Chẳng cần là người Kitô Giáo, ai cũng biết Kinh Thánh viết rằng Thiên Chúa tạo ra vũ trụ trong 6 ngày. Tuy nhiên chẳng có ai, kể cả người Kitô Giáo, nghĩ rằng vũ trụ được tạo thành trong 6 ngày. Khoa vũ trụ học cho biết dạng đầu tiên của trái đất chỉ là một bầu khí. Nó trải qua những diễn biến kéo dài hằng tỷ năm mới đông đặc thành trái đất. Sau đó thêm hằng trăm triệu năm mới có dạng mầm sống. Sáng thế, một bên là chủ đề đức tin Kitô giáo, một bên là đối tượng nghiêm túc khoa học, Kitô hữu chúng ta phải đứng trong vị thế nào để hiểu về truyện sáng thế?
Chẳng cần duyệt xét về khía cạnh khoa học, ngay chính trong nội dung của truyện Sáng Thế, người ta đã thấy có nhiều điểm lạ đáng nói. Xin tạm nêu ra 5 điểm nổi bật nhất:
Gắn chặt với nghĩa đen của bản văn, các giáo phụ đã một thời tốn công giải thích các điểm then chốt nêu trên. Những luận bàn của họ, tuy đã được trân trọng đón nhận, nhưng theo thời gian, chúng không còn thỏa mãn được trí thức thời đại. Chẳng hạn thánh Irenaeus (189 A.D.) dẫn giải rằng Ađam tưởng như sống 930 tuổi, thực ra ông sống chưa đủ một ngày, vì “một ngày của Thiên Chúa dài bằng 1000 năm của con người.” Như vậy, đúng như lời Chúa phán, Ađam đã chết ngay trong ngày ăn trái cấm. Nếu theo cách tính này, vũ trụ không phải thành hình trong 6 ngày nhưng là 6000 năm?
Dựa vào truyện ký, qua hằng thế kỷ người ta tin rằng 6 ngày gồm 2 kỳ, mỗi kỳ có 3 ngày. Ba ngày đầu Thiên Chúa chia 1 vật thành 2. Chẳng hạn phân nước bên trên từ nước bên dưới, tách ban ngày từ ban đêm. Ba ngày kế Thiên Chúa dùng để tô điểm những gì đã có. Chẳng hạn ban ngày có mặt trời, ban đêm có trăng sao, không gian có chim, mặt đất có thú. Nhưng có thật là Thiên Chúa đã dùng thứ tự này để sáng thế hay chỉ là sự suy luận của người đời sau?
Thời nay cũng có vài tác giả, chẳng hạn như John H. Walton, cố đưa lịch trình 6 ngày vào diễn biến tạo thế xét theo khoa vũ trụ học. Họ cho rằng 1 ngày trong sách Sáng Thế là cách nói về 1 thời kỳ (age). Mỗi thời kỳ không nhất định là dài bao nhiêu năm. Nói chung những suy đoán của nhóm này đã phải đặt trong cái khuôn 6 giai đoạn có sẵn. Vì vậy chúng thiếu căn bản khách quan khoa học và cũng chẳng bồi bổ gì thêm cho đức tin tôn giáo. Cho đến nay cũng không hề có ngành khoa học nào hỗ trợ cho thuyết vũ trụ thành hình qua 6 thời kỳ.
Một khuynh hướng khác, đại biểu là Stephen Jay Gould, cho rằng tôn giáo và khoa học nắm giữ 2 thế giới khác nhau. Tôn giáo chú trọng về giá trị thiện hay ác trong khi khoa học để ý đến giá trị thật hay hư. Tôn giáo và khoa học có thể tồn tại song hành nếu không đụng chạm vào nhau. Điều này có nghĩa truyện Sáng Thế phải nằm bên ngoài khoa vũ trụ học. Quan niệm “đồng tồn” (coexist) này bị cả 2 phía vô thần lẫn hữu thần phản đối. Người vô thần không chấp nhận có Thiên Chúa trong cuộc sống. Người hữu thần cho rằng Gould đã đặt một bức tường giả tạo ngăn đôi 2 thế giới. Chúng ta chỉ có một thế giới do Thiên Chúa tạo ra và Người vẫn hằng liên tục nâng đỡ nó. Nếu khoa học không nhìn ra Thiên Chúa thì đó là sự sai lầm của khoa học.
