Trong diễn từ nhân lễ khai trường Đại Học Giáo Hoàng Urbanô ở Rome, vào ngày 21-10-2014, Đức Bênêđíctô XVI đã khẳng định Thiên Chúa giáo không thể coi như các tôn giáo khác. Điểm chính của chủ đề ngài nêu ra như sau:
Chúa Kitô phục sinh chỉ thị cho các môn đệ đi đến tận cùng trái đất giảng đạo, nhưng điều đó có còn hợp thời không? Bây giờ là thời điểm của hòa đồng tôn giáo và người ta tin rằng đó là nghĩa vụ xây dựng hòa bình cho thế giới. Theo lối suy tư này người ta cho rằng các tôn giáo chỉ là những biến thể khác nhau nhưng cùng biểu hiện một chân lý duy nhất. Hòa đồng là cùng nhau hướng về một sự thật duy nhất.
Sau đó vị Giáo Hoàng danh dự đặt ra vấn đề: Như vậy phải chăng truyền đạo có thể thay thế bằng hành vi thiết thực là đối thoại hòa đồng tôn giáo? Rồi ngài trả lời, “Tuy nhiên, tư duy này là liều thuốc độc cho đức tin” (This is, however, lethal to faith).(1)
Bài diễn từ của Giáo Hoàng Danh Dự ngắn gọn nhưng đưa ra một nhận định quan trọng. Ở đây, tôi không có ý phân tích ý tưởng thần học của đức Bênêđíctô XVI. Tôi cũng không làm công việc so sánh Công Giáo với các tôn giáo. Tôi chỉ xin nhắc lại một số điểm rõ nét của đức tin Công Giáo nên được lưu ý.
Khi nghiên cứu về tôn giáo, người ta nhận ra các tôn giáo đều dạy những điều tốt lành. Trong bối cảnh đó nếu ai nói “chỉ có một tôn giáo mang chân lý đích thực”, người đó bị coi là có đầu óc chật hẹp. Mạnh hơn nữa sẽ bị kết án là cuồng tín theo bản chất tôn giáo bộ lạc. Vô hình trung nhiều người chấp nhận tinh thần dân chủ, các tôn giáo đều bình đẳng.
Tất cả các tôn giáo đều có phần tương tự về những giới răn đạo đức, nhưng đó là nền luân lý xã hội, nó không phải là tôn giáo. Cho luân lý là cốt lõi của tôn giáo là một nhận định sai lầm. Những người phản đối đầu tiên lại là những người vô tôn giáo. Trước đây một thế kỷ, Sigmund Freud đã xác quyết: luân lý bắt nguồn từ văn hóa không phải từ tôn giáo. Dĩ nhiên người vô thần cũng có luân lý. Bất cứ một cộng đồng dân chúng nào cũng có khả năng xếp đặt những giá trị cơ bản cho con người, theo chiều kích xã hội.
Công Giáo vượt xa hơn một hệ thống luân lý. Ngay cả về mặt luân lý, Công Giáo cũng có quan điểm khác với mọi khuynh hướng. Công Giáo công nhận tất cả mọi người đều có luân lý, nhưng gốc của nó không đến từ văn hóa và cũng không đến từ tôn giáo (tức từ con nguời). Chúng là những giá trị tiền định do Thiên Chúa đặt sẵn vào lương tâm con người từ thuở bẩm sinh. Rồi qua tác động của Chúa Thánh Linh, tín đồ Kitô dùng ý thức đạo đức để kiện toàn nền luân lý cho được trọn vẹn. Nhờ đó Kitô hữu chuyển hóa nội tâm trở thành một thực thể tâm linh.
Người ta tin rằng tôn giáo nào cũng có yếu tố siêu việt. Ở tận cùng tầng siêu việt là tầng tâm linh. Từ đó người ta có tiền đề: tôn giáo dạy con người phải làm gì, để vươn ra khỏi giới hạn phàm tục, đi vào tầng siêu việt của thế giới tâm linh.
Chúng ta biết các tôn giáo không giống nhau. Có tôn giáo thờ phiếm thần (nhiều thần) như Ấn giáo, có tôn giáo không tin vào thần linh như Phật giáo, có tôn giáo do triết gia đặt ra như Khổng giáo hay Lão giáo .v.v… Với sự đa dạng của các tôn giáo, danh xưng “siêu việt”( hay “đạo”, hay “giác ngộ” …) là một ý niệm quá mơ hồ. Nó có thể áp dụng một cách chung chung cho tôn giáo và cũng cho bất cứ hệ thống tư tưởng nào, ngay cả chủ nghĩa Marxism. Danh từ “tâm linh” cũng trở thành cách nói theo mốt thời đại và mang ý nghĩa tùy theo quan điểm của từng nhóm.
