Không ít Kitô Hữu, dù chẳng tin vào bói toán, nhưng vẫn tin có định mệnh. Niềm tin này, không hẳn là dị đoan, nhưng bắt nguồn từ mối khúc mắc trong kinh thánh. Mỗi năm vào mùa chay họ được nghe những trình thuật rõ nét về tiền định. Đức Giêsu báo trước “Con Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và sẽ bị kết án tử hình” (Mt 20:17-19; Mt 21: 33-39). Trong tiến trình đó, Giuđa bị “tiền định” giữ vai trò then chốt là kẻ phản bội Thầy, để chương trình cứu độ được thể hiện (Mt 26:24) . Ngoài ra, rải rác trong kinh điển Tân Ước, cũng thường thấy có những câu như: “thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh / tiên tri” (Lc 4:21, 22:37; Ga 15:25; 1Cr 15:25). Hiển nhiên như vậy là có tiền định và định mệnh. Rồi từ mối khúc mắc đó mà dẫn tới vấn đề: Giáo Hội lấy lý lẽ gì mà kết án Giuđa, một nạn nhân của tiền định.
Trước hết chúng ta nên thẩm định ý nghĩa của thuyết tiền định và thuyết định mệnh. Tiền định (predetermin-ism) là sự định trước về những diễn tiến của cuộc sống sẽ xảy ra. Người trong cuộc không có tự do đi ra ngoài con đường đã tiền định, nhưng bị áp chế từng hành động để dẫn tới kết quả tiền định. Thuyết này được dùng trong triết học, tôn giáo, và khoa học. Trong khoa học thuyết tiền định có tên là thuyết “nhân quả” (cause and effect). Chẳng hạn các chuyên viên tính trước (tiền định) quĩ đạo, thời gian, và đích tới của con tầu không gian trước khi đặt nó trên giàn phóng. Nó không được tự do di chuyển.
Thuyết định mệnh (fatal-ism) chú trọng đến kết quả của sự việc sẽ xảy ra. Người trong cuộc vẫn có tự do hành động, nhưng xoay sở cách nào rốt cuộc kết quả vẫn xảy ra như số mạng đã định. Thuyết định mệnh được dùng trong khoa huyền học, triết học, và tôn giáo. Chẳng hạn người ta thường nói người có số giàu, dù chẳng làm gì, rốt cuộc anh ta vẫn giàu (chẳng hạn có cha mẹ giàu; trúng số…).
Niềm tin về tiền định và định mệnh không đơn giản. Nó đã được các nhà triết học và thần học dùng để giải thích những mối bế tắc siêu nhiên không thể hiểu. Về thuyết định mệnh, chúng ta có thể lấy năm 300 BC làm điểm mốc. Vào năm đó triết gia Hy Lạp Zeno lập ra phái Khắc-kỷ (Stoicism), trong đó có luận đề về định mệnh. Theo Zeno, định mệnh là luật cố định của thiên nhiên, không thể cưỡng lại. Muốn có bình an con người phải sống thuận mệnh, phục tòng ý trời. Thuyết Khắc-kỷ có tầm ảnh hưởng rất lớn trong thế kỷ I. Theo John Herman Randall, Jr., Thánh Phaolô đã chịu ảnh hưởng thuyết Khắc-kỷ khi giảng rằng mọi hành động của chúng ta đều đến từ Thiên Chúa (Cv 17:28). Một nhận xét khác nêu ra việc Thánh sử Gioan đã dùng từ Logos là thuật ngữ của Khắc-kỷ. Thánh Phêrô cho biết thế giới sẽ bị tận diệt bởi lửa trong ngày tận thế (2 Pr 3:7). Đó cũng là hình ảnh tận thế do Khắc-kỷ đưa ra.
