Tổng hợp tư tưởng của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Giáo Hoàng Bênêđíc XVI (1)
Mình và Máu Chúa Kitô (Corporis et Sanguinis Christi) là nhiệm tích cốt lõi xây dựng nên Giáo Hội Công Giáo. Nhận lãnh Mình và Máu Chúa Kitô là tiếp xúc với Chúa Kitô phục sinh. Tuy nhiên sống trong thời đại trọng duy lý và duy vật, tín hữu Kitô thường có ít nhiều giao động khi tiếp xúc với những chủ thuyết hoài nghi. Cụ thể như trường hợp một số học giả theo phương pháp Phê bình sử học (Historical criticism) đả kích khoa thần học Cứu Độ của Kitô giáo. Họ đưa ra những luận cứ có thể lay chuyển đức tin của nhiều người. Vì vậy đối mặt với những luận thuyết ấy cũng là dịp chúng ta củng cố lại đức tin của mình.
Vào lúc thế giới tưng bừng đón chào thiên niên kỷ thử III với những kỳ vọng mới, đức Gioan Phaolô II đưa ra nhận xét về đời sống tâm linh. Ngài cho rằng nền suy tư hiện đại vẫn là cuộc tiếp nối chủ xướng của Descartes. Khuynh hướng này cho con người là tâm điểm vũ trụ.
Đúng như Giáo Hoàng nhận định, cho đến hôm nay, con người càng ngày càng trở nên cực kỳ tự mãn với kiến thức của mình. Chủ nghĩa duy lý cho rằng chính tư tưởng con người đặt tên cho thực tại để nó được hiện hữu. Vì vậy, chỉ những gì phù hợp với tư tưởng của con người, chúng mới có ý nghĩa. Một số chủ thuyết mạnh mẽ cho rằng Thiên Chúa không có thật. Thiên Chúa chỉ là một ý niệm thuần túy, hay một giả thuyết không thể kiểm chứng.
Trong bối cảnh ấy, Đức Bênêđíc XVI, một nhà thần học vĩ đại, không ngần ngại đối thoại với những thách thức của tri thức hiện đại. Theo ngài, truyền bá Phúc Âm cũng nhằm đào sâu sự hiểu biết chân lý qua lý trí. Đối với Công Giáo không hề có sự đối nghịch giữa lý trí và đức tin.
Ngoài sự phủ nhận Thiên Chúa, nhóm duy lý còn hạ thấp giá trị cuộc tử nạn của Đức Giêsu. Theo họ, tất cả những gì Đức Giêsu đã làm, chẳng giúp ích gì cho tình trạng sa đọa của thế giới con người. Chúng ta hãy lược qua vài nguồn phê bình của họ qua thời gian.
Vào thập niên 60, học giả Bultmann cho rằng người ta thật sự không rõ Đức Giêsu đã chết thế nào. Sử học đành phải mở một cánh cửa cho những giả thuyết về cái chết ấy. Trong thập niên 70, Mainberger đã làm dân Âu Châu giật mình với câu nói thẳng thừng: “Đức Kitô đã chết vô ích” (Christ died for nothing). Qua thập niên 80, Vittorio Messori, dựa vào thống kê về tình trạng tín đồ Công Giáo đang trên đường giảm thiểu, đặt nghi vấn Công Giáo có nguy cơ bị triệt tiêu. Kế đó một số người làm sôi nổi với tranh luận về khóm từ “cho mọi người được tha tội” qua nghi thức dâng Thánh Thể trong lễ Misa. Họ năng nổ cho biết nguyên văn tiếng Hy Lạp và La Tinh là “cho nhiều người”, chứ không phải “cho mọi người.” Công Giáo cố tình dịch sai như vậy là có chủ ý.
