“Không hiểu biết mà vẫn tin”, đó là lời mỉa mai thường có từ những người ngoài Công Giáo phê bình tín đồ Công Giáo. Họ cho rằng “người Công Giáo” u mê, mù quáng, bịt tai che mắt trí thức, chỉ biết tin tưởng một cách thụ động. Họ lấy câu nói của Đức Giêsu “Phúc cho ai không biết mà tin” để xây dựng sự phản biện của họ. Trên thực tế, nếu sự tin tưởng đến sau sự hiểu biết của trí óc, thì điều mình tin đã được trí óc thấy và hiểu rõ ràng, nó trở thành hiện thực, sự tin tưởng còn đặt ra làm gì. Thêm nữa, lối tin tưởng một cách thụ động vẫn là điều kiện sống của con người. Trẻ con tin vào cha mẹ; học trò tin vào thầy giáo; quần chúng tin vào lãnh tụ… Ngay cả những người mỉa mai nêu trên cũng đã và đang sống như vậy. Nói chung, tin tưởng là sự qui phục của tri thức hướng về một đối tượng nào đó. Tuy nhiên niềm tin dựa vào tri thức thường nghiệm này không phải là niềm tin siêu nghiệm (transcendentality) mà Công Giáo nói tới.
Có sự khác biệt một trời một vực giữa một vị lãnh tụ nói với kẻ đi theo của hắn, “Phúc cho ai không biết mà tin”, và khi Đấng Tạo Hóa nói câu đó với kẻ thụ tạo. Thiên Chúa không nói tới những đối tượng tri thức, nhưng nói tới khả năng tri thức giới hạn của con người. Đối với Công Giáo tin vào Thiên Chúa được gọi là “đức” tin, vì sự cảm nhận này có tính siêu nghiệm (hiểu biết không do kinh nghiệm trí thức) và là một đức hạnh (virtue). Ba đức hạnh phải có để gia nhập Công Giáo là đức tin, đức cậy, và đức mến. “Đức tin” đứng đầu vì là căn gốc của tất cả. Nếu không tin có Thiên Chúa, làm sao chúng ta có thể đến với Người (Dt 11:6). Để nhấn mạnh điều này, Giáo hoàng Phanxicô đã chọn chủ đề “Ánh Sáng Đức Tin” (Lumen Fidei) cho thông điệp đầu tiên trong triều đại của ngài. Công Giáo gọi giáo dân là “tín đồ” hay “tín hữu” cũng là cách minh xác họ là những “người có đức tin”. Trong số ba đức hạnh nêu trên, đức cậy và đức mến ý nghĩa đã rõ ràng, riêng đức tin thường dẫn đến những ngộ nhận và những hệ tư tưởng khác nhau dễ gây ra hoang mang. Vì vậy Kitô hữu chúng ta nên hiểu rõ bản chất của đức tin.
Công Đồng Thứ Nhất (Nicea, 325) định nghĩa: “Đức tin là sự linh cảm, qua sự trợ giúp của Thiên Chúa, để chấp nhận chân lý siêu việt do Thiên Chúa tiết lộ. Chúng ta tiếp nhận lời Chúa không phải vì chúng ta hiểu được nội dung chân lý qua lý luận tự nhiên, nhưng do bởi chấp nhận thẩm quyền của Thiên Chúa, Đấng hằng hữu, Đấng chính là chân lý, Đấng tự biểu lộ, Đấng không lừa dối và không bị lừa dối.”
Thần học đi sâu hơn vào bản tính của đức tin. Để giản dị hoá những ý niệm trừu tượng của thần học, tôi xin đưa ra một sự kiện cụ thể, đó là tín điều “Một Thiên Chúa có Ba Ngôi”. Linh ảnh này không ai thấy, không ai hiểu, nhưng Kitô hữu vẫn tin. Tại sao? Tại vì Đức Giêsu dạy như vậy. Theo thánh Augustine, đức tin là chấp nhận lời nói, mình nghe được từ đấng có thẩm quyền. Thánh Phaolô nói, “Đức tin đến từ sự nghe” (Rm 10:17). Người duy nhất có thẩm quyền nói ở đây là Thiên Chúa. Những gì Thiên Chúa tiết lộ được gọi là mạc khải. Qua mạc khải những sự thật siêu việt của Thiên Chúa được truyền cho con người. Con người, dù thông minh đến đâu cũng không thể tự mình tìm biết được. Đây là chứng từ của Đức Giêsu: “Không ai biết Con trừ Cha, và không ai biết Cha trừ Con và kẻ được Con mạc khải cho” (Mt 11:27). Như vậy đức tin là mối liên kết riêng tư của cá nhân với Thiên Chúa.