Niềm tin vào tiền định cũng rất phổ biến trong dân gian từ xưa. Thánh Augustine đã chấp nhận niềm tin này. Thánh giảng rằng Giáo Hội có hai thực thể: hữu hình và vô hình. Giáo Hội hữu hình là hệ thống tổ chức trần thế. Giáo Hội vô hình là cộng đồng những linh hồn do Chúa tiền định cho họ được cứu rỗi. Khái niệm tiền định của Augustine đã tạo ảnh hưởng sâu đậm cho nhóm kháng cách, nổi bật là nhà thần học tin lành John Calvin (1509-1564). Năm 1559, Calvin cho xuất bản tập Institutes of the Christian Religion (Những nguyên lý của Kitô giáo), trong đó thuyết tiền định được khai triển. Calvin cho rằng tiền định có căn gốc từ Thánh Kinh (Rm 8:28-30). Theo Calvin, hậu quả của nguyên tội đã khiến con người không còn bản năng đạo đức. Con người là những kẻ ô uế toàn phần, cả thể xác lẫn linh hồn. Đáng lẽ, xét theo công lý, mọi người đều phải xuống hỏa ngục. Tuy nhiên có những người được Thiên Chúa thương xót cách riêng. Người đã tiền định ghi tên họ vào sách hằng sống (Ga 10:27-28; Êph 1:11). Điều này chứng tỏ Thiên Chúa không dựa vào công đức hay ý chí tự do của họ, vì họ có làm gì cũng không xứng đáng được vào thiên đàng. Tiếp đó, một số học giả - như Cornelis Jansen (1585--1638) - cũng theo lập luận của Calvin. Họ lý luận rằng nếu Đức Giêsu chịu chết cho toàn thể nhân loại, vậy tất cả mọi người phải được lên thiên đàng, nhưng trên thực tế chỉ có một số người được cứu rỗi. Do đó đã có sự tiền định lựa chọn của Thiên Chúa. Ngày nay tư tưởng tiền định của Calvin vẫn còn tồn tại trong một số hệ phái Tin Lành.
Đã có rất nhiều tranh luận về thuyết tiền định và định mệnh. Nói chung, Công Giáo không chấp nhận hai thuyết này vì chúng nêu ra một lực phi nhân tính và phi đạo lý cai trị con người. Cả hai thuyết đều không đủ lý lẽ để minh giải một hành vi tội lỗi. Chẳng lẽ Thiên Chúa toàn thiện lại tiền định cho con người đi làm những việc bá đạo? Đàng khác chúng cũng không có nguyên lý để giải thích một hành vi đạo đức. Nếu bị sai khiến mà phải làm việc lành thì giá trị đạo đức sẽ không có. Đồng thời chúng phủ nhận ý chí tự do nên hủy hoại mọi hoài bão của con người. Nếu có định mệnh, con người sẽ không có ý thức về những gì xảy ra nhưng phải chấp nhận hậu quả của nó, vậy con người chẳng khác gì một người máy vô tri.
Về trường hợp các thánh Phaolô, Phêrô, và Gioan đã dùng những khái niệm của phái Khắc-kỷ, các học giả cho rằng vì nhu cầu giảng đạo cho dân Hy Lạp, trong đó có nhóm Khắc-kỷ, các thánh đã dùng văn hóa của họ làm phương tiện truyền đạo (Cv 17:18). Các thánh cảm nhận được duy-nhất-tính của Thiên Chúa, nhưng lại không thể diễn tả cảm nhận ấy bằng khái niệm duy-nhất-tính. Vì vậy bắt buộc họ phải lấy chất liệu văn hóa mà người nghe đang có để mô phỏng. Nhờ đó mới có thể cụ thể hóa những khái niệm tâm linh siêu hình. Triết gia Gordon H. Clark giải thích, tuy sử dụng văn hóa địa phương, nhưng có sự khác biệt rất xa giữa cách diễn tả của hai thánh Gioan, Phêrô và nhóm Khắc-kỷ. Khắc-kỷ giản lược ý chí tự do và đạo đức xuống thành luật của thiên nhiên, trong khi các thánh cho chúng là năng lực của con người. Hình ảnh tận thế của Khắc-kỷ là hậu quả trái đất suy thoái từ từ theo thời gian, đối với Thánh Phêrô tận thế là hiện tượng xảy ra tức khắc vào ngày phán xét. Về ý nghĩa của từ ngữ cũng khác. Chẳng hạn từ logos của Khắc-kỷ có nghĩa là “lập luận hợp lý”, nhưng Logos của Thánh Gioan mang ý nghĩa “Ngôi Lời”.