Bước qua lãnh vực “Phê bình sử học”, phương pháp này không chấp nhận những hiện tượng tâm linh siêu việt, vì sử học không thể kiểm chứng chúng được. Nhà phê bình sử học Bultmann, và nhóm của ông, chỉ coi Đức Giêsu là một đạo sư trình độ học vấn bình thường và có 12 môn đồ. Siêu tính Thánh và những phép lạ của Đức Giêsu đều bị họ loại bỏ. Họ cho đó là những huyền thoại do người đời sau đặt ra để thần thánh hóa giáo chủ của mình. Tuy nhiên chính Bultmann lại bị lúng túng vì không tìm ra lý do tại sao Đức Giêsu bị giết. Bởi vì người ta không bao giờ đóng đinh một vị thầy bình thường. Không những thế, trong hậu trường của cuộc tử nạn lại còn liên hệ đến rất nhiều giai cấp xã hội đối nghịch như: Do Thái và La Mã, người tin và người chống. Nhóm Bultmann bắt buộc phải đề xuất một cơ sở sử liệu nào đó để có thể giải thích và chứng minh sự mâu thuẫn này. Họ bèn cho rằng những lời hô hào cải tạo xã hội của Đức Giêsu là nguyên nhân cái chết của Người. Rồi họ kết luận, lời kêu gọi đã không được dân chúng hưởng ứng, mà người đề xướng thì bị giết. Vậy là một việc làm thất bại.
Theo đức Bênêđíc XVI, khổ nạn Thập Tự Giá của Đức Giêsu vượt khỏi sự kiện bình thường, nên cũng không thể giải thích theo những tiêu chuẩn thông thường, chẳng hạn như phương pháp Phê bình sử học. Lời giải cho những vấn nạn trên, và những chủ đề cùng loại, nằm trong biến cố bữa tiệc ly. Khi Đức Giêsu ban bánh và rượu, Người nói: “Đây là mình Ta” và “Đây là máu Ta”. Khi tuyên bố như vậy, chính Đức Giêsu cho biết Người sẽ nhận cái chết và lý do tại sao phải như vậy. Chúng ta phải tìm hiểu vấn đề từ những lời nói này.
“Đây là mình tôi, đây là máu tôi” vốn là lời nguyện của dân Do Thái trong đền thờ, khi họ giết thú vật làm của lễ dâng lên Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu nói câu này Người đã không dùng vật gì khác ngoài chính mình làm của hy tế. Tuy căn phòng của bữa tiệc ly không phải là đền thờ, nhưng trong Tân Ước, chính Thiên Chúa và Chiên Con là đền thờ. Ngay lúc ấy Người đã khiến hằng vạn những vụ sát tế thú vật thời Cựu Ước, cùng tất cả những của lễ sát tế trong lịch sử nhân loại đều trở thành vô nghĩa. Chúng không thể nâng con người lên gần Thiên Chúa. Chỉ qua Đức Giêsu, nhân loại mới nối kết được với Thiên Chúa tối cao. Bằng cái chết của Đức Giêsu, giao ước hứa ban trong Cựu Ước đã được hoàn thành. Hai câu nói thâm sâu đến mức không thể đo lường của Đức Giêsu “Đây là mình Ta. Đây là máu Ta” là nền tảng của mầu nhiệm Thánh Thể, biểu hiệu muôn đời cốt tủy của Công Giáo. Từ câu nói ấy chúng ta rút ra mọi giải đáp về sự sống, bởi Thánh Thể là thực tại hiện diện của Thiên Chúa hằng sống. Đồng thời cuộc tử nạn của Đức Giêsu làm tiêu tan tất cả những sự hư nát, nỗi buồn tẻ, niềm vô vọng, và tội lỗi của thế giới.