Với quan niệm “tôn giáo (đạo) dạy con người phải làm gì”, người ta đi đến định nghĩa đạo là con đường. Con đường do người tạo ra để đi lên cõi siêu việt gặp Thượng Đế. Bởi vì do người làm ra nên đương nhiên phải có nhiều con đường và chúng đều có giá trị ngang nhau.
Công Giáo trái lại dạy rằng chính Thượng Đế tạo ra con đường và chính Thượng Đế đi xuống gặp con người. Thượng Đế chỉ tạo ra một con đường. Công Giáo đã chọn con đường do Thượng Đế tạo ra. Đức Kitô phán “Ta là đường đi, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Ta.” (Ga 14,6)
Với Công Giáo, “tầng siêu việt” và “tâm linh” là chứng nghiệm “tôi ở trong Chúa” và “Chúa ở trong tôi”. Chính Đức Kitô nói, “Ta là cây nho các con là cành nho.” Khóm từ “Đức Kitô ở trong tôi” không phải là ngôn ngữ tượng trưng để ám chỉ một tâm hồn đạo đức, nhưng trọn vẹn là một thực thể tâm linh, một cuộc chuyển hóa ở bên trong. Chứng nghiệm này hoàn toàn do đức tin mà có.
Ngôi vị của Đức Kitô vượt cao hơn một vị tiên tri hay một tôn sư. Đức Kitô là Thiên Chúa, là sự sống của nhân loại và của cả vũ trụ. Đối với nhân loại Người là Ađam thứ hai, nghĩa là Nguyên lý sự sống của Người tuôn vào linh hồn chúng ta, để chuyển hóa chúng ta nên linh thiêng, và làm chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên vì con người có quyền tự do chấp nhận hay từ chối, nên chỉ những ai tin vào Người mới là con Thiên Chúa. Thánh Phaolô nhấn mạnh Hội Thánh là Thân Thể Chúa Kitô (1Cor 12:12). Chúa Kitô là đầu, toàn thể Kitô hữu là chi thể. Chúa Kitô tạo dựng, bảo tồn, và lãnh đạo Hội Thánh tương tự như đầu hướng dẫn các chi thể để thành một thân thể.
Nói theo mô thức cấu trúc: chúng ta thấy Thiên Chúa qua Đức Giêsu, chúng ta thấy Đức Giêsu qua Giáo Hội, chúng ta thấy Giáo Hội qua tín đồ. Thứ tự này không phải là một trật tự nhưng để nêu rõ Thiên Chúa hiện diện trong Giáo Hội và trong mọi tín hữu. Nói theo ngôn ngữ kinh điển: con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Công Giáo gắn liền với phép lạ, vì vậy không thể nói đến Công Giáo mà không nói đến phép lạ. Thiên Chúa tạo ra vũ trụ là phép lạ. Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thế là phép lạ. Đức Giêsu chữa bệnh là phép lạ. Đức Giêsu sống lại là phép lạ.
Phép lạ không phải chỉ có vào thời xa xưa, nhưng vẫn tiếp tục xảy ra trong mọi thời đại. Phép lạ ở Fatima, phép lạ Bánh Thánh và Rượu Thánh trở thành thịt và máu … Ngoài ra còn có phép lạ của các thánh như thánh Martin de Porres chữa lành bệnh nhân, thánh Padre Pio xuất hiện ở những nơi rất xa ngoài nơi ngài đang ở…
Công Giáo không bao giờ đề cao phép lạ như quá trình hiện hữu của Công Giáo. Tuy nhiên các phép lạ đã trực tiếp hay gián tiếp chứng minh sự hiển hiện của Thiên Chúa hơn tất cả những lời biện luận của người đời. Nếu Công Giáo không có sự thật làm sao phép lạ có thể xảy ra. Phép lạ cho thấy những ai tin vào Thiên Chúa sẽ tìm thấy Người. Phép lạ chứng tỏ Thiên Chúa yêu con người không phải như Đấng quyền năng dùng sức áp chế, nhưng hiển hiện để nâng đỡ con người. Thiên Chúa yêu con người như chàng rể yêu cô dâu. Đối với Giáo Hội, Đức Giêsu là đầu, tín đồ là chi thể của một thân xác.
