nhiên thời cánh chung thường được Thánh Kinh diễn tả bằng lối văn khải huyền, cho nên đến nay chúng ta vẫn không có khả năng luận giải sắc thái thời cánh chung thành những khái niệm rõ ràng. Cổ thời đã có nhiều chủ đề lạc hướng với những luận giải lạc đề. Vì vậy có sự cần thiết là phải học lại khái niệm cánh chung.
Đối với cánh chung học (eschatology), “ngày mạt thế” là một tổng đề bao gồm nhiều chủ đề liên hệ. Vào cổ thời, cánh chung học tiền Vatican II thường luận về những chủ đề bao gồm: Chúa Kitô tái lâm bất chợp như sự đột nhập của tên trộm; Chúa mang các người lành về trời (rapture); thời kỳ thống khổ (tribulation); thuyết thiên niên; sự thiết lập thành Giêrusalem mới; dạng thể của xác phục sinh; hóa chất của lửa hỏa ngục.… Ngoài ra trong dân gian cũng có cả rừng sách bàn về nơi Đức Kitô sẽ xuất hiện; địa điểm xảy ra trận chiến cuối cùng giữa Chúa Kitô và Satăng; ý nghĩa ám số trong sách Khải Huyền. v.v. Nói chung ngày mạt thế được trình bày như một huyền thoại của sự chết. Thêm vào đó là sự đe dọa từ một định mệnh khắc nghiệt nó phá hủy mọi hoài bão của con người. Với lối nhìn như thế, cánh chung học cổ điển đã đẩy tất cả những gì có tính cách khải huyền vào thời tương lai, kể cả chủ đề về Nước Trời.
Trước hết chúng ta cần phân biệt rõ hai ý niệm: cánh chung và khải huyền. Cánh chung là mục tiêu của những gì sẽ xảy ra vào cuối thời. Khải huyền là phương thức diễn tả ý nghĩa và cảnh huống vào lúc ấy. Tác giả viết khải huyền là người ở thời hiện tại tiên tri ra những hình ảnh trong tương lai rất xa, rồi ghi lại qua những ẩn dụ. Muốn giải mật những ẩn dụ này, người ta phải hiểu cách diễn tả của lối văn khải huyền. Điều này khó ai có khả năng trọn vẹn. Không ai, kể cả Giáo Hội, dám cho mình là người nắm đúng ý nghĩa của ẩn dụ. Chẳng hạn sách Khải Huyền của thánh Gioan cho biết vào cuối thời có 144,000 người lành được cứu rỗi (KH 7:4). Con số này là sự thật hay là ám số? Khó có thể tin toàn thể nhân loại chỉ có bằng ấy người được cứu rỗi. Tuy nhiên trong mọi thời, luôn luôn có những người nghĩ rằng mình đã hiểu khải huyền. Có vị dựa vào những ẩn dụ tính ra niên đại và cả ngày giờ ngày mạt thế sẽ xảy ra. Mặc dù tất cả những tính toán đều đã sai, nhưng người ta vẫn tha thiết muốn khai thác đề tài này.
Cánh chung học hiện đại đề nghị chúng ta phải vượt ra khỏi chủ đề hạn hẹp cổ điển để không bị lạc trong những mê lộ khải huyền nói về cánh chung. Thông thường người ta nghĩ rằng sắc thái khải huyền chỉ có trong sách “Khải Huyền” của thánh Gioan. Các học giả cho biết toàn bộ Thánh Kinh đã là khải huyền nói về Thiên Chúa là ai và Thiên Chúa kêu gọi con người phải sống đạo như thế nào. Chúng ta không nên tìm kiếm những tình tiết không cần biết về cánh chung nhằm thỏa mãn óc tò mò. Cái con người cần biết là thực tại cánh chung của chính mình trong liên đới với cánh chung nhân loại.