Nghi thức bẻ bánh trong lễ Misa không phải được đặt ra để tưởng niệm. Để nhận lãnh ân sủng của nghi thức đó, chúng ta phải nối kết nó với nội dung của nó. Nội dung của nghi thức “cho bánh và rượu” là “hiến tặng một tình yêu”. Thịt và máu không phải từ một xác chết nhưng là một tặng phẩm tình yêu của người còn sống. Đức Giêsu chỉ có thể nói “cho” khi Người thật sự cầm lấy mà cho. Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu chỉ trao bánh rượu cho các tông đồ, những vị đại diện cho nhân loại. Nhưng sau Phục Sinh, tình yêu của Người đi vào vĩnh hằng, vì tình yêu này đã vượt thắng sự chết, khi ấy ơn cứu độ có quyền lực “ban cho” mọi người. Sau Phục sinh, qua nhiệm tích Thánh Thể, Đức Giêsu xé nát mình và máu thành từng mảnh để trao ban cho mọi người. Lời nói “cho” bánh và rượu là lời hiến tặng cuộc hy sinh của Người, và cũng là lời mời gọi chúng ta đi vào mầu nhiệm tình yêu của Người.
Bultmann, và những người duy lý, muốn biết Đức Giêsu đã chết thế nào. Xin trả lời, Đức Giêsu đã chuyển cuộc tử nạn thành một nghĩa cử tâm linh cho một xác quyết: tự-xé-nát-thân để tự-phân-phát tình yêu; đồng thời cũng là một động tác tôn vinh Thiên Chúa. Lời nói trong bữa tiệc ly nếu không có cái chết-cho-tình-yêu đi kèm, chẳng khác gì tấm ngân phiếu không tiền bảo chứng. Nhưng nếu cái chết không có lời-trao-ban đi kèm, cuộc tử nạn chỉ là bản án tử hình vô nghĩa. Cuộc hy tế là điểm cao nhất của tình yêu. Đó là ý nghĩa Đức Giêsu muốn chúng ta hiểu về cái chết của Người. Như vậy trong nhiệm tích Thánh Thể, cả ba thành tố: tình yêu, hiệp thông và phụng thờ Thiên Chúa quyện thành một. Suy ra khi chúng ta nhận lãnh Thánh Thể mà không có lòng mến Chúa yêu người, tự bản chất đã có sự tan vỡ, chúng ta sẽ không có sự hiệp thông.
Chúng ta thấy sự trao ban Mình và Máu của Đức Giêsu rất phù hợp với kỳ vọng của Cựu Ước. Sách Isaia chương 53 nói, “đổ ra cho các ngươi và cho nhiều người.” Những kiểu nói tương tự như thế vốn là lời tế tụng của dân Do Thái trong thời kỳ lưu đày ở Babylon. Vào lúc đó đền thánh Giêrusalem không còn. Mọi phụng vụ trong đền thờ không còn. Để duy trì sự kết hợp liên tục với Thiên Chúa, dân Do Thái chấp nhận đau khổ như một lối phụng vụ mới. Nỗi đau khổ của họ được coi như là cuộc hiến tế để xám hối. Tuy vậy trong mối khắc khoải đau khổ, họ vẫn mong có một đấng sẽ đến thực hiện điều ấy một cách trọn vẹn hơn. Khi Đức Giêsu tự nói “Đổ ra cho các ngươi và cho nhiều người”, Người đã không nói cho mình, nhưng thay mặt cho toàn thể nhân loại. Nơi Người, nỗi mong đợi của Cựu Ước đã thành đạt.
Tân Ước cho biết chỉ có lời nói sẽ không đủ. Chỉ có cái chết cũng không đủ. Có cả hai vẫn không đủ. Phải có Phục Sinh mới hoàn toàn đầy đủ cho nhiệm tích Thánh Thể (1Cr 15:14). Nhiều người có tầm nhìn cục bộ hoặc nhắm vào lời nói, hoặc chú ý đến cái chết, hay nệ vào cách tường thuật dị biệt của kinh điển, nên không nắm vững vấn đề. Chẳng hạn một số người ngưng đọng tầm nhìn ở khóm chữ “cho nhiều người”. Trong tiếng Hebrew, “nhiều người” cũng đồng nghĩa với “mọi người”, nên không có vấn đề dịch sai nhưng tùy hướng nhìn mà dịch khác nhau. Cả hai công thức “nhiều người” và “mọi người” đều được dùng trong truyền thống của Giáo Hội. Sách lễ Latin và Tân Ước Hi Lạp đã dùng chữ “nhiều người”. Sách Tân Ước của những ngôn ngữ khác dùng chữ “mọi người”. Tuy nhiên cả hai khóm từ này đều không diễn tả được trọn vẹn ý nghĩa của Phúc Âm. Muốn lãnh hội đúng, chúng ta phải đặt câu nói này trong toàn mạch Thánh Kinh.