Tựu trung những lời phê bình Công Giáo có thể cô đọng qua hai điểm chính. Phê phán thứ nhất cho rằng Công Giáo đã lập luận như một siêu tôn giáo. Điểm thứ hai cho rằng Công Giáo đã dẫn tới phán quyết “người bên ngoài Công Giáo không có ơn cứu chuộc.”
Cả hai kết án trên đều không đúng. Công Giáo không do con người đặt ra theo ý muốn của mình, nên không có bất cứ quyền lực nào tự phong cho mình. Công Giáo do Ngôi Hai Thiên Chúa lập ra. Đức Giêsu nói, “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Ta”. Tín hữu Kitô đều hiểu rằng Đức Giêsu nói câu này không trong tư cách một người Do Thái. Đó là lời phán của Đấng có từ thủa đời đời trước khi có thời gian. Vì vậy câu nói này có giá trị vượt không gian và thời gian, bao trùm toàn thể nhân loại. Thượng Đế không trừng phạt kẻ không biết Người. Thượng Đế chỉ trừng phạt kẻ tội lỗi dù kẻ đó là tín đồ Công Giáo. Thượng Đế gửi đến Đấng cứu chuộc vì chỉ trong quyền năng Thiên Chúa con người mới được cứu độ. Giáo Hội chỉ là cộng đồng của những người đặt niềm tin vào Đức Kitô mà thôi.
Điểm thứ hai, “ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” là câu nói của thánh Cyprianô chỉ có tính cách cá nhân kêu gọi nhóm ly giáo trong thế kỷ I. Theo ý thánh Cyprianô ly khai khỏi Giáo Hội chẳng khác gì ly khai khỏi Chúa Kitô. Tuy nhiên Giáo Hội Công Giáo chưa bao giờ chấp nhận lập trường này. Năm 1953, linh mục Leonard Feeney đã bị phạt vạ tuyệt thông vì lập lại quan niệm ấy. Ngay từ thế kỷ 15 Công Đồng Florence đã cải chính rằng Thiên Chúa chịu chết để cứu độ cho tất cả mọi người. Thiên Chúa không luận phạt người công chính, dù họ ở tôn giáo khác. Sách Giáo Lý Công Giáo công nhận : những ai chưa biết Tin Mừng Đức Giêsu và Giáo Hội của Người, nhưng đang tìm chân lý và thực hiện ý Chúa theo sự hiểu biết của mình thì có thể được cứu độ (# 1260). Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, qua Tông huấn Redemptoris Missio (Sứ Mệnh Của Chúa Cứu Thế, 1990), cho rằng mầu nhiệm cứu độ do Thiên Chúa hoạch định không giới hạn trong không gian và thời gian, hiện diện trong các nền văn hóa và tôn giáo, theo cách thế chỉ Thiên Chúa hiểu. Tuy nhiên Công Giáo là mầu nhiệm hữu hình của ơn cứu độ một cách trọn vẹn nhất.
Trong ba đức hạnh căn bản của Công Giáo: tin-cậy- mến, đức tin phải có trước hết. Có đức tin sẽ dẫn tới đức trông cậy và đức yêu mến. Thánh kinh nói rõ: con người được cứu rỗi nhờ đức tin (Ep 2:8-9).
Trong Công Giáo, đức tin không phải là một trạng thái tĩnh nhưng là một nỗ lực đầy năng động và siêu việt. Công Giáo phủ nhận quan niệm cho rằng con người chỉ có thể tin và yêu Thiên Chúa nhờ có cảm giác về Người. Quan niệm ấy đã gạt tri thức và ý chí tự do ra ngoài. Giáo Hoàng Bênêđic XVI đã nhiều lần minh xác lý trí và đức tin phải tác động đồng bộ. Đức tin phải có sự đóng góp của ý chí tự do và tri thức về chân lý. Bởi vì mình chỉ có thể tin nếu mình muốn tin. Đức tin (Devine Faith) có tính chất siêu việt vì Thiên Chúa là sự thật tiên khởi của mọi sự thật, do đó tin vào Thiên Chúa là một ân sủng.
