Gần đây linh mục Ron Rolheiser, trên website của ngài, đã đưa ra nhận xét “càng ngày càng ít người đến nhà thờ - trách ai?” Ngài nói rõ hơn, “Đúng ra ngày càng nhiều người cho rằng mình có đời sống tâm linh nhưng không theo tôn giáo, tràn đầy đức tin nhưng không theo giáo hội.”1 Có lẽ đây là lời nhận xét đơn giản và khách quan nhất về hiện tình tâm linh trong thời hiện đại. Hơn bao giờ, chúng ta đang sống trong thời đại có rất nhiều “thầy” hay “minh sư”. Nhiều vị được đệ tử tôn xưng là “thần”, “thánh”, và ngay cả là “thượng đế”. Có vị đủ sức lập ra một “đạo” riêng cho mình. Phải chăng con người hiện đại dễ bị hướng dẫn bởi những “tiên tri” mới, hay đó là dòng tiến hóa tâm linh ắt phải có?
Danh xưng “tôn giáo” và “giáo hội”, mà Rolheiser dùng, mang hàm ý sự kết hợp giữa con người và Thiên Chúa. Nhưng có thể có tôn giáo không Thiên Chúa? Dĩ nhiên là có, chẳng hạn: Phật giáo, Ấn giáo, Khổng giáo… Tuy nhiên những hệ thống linh đạo này có bản sắc độc lập riêng, nên vẫn được gọi là tôn giáo. Trái lại vào thời nay, đại chúng không còn mảy may hiểu “tôn giáo” theo nghĩa truyền thống. Với họ danh xưng “tôn giáo” chỉ là một thuật ngữ hàm chứa một ý niệm đạo đức nào đó. Cũng theo họ, vì ý niệm đạo đức thuộc phạm trù tri thức của một cá nhân tự do, nên không cần có giáo hội. Ngày nay, tri thức được đề cao đối chọi với đức tin và càng ngày tri thức càng thắng thế.
Với quan niệm tự do cá nhân như thế, rất khó đưa ra một nhận định về các khuynh hướng đạo giáo hiện tại. Chúng là một rừng những hướng tư duy rất phức tạp và ảnh hưởng chằng chịt lẫn nhau. Một cách bao quát, chúng ta có thể nhận diện chúng xuyên qua 5 mô thức chính.
Mô thức đa thần (Polytheism). Khuynh hướng tin có nhiều thần linh hiện hữu, chẳng hạn Hinduism (Ấn giáo). Thần linh có thể là tổ tiên của gia đình, là vĩ nhân của cộng đồng, là vật tổ của bộ lạc (totemism), hay những nhân vật thần thoại. Niềm tin đa thần chứng tỏ con người nhận diện sự sống qua hai chiều: siêu việt và thực thể. Chính kinh nghiệm này tạo ra những tín ngưỡng dân gian.
Mô thức phiếm thần (Pantheism). Chủ trương không có thượng đế. Vũ trụ tự nó có năng lực tạo ra sự sống cho muôn loài. Năng lực này có tên là “thượng đế”, hay “đại ngã”, hay là gì đó tùy theo khái niệm tâm linh. Đại ngã là lý tính của vũ trụ chứ không phải là nhân ngã. Mọi vật đều có thần tính nội tại đồng nhất với lực vũ trụ trong liên hệ không thể tách rời nhau. Do đó mọi vật đều là thượng đế.
Mô thức ngộ đạo (bất khả tri - gnosticism). Công nhận có Thượng Đế là Đấng không thể hiểu được. Con người chỉ có thể đến với Người thông qua tri giác. Muốn có tri giác phải qua một truyền thống giác ngộ bí truyền (ngộ đạo). Linh hồn và tri giác có cùng bản thể với Thượng Đế. Trần thế và thể xác là vật chất cặn bã ô uế giam hãm linh hồn và tri giác. Con người phải thoát ly khỏi chúng để đến thiên quốc.