Hai học giả nổi tiếng thời giáo hội sơ khai là Origen và Augustine đã công khai bác bỏ truyện Sáng Thế được hiểu theo nghĩa đen. Thánh Augustine đưa ra một nhận định rất trung thực. Theo ngài 6 ngày sáng thế không phải là những ngày như chúng ta hằng kinh nghiệm. Đó là những ngày cực kỳ khó hiểu mà chúng ta không thể thấu triệt được (The City of God 11:6). Kể từ nhận định này, con người đã vượt qua bức tường biện chứng của trí thức để nhảy một bước rất xa vào vùng cảm nghiệm của tâm thức.
Đối với Giáo Hội, trực diện với hai khung thời gian 6 ngày của Sáng Thế ký và nhiều tỷ năm sáng thế của khoa vũ trụ học, giáo hội biết không thể tái diễn vụ án Galileo như trong thế kỷ 17. Giáo Hoàng Pius XII đưa ra một hướng đi. Theo ngài, những chủ đề trong 11 chương đầu của sách Sáng Thế không thể xếp vào bất cứ thể loại nào của nền văn học Hy-La. Chúng cũng không thể giải thích theo kiến thức khoa học. Với đặc tính huyền bí ấy, Hội Thánh không ngăn cấm các chiều hướng diễn giải ý nghĩa của chúng, miễn là lời giải thích nằm trong đức tin Công Giáo và trong ý thức “bản văn là nguồn linh ứng (divinely inspired) không phải là loại huyền thoại thế tục.”[1] Gần đây Sách Giáo Lý Công Giáo (năm 1992) nói rõ hơn: “Thánh Kinh diễn tả cuộc sáng thế của Thiên Chúa qua biểu tượng 6 ngày liên tục và 1 ngày nghỉ ngơi” (# 337). Như vậy Giáo hội đã công nhận trình thuật sáng thế là bản văn mang biểu tượng của những khái niệm thần học.
Từ sự khai tâm của Giáo Hội, chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa vượt trên mọi khả nghiệm và khả tri. Lời tường thuật về Thiên Chúa chỉ là ngôn ngữ bập bẹ của loài người. Vậy người học Thánh Kinh hãy ra khỏi sự chấp nệ văn tự, để hướng tới chiêm niệm, vươn tới cái nơi văn tự chỉ điểm nhưng không thể nói ra. Nói theo kiểu đạo lý Đông Phương, “hãy nhìn mặt trăng, đừng nhìn ngón tay chỉ mặt trăng”. Với trực giác nhạy cảm, chính giới khoa học gia lại là những người tiên phong nhìn ra ý nghĩa thâm thúy của ngôn ngữ “phản khoa học” trong Sáng Thế ký.
