Một trong những phương cách khai tâm cực kỳ đặc thù của Đức Giêsu là trao ban những lời giáo huấn nghịch lý. Chẳng hạn Người nói: “Ai không ghét cha mẹ anh em mình thì không xứng đáng là môn đồ của ta.” Mục đích tối hậu của lối giáo huấn này là tạo nên cuộc chấn động nội tâm của đệ tử và dồn óc duy lý của họ vào chỗ bí. Khi trí phán đoán theo lý lẽ trần thế bị loại bỏ, nó bắt buộc phải tìm một nền ý thức khác để giải tỏa. Nhờ đó mà tâm thức hướng về chân lý mở ra. Đức Giêsu nói với các môn đồ: "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất… Anh em tưởng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao?” Chính qua những câu nói này Đức Giêsu đã mạc khải đường tu đức cho mọi Kitô hữu.
Mục đích xuống thế của Đức Giêsu là gì? Theo thánh Luca, Đức Giêsu nói: “Thầy đến để ném lửa vào mặt đất”. Cùng thuật lại việc này, thánh Mátthêu ghi là: "Thầy đến để đem gươm giáo.” Câu nào tự chính nó cũng đầy nghịch lý, huống chi lại có hai tường thuật khác nhau, điều này khiến không ít Kitô hữu hoang mang. Vì vậy trước hết chúng ta cần tìm hiểu sự kiện qua chú giải thánh kinh.
Bản Phúc Âm của thánh Mátthêu ra đời trong thập niên 40-50, viết bằng tiếng Aram. Hiển nhiên thánh Mátthêu viết sách cho người Do Thái. Thánh Mátthêu là một trong 12 vị tông đồ tiên khởi của Đức Giêsu. Vì vậy những gì thánh ghi chép có độ chính xác cao về mặt sử liệu. Tuy nhiên bản văn gốc bằng tiếng Aram của thánh đã bị thất truyền. Bản Phúc Âm theo thánh Mátthêu mà chúng ta hiện có chỉ là bản dịch qua tiếng Hylạp của thế hệ sau. Các học giả thánh kinh phỏng định rằng bản văn này ra đời trong khoảng năm 70-80, nhưng không biết ai là tác giả. Họ cũng không thể xác định độ dịch chính xác so với bản chính đến mức nào. Giáo Hội đã công nhận bản văn Hy Lạp này là chính thư vì căn cứ vào giá trị thần học hơn là về khía cạnh sử liệu.
Thánh Luca là môn đệ của thánh Phaolô nên thuộc thế hệ đời sau. Sách Phúc Âm theo thánh Luca là bản Phúc Âm thứ 3 sau bản Mátthêu và Máccô. Sách được viết vào khoảng thập niên 80-90. Nguyên bản viết bằng tiếng Hy Lạp với chủ ý truyền bá đạo Chúa cho người Hy Lạp. Phân tích mạch văn và tài liệu trong tác phẩm này, các học giả cho rằng thánh Luca đã sử dụng tài liệu từ những bản Phúc Âm có trước (nguồn Mátthêu, Máccô, Q, L và Phaolô) cộng với nguồn truyền khẩu.
Có khoảng cách lớn về thời gian và văn hóa giữa hai thời đại của Mátthêu và của Luca. Có lẽ yếu tố này đã ảnh hưởng trên tư duy của hai thánh. Tra cứu kinh điển chính thức của Giáo Hội là bộ Vulgata (viết bằng tiếng Latin) 1 Phúc Âm Luca ghi: “Ignem veni mittere in terram” (ignem = lửa) (Luc 12:49). Bản tiếng Việt đã dịch là: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất”. Dò trong Phúc Âm theo thánh Mátthêu, bản Vulgata viết: “non veni pacem mittere sed gladium” (gladium = gươm) (Mat 10: 34).2 Bản tiếng Việt: “Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo”. Như vậy Giáo Hội tôn trọng cả hai bản văn. Nếu chấp nhận sự kiện này, chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã dùng cả hai biểu tượng lửa và gươm để giáo huấn đệ tử. Trong kinh điển cũng thường có hình ảnh đôi như vậy. Chẳng hạn khi tổ phụ mẫu Ađam-Eva bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, Thiên Chúa phái thiên thần cầm gươm-lửa canh gác con đường dẫn đến cây trường sinh (KN 3:24).3
Để hướng dẫn con người tiếp cận với những khái niệm siêu hình, Thiên Chúa dùng những hình ảnh tượng trưng để dẫn lối, chẳng hạn Đức Giêsu ví nước trời như vườn nho (Mat 20:1-16). Nhờ những biểu tượng trung gian đó, con người cảm được sự gần gũi với Thiên Chúa (GLCG 1147). Những biểu tượng được dùng phải là những vật quen thuộc trong đời sống của người nghe. Từ đó chúng mới mô phỏng được những chủ đề của định mệnh con người và kích động ý thức siêu việt trong tâm thức người suy niệm. Chính vì nguyên tắc này, người thời nay khi đọc Phúc Âm phải vượt ra khỏi những cảnh huống mang tính cục bộ, gò bó trong khung văn hóa địa phương, mới thấu triệt được tâm ý người xưa.