Về trường hợp Thánh Augustine và thuyết tiền định, thánh đưa ra thuyết này trong bối cảnh bị áp lực của nhu cầu chống đối lạc thuyết Julien Déclan và Pelagio, trong những năm 340-422. Những nhóm này đề cao ý chí tự do của con người và giảm thiểu sự cần thiết của ân sủng Thiên Chúa. Augustine phản biện cho rằng ý chí tự do của con người đã bị ô nhiễm bởi hậu quả nguyên tội, nên không còn bản năng hướng thiện. Nếu có ai làm được điều lành là do Thiên Chúa tác động bên trong người ấy (Pl 2:13). Chủ đích của Augustine nhấn mạnh vào quyền năng Thiên Chúa, nhằm sửa sai nhóm lạc giáo hơn là thành lập một luận đề thần học. Tuy nhiên Công Giáo chưa bao giờ chấp nhận thuyết tiền định của Augustino. Vào thời đó sự hiểu biết về bản chất của ân sủng chưa rõ ràng như bây giờ, nên dễ bị dẫn tới những hướng suy tư có tính cách dò dẫm. Học giả Loraine Boettner nêu ra điểm sai của tiền định, với chút mỉa mai, “Nếu Chúa tiền định cho tôi được sống, vậy tôi cần gì phải ăn, vì Chúa không khiến tôi chết đói.” Thuyết tiền định của Augustine được nhiều giáo phái kháng cách khai thác - như Calvin - điều này càng chứng tỏ thuyết ấy không có chỗ đứng trong Công Giáo. Calvin cho rằng ai được cứu rỗi, tên họ đã được ghi vào sách hằng sống, không ai thay đổi được. Đúng ra Thánh Kinh cho biết nếu kẻ được chọn trở nên xấu, Thiên Chúa vẫn xóa tên kẻ đó (Xh 32:33). Lúc có lúc không, như vậy sao gọi là tiền định.
Trên thực tế đôi chỗ trong Thánh Kinh đã có những chữ tiền định và định mệnh. Lý do vì sự hạn hẹp của văn tự nên đã có những khóm từ này, nhưng chúng mang ý nghĩa khác. Tiền định được dùng để chỉ chiều hướng đi tới “mục tiêu cùng đích” (ultimate destiny) và định mệnh được dùng để nói về việc “Chúa quan phòng” (divine providence). Công Giáo dạy rằng Thiên Chúa có sẵn mục tiêu cùng đích cho vũ trụ là đưa vạn vật tới mức trọn hảo và cho con người sống với Thiên Chúa trên thiên đường. Mục tiêu tối cùng này chính là sự tiền định của Thiên Chúa. Vì con người không thể tự mình đạt mục tiêu ấy, Thiên Chúa ban ra những phương tiện và lời răn dạy để trợ giúp con người. Sự trợ giúp này là sự quan phòng của Thiên Chúa. Mục tiêu “trở nên hoàn hảo để về sống cùng Chúa” là cái đích để hướng tới chứ không phải là một áp chế. Thiên Chúa muốn con người, trong ý chí tự do, cộng tác với Người để hoàn tất công trình sáng tạo. Chấp nhận cùng đích này hay không là tùy ở con người (GL 302, 306, 311). Thiên Chúa “chỉ đứng ngoài cửa mà gõ” để kêu gọi (Kh 3:20). Thiên Chúa không áp đặt một định mệnh trên con người.