John Polkinghorne (Chủ Tịch Ủy Ban Vật Lý Nguyên Tử) tin rằng những mạc khải tôn giáo không thể dùng phương pháp suy diễn hay qui nạp khoa học để tiếp nhận. Vũ trụ không chỉ được tạo bởi những hạt nguyên tử vật chất, nhưng còn bởi những phẩm tính thiện mỹ và đạo đức. Sự sống của vũ trụ không thể hiểu bằng một lối giải thích. Tìm hiểu vũ trụ không phải chỉ là công việc của vật lý học, nhưng còn của những ngành khác mà không thể thiếu môn thần học. Trong suốt giòng lịch sử nhân loại, con người mang kinh nghiệm về một Thực Thể Tối Thượng và trường cửu. Kinh nghiệm này được vị thụ khải ghi chép lại trong quyển sổ tay theo nhận thức của mình. Sáng Thế ký là quyển sổ tay ấy. Sáng Thế không phải là loại sách giáo khoa mang sẵn câu trả lời cho những thắc mắc khoa học về vũ trụ vật lý. Có nhiều cách để đọc quyển “sổ tay”, trong số đó có kiểu đọc theo lối tâm linh. Đó là lối đọc phó thác hoàn toàn tâm trí cho những vấn đề hơn là lật từng trang sách để chỉ trích. Trong chiều hướng ấy ý thức về Thực Thể Tối Thượng phải vượt khỏi giới hạn khoa học và tri thức cá nhân. Vì, theo Polkinghorne, ngôn ngữ Thánh Kinh là “ngôn ngữ mở rộng” (open language) hướng tới ý nghĩa vô hạn, trái với ngôn ngữ khoa học là ngôn ngữ “xác định thu hẹp” (narrow definition) qui về vật thể hữu hạn.[2]
Francis S. Collins (Trưởng Ban Cuộc Nghiên Cứu Genome Con Người) cho rằng ngôn ngữ trong Sáng Thế là ngôn ngữ thi ca.[3] Tương tự, Trần Văn Toàn (giáo sư của Đại Học Lille, Pháp) cũng cho truyện Sáng Thế là “áng thơ nói về lúc nguyên thủy”.[4] Marcus J. Borg (giáo sư môn Tôn Giáo và Văn Hóa, Đại học Oregon) cho 6 điệp khúc “Đã có một buổi chiều và đã có một buổi mai” là hình thức của 6 khổ thơ. [5] Theo Collins, những ai chắc chắn cuộc sáng thế đã xảy ra trong 6 ngày là những người có đức tin mạnh mẽ, nhưng lại lạc mất cốt tủy của Thánh Kinh. Sáng Thế ký không phải là sử ký. Chỉ có thể gọi là sử khi có chứng cớ và niên đại hỗ trợ. Đặc tính của thơ là mượn hình tượng để trực giác chân lý. Thơ gắn liền với biểu tượng nhằm gợi ra mối cảm xúc và niềm tin. Truyện Sáng Thế chỉ là lời thuật lại, không phải là lời Chúa trực tiếp từ trời phán xuống. Hơn nữa, vì Thiên Chúa là Đấng siêu việt nên dù Thiên Chúa có linh ứng cho ai đó biết việc làm của Người, cũng không ai có thể thấu triệt được trọn vẹn. Cho nên chúng ta phải chấp nhận khả năng lĩnh hội của vị thụ khải. Vị này không thể làm gì khác hơn là dùng vốn liếng ngôn ngữ của mình, trình bày những gì mình lĩnh hội, theo trình độ của mình. Những điều chúng ta tưởng là lời Chúa phán chính ra là lời của vị thụ khải. Nhưng chính ông lại không thể diễn tả cái chiều sâu của chân lý bằng thứ ngôn ngữ minh bạch, cho nên chỉ có thể bập bẹ qua những lời mà chúng ta có thể xếp vào loại ngôn ngữ thi ca. Đó là điều dĩ nhiên vì đối với Đấng siêu việt tuyệt đối, tri tuệ con người chỉ là hữu hạn và tương đối.