Chúng ta hãy xét đến hai biểu tượng lửa và gươm.
Theo truyền thống Kitô Giáo, lửa là biểu tượng cho tác động của Thánh Thần hoán đổi tất cả những gì mà lửa đụng tới (GLCG 696). Chẳng hạn lửa từ trời bay xuống thiêu đốt lễ vật của Abraham. Thánh Gioan tẩy giả cho biết Đức Giêsu sẽ đến làm phép rửa cho nhân loại trong lửa (Luc 3:16). Buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần ngự xuống trên đầu các tông đồ dưới dạng ngọn lửa. Sau đó các tông đồ trở nên dũng mãnh và thông hiểu mọi sự (CV 2:3-4). Theo thánh Augustine, lửa là chất cao quí nhất để tẩy xóa vết nhơ, bản tính của lửa là tôi luyện và cho ánh sáng, là thuộc tính của vinh quang (Summa Theologica, phần 74).
Gươm tượng trưng cho lời nói dũng mãnh của Thiên Chúa, sắc như gươm hai lưỡi, xuyên thấu tâm can, phân cách tâm linh và trần tục (Êp 6:17; Hr 4:12; KH 1:16). Lời Chúa là những mạc khải về chân lý hằng sống, khác với những lời dạy về lợi nhuận thế gian (KH 2:12). Vì vậy lời Chúa khiến con người biến đổi từ ô uế qua lành mạnh. Do đó lưỡi gươm còn là biểu tượng cho sức mạnh tách biệt hai bên. Một bên là những người sống theo chân lý và bên kia là những người phủ nhận chân lý.
Chúng ta hãy suy niệm biểu tượng lửa và gươm trong toàn bộ câu nói của Đức Giêsu, dựa theo trình thuật của thánh Luca và Mátthêu.
Trích Phúc Âm theo thánh Luca, chương 12: (49) "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! (50) Thầy còn một phép rửa phải chịu, lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! (51) Anh em tưởng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế, nhưng là đem chia rẽ. (52) Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. (53) Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng".
Lời phán của Đức Giêsu chia làm hai phần. Phần đầu (hai câu 49 và 50) nói về mục đích nhập thế của Người là thanh tẩy thế gian (qua biểu tượng lửa). Phần kế (từ câu 51đến câu 53) nói về hiệu quả tiếp nhận của con người (qua biểu tượng phân chia). Thánh Mátthêu nhấn mạnh vào chủ đề phân chia nên thánh chỉ nhắc đến biểu tượng gươm. Trích Phúc Âm theo thánh Mátthêu, chương 10: (34) "Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. (35) Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. (36) Kẻ thù của mình chính là người nhà.”
Một số người chỉ nhìn vào nghĩa đen của câu nói nên đã cho rằng Đức Giêsu cổ võ chiến tranh. Hiểu như vậy là không hiểu gì cả. Để rõ ràng hơn, chúng ta hãy suy niệm lời phán của Đức Giêsu theo thứ tự từng câu, theo biểu tượng thần học.
(49) Thầy đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!