Mặc dù ơn cứu độ ban cho tất cả, nhưng không vì thế mà tất cả mọi người đều được cứu rỗi. Thiên Chúa không cưỡng ép bất cứ ai phải chấp nhận ơn cứu độ của Người. Thiên Chúa thật sự là một người Cha, Đấng chấp nhận tự do, và tôn trọng phẩm giá tự do của con cái. Cho dù con người dùng tự do ấy để phủ nhận Thiên Chúa, phẩm tính tự do không vì thế mà bị hủy bỏ. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa muốn cứu mọi người, nhưng không phải mọi người đều được cứu một cách máy móc. Khi nói “cho mọi người” Hội Thánh cố ý nhấn mạnh vào tính phổ quát của ơn cứu độ. Ơn này chỉ thành tựu khi có sự đáp ứng của con người. Cho nên khi nói: “nhiều người được cứu rỗi”, đó không phải là sự thất bại nhưng là sự lựa chọn từ ý chí tự do của con người.
Theo trọn vẹn ý nghĩa Tân Ước, cũng như theo trọn vẹn cốt tủy của truyền thống giáo hội, là mặc khải về ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Đức Giêsu biểu lộ tình yêu trong cách thế tuyệt hảo nhất: Người trao ban chính Người, để nâng chúng ta lên và để cứu rỗi chúng ta. Nếu Đức Giêsu chỉ chết cho một nhóm người thì nghĩa cử ấy đâu còn tuyệt hảo nữa. Thiên Chúa không đặt ra một đường ranh giới ngăn cách con cái của Người. Thánh Phaolô đã nói rõ, “Đức Giêsu đã hiến mình làm của lễ hy sinh cho toàn thể” (1Tm 2:6) và “một người chết cho tất cả” (2Cr 5:14). Đây là đức tin chính thống của Công Giáo. Đã có lúc, vào thế kỷ thứ 7, Jansen (1585-1638) tung ra dị thuyết cho rằng Đức Giêsu không chết cho tất cả mọi người. Giáo Hội đã mạnh mẽ phủ nhận chủ xướng sai lạc này. Lối suy nghĩ ấy chỉ có nơi kẻ ích kỷ, kẻ không thể chấp nhận tiền công trả cho người đến sau cũng bằng với người đến trước. Đó là thái độ của người anh, kẻ không chịu nổi tình yêu của cha mình đối với đứa em hoang đàng thoát chết. Những người này chỉ cảm thấy hạnh phúc khi người khác thua kém mình. Như vậy họ chỉ đến với họ không phải đến với Thiên Chúa. Đức tin đức mến đối với họ là một gánh nặng. Họ thích sống đầy đủ giữa những kẻ thiếu thốn. Một cuộc cứu độ ganh tị không phải là ơn cứu độ của Công Giáo.