Chúng ta hãy phân biệt giữa “sự tin tưởng” của đời thường và “đức tin”. Chẳng hạn chúng ta tin có dòng điện lưu chuyển trong vũ trụ. Dù không thấy dòng điện nhưng sự hiện hữu của nó đã được chứng minh, vì nó làm cháy sáng bóng đèn. Như vậy tin tưởng là thành quả của tri thức trải qua những biện luận, dựa vào những chứng cớ có thể kiểm chứng. Trái lại đức tin là tin vào điều mà mình chưa hề biết tới vì nó vượt khỏi tầm hiểu biết của con người. Trong đức tin không có lý luận, vì có dùng lý luận cũng không thể tìm ra. Đức tin hoàn toàn phụ thuộc vào ơn soi sáng từ Thiên Chúa đánh động và lôi cuốn tâm hồn của ta. Trí óc chỉ dùng để tiếp nhận chứ không dùng để hiểu. Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II nói, “Không ai hiểu được Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa là Đấng có thể hiểu được thì vị đó không phải là Thiên Chúa.” Cho dù có người nào đó tự xưng là đã dùng trí óc để hiểu chân lý thì nhận thức đó không phải là đức tin. Nó chỉ là sản phẩm tư tưởng của người đó. Đức tin không đến từ suy luận trí óc, nhưng là một ơn phước.
Cha Karl Rahner, nhà thần học vĩ đại của Công Giáo, nói rõ hơn về ơn phước đức tin. Theo Rahner, khi Thiên Chúa nói với con người, Chúa không dạy bảo một kiến thức hay loan báo một tài liệu thông tin. Khi đó Chúa tỏ lộ tình yêu với nhân loại, mạc khải về mục đích tối hậu của sự sống, và niềm hy vọng tuyệt hảo của ơn cứu độ, cùng lúc Chúa ban ơn đức tin cho người nghe. Điểm khởi đầu của đức tin là cái gì đó thúc đẩy lý trí chấp nhận điều mình nghe, một nhận thức siêu nhiên nảy sinh trong ý thức (siêu nghiệm). Như vậy đức tin là một ơn phước về sự mạc khải.
Công Đồng Trent (1545 -1563) dạy rằng đức tin không phải là trạng thái tĩnh của ý thức, mà là một động năng. Bởi vì đức tin không phải là một ý thức suông, đứng độc lập, nhưng biểu hiện trong việc làm. Đúng tên của đức tin là “hành vi đức tin”. Thần học dẫn giải thêm, nếu đức tin là sự qui thuận của tri thức, nó phải có một đối tượng nào đó nằm bên ngoài con người. Nhưng ở đây, người tin không nhắm vào một đối tượng bên ngoài, mà là mối cảm xúc dấy lên từ nội tâm. Rồi sức mạnh cảm xúc ấy tỏa ra bên ngoài tới khắp mọi chiều hướng. Hiểu một cách bình thường, những gì chúng ta thường làm như cầu nguyện, dự thánh lễ, giữ phép đạo… đều là những “hành vi đức tin”. Theo Thánh Thomas và Thánh Bonaventure, ngay khởi đầu khi cá nhân tự do chấp nhận Lời Chúa, chính sự quy phục ấy đã là một hành vi đức tin.