Sau công đồng Vatican II, thần học cánh chung đã dạy chúng ta những gì? Điểm quan trọng là Thần học không liên kết “ngày phán xét” với hình phạt hỏa ngục. Thần học cánh chung đi thẳng vào tâm điểm ý nghĩa chủ yếu của ngày mạt thế. Thiên đàng và hỏa ngục được phơi bày trong ngày mạt thế không phải là hai lực đồng cân luợng. Tại sao chúng ta phải sợ Satăng và hỏa ngục khi chỉ có một quyền lực độc tôn trong vũ trụ là quyền lực Thiên Chúa? Qua quyền lực và ân sủng của Thiên Chúa, hỏa ngục không phải là một thế lực đe dọa con người. Nó cũng không phải là án phạt. Nó là một lựa chọn trong ý thức tự do của con người.
Ngày mạt thế là thời điểm viên mãn của tiến hóa tâm linh. Ngày con người được diễm phúc đối diện với Thiên Chúa của mình. Đó là ngày tiệc cưới của Chiên Con. Chúa Giêsu nhập thế để cứu độ, không phải để kết án. Người không bao giờ muốn ơn cứu độ bị lãng phí. Thánh Ý muốn loài người được hưởng đời sống vĩnh hằng. Thiên Chúa ban ơn cứu độ và mời gọi con người chấp nhận ơn này trong ý chí tự do. Hỏa ngục chỉ là trạng huống khi bị mất đời sống vĩnh hằng. Cũng như bóng tối chỉ xảy ra nơi nào khi nơi ấy bị mất ánh sáng. Vào ngày mạt thế, chắc chắn sẽ có người đi vào hỏa ngục, nhưng chỉ vì họ từ chối ơn sủng cứu độ của Thiên Chúa mà thôi.
Cánh chung bám chặt vào ơn cứu độ của Thiên Chúa. Trong chiều hướng ấy đời sống cánh chung đã bắt đầu từ thực tại của ngày hôm nay. Ơn cứu độ của Thiên Chúa đã đến rồi. Đức Giêsu nói, “Nước Trời ở trong lòng các ông” (Luc 17:21). Thiên Chúa liên kết với con người để cùng hướng tới cánh chung. Tuy nhiên con người có quyền tự do lựa chọn. Chẳng có gì ngăn cản được việc con người thể hiện định mệnh cuối cùng của mình. Niềm hạnh phúc mà Kitô hữu đang có (qua những nhiệm tích), trong ngày hôm nay, là thực tại hưởng trước ân sủng Nước Trời của đời sống vĩnh cửu mai sau. Bổn phận của Kitô hữu là làm cho Nước Trời hiển hiện trong thế gian. Như vậy mối quan tâm rất trọng của giáo hội là cuộc sống nơi trần thế. Cuộc sống này có những liên hệ chặt chẽ với chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học và môi trường sống. Cánh chung học không đưa ra một sự hăm dọa, cũng không đưa ra một hứa hẹn mời mịt. Nó không phải là liều “thuốc phiện” ru ngủ dân nghèo để quên đi hiện trạng hôm nay.