Trước nhiệt tình hăng hái đón nhận chân lý cứu độ của Thiên Chúa, Giáo Hội thường đối diện với lối phản kháng: “Cái anh tin là sự thật chỉ là sự thật đối với anh. Nó không phải là sự thật của chúng tôi.” Người biện bác mang sẵn giả định cho rằng Giáo Hội Công Giáo đặt ra những tín điều, rồi bắt tín đồ phải tin theo. Họ không bao giờ nghe thấy lời xác quyết của chính Thiên Chúa khi: “Quả thật Ta bảo thật”, và lời tuyên xưng của các tổ phụ: “Đó là lời Chúa”. Vì Thượng Đế là chân lý tối thượng, Người có thẩm quyền trao ban tín lý. Tín lý không phải là một hệ thống tư tưởng của con người. Niềm tin vào tín lý của Thiên Chúa là một thực thể siêu việt nằm trong bản chất của Giáo Hội. Giáo Hội có quyền giải thích và gìn giữ đức tin chứ không thêm bớt gì vào nội dung của đức tin.
Nếu chỉ tin vào những gì mắt thấy tai nghe con người đã giới hạn sự hiểu biết của mình. Kitô hữu đều biết rằng những điều huyền diệu nằm ngoài tầm hiểu biết của trí óc. Sở dĩ con người biết được những điều vi diệu ấy vì Thiên Chúa mặc khải cho biết. Con người chỉ có thể nhận thức điều này qua đức tin.Vì thế đức tin không phải là sự mù quáng phục tòng nhưng là một đặc sủng của cảm thức đức tin (sensus fidei). Trong cảm thức đức tin, con người nỗ lực vươn lên cao để có thể nhìn rõ hơn. Thánh Augustine đã nói, “Hãy tin rồi sẽ hiểu.” Thánh Anselm cũng lập lại, “Tôi tin để được am hiểu rõ hơn.” Do đó Kitô hữu không sợ hãi khi đức tin của mình xa lạ với những niềm tin khác.
Trong bài diễn từ với các học viên, Đức Benedict XVI nhấn mạnh đến chức năng truyền giáo, bởi vì Đại Học Giáo Hoàng Urbanô là nơi đào tạo các nhà truyền giáo tương lai. Tuy nhiên mọi tín hữu đều biết rằng mình cũng dự phần vào chức vị ngôn sứ của Đức Giêsu. Ngay danh xưng Công Giáo đã nói lên điều này. Công Giáo nghĩa là đại đồng, là được phổ biến khắp nơi, là sẵn sàng đi ra ngoài làm thừa sai. Đức Giêsu nói, “Hãy đi rao giảng tin mừng khắp thế gian.” Trong sứ vụ thiên sai, ý thức hội nhập văn hóa và hòa đồng tôn giáo cũng là một sứ mạng phục vụ. Một bằng chứng hùng hồn nhất là việc thánh sử Gioan đã dùng khái niệm Logos của triết học Hylạp để mở đầu lời tựa cho bản Phúc Âm thứ tư. Tuy nhiên Công Giáo dùng văn hóa địa phương như một phương tiện truyền đạt chân lý mà thôi. Văn hóa không thể thay thế tôn giáo để trả lời cho những vấn đề tối hậu của con người.
Công Giáo kính trọng tất cả các tôn giáo khác. Công Giáo nhìn nhận những giáo hội đáng kính ngoài Công Giáo cũng có yếu tố thánh hóa. Theo thần học gia Karl Rahner, ơn phúc này của Chúa Thánh Thần chỉ là dấu chỉ Thiên Chúa tiềm ẩn trong họ. Thiên Chúa không phá hủy văn hóa và lịch sử của họ. Người chờ đợi họ hoàn tất con đường hướng đến chân lý. Bởi vì chỉ có một Thượng Đế và Người chỉ lập ra một tôn giáo. Đồng cảm là sống chung trong thái độ chấp nhận những khác biệt của nhau, để chung sức kiến tạo hòa bình về mặt xã hội, chứ không thể tin tất cả các tôn giáo đều đúng như nhau. Nếu Kitô hữu nào không thấy như vậy sẽ dần dần giết chết đức tin của mình.
Đức tin không phải là một cảm quan thụ động nhưng là một sức mạnh hướng về phục vụ. Sức mạnh này thúc đẩy tín hữu biểu lộ đức tin của mình ra trong lời nói và hành động. Nhờ đó mà thực hiện được chức năng truyền giáo của mình.