Marcus J. Borg có thể coi là đại biểu cho những nhà thần học Thiên Chúa giáo với quan niệm: truyện Sáng Thế nói về một biến cố có thật nhưng cách trình bày mang ý nghĩa ẩn dụ. Theo các học giả Thánh Kinh, ba chương đầu của sách Sáng Thế do 2 nhóm khác nhau viết. Đầu tiên là truyện của nhóm thuộc trường phái Priestly (bản P) viết vào khoảng 500 BC (gồm chương 1và 2:4a). Nhóm này gọi Thượng Đế là Thiên Chúa. Truyện thứ 2 do trường phái Jahwist (bản J) viết vào năm 900 BC (gồm các chương 2:4b và 3). Nhóm này gọi Thượng Đế là Giavê. Hai bản viết cách nhau 400 năm với 2 chủ đề khác nhau[6]. Bản P có chủ đề sáng thế nên chú ý đến 6 đề mục (được nêu ra qua ẩn dụ 6 ngày). Con người là một đề mục trong diễn trình sáng thế, nên chỉ được nhắc đến một lần. Cả hai, nam và nữ, được nêu ra cùng một lúc. Bản J đặt chủ đề là con người (adam tiếng Hebrew có nghĩa là con người) nên phân tích kỹ hơn vấn đề này. Người nam có ưu thế trên vạn vật nên người nam được nêu ra trước. Chim muông, cây cối và đàn bà được tạo sau cốt để hỗ trợ cho chủ đề. Kế đó là cuộc sống của con người, tức Ađam và Eva. Nói chung cả hai truyện đều mang ý ẩn dụ nên trình tự vượt ra ngoài trật tự của sự kiện, vượt khỏi ngôn ngữ luận lý, và vượt ra khỏi hiện thực. Đó là lời ca tụng chân lý ở điểm tối cùng (utimate origins): Thiên Chúa sinh ra vạn vật trên trời và dưới đất. Chân lý Thiên Chúa sinh ra vạn vật vì vậy phù hợp với tất cả mọi nguyên lý khoa học. Giới vô thần không tin có Thiên Chúa nhưng họ lại không thể trả lời được vũ trụ từ đâu mà có.
Tác giả sách Sáng Thế chiêm ngưỡng vũ trụ và cố gắng phơi bày cái ý nghĩa huyền bí tâm linh nằm trong những dữ kiện hữu hình. Đây là công trình diễn giải về Thiên Chúa (Nguyên Nhân Khởi Đầu) qua tiến hành sáng tạo vũ trụ. Tuy nhiên Thiên Chúa không cần có câu truyện sáng thế để chứng minh về Người. Vì thế nếu dùng trí thức để khảo sát Thiên Chúa qua những từ ngữ chai cứng, công thức, và u tối của “6 ngày” là điều vô bổ. Trái lại phải đi sâu vào cõi cảm nghiệm thâm sâu của tác giả mới tìm ra những mầu nhiệm ẩn tàng. Ngôn ngữ và trình thuật sáng thế không thiết định nằm trong một ý nghĩa duy nhất cứng đọng, nhưng chuyên chở những mặc khải huyền nhiệm phong phú. Chúng là những hạt mầm của những chủ đề lớn thần học. Mỗi chủ đề bao gồm những luận thuyết cần phải có những bộ sách dầy cộm mà vẫn chưa nói hết ý. Ở đây xin chỉ nêu ra rất giản lược những ý chính.
Khái niệm độc thần. Nếu Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa duy nhất sinh ra muôn vật, vậy Thiên Chúa là Đấng duy nhất để tôn thờ. Niềm tin này vô hiệu hóa tình trạng đa thần của nhân loại. Chúng ta không thể tôn thờ những thể vốn chỉ là vật thụ tạo. Không thể có thần từ thiên nhiên như thần mưa thần núi. Không có thần từ loài vật như thần rắn thần hổ. Cũng không thể có thần từ loài người tự phong. Khái niệm độc thần là cấu trúc Kitô giáo với nghĩa một Thiên Chúa, một Nước Trời, một lịch sử cứu độ, một biến cố nhập thế.
Khái niệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ chỉ bằng lời phán truyền. Người tạo ra mạng sống bằng cách thổi hơi vào thân đất. Lời phán và hơi thổi là ẩn dụ của ngôi Lời và Thần Khí.