Trở lại với vấn đề khởi đầu, Giuđa là nạn nhân của tiền định hay của định mệnh? Chính Đức Giêsu đã trả lời cho câu hỏi này. Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu đã cảnh cáo Giuđa nhiều lần về sự sai lầm của ông (Mt 26:21-25), nhưng Giuđa vẫn bỏ ngoài tai. Cuối cùng Đức Giêsu đành phải than, “Thà hắn đừng sinh ra còn hơn” (Mt 26:24). Nếu Giuđa là công cụ của tiền định, Đức Giêsu đã không phản ứng như thế. Giuđa có ý chí tự do trong suy nghĩ nên phải chịu trách nhiệm việc mình làm (Gl 1731). Đức Giêsu đã nói với các môn đồ và cũng là nói với chúng ta: “Các ngươi không phải là đầy tớ, nhưng là bạn hữu” (Ga 15:15). Thiên Chúa không tạo dựng những đầy tớ chỉ biết cúi đầu làm theo lệnh chủ, nhưng là bạn đồng hành, với ý chí tự do, cùng hợp tác với Người. Rõ hơn cả Thiên Chúa đã phán, “Ta không muốn kẻ vô đạo phải chết, nhưng muốn nó bỏ đường tà để được sống” (Êz 13:11). Ý tưởng này được Đức Giêsu lập lại với người đàn bà ngoại tình bị mọi người kết án, “Ta không kết án ngươi. Hãy đi, từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8:11). Rõ ràng Thiên Chúa tin tưởng vào ý chí tự do của con người trong nỗ lực hướng thiện.
Thánh Kinh cũng đưa ra nhiều bằng chứng về ý chí tự do. Thiên Chúa tiền định chương trình cứu độ và Đức Maria giữ một vai trò quan trọng trong chương trình ấy. Nhưng rõ ràng Đức Mẹ không phải là “nạn nhân” của định mệnh. Thiên Chúa phái Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel tới hỏi ý Đức Mẹ trước khi Mầu Nhiệm Nhập Thế được thành lập. Trả lời “xin vâng” hay “xin không” là tùy ở ý chí tự do của Đức Mẹ. Chúng ta cũng thấy Đức Giêsu trong thân phận phàm nhân, bị cám dỗ, bị ruồng bỏ, bị sợ hãi, và bị đau khổ. Đức Giêsu chống trả những khó khăn ấy trong điều kiện giới hạn của một người phàm. Khi bị đói, Satan bảo Người hóa đá thành bánh Người từ chối. Người đã chọn không dùng quyền phép Thiên Chúa để bảo vệ mình. Chính vì vậy mà Đức Giêsu đã biểu lộ vinh quanh của Chúa Cha. Đây là điểm tối quan trọng để chúng ta nhận ra khuôn mẫu tự do của người phàm Giêsu và cũng là sự cần thiết của ý chí tự do đối với con người. Nếu không có ý chí tự do thì chẳng ai có công đức và cũng chẳng ai có tội, cũng không có phán xét nên cũng không cần ơn cứu độ (Gl 1732).
Nếu không có tiền định, vậy có thể nào hiểu được hiện tượng Đức Giêsu nói trước những gì sẽ xảy ra cho Giuđa. Chúng ta chỉ có thể hiểu vấn đề này khi có môt nhận thức đúng về phạm trù không gian và thời gian. Cho đến nay chúng ta vẫn tin rằng không gian là một nơi chốn cố định và thời gian là con đường thẳng một chiều. Con người không thể đi ra ngoài không gian và đi ngược về quá khứ hay đi trước vào tương lai. Ngày nay khoa học đã định giá lại định luật này. Dĩ nhiên chúng ta không cần khoa học chứng thực cho đức tin Công Giáo, nhưng đức tin Công Giáo không phản lại khoa học. Vì vậy trước hết chúng ta nên hiểu vấn đề không gian và thời gian (không-thời gian) qua kiến thức khách quan của khoa học.
