Đầu năm 2018, Trung Tâm Khảo Cứu Ứng Dụng về Hoạt Động Tông Đồ (Center for Applied Research in the Apostolate - CARA), Đại Học Georgetown, phỏng vấn 214 thanh niên đã bỏ đạo Công Giáo. Bản đúc kết nêu ra 3 lý do chính: 1) Thiên Chúa im lặng trước nỗi bất hạnh, chẳng hạn tuy cầu nguyện nhưng cha mẹ vẫn ly dị. 2) Tín điều không phù hợp với kiến thức khoa học được dạy ở trường học. 3) Không đồng ý với đường lối của giáo hội, chẳng hạn về luật cấm phá thai. Cần nói thêm, lý do bỏ đạo vì bất mãn các tu sĩ lạm dụng tình dục có tỷ lệ rất thấp, 2%.
Thực tế cho thấy những người bỏ Đạo không phải vì bị khủng bố bởi những thế lực cấm đạo, nhưng vì bị khủng hoảng đức tin. Họ hoang mang giữa những quan điểm đối nghịch của các học thuyết về tôn giáo. Họ không biết sự thật nằm ở phía nào. Tuy nhiên trong hoàn cảnh đó, nhiều tín hữu Công Giáo vẫn giữ vững một đức tin rất ổn định. Có khủng hoảng đức tin và có ổn định đức tin là hai sự thật trong bối cảnh hiện tại. Nếu làm ngơ với mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng đức tin, ta là kẻ đui mù và tự mãn. Ngược lại nếu không thấy sự vững mạnh đức tin của Công Giáo, ta là kẻ thiếu ý thức và đầy mặc cảm sai lầm. Bổn phận Kitô hữu chúng ta là phải thoát khỏi cơn khủng hoảng và nỗi sợ hãi vô ích, để thấy rõ những cơ hội cải thiện đầy hy vọng trong lời hứa của Đức Giêsu.
Trong nỗ lực tìm hiểu cuộc khủng hoảng đức tin, chúng ta ghi nhận có hai thử thách lớn. Chúng là tình trạng mâu thuẫn trong nhận thức và mất lòng tin vào tôn giáo.
Con người ai cũng nhận được một nền giáo dục khởi đầu từ gia đình. Vì vậy ai cũng có sẵn một số kiến thức làm căn bản, chẳng hạn tín đồ Công Giáo tin vào giáo lý của Công Giáo. Đến tuổi có thể suy nghĩ độc lập, nếu người đó nhận được một hệ thống kiến thức mới, nghịch với hệ thống cũ, trí óc người đó sẽ rơi vào tình trạng mâu thuẫn trong nhận thức (cognitive dissonance). Chẳng hạn sách bổn dạy rằng Thiên Chúa tạo ra vũ trụ trong 6 ngày, nhà trường dạy rằng vũ trụ tự nó thành hình qua thời gian nhiều tỷ năm. Cuộc giằng co giữa hai nhận thức mâu thuẫn sẽ tạo ra những cơn hoang mang đau đầu. Theo tâm lý học, để giải thoát cuộc khủng hoảng tâm lý, nạn nhân phải tìm ra một lối thoát nào đó. Họ có thể tự lừa dối cho rằng không có gì quan trọng đang xảy ra. Hoặc họ dứt khoát chọn một bỏ một giữa hai điều nghịch lý. Trí óc người trẻ hợp với lời giải thích của nhà trường hơn, do đó họ phủ nhận lời dạy của sách bổn. Điều này dẫn tới sự mất tin tưởng vào tôn giáo và họ rời khỏi đạo.
Có sự mâu thuẫn trong nhận thức vì đại chúng, theo bản tính tự nhiên, chỉ chấp nhận những gì họ thấy và có thể đo lường. Đó là lối nhìn sự vật trong thế giới hiện tượng. Họ thiếu khả năng nhìn sự vật là những biểu tượng cho một ý nghĩa khác nằm bên ngoài liên hệ không gian và thời gian. Chẳng hạn sự tích sáng thế trong 6 ngày. Sẽ rất sai lầm nếu chỉ nhìn thấy nó là những sự kiện theo nghĩa đen (thế giới hiện tượng). Từ xưa, thánh Augustine đã cho biết trình thuật sáng thế mang ý nghĩa thần học. Cổ nhân dùng hình ảnh sáng thế để gợi ý về những ý niệm thần học. Ý niệm về Thiên Chúa là Đấng tạo ra vũ trụ; về Thiên Chúa là tình yêu; về nguyên tội; về chương trình cứu độ... 1 Muốn xóa sự mâu thuẫn trong nhận thức, nhất là về đức tin tôn giáo, chúng ta phải có lối suy tư khác để nhìn ra sự thật. Chỉ khi nào ta biết rõ sự thật ta mới đánh bại được mối nghi ngờ, vì “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32) . Do đó, theo Công Giáo, không hề có sự mâu thuẫn giữa lý trí và đức tin.