Lửa ở đây là Thần khí thanh tẩy, biểu tượng mãnh lực cải hóa tâm hồn. Lửa nằm trong lời giảng về Nước Trời của Đức Giêsu. Rao giảng nước trời, Đức Giêsu xác nhận, “Chính vì thế mà Ta được sai đến” (Luc 4:43). Vì vậy Người mong cho lửa (sự cải hóa) bùng lên khắp nơi cho đến tận cùng trái đất.4 Lửa còn có thêm một ý nghĩa thanh tẩy khác nữa, nhưng phải đặt câu 49 kết hợp với câu 50 chúng ta mới nhìn ra.
(50) Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!
Sau khi mang lửa Thần Khí thanh tẩy (lời giảng tin mừng) đến cho loài người, Đức Giêsu cho biết còn một một việc nữa Người phải làm thì cuộc thanh tẩy mới hoàn tất. Việc phải làm đó là cuộc tử nạn, bí tích thanh tẩy (phép rửa) nguyên tội cho toàn thể nhân loại, mà chính Người “phải chịu” là hy lễ dâng lên Chúa Cha (GLCG 1225).5 Qua lời phán này, Đức Giêsu xác định vị thế cao cả của Người là Đấng Mêsia (Đấng Thiên sai) và là Đấng Cứu Chuộc.6
(51) "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.
Chúng ta chỉ có thể nhận định đứng đắn về đoạn Phúc Âm trên khi đặt câu nói vào đúng thời điểm của lịch sử. Trong khung hẹp không-thời gian của thế kỷ I, lời nói của Đức Giêsu chỉ nhắm vào nguời Do Thái. Vào giai đoạn đó họ chờ mong một đấng cứu thế mang lại hòa bình cho đất Judea khỏi ách thống trị của đế quốc La Mã.7 Đức Giêsu minh xác sự hiện diện của Người không mang lại nền hòa bình theo ý họ nghĩ. Trái lại Người đến để truyền bá một giáo lý mới. Một giáo lý gây nên cuộc cách mạng tâm hồn. Nó đánh động lương tâm mỗi người phải lựa chọn giữa nếp sống mới và nếp sống cũ. Sự “chia rẽ” bắt buộc phải xảy ra để tiến hóa. Sự chia rẽ bắt đầu với chính mình giữa cái tôi mới và cái tôi cũ. Đức Giêsu không nói những gì thiên hạ muốn nghe, Người chỉ nói đến sự thật. Trời đất qua đi nhưng sự thật của Người không thể thay đổi (Mat 24:35). Cho nên lời nói này cũng vẫn đúng trong mọi thời đại.
(52) Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. (53) Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng".
Cảnh tượng cha mẹ con cái chống đối lẫn nhau là một hình ảnh khó chấp nhận. Nhưng nếu ta đặt câu này trong bối cảnh lịch sử và văn học của nó, ý nghĩa sẽ thay đổi hẳn. Theo thần học gia Ulrich Luz, kiểu nói con cái, dâu rể, và cha mẹ chống đối lẫn nhau là công thức lập lại từ lời nói của tiên tri Mica. Tiên tri Mica ví von cảnh sa đọa của dân Judea dưới thời vua Hezekiah (trị vì từ 715 đến 686 BC) như sau:
Quả thật, con trai khinh thường cha,
con gái đứng lên chống lại mẹ,
nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà lại hoá ra thù địch (Mic 7:6).8
Tuy là một nhận xét thời cuộc, nhưng tiên tri Mica đã diễn tả theo truyền thống dụ ngôn chứ không phải ghi chép lịch sử. Với hình ảnh tượng trưng và thực chất biền ngẫu, câu văn đã trở thành một thành ngữ văn chương vào thời đó. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc do Mica vẽ ra để dẫn tới một hướng khác. Người mạc khải về cuộc chiến nội tâm của từng Kitô hữu. Cuộc chiến khởi đầu từ trong gia đình, vì từ đơn vị xã hội căn bản đó, cá nhân phải thức tỉnh trước hết. Cá nhân phải nhận ra những vướng mắc rất nặng nề đầy tính ích kỷ, ganh tỵ, kiêu ngạo của liên hệ gia đình để có tâm buông xả sống trong tự do.