Qua lời dậy của Đức Giêsu, Kitô hữu nhận ra tất cả những tiêu chuẩn để vượt qua cuộc phán xét cuối cùng đều bắt đầu từ thời hiện tại. Thứ nhất là tiêu chuẩn đức tin. “Ai tin vào Thiên Chúa thì không bị xử án. Ai không tin đã bị lên án rồi” (Gio 3:18). Thánh Phaolô gọi tiêu chuẩn này là luật quyết định, bởi vì chính Đức Giêsu quyết định như vậy. Người còn cho biết, “Nếu các ngươi không tin Ta là Đấng Hằng Hữu, các ngươi sẽ chết trong tội lỗi của mình” (Gio 8:24). Điều kiện này có thể tạo ra tình trạng căng thẳng tâm lý khi có người cảm thấy nó có dạng sức ép một chiều. Thực ra đây là điều kiện cần có của người tìm Đạo. Wayne Dyer khai triển ý niệm Thiên Chúa Đấng Hằng Hữu với danh xưng ôn hòa phi tôn giáo “Nguồn Lực Tạo Sinh” (Source of all life). Khái niệm “Nguồn Lực Tạo Sinh” cũng giống như khái niệm về Đạo. Người theo Đạo ý thức có một Nguồn Lực Tạo Sinh tối cao, toàn năng, toàn giác, và hằng hữu. Nếu con người kết hợp với Nguồn Lực Tạo Sinh, con người có sự sống trong tiến hóa. Nếu con người tách rời ra khỏi Nguồn Lực Tạo Sinh, con người sẽ bị thoái hóa và mất sự sống. Như giọt nước hòa nhập vào biển cả, giọt nước có sức mạnh của biển. Khi giọt nước tách rời khỏi biển, tự nó bị hủy hoại. Người giác ngộ tin có một Nguồn Lực Tạo Sinh nâng đỡ vũ trụ. Họ khôn ngoan nối kết bản thể của họ với Nguồn Lực Tạo Sinh để tiến hóa lên một hiện hữu cao đẳng hơn. Từ đó Kitô hữu nhận ra khi cái tiểu ngã kiêu ngạo đối nghịch với Thiên Chúa toàn năng, toàn giác, hằng hữu, nó sẽ không có sự sống. Tự nó đã kết án chính nó. “Nếu các ngươi không tin Ta là Đấng Hằng Hữu, các ngươi sẽ chết trong tội lỗi của mình.”
Thứ hai là tiêu chuẩn yêu thương. Qua qui luật thứ I, chúng ta tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng nếu đức tin ấy chỉ thuần là sự khuất phục của trí thức, nó chẳng có hiệu quả gì. Đức tin không có hành động đi kèm là đức tin chết (Gia 2:17, 26). Tin Thiên Chúa là phải yêu Thiên Chúa bằng hành động. Một cách cụ thể, Đức Giêsu đồng hóa Người với những kẻ bất hạnh cùng cực. Vậy tin và yêu Thiên Chúa là yêu những kẻ thấp hèn. Điều kiện chủ yếu này đã được chính Đức Giêsu đưa ra khi Người giảng về ngày phán xét (Mat 25: 31-46). Vậy mục đích sống của con người nơi trần thế là phục vụ tha nhân. Chúng ta là thành phần của Nguồn Lực Tạo Sinh, nguồn sáng tạo và ban phát vô giới hạn, nên chúng ta cũng phải trở nên quảng đại như vậy. Suy cho cùng, con người không thể tách chia ơn cứu độ sau khi chết khỏi ơn cứu độ hiện tại nơi trần thế. Ơn cứu độ hiện tại là ân sủng do những việc bác ái chúng ta làm cho anh em hôm nay. Chúng ta yêu bạn hàng xóm thế nào, Thiên Chúa yêu ta thế ấy. Hoa trái này tạo nên giá trị nhân vị của ta và của cộng đồng.
Chúng ta có thói quen dùng thứ ngôn ngữ mập mờ phân biệt cánh chung cá thể và cánh chung tập thể. Cánh chung cá thể là biến cố qua đời của một cá nhân. Cánh chung tập thể là ngày mạt thế của toàn nhân loại. Lối phân biệt này gây ra nhiều ngộ nhận vì nếu vậy cái khoảng thời gian ở giữa hai cánh chung ấy mang ý nghĩa gì? Theo Tân Ước, chúng ta hiểu rằng cánh chung là một thực tại, bao gồm tập thể nhân loại. Không có cánh chung cá nhân. Thời chung cuộc không phải vì một người nhưng vì nhân loại mà có. Cá nhân chỉ là thành phần của cộng đồng nhân loại. Rahner cho rằng ngay cả khi cá nhân qua đời cũng không phải là lúc hắn bước ra ngoài lịch sử nhân loại. Công đức và ý chí tự do của hắn vẫn là phần gia tài đóng góp cho sự thành hình của lịch sử cánh chung. Nếu không đặt cá nhân trong toàn khối nhân loại, cá nhân bị tách rời thành những đơn vị riêng biệt. Như vậy chỉ có cánh chung cá nhân và chúng ta sẽ không hiểu được ý nghĩa đích thực của ngày mạt thế, là ngày của cộng đồng.