Karl Rahner khảng định hành vi đức tin có ba yếu tố: siêu việt, có ý thức, và có ý chí tự do. Gọi là siêu việt vì đức tin là ơn của Thiên Chúa ban cho. Gọi là có ý thức vì đức tin được tiếp thu qua trí óc con người. Gọi là ý chí tự do vì cá nhân tự ý tin chứ không bị ép buộc phải tin. Cùng một nhận định, Thánh Thomas cho rằng đức tin là thái độ của trí óc chấp nhận chân lý thánh (divine truth); thái độ này được tác động bới ý chí; ý chí này được tác động bởi ơn Chúa. Qua nhận định của Karl Rahner và của Thánh Thomas, chúng ta thấy cả hai vị đều không nêu ra cái gì gọi là chứng cớ thực nghiệm hay biện luận trí óc, mà đưa ra ba tác động nối kết nhau: 1) Thiên Chúa ban ơn linh ứng. 2) Ơn này tác động ý chí tự do tiếp nhận. 3) Ý chí tác động tri thức chấp nhận. Trong diễn trình này Thiên Chúa không phá vỡ luật tự nhiên, bởi vì Thiên Chúa không ép buộc ý chí và tri thức phải chấp nhận những gì Chúa nói (Rm 4:16; GLCG 160). Nhận định của Rahner và của Thánh Thomas, vô hình trung, đã loại bỏ những niềm tin như mê tín dị đoan và sự tin tưởng mù quáng. Chúng là những niềm tin trống rỗng và tuyệt vọng. “Niềm tin mà không có chân lý thì không có khả năng cứu độ và không bảo đảm cho bước đi của chúng ta.” (Giáo Hoàng Phanxicô, thông điệp Lumen Fidel ‘Ánh Sáng Đức Tin’, chương 2, đoạn 24). Đồng thời chúng ta cũng nhận ra mê tín dị đoan là kết quả của kiến thức trí óc lạc đường trong bầu sương mù của dục vọng.
Trước hết, Công Giáo tin những mạc khải về chân lý do Thiên Chúa tiết lộ, và những gì được rao giảng bởi Ngôi Lời nhập thế. Nguồn mạc khải này đã được ghi trong bộ “Thánh Kinh” và trong 4 sách Phúc Âm. Đó là truyền thống đúng nhất về đức tin của Công Giáo. Để tóm tắt những tín lý căn bản, vào thế kỷ II, các thánh Tông Đồ đã soạn ra bản văn gọi là “kinh Tin Kính” (Apostle’s Creed).
Kế đó, tín hữu Công Giáo cũng tin vào những sự thật, do Giáo Hội rút ra từ mạc khải. Giáo Hội cô đọng chúng trong những mệnh đề gọi là tín điều (dogma), chẳng hạn tín điều “Đức Mẹ hồn xác lên trời”. Tín điều không phải là những điều do Giáo Hội tự ý đặt ra, nhưng do lãnh nhận từ Lời Chúa. Vì vậy mỗi tín điều đều hội đủ hai yếu tố: 1) Nói lên một sự thật. 2) Là thành phần của Lời Chúa. Ai không chấp nhận những tín điều do Giáo Hội loan truyền thì người đó không phải là tín đồ Công Giáo.
Thánh Anselmo tóm lược tác động của đức tin trong châm ngôn “Đức tin đi tìm sự hiểu biết” (Fides quaerens intellectum). Đức tin thúc đẩy chúng ta hành động theo Thánh Ý Chúa nhờ đó mà cảm nghiệm sâu xa trong sự hiểu biết. Thánh Augustine nói, “Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin”. Điều đó có nghĩa là đức tin phải có trước rồi sự hiểu biết về những gì mình tin sẽ tới sau. Hiển nhiên con người không thể đòi hỏi phải hiểu biết Thiên Chúa trước, rồi mới tin. Tuy nhiên chúng ta cũng không thể nói: “Tôi chỉ cần tin, tôi không cần hiểu biết”. Chúng ta cần cả hai. Tuy đức tin vượt khỏi lý trí nhưng không nghịch lại với lý trí, bởi vì cả đức tin lẫn lý trí đều là ơn phúc do Thiên Chúa ban cho. Trong thông điệp Fides et Ratio (Đức tin và Lý trí), đức Gioan Phaolô II viết, “Đức tin và Lý trí như đôi cánh giúp con người vươn cao trong chiêm nghiệm chân lý. Chính Thiên Chúa đã đặt trong tâm con người ước vọng tìm kiếm chân lý, để rồi cuối cùng con người nhận biết Thiên Chúa, ngõ hầu thấu đạt sự thật về mình một cách đầy đủ”.