Giả dụ có số mệnh, nó bắt buộc phải được nâng đỡ bởi không-thời gian. Phải có không-thời gian mới có quá khứ, hiện tại, tương lai và nơi chốn để lịch sử diễn ra. Không gian của chúng ta có 3 chiều (3 dimensions - 3D) gồm chiều trước-sau, chiều phải-trái, và chiều cao-thấp. Cộng thêm thành tố thời gian, chúng ta có thế giới 4 chiều. Darren Levanian đưa ra trường hợp, nếu ta đi vào thế giới của những người chỉ có không gian 2 chiều. Vì họ không có chiều thứ 3 (chiều cao-thấp) nên khi ta từ trên cao bước xuống trước mặt họ, họ thấy ta tự nhiên hiện ra. Họ rú lên “Phép lạ! Phép lạ!” Nếu ta từ trên cao nói cho họ biết những gì ta thấy và sẽ xảy ra quanh họ, họ sẽ cho ta là thần thánh và sẽ tin là có tiền định. Họ không biết ta chỉ là một kẻ tầm thường trong số hằng tỷ người thuộc thế giới 4 chiều. Việc ta vừa làm chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Cũng tương tự, chúng ta với tầm nhìn hạn hẹp đóng khung trong môi trường 4 chiều, chúng ta tin vũ trụ chỉ có vậy và không thể thay đổi.
Khoa học đã nhận diện sự tương đối của không-thời gian 4 chiều. Vào thập niên 50, các khoa học gia tìm ra hiện tượng chiếc cầu không gian trong vũ trụ. Năm 1969, ông John Wheeler đặt tên cho nó là “lỗ giun” (wormhole). Nó là một đường ống giống như cái hang của con giun đất. Điều đáng nói là hai miệng của nó nằm ở hai thế giới có “không-thời gian” khác nhau. Trong lỗ giun người ta có thể đi qua lại giữa quá khứ và tương lai. Giáo sư Stephen Hawking, Đại Học Cambridge, đưa ra thí dụ, chẳng hạn có một lỗ giun nối liền trái đất và hành tinh Alpha (cách trái đất 20 triệu triệu dặm). Ta có thể mang tin tức thế vận hội của trái đất đến báo cáo với quốc hội Alpha, rồi trở về trái đất vào lúc trước khi thế vận hội khai mạc. Đây là một sự kiện vật lý học và toán học rất đứng đắn, nhưng thiên nhiên không để việc đó xảy ra. Thứ nhất khoa học chưa đủ trình độ mở cửa lỗ giun. Thứ hai nếu có thể vào được đó, thân xác con người sẽ vỡ tan tành vì bị co rút đến nhỏ hơn hạt bụi (trở thành 10-33 thể tích hiện có). Tuy nhiên thật là sai lầm khi tin rằng vũ trụ tiến triển theo một trật tự thẳng (linear system) theo luật tiền định. Thế giới 4 chiều của chúng ta không phải là thế giới duy nhất trong vũ trụ, nhưng có những thế giới xen kẽ trong những thế giới.
Một thực thể khác về không-thời gian là thế giới vi mô của hạt quantum (lượng tử) - hạt năng lượng nhỏ nhất cấu tạo nên một nguyên tử. Khi khảo sát những hạt quantum, các khoa học gia nhận thấy chúng hoạt động và biến đổi bất định như đang di chuyển trong những lỗ giun. Một số nhà toán học tính ra trong thế giới vi mô này không gian có từ 10 tới 26 chiều. Thật khó tưởng tượng không gian 10 chiều nó như thế nào huống chi tới 26 chiều. Trong không gian đó có nhiều lối tắt di chuyển vượt không-thời gian mà chúng ta sẽ thấy là những phép lạ. Bởi vì mọi định luật về không-thời gian trong thế giới 4 chiều không còn đúng nữa. Trong thời đại của Augustine, người ta chưa có trình độ hiểu biết về bản chất tương đối của không-thời gian như ngày nay. Một cách giản dị, chúng ta đã thấy ai có thể dùng luật tiền định/định mệnh để hiểu tại sao có máu chảy ra từ mắt của một bức tượng gỗ, mà lại chỉ có ở tượng Đức Mẹ.