Suy cho kỹ, nếu ta chỉ biết tôn sùng cha mẹ anh em, rốt cuộc ta chỉ thờ phượng chính mình. Bởi vì ta dồn hết tâm trí tranh đấu cho gia đình mình có địa vị cao sang hơn người. Những người dưng trở thành kẻ đối nghịch cần phải đè bẹp. Nếu chỉ yêu gia tộc của mình, tình yêu đó đặc sệt tính ích kỷ. Mối bận tâm của những người theo Đức Giêsu không phải là đi tìm vinh quang cho gia đình và bộ tộc. Có nghĩa là họ không thể thờ phượng cái tôi giả tạo, cái hư vị được bọc kín bởi chức vị, tiền bạc, quyền tước… Những thứ này chỉ có giá trị ngẫu nhiên và chúng bắt buộc phải tàn lụi. Cái tôi giả tạo không có sự sống thật. Nếu ta cứ muốn bị giam trong ngục tù danh giá gia tộc kiểu này, Thiên Chúa không thể giúp ta được. Vì vậy điều kiện Người đưa ra cho môn đệ là trước hết phải biết buông xả tính vị kỷ để tâm được tự do. Đó là cái giá Đức Giêsu đưa ra cho những ai muốn theo Người. Thánh Phanxicô hơn ai hết đã hiểu lời dạy này qua câu nói ngược tuyệt diệu: “Chính lúc quên mình là lúc tìm được bản thân mình.”
Thánh Mátthêu có thêm một đoạn kết rất mạnh mẽ đúc kết ý nghĩa rõ hơn.
(36) Kẻ thù của mình chính là người nhà.
Ai theo Đức Giêsu phải có lòng từ tâm biết yêu người dưng như người nhà. Đó là tình yêu agape của Thiên Chúa giáo. Rốt cuộc gia đình mới của họ sẽ gồm những ai? Đức Giêsu cho biết: “Ai theo thánh ý Thiên Chúa thì người ấy là mẹ Ta và là anh chị em của Ta” (Mat 12:50). Nhưng nếu kẻ thù thực sự là kẻ thù thì sao? Chẳng hạn hắn là kẻ khủng bố hay là kẻ cực kỳ gian ác. Nếu chỉ dựa vào tâm trí của mình, ta không thể thương hắn, nhưng qua Chúa Giêsu ta có thể thương hắn. Ta kết án những việc hắn làm, nhưng thương cho sự bất hạnh của hắn. Cũng không nên ngộ nhận rằng ta phải ghét cha mẹ anh em sau đó mới có tình yêu agape. Đối với gia tộc, ta chỉ ghét những cái đáng ghét để chỉ còn lại những cái đáng yêu. Khi không còn cái đáng ghét ta sẽ yêu cha mẹ anh em hơn. Sự tham gia bằng tất cả trái tim dứt khoát của môn đệ đã cắt nghĩa trọn vẹn biểu tượng lửa và gươm.
Chúng ta còn thêm một nhận xét phụ khi nhìn vào lịch sử nước Do Thái trong thế kỷ I. Vào thời đó, dân Do Thái có đầu óc bảo thủ rất mạnh, đặc biệt là nhóm Pharisêu. Họ cho rằng Giavê là Thiên Chúa của riêng họ. Dân Do Thái là chủng tộc ưu việt vì họ là dân do Giavê chọn, vì vậy họ dễ sinh lòng ái quốc cực đoan. Họ gọi những chủng tộc khác là dân ngoại và khinh chê dân này như kẻ thù. Đức Giêsu đã khai triển khái niệm thần học về Nước Chúa vượt ra khỏi biên giới nước Do Thái. Người bắt họ phải yêu “kẻ thù” như người nhà. Đa số các dụ ngôn của Đức Giêsu thường đề cao dân ngoại Samaritan là vì vậy.9
Lời nói của Đức Giêsu như một tâm sự, trong ngôi vị nhân tính, bày tỏ nỗi lòng mong muốn của Người. Người muốn cảnh tỉnh và hòa đồng với những kẻ chống đối. Người chịu chết để cứu họ, cho ngay cả những kẻ đóng đinh Người. Tình thương bao la của Chúa Giêsu là một huyền nhiệm. Suy niệm tình yêu của Đức Giêsu, các biểu tượng trong lời nói của Người trở nên sống động, vì chúng biểu lộ sự toàn thiện của vinh quang Thiên Chúa.