Có một hiện tượng bất thường đang xảy ra, hầu hết các tôn giáo (“tôn giáo” không viết hoa) hăng hái đả kích giáo lý của nhau hơn là đả kích tội ác của những kẻ vô đạo. Vài giáo phái, chẳng hạn nhóm Hồi giáo (ISIS), nhóm Aum Shinrikyo… nhân danh Thượng Đế gây những cuộc giết người dã man và những cuộc “thánh chiến” thảm khốc. Nhóm thờ Satan, nhóm Rajneesh để cao tình dục và nếp sống xa hoa. 2 Đối mặt với cuộc hỗn loạn này, nhiều người đã mất niềm tin vào tôn giáo.
Chúng ta không thể bào chữa cho trạng thái sa lầy của các nhóm tôn giáo. Chính tôn chỉ hư ngụy của họ đã khiến quần chúng mất niềm tin vào tôn giáo. Trong bối cảnh này chúng ta cũng phải khách quan nhắc tới vết nhơ của một số giáo sĩ Công Giáo tấn công tình dục trẻ em. Tuy nhiên chúng ta không thể coi họ là Giáo Hội Công Giáo. Họ chỉ là những cá nhân sa ngã mà chính Công Giáo đã lên án và loại trừ họ. Công Giáo quyết liệt bênh vực các nạn nhân và cực kỳ lên án kẻ phạm tội. Tháng 2, 2019, Giáo Hoàng Francisco triệu tập hội nghị giám mục ở Rome để trừ khử vấn nạn tình dục. Các giám mục trên thế giới đã mau chóng đưa ra những biện pháp riêng. Chẳng hạn Giám Mục Jaime Soto, giáo phận Sacramento, bạch hóa danh sách những tu sĩ tội phạm. Giám mục còn gửi thư cho giáo dân nói rằng ai biết giáo sĩ nào có hành vi đáng ngờ thì phải báo thẳng với cảnh sát, không cần liên lạc với văn phòng giám mục. Khi Giáo Hội cứng rắn cắt bỏ cành cây bị sâu, băng bó viết thương, vườn nho Giáo Hội sẽ lành mạnh.
Công Giáo không phải là một đoàn thể do con người tạo ra và tự định giá tốt/xấu cho tổ chức của mình. Giáo Hội là mầu nhiệm của ân sủng, là công trình của Thiên Chúa, nơi thể hiện hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên Công Giáo chỉ mang ý nghĩa với những người có đức tin vào ơn cứu độ của Chúa Giêsu.
Mất niềm tin vào tôn giáo khiến nhiều người đặt lại toàn bộ nhận thức về tôn giáo. Hậu quả đầu tiên là mối nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nền giáo dục duy lý hiện đại đề cao phương pháp nghiên cứu khách quan khoa học, có thể kiểm chứng, để khảo sát mọi vấn đề kể cả chủ đề Thiên Chúa. Nhà thần thoại học Joseph Campbell là một dẫn chứng điển hình. Ông giải thích rằng Thiên Chúa chỉ là một ảo ảnh phản ảnh ước vọng của con người về một vị anh hùng cứu nhân độ thế. Vị này được dân chúng gán cho những quyền năng siêu việt. Mỗi dân tộc đều tạo ra một đấng cứu thế. Do đó Thiên Chúa mang những mặt nạ khác nhau tùy theo tâm lý quần chúng của mỗi nền văn hóa. Campbell dẫn chứng hình ảnh biến thể của Thiên Chúa qua thần thoại của người sơ khai, trong thần thoại phương Đông, và trong thần thoại Hy Lạp. 3 Gần đây có nhóm khảo cổ học dựa vào hình khắc kỳ lạ trên những cổ mộ để đưa ra giả thuyết Thiên Chúa là người ngoài hành tinh đến trái đất. 4 Nói chung những người duy lý không tin rằng cái thế giới họ đang sống lại bị kiểm soát bởi một vị thần linh ở cõi xa xăm nào đó.