Mô thức vô thần (atheism). Tuyệt đối không tin có thần thánh. Gạt bỏ tôn giáo, phủ nhận những gì gọi là siêu việt vì chúng phi vật chất. Con người có khả năng tự giải quyết mọi vấn đề không cần có Thiên Chúa chỉ đạo. Đề cao khoa học và trí thức. Chủ trương dùng khoa học để giải thích về vũ trụ và con người.
Mô thức nhân bản (humanism). Đặt trọng tâm vào con người. Con người là thượng đế của chính mình. Luân lý chỉ là phương tiện giúp con người sống tốt với cộng đồng, vì vậy những luật đạo mang tính thần quyền áp chế con người phải loại bỏ. Những khái niệm tiền nghiệm siêu hình như linh hồn, thần linh, và thiên khải cũng bị loại bỏ. Bởi vì chỉ khi có lương tâm tự do, con người mới có thể tự quyết định về mình.
Năm mô thức trên là bản hòa tấu hỗn loạn trên thị trường tâm linh ngày nay. Người ta vào đó để mặc cả lợi ích. Chúng cống hiến một thiên đàng hợp ý với từng người. Chúng hứa hẹn một cuộc sống hạnh phúc ở đời này. Bởi vì chúng có yếu tố đề cao nhân phẩm, nên cũng có khía cạnh tương hợp với tôn giáo. Từ đó con người dễ chấp nhận chúng vì họ cũng tự cảm thấy mình là người mộ đạo.
Về mặt truyền bá tư tưởng, nhằm lôi cuốn từng cá nhân, chúng dùng hai chiến thuật ăn khách: tâm lý (psyche) và thần bí (mysticism). Để có một hình ảnh cụ thể, tôi xin trình bày bối cảnh đạo giáo trên nước Mỹ như một sự kiện điển hình chung.
Chúng ta thấy căn rễ tâm lý qua hiện tượng các vị “minh sư” triệt để đề cao cái ngã (ego - cái tôi). Đối với họ, phải có ngã mới có ý thức về chính mình, tức là mới có hiện hữu (real being alive). Tuy không công nhận Thiên Chúa, nhưng họ không ngần ngại sử dụng kinh thánh để biện bác. Chẳng hạn họ trích dẫn trình thuật lúc Môise hỏi Chúa là ai, Chúa trả lời: “Ta là Ta”. Họ biện luận, như vậy ngay cả Chúa cũng phải xuất hiện với dạng cái ngã (Ta). Bất cứ ai cũng chỉ được nhận diện qua cái ngã. Họ phong ngôi cho cái ngã là căn gốc của mọi giá trị và có địa vị tuyệt đối. Từ cái ngã mới nảy sinh những vấn đề liên quan đến ý nghĩa của sự hiện hữu. Rồi cái ngã tự do dùng tri thức của nó để trả lời cho những vấn đề ấy.
Tuy nhiên “ngã” là một khái niệm rất mơ hồ. Nó mang rất nhiều định nghĩa khác nhau tùy theo học thuyết. Cái ngã mà nhóm tâm linh hiện thời khai thác là cái ngã của tâm lý học. Cái ngã gắn liền với cõi tiềm thức và vô thức. Do đó “ngã” chỉ là mặt nổi của cõi vô thức (tâm thần) chìm bên dưới. Có thể có một tâm thần lệch lạc? Dĩ nhiên là có. Ai cũng biết người bị lệnh lạc về tâm thần người đó sẽ như thế nào.
Câu chuyện của Cain thời cổ và Adolf Hitler trong vài thế kỷ trước là hình ảnh của cái ngã lệch lạc. Cain giết em ruột của mình, Hitler giết dân Do Thái, vì cả hai không chấp nhận người khác hơn mình. Họ tiêu diệt “đối thủ” với dạng thức độc ác nhất.
Trong thời hiện đại, câu chuyện của nhóm đạo Heaven’s Gate (Cổng Trời) là một dẫn chứng rõ nét khác. Nhóm này do Marshall Applewhite và Bonnie Nettles thành lập. Marshall