Khi Đức Giêsu ban phép lạ, Người luôn luôn đòi hỏi người lãnh nhận phải có đức tin. Đức Giêsu đã không thể ban phép lạ ở Nazaret vì dân nơi đó thiếu đức tin (Mc 6:5). Người kêu gọi môn đồ, “Hãy tin vào tin mừng” (Mc 1:15). Như vậy đức tin tác động vào tâm hồn con người khiến con người biết hy vọng vào những điều từ Thiên Chúa mà bình thường không thể nào xảy ra (Mc 1:22). Từ những sự kiện này đã dẫn tới một quan điểm thần học: “đức tin công chính hóa con người”, nghĩa là con người được cứu rỗi nhờ có đức tin. Cũng từ nhận định sơ khởi ấy, Thánh Phaolô đưa ra châm ngôn: “chỉ một mình đức tin” (sola fide. Rm 10:8-13; Gl 3:2). Tin Lành đã lấy chính câu nói này để làm nền tảng xây dựng môn thần học cứu rỗi. Hệ tư tưởng ấy đã khiến Tin Lành tách biệt với Công Giáo vì đã nhìn “đức tin” theo hướng khác. Đây là điểm rất quan trọng của tác động đức tin mà Kitô hữu chúng ta cần biết rõ.
Sự khác biệt về đức tin giữa Tin Lành và Công Giáo không phải là chủ đề của bài này nên tôi chỉ trình bày một cách giản lược. Về phía Tin Lành, Luther bám sát mạch văn “chỉ có đức tin” suy luận rằng dù con người có làm lành cách nào cũng không xứng đáng vào thiên đàng. Con người được cứu độ chỉ nhờ có đức tin. Đức tin tự đứng một mình là luật duy nhất và là chìa khóa của ơn cứu độ. Như vậy Tin Lành đã thấy đức tin là một liên kết thuần tâm linh trong tâm hồn của mỗi cá nhân. Đàng khác, Công Giáo cho rằng đức tin rất cần thiết, nhưng không là nguyên lý duy nhất của ơn cứu rỗi. Đức tin chỉ là một đức tính trong 3 đức tính cần thiết: tin - cậy - mến. Tin Lành đã dừng lại ở đức tin, nơi chỉ là bước khởi đầu. Vả lại lời dạy của Thánh Phaolô không thể tách rời độc lập khỏi toàn bộ Phúc Âm còn gồm lời dạy của các vị tông đồ khác. Thêm nữa, Công Giáo cho rằng tự bản chất, đức tin bao gồm tri thức, ý chí, và việc làm. Như vậy đức tin là toàn bộ tiến trình đời sống của cá nhân, biểu hiện kể từ lúc rửa tội cho đến khi qua đời.
Điểm khác biệt chính giữa Công Giáo và Tin Lành là khái niệm “trở nên công chính”. Trở nên công chính nghĩa là gì? Thần học Công Giáo nhận diện đúng theo ý đã được dùng trong Tân Ước, nó có nghĩa là thay đổi từ tình trạng tội lỗi qua tình trạng sạch tội. Muốn vậy kẻ tội lỗi phải có lòng ăn năn thống hối. Như vậy để được nên công chính ta phải có đức tin của lòng ăn năn thống hối, rồi mới lãnh được ơn cứu độ (Lc 24:47; Cv 2:38; 3:19; 17:30; Rm 2:4; 1 Cr 7:9-10). Công Giáo đã đặt đức tin vào đúng thực trạng của nó là sự thay đổi con người. Sự thay đổi này phải có trong thái độ sống. Vì vậy từ thế kỷ V, Giáo Hội đã minh xác đức tin vừa là ơn Thiên Chúa vừa là tác động của con người. Những gì chúng ta tin sẽ uốn nắn nếp suy nghĩ, hành động, và nếp sống của chúng ta cho hợp với đức tin của mình. Thánh Giacôbê nói, các anh tin Thiên Chúa, có gì lạ, ma quỉ cũng tin như thế (Gc 2:19). Cho nên chỉ tin không chưa đủ. Giáo lý này Đức Giêsu đã dạy khi thấy có ông Pharisêu ca tụng đức tin và công đức của mình trong khi ông thu thuế đấm ngực thống hối cầu nguyện. Rốt cuộc ông thu thuế được nên công chính còn ông Pharisêu tự mãn thì không (Lc 18:9-14). Đức Giêsu vạch rõ, khi chúng ta đang ở trong tội lỗi, không có bất cứ gì khiến chúng ta trở nên công chính dù là đức tin hay những việc làm tốt. Ơn tha thứ của Thiên Chúa không phải là phần thưởng hay món hàng trao đổi. Nhận được ơn trở nên công chính hoàn toàn do ơn của Thiên Chúa ban cho người có lòng thống hối ăn năn. Trong trường hợp vừa nói, ông Pharisêu có đức tin vững mạnh nhưng không phải là đức tin của lòng thống hối ăn năn, nên ông đã thất bại. Cũng vậy khi phạm tội, dù ta có tin Thiên Chúa vững mạnh cỡ nào, tội vẫn chẳng được tha, cho đến khi ta đi xưng tội, tức có đức tin với lòng thống hối ăn năn, bấy giờ tội mới được tha.