Các nhà thần học đều đả kích khuynh hướng đề cao quá lố hiệu năng của các ngành khoa học nhân văn nêu trên. Những người duy lý thiếu tính khách quan vì họ không nói đến mặt trái tiêu cực của ngành khoa học nhân văn. Họ giản lược chân lý vào kết quả thành đạt của trí thức. Trở ngại lớn của họ là không hề biết những phương pháp khác để tiếp nhận chân lý như thần học, siêu hình học, đạo đức học, chiêm niệm… Vì vậy họ không chấp nhận những thực tại siêu nhiên không thuộc thế giới vật chất. Thiên Chúa là Đấng siêu nhiên nằm ngoài phạm vi điều tra của văn hóa và khoa học. Thiên Chúa không phải là một phần của vũ trụ để con người khảo nghiệm. Theo nhà vật lý học John Polkinghorne, ngay cả khoa học cũng không có tính khách quan, bằng cớ là các định luật trong pham vi khoa học tự nhiên đã trở nên sai lạc trong phạm vi cơ học lượng tử (quantum mechanics), như vậy làm sao có thể dùng khoa học để giải thích Thiên Chúa. Thiên Chúa là Chân Lý Tuyệt Đối, hằng có ở khắp mọi nơi, toàn năng, toàn trí. Sự hiện hữu của Thiên Chúa không liên quan gì đến không gian thời gian của lịch sử, của vũ trụ, và tầm trí thức của con người. Những cuộc tranh luận đầy xét đoán chủ quan của học thuật đều không đi đến đâu.
Trước hết chúng ta cần minh xác hai khái niệm: luân lý (ethics) và đạo đức (morality). Hai thuật ngữ này thường được dùng lẫn lộn vì thiếu sự minh định của học thuật, thực ra chúng không đồng nghĩa với nhau. Theo triết học và thần học, đạo đức là tiền đề của luân lý. Chẳng hạn đạo đức đưa ra nguyên lý “chớ giết người”. Luân lý đã diễn dịch đạo lý này qua những lập luận tùy theo hoàn cảnh, như trong những trường hợp phá thai, an tử, án tử hình, tự tử… Đạo đức mang tính lý thuyết, phổ quát và khẳng định. Luân lý mang tính pháp luật, cục bộ và thay đổi. Lịch sử đã chứng minh có nhiều thời điểm luân lý tách rời khỏi đạo đức. Chẳng hạn cách đây 100 năm đa số các xã hội có nền luân lý chấp nhận chế độ nô lệ, chỉ có những cá nhân đạo đức, như Abraham Lincoln, lên án điều đó. Suy ra đạo đức là phạm vi đức tin của cá nhân, luân lý là phạm vi thỏa thuận của đa số người trong cộng đồng.
Tình trạng thiếu tính đồng nhất giữa đạo đức và luân lý đã khơi mào cho học thuyết luân lý hoàn cảnh (situation ethics), do ông Joseph Fletcher đưa ra. Theo ông, luật đạo đức không có giá trị cố định, nhưng lệ thuộc vào lương tâm của cá nhân khi đối phó với những hoàn cảnh. Fletcher dẫn chứng trường hợp một cô gái bị hiếp dâm nên muốn phá thai. Nếu cứ bám chặt vào nguyên lý “phá thai là sát nhân” để ngăn cản cô, tức là ép cô phải chịu đau khổ suốt đời. Hành xử như vậy là độc ác và là vô đạo đức. Vì vậy đạo đức phải đặt dưới sự phán đoán của luân lý xã hội. Giá trị đạo đức là kết quả của cuộc mặc cả giữa những đoàn thể trong cộng đồng, với mục đích để mọi người cùng hưởng lợi ích.
Luân lý xã hội biến chuyển đến mức nó phong cho lương tâm quyền quyết định về giống phái. Cá nhân là nam hay nữ không thể xác định bới thân thể bẩm sinh nhưng bởi ý muốn của đương sự. Một người có thân xác là đàn ông nhưng có thể tự nhận mình là đàn bà, hay ngược lại. Đáng nói hơn nữa có những người không biết mình là nam hay nữ, bởi vì ý thức của họ chưa xác định nên chọn phái nào (gender queer).