Chúng ta hãy suy luận tiếp câu nói thứ ba của Đức Giêsu: “Đây là máu giao ước”. Đây là lời xác quyết Đức Giêsu chấp nhận cái chết. Cuộc tử nạn của Đức Giêsu là sự cô đọng toàn thể Cựu Ước bao gồm thần học Hiến tế, thần học Lưu Đày, và thần học Tôi Tá Đau Khổ. Giờ đây chúng ta còn thấy câu nói thứ ba này nêu ra một chủ đề quan trọng khác: Đức Giêsu lấy máu để đóng ấn Giao Ước Mới. Người lấy máu để thành lập huyết thống anh em với nhân loại (2). Thánh Augustine, đã có lần giảng trong ngày lễ Tiền Phục Sinh: “Các con cần hiểu rằng các con đã nhận được gì. Đức Giêsu nói (qua các Tông Đồ), ‘Chúng ta tuy nhiều nhưng chỉ là một Thân Thể,… một Bánh.’ Đó là tất cả những gì các con cần biết” (Mt 26:26-30; Lc 22:19-20; 1Cr 10:16-17, 12:27). Thật thế, Thánh Thể đã kết hợp chúng ta thành một thân thể. Đức Giêsu là Đầu, chúng ta là chi thể. Đó là Tân Ước của Đức Giêsu. Vì Đức Giêsu là Thiên-Chúa-người, cho nên khi lập Giao Ước Mới này, Người đại diện nhân loại tế lễ Chúa Cha, cùng lúc Người cho chúng ta hợp nhất với bản thể Thiên Chúa của Người, để mang chúng ta đến với Cha. Người đã mở một cánh cửa mà chúng ta không thể nào tự mở cho mình, một ân phước chúng ta không bao giờ dám nghĩ tới.
Trở lại với câu phê bình: phải chăng Đức Giêsu đã thất bại? Theo nhãn quan duy lý của trần thế, ngay từ lúc đầu Đức Giêsu đã thất bại. Lời giảng đạo của Người ít được ai theo. Không những thế vì những lời giảng ấy mà còn bị giết. Nhưng Kitô giáo không quan niệm thành công dựa trên những con số thống kê tín đồ. Sự thành công nằm ở Thập tự Giá và ở nhiệm tích Thánh Thể. Thập Tự Giá là dấu hiệu Thiên Chúa toàn thắng sự chết và tội lỗi. Thánh Thể là bằng chứng Thiên Chúa hằng hiện diện. Thiên Chúa đến chia sẻ nỗi đau khổ với con người. Con người không còn sống lẻ loi, không bị bỏ rơi. Mình và Máu là Sự Sống và là nguồn lực thanh lọc con người. Nhờ đó con người không còn là một sinh vật ô uế, nhưng được cứu vớt. Những điều này vượt trên ý niệm thành công, vì giá trị không thể đo bằng số lượng.
Trả lời cho ký giả Vittorio Messori về hiện tượng tín đồ giảm thiểu, đức Gioan Phaolô II đã nói những lời rất giản dị nhưng cũng rất bất hủ, “Tôi nghĩ rằng Đức Giêsu đã trả lời cho câu hỏi này rồi, Người nói: Khi Con Người đến, liệu có còn niềm tin trên trái đất nữa không?” (Lc 18:8). Nhưng trước khi nói câu đó, Đức Giêsu đã an ủi những ai theo Người: “Đừng sợ hãi! Hỡi đàn chiên bé nhỏ! Vì Cha các ngươi đã ban Nước Trời cho các ngươi” (Lc 12:32). (Đức Gioan Phaolô II đã nổi tiếng với khẩu hiệu “Đừng sợ hãi” trong suốt triều đại của ngài.) Hiển nhiên Đức Giêsu định rằng chân lý cứu độ không phải là một lời hứa dễ dàng cho mọi người. Chúng ta không thể hạ thấp Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, trở thành một ông tiên, người dùng đũa thần biến hóa mọi thứ để có một kết cuộc hạnh phúc theo ý chúng ta. Trong khi con người muốn sống hưởng thụ, thì Phúc Âm của Đức Giêsu đưa ra những thách thức nghịch lý: “Ai muốn được cứu phải vác thập giá”, “Ai muốn sống cái tôi phải chết”. Đó là nền tảng Tin Mừng của Đức Giêsu, nhưng đó cũng là nguyên do chống đối của những người theo chủ nghĩa duy lý.