Thần học phân tích rõ hơn, con người hiện hữu trong ba thể không tách rời là: thần khí, linh hồn, và thể xác. Chính Thánh Phaolô cũng đã thấy như vậy (1Tx 5:23). Theo Peter Kreeft, mỗi thể có một dạng đức tin riêng. Thể xác thuộc thế giới vật chất, nên đức tin của thể xác biểu lộ qua những việc làm liên hệ với tha nhân, điều mà Thánh Giacôbê đã nói, “Đức tin không có việc làm là đức tin chết… nhờ có việc làm đức tin mới hoàn tất” (Gc 2:17, 22). Chính Thánh Phaolô cũng đã làm sáng tỏ điều này qua lá thư gửi tín hữu Do Thái, chương 11. Trong thư, Thánh Phaolô mô tả đức tin của dân Do Thái qua những gì họ làm cho cộng đồng. Đức tin của thể linh hồn là trí khôn, lòng hy vọng, và lòng trông cậy. Cuối cùng đức tin trong thể thần khí là sự qui thuận Thiên Chúa trong ý chí tự do.
Trong thánh kinh có rất nhiều dẫn chứng về sự phối hợp giữa đức tin của 3 thể nêu trên. Tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng tiêu biểu. “Ai đi trong lẽ phải, Ta sẽ cho biết ơn cứu độ của Chúa” (TV 50: 23). Đức Giêsu phán cùng các môn đệ, “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14:5). "Không phải tất cả những ai nói ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa’, là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời” (Mt 7:21-29). Tông Đồ Gioan vạch rõ, “Chỉ có điều này mới chứng tỏ chúng ta biết Chúa: đó là biết tuân giữ giới răn của Chúa. Còn ai nói mình đã biết Chúa mà không giữ giới răn Chúa, đó là kẻ nói láo, trong nó không có sự thật” (1Ga 2:3-4). Trong sách Khải Huyền Thánh Gioan thấy hình ảnh: “Tôi thấy những người chết đứng trước ngai. Sách đã mở sẵn… đó là Sách Trường Sinh. Các người chết được xét xử tùy theo việc họ làm đã được ghi trong sách” (KH 20:12). Chính Thánh Phaolô cũng nhận ra, “Anh em thân mến… hãy biết kính sợ mà gắng sức lo việc cứu rỗi, vì chính Thiên Chúa, do lòng yêu thương của Người, đã tác động ý chí và việc làm của anh em” (Pl 2:12-13). Đây chính là giáo lý Công Giáo từ cổ thời đến nay không dứt đoạn.
Tóm lại đức tin không phải là một ý niệm suông, hoặc một niềm tin thuần lý trí. Vì sự hiểu biết của con người rất giới hạn, vô số những điều huyền nhiệm Thiên Chúa tạo dựng nằm bên ngoài khả năng nhận thức của con người. Do đó Thiên Chúa ban cho con người đức tin để vượt qua giới hạn của lý trí mà “được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13:11). Tín Hữu Công Giáo bắt đầu nhận ơn đức tin qua bí tích rửa tội, rồi qua tất cả những bí tích lãnh nhận sau đó trong đời mình. Tuy nhiên người lãnh nhận chỉ thật sự có đức tin khi trí óc chấp nhận “ơn đức tin” do ơn Thiên Chúa ban cho. Khi đã có đức tin, Kitô hữu chúng ta phải biểu lộ đức tin qua hành động. Bởi vì đức tin không những là lòng tin tưởng, lòng hy vọng, mà còn là sự tuyên xưng tin mừng qua những hành vi đạo đức (Rom 10:8-13). Nếu không giữ được như thế đức tin sẽ từ từ chết, “Vì ai có, sẽ được cho thêm mà nên dư dật; còn kẻ không có, thì điều có cũng bị lấy mất” (Mt 25:29).