Với lối suy tư lửng lơ kiểu “tương đối”, người hiện đại tin vào lương tâm của mình và phủ nhận sự dẫn đường của Thiên Chúa hay của một tổ chức tôn giáo. Nhưng nếu lương tâm của mình sai lầm thì sao? Lịch sử đã có những nhân vật như Hitler và Pol Pot chứng minh về điều này.
Theo Công Giáo, đạo đức không phải là những khái niệm trong lãnh vực văn hóa. Luật đạo đức được rút ra từ mặc khải của Thiên Chúa. Chúng là nguyên lý của sự thật và được con người chấp nhận qua đức tin. Chúng luôn luôn đúng trong mọi trường hợp. Chúng được đặt trên nền tảng con người là một nhân vị, có ý chí tự do, có lương tri và có trách nhiệm. Nhờ đó con người biết thế nào là tốt hay xấu và nên hành động thế nào cho phải. Chẳng hạn luật đạo đức dạy rằng phá thai là hành vi sát nhân. Nó không thể vì lợi ích của một người, hay của xã hội hoặc vì đa số quần chúng chấp nhận mà trở thành tốt. Bởi vì mọi người, kể cả bào thai, đều có giá trị nhân phẩm nội tại là một nhân vị, nên phải tôn trọng như nhau. Mục đích của đạo đức là cải thiện con người, đúng nghĩa là một người có thần tính, để cùng sống với Thiên Chúa.
Dù không tin vào tôn giáo, con người vẫn không thể chấp nhận sự kiện: chết là hết. Do đó họ tự tìm đường giải thoát cho mình mà không cần tham gia vào một giáo hội nào. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện nhiều môn phái hướng dẫn tâm linh đề cao tự thân (self) bằng thời đại này. Những nhóm này tự xưng là tôn giáo nhưng đúng ra nó chỉ là một hội sùng bái (cults) hướng về một niềm tin nào đó. Qua kỹ thuật thông tin hiện đại, họ loan truyền những tư tưởng về định mệnh, tương đối, luân hồi, Arian, Ngộ giáo, Yoga, giáo phái Kitô cải cách… bay ra tứ phương. 5 Chúng mang tính chất luân lý rất thuyết phục và đều cho rằng con người có thể tự giải thoát cho mình. Lý lẽ của họ dấy lên cuộc chiến rất tinh vi giữa óc duy lý kiêu ngạo và lòng yếu đuối trước sự cám dỗ. Chúng tạo ra sự hoang mang khi người ta không tìm thấy một nền tảng chung làm tiêu chuẩn bất biến qua không gian và thời gian. Họ chỉ thấy những biến thể xuất hiện trước mắt với đầy những khuyến dụ hấp dẫn. Họ tự do lựa chọn lối đi hợp với cá tính của mình, như lựa món hàng ngoài chợ.
Để dễ hình dung bối cảnh chợ tâm linh hiện tại, tôi xin đưa ra một dẫn chứng tiêu biểu là đạo sư Ấn Độ Bhagwan Shree Rajneesh (1931-1990). Năm 1989 ông đổi tên thành Osho. Ông quan niệm Thượng Đế là năng lượng có trong tất cả mọi chúng sinh, do đó mọi người ai cũng đều là thiêng liêng. Sở dĩ thế giới hỗn loạn vì con người bị ràng buộc vào những định chế của văn hóa và dục vọng cá nhân. Do đó con người sống như cái máy vô vọng trong những mối giằng xé mâu thuẫn giả tạo. Con người có khả năng tự cứu mình thoát khỏi cơn khủng hoảng của ức chế và sợ hãi qua sự giác ngộ tâm linh (spiritual enlightenment). Muốn vậy con người phải sống vui vẻ, hồn nhiên, đầy đủ vật chất, cởi mở và thiền định. Sau khi chết phần ý thức giác ngộ phi vật chất của con người vẫn có thể trường tồn trong vũ trụ không cần vị thần thánh nào ban ơn.