Kitô giáo tin rằng lịch sử hướng về cứu cánh tột đỉnh của nó là kết hợp muôn loài với bản thể Thiên Chúa. Nhưng, quyền xây dựng định mệnh cho lịch sử nhân loại là từ ý chí tự do của con người. Bàn về ý chí tự do, người ta thường hiểu một cách giản dị nó là ý thức làm chủ mọi quyết định của mình. Nếu như vậy con người chưa bao giờ thật sự có tự do. Con người thường trực sống trong những giới hạn của kiến thức, con người chưa đủ dữ kiện để cân nhắc và đánh giá sự lựa chọn. Vì vậy con người không thể nào biết trọn vẹn hành xử của mình có giá trị đạo đức đích thực hay không. Điều này cũng giống như bày ra trước mặt đứa bé một số ma túy đầy màu sắc quyến rũ, rồi bảo nó tự do lựa chọn. Đứa bé vì không biết sự độc hại của chúng, nên dù có ý hướng tốt đến mấy sự lựa chọn đã có sẵn hậu quả xấu.
Ngược lại, quan điểm thái quá xảy ra khi người ta cho rằng ý chí tự do là quyền năng phủ nhận tất cả mọi khuôn mẫu, kể cả luân lý. Rahner biện luận rằng khi có người cho mình là kẻ giải phóng khỏi mọi ràng buộc luân lý xã hội (kể cả luân lý Thiên Chúa giáo), trong khái niệm tự do ấy, chính hắn đã bị trói buộc bởi cái gọi là “tinh thần tự do”. Nó là nền tảng luân lý do hắn đặt ra. Như vậy vẫn có một thứ luân lý hắn không thể phủ nhận. Hắn đã tự mâu thuẫn với ý niệm tự do của hắn.
Theo Thiên Chúa giáo, tự do nghĩa là không còn gì đủ sức ngăn cản chúng ta vâng theo Thánh Ý Chúa. Mỗi cá nhân là một “con người toàn thể”. Tự do đích thực là ý chí của “con người toàn thể” muốn mình trở nên thế nào. Chủ đích của ý chí tự do không chấm dứt sau mỗi hành động. Khi ta làm một việc, nó là một biến cố nhất thời. Nhưng ý định trong tự do ta đặt vào công việc đó có giá trị vĩnh cửu. Ta tặng người ăn xin một đồng bạc. Nếu ta bị ép buộc phải làm như thế thì không có giá trị gì để nói. Nhưng nếu ta, trong ý chí tự do, tặng một đồng, hành xử này chấm dứt sau khi người ăn xin nhận tiền, nhưng giá trị của tình yêu đi vào vĩnh cửu. Giá trị mọi hành động tự do liên kết với nhau, hành động trước là những đóng góp chung cho nhân loại có điều kiện thực hiện hành động kế. Cứ thế mọi đóng góp chuyển đi theo thời gian cho đến cuối thời. Vì vậy giá trị của hành động tự do tạo ra giá trị vĩnh cửu cho con người toàn thể.
Tuy nhiên hành động chỉ dựa vào ý chí tự do hướng thiện thì chưa đủ để tạo nên giá trị đạo đức, bởi vì chúng ta chưa đủ khôn ngoan toàn diện. Một hành động tưởng là tốt nhưng lại có thể tạo ra hậu quả xấu. Con người cần sự hướng dẫn của Thiên Chúa để bảo đảm cho giá trị đạo đức đích thực, vì Thiên Chúa là nguồn mọi sự tốt lành. Vì vậy tự do trong vâng phục vào sự hướng dẫn của Thiên Chúa mới là minh triết của đời sống. Chúng ta nối kết tâm hồn mình với Nguồn Lực Tạo Sinh thiện hảo là Thiên Chúa vĩnh hằng. Nhờ đó công đức chúng ta sinh ra hoa trái vĩnh hằng. Điều đó biểu lộ mức độ Thần Tính Thiên Chúa trưởng thành trong chúng ta. Vì vậy Ngày mạt thế là thời gian khai nở đến mức tận cùng của ý chí tự do.