Thánh Kinh diễn tả Thiên Chúa với những thuộc tính: toàn giác, toàn năng, và hằng có ở khắp mọi nơi. Nếu chuyển nhận thức này qua ngôn ngữ khoa học ta phải nói Thiên Chúa là Đấng sinh hoạt trong không gian muôn chiều. Việc nhìn rõ quá khứ và tương lai chẳng có gì khó khăn đối với Thiên Chúa. Thánh Thomas Aquinas cho biết mặc dù vinh quang của Thiên Chúa biểu lộ trong không gian và thời gian, nhưng Thiên Chúa ở ngoài không gian và thời gian. Đối với Thiên Chúa không-thời gian nằm nguyên một khối toàn thể. Hiện tại, quá khứ, tương lai và mọi nơi mọi chốn đều phơi bày trước mặt Thiên Chúa và Người nhìn thấy toàn thể cùng một lúc. Thiên Chúa không bị giới hạn bởi bất cứ định luật nào.
Những cảm nhận như: “thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh/tiên tri” không mang ý tiền định, nhưng nằm trong chủ đề Immanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta). Thiên Chúa ở cùng loài người và đối thoại với con người. Thiên Chúa dùng ngôn sứ báo trước những việc xảy ra, không có nghĩa Người tiền định cho sự việc xảy ra. Có lần Đức Giêsu tiết lộ tương lai của Phêrô: “Khi về già, ngươi sẽ dang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho và kéo ngươi đến nơi mình không muốn” (Ga 21:18-19). Người ám chỉ sau này Phêrô sẽ phải bị tử nạn đóng đinh. Đức Giêsu cũng nói về quá khứ. Có lần Người đã khiến bà Samari hết hồn khi nói ra cái bí ẩn của đời bà, “Chị đã sống với năm đời chồng mà người hiện tại chẳng phải là chồng” (Ga 4:18). Lần khác Người làm Nathanaên kinh ngạc, “Trước khi Philíp gọi ngươi, ta đã thấy ngươi đứng dưới cây vả” (Ga 1:47-50). Ngoài ra còn có những sấm ngôn như: “Các ông hãy phá đền thờ này đi, ta sẽ xây lại trong ba ngày” (Ga 2:19). Những ngôn ngữ kể trên không thể hiểu theo lối suy tư theo thuyết tiền định/định mệnh. Chúng là những “dấu lạ” xác định Đức Giêsu là Đấng Immanuel. Đấng vượt khỏi tất cả mọi quan niệm kể cả không gian và thời gian.
Hiển nhiên trên thế gian không ai có số mệnh kỳ lạ như Lazarô đã chết 4 ngày bỗng sống lại. Khi Đức Giêsu làm phép lạ cứu kẻ mù được sáng, kẻ liệt được đi, kẻ chết sống lại, Người phủ nhận định mệnh hẩm hiu áp đặt trên con người. Việc làm của Đức Giêsu mang tính chất phổ biến tin mừng cứu độ của Đấng Immanuel. Chính tiên tri Isaia đã thông báo cho dân chúng biết người biểu lộ quyền năng ấy, đó là Đấng Immanuel (Is 35:4-6). Đức Giêsu đã chứng minh, trong tình yêu của Thiên Chúa, những bất hạnh và ngay cả sự chết cũng không có tác dụng quyết định trên nhân phẩm của con người. Đó là lời kêu gọi con người hãy phá bỏ mọi chiều kích nô lệ, để tự do đi tới mục tiêu sống hoà hợp với tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa vô giới hạn và không có tuyển chọn người lãnh ơn.
Tóm lại trong Công Giáo chỉ có tín lý về mục tiêu và sự quan phòng. Thiên Chúa đặt ra mục tiêu để ban ý nghĩa cho đời sống. Người đặt ra sự quan phòng là ban một tiến trình kết hợp trong yêu thương. Theo Hồng Y Avery Dulles, con người là tuyệt tác phẩm phản chiếu vinh quang Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa vẫn để một phần chưa hoàn tất để chia sẻ sự sáng tạo với con người. Thiên Chúa mời con người tự hoàn tất phẩm giá của mình. Có tự do nhưng không có Thiên Chúa, con người chỉ biết sống trong những ảo ảnh ích kỷ. Đời sống sẽ trở thành vô nghĩa. Qua sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thế để hướng dẫn chúng ta hướng về mục đích của đời sống. Vì vậy tự do, mục tiêu, và sự quan phòng của Thiên Chúa luôn luôn cần phải có.