Chúng ta dễ dàng nhận ra tư tưởng của Osho là một mớ trộn lẫn của đủ mọi thứ gồm tôn giáo, tâm lý học, triết học và khoa học giả tưởng. Các đệ tử ruột của ông hầu hết là những người có tính khí nổi loạn chống lại mọi qui tắc đạo đức và luân lý. Họ lợi dụng học thuyết của ông để kinh doanh làm giàu qua tiền của các tín đồ. Họ cung cấp cho ông một đời sống rất xa hoa với dinh thự nguy nga và những chiếc xe Rolls Royce. Osho cũng sống rất phóng đãng về tình dục nên mang danh là “minh sư tình dục” (sex-guru). Tuy nhiên ông có tài hùng biện và cách thuyết giảng rất lôi cuốn. Sách của ông có hằng trăm cuốn, chưa kể những bài giảng thuyết riêng lẻ. Chúng được dịch ra nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Việt. Tư tưởng của ông đã kích động rất mạnh đến phong trào đợt sóng mới của Âu Mỹ.
Các nhóm sùng bái dễ thành công còn nhờ vào nền văn học Gothic (hay Gothick) tiếp sức. Đó là nền văn học, với những tác phẩm bằng chữ và phim ảnh, nhằm chuyển hướng ý nghĩa của luân lý. Qua những truyện thần kỳ, văn học Gothic trình bày những quái thú trở thành vĩ nhân, quỉ dữ trở thành thiên thần, và con người là thiên chúa. Những phim ảnh với xảo thuật cao như Harry Potter, Hell boy, vampire, Game of Thrones, The Davinci code… lồng trong những mối tình nên thơ hết sức lôi cuốn nhằm xóa bỏ những quy ước cũ về đạo đức. Trong bầu không khí ấy, các đạo sư dễ dàng tạo ra những “tôn giáo dân gian mới” (new Paganism). Những tôn giáo phù hợp với cái ngã của mỗi người mà không cần có giáo luật ràng buộc. Một thị trường tâm linh nói trên đã tạo nên một dạng đời sống mới hổ lốn (new age syncretism) hơn bao giờ.
Sống trong bầu khí như vậy đời sống tâm linh sẽ ra sao? Trong năm 2018, CARA phỏng vấn 1,500 người bỏ đạo Công Giáo, kết quả cho biết như sau. 35% không còn theo một tôn giáo nào. 29% theo các giáo phái kitô không phải Tin Lành. 6 14% nhận mình là vô thần hay Ngộ giáo. 9% theo những giáo phái Tin Lành. 7
Chúng ta hãy nhìn lại những con số nêu trên trong bối cảnh của thời đại, để thấy rõ ý nghĩa thật của chúng. 35% tham dự viên không còn tin tưởng vào sự giải cứu từ tôn giáo. 14% tin vào tiềm năng trí lực tự cứu của chính mình. 38% (29% + 9%) đi tìm một hội sùng tín hay một giáo phái dễ dãi nào đó. Kết quả này phù hợp với tình trạng hoang mang trong nhận thức mà chúng ta bàn luận ở trên. Cốt lõi của những phản ứng vừa kể chỉ nhằm một mục đích duy nhất là đẩy lui nỗi tuyệt vọng. Đối với nhiều người đó là một cuộc chiến đau thương giữa hủy diệt và cứu độ. Đứng hoang mang giữa lời mời gọi của những nhóm kiến thức hỗn độn, vấn đề quan trọng là chọn con đường nào. Nếu sau khi đã chọn, rồi mới nhận ra con đường mình đi chỉ là ảo tưởng, cơn tuyệt vọng sẽ còn tồi tệ hơn.
Đối với Công Giáo, ơn cứu độ là ơn Thiên Chúa ban cho. Con người không thể tự cứu mình bằng một lối tu luyện hay bằng một cách phù phép của vị minh sư nào đó. Con người cần Thiên Chúa dẫn đường. Con Đường thật là Con Đường do Thiên Chúa ban cho, không phải là con đường do con người đặt ra hay tìm ra. Cuối cùng, nỗi hoang mang về nhận thức chỉ là cơn thử thách đức tin. Nếu chúng ta không dám vượt qua những cơn thử thách đau thương trong đời, chúng ta không tìm ra sự sống thật. Ai cũng phải chết, nhưng chỉ những ai vác thập giá chết với Đức Giêsu thì mới sống lại với Người.