Khái niệm Thiên Chúa là Tình Yêu. Sự liên hệ giữa Thiên Chúa và con người là tình yêu. Thiên Chúa yêu con người trước nên tạo ra con người theo hình ảnh của Thiên Chúa. Con người là loài thụ tạo duy nhất được sống thân cận trò truyện với Thiên Chúa.
Khái niệm nguyên tội. Lời mở đầu truyện: “Từ khởi thủy…” cho ta biết có một thời trong quá khứ, lúc thời gian mới bắt đầu. Khi đó con người sống tốt lành cùng Đấng Tạo Hóa trong vườn Eden. Sau đó Ađam và Ave phạm tội nên bị thất sủng. Sự kiện này là hạt mầm của tín lý nguyên tội và dẫn đến nhiệm tích rửa tội.
Khái niệm về tội phạm. Truyện Sáng Thế trình bày một mẫu công thức về sự sa ngã của con người. Trong sự sa đọa có sự kết hợp của Satan (con rắn cám dỗ), lòng tham dục của con người (Evà muốn trở nên như Thiên Chúa), và liên hệ ảnh hưởng từ cộng đồng (Ađam bị Evà khuyến dụ và Ađam bị ảnh hưởng). Chúng ta thường nôm na nói gọn là: ma quỉ, xác thịt, và thế gian.
Khái niệm về đau khổ. Nguyên nhân của đau khổ là sự sa ngã của tổ phụ mẫu Ađam Evà. Từ khi tổ phụ phạm tội, sự dữ và sự chết mới đi vào thế giới con người (Chúa phán: “Ngày nào ngươi ăn trái cấm tất ngươi sẽ chết”). Từ đó con người mang lấy đau khổ và cần ơn cứu độ.
Khái niệm về chương trình cứu độ. Tình yêu của Thiên Chúa là động lực cho chương trình cứu độ. Lời phán của Thiên Chúa nói về liên hệ giữa con rắn và “Người Nữ” là ngôn sứ nói về chương trình cứu độ. “Người nữ” được nhiều học giả cho là lời tiên tri nói về Đức Mẹ Maria.
Ngoài ra còn có nhiều chủ đề phụ, xin nêu ra 2 chủ đề liên hệ với bài này:
Khái niệm tâm tĩnh lặng. Cây biết điều thiện điều ác là biểu tượng về óc biện biệt nhị nguyên. Khi tâm “khôn ngoan thế gian” mở mắt, tâm trẻ thơ bị mất. Con người sẽ mất sự cảm nghiệm chân giá trị của thực thể, nhưng thấy cái cục bộ thân thể trần truồng. Con người sẽ lao mình vào những so đo lợi lộc để thỏa mãn lòng tham dục. Nhưng con người không thể thấy Thiên Chúa bằng cái trí khôn ngoan thế gian này, vì vậy con người bị mất vườn Êđen, nơi chỉ những ai có tâm hồn trẻ thơ mới vào được.
Khởi xướng đơn vị thời gian. Một ngày gồm trọn một ban ngày và một ban đêm (24 giờ). Một tuần gồm 7 ngày. Ngày Chúa nhật (chủ nhật) là ngày nghỉ việc.
Trong lịch sử nhân loại, Sáng Thế ký chính là bản văn đầu tiên của con người biểu lộ sự cảm nghiệm về Thiên Chúa và công trình của Người. Cách miêu tả 6 ngày chỉ là lối trình bày bố cục của bản văn cho dễ hình dung. Chúng không thể coi là sử liệu về thời sáng thế. Sáng thế là một biến cố siêu việt vượt trên trật tự thời gian và sự tiến hóa. Nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa tạo ra vũ trụ theo ý tự do của Người; nếu chúng ta tin rằng Người yêu thương và có chương trình cứu chuộc chúng ta, đối với sự toàn năng của Thiên Chúa chúng ta chỉ có thể đáp ứng một cách thích hợp là vâng phục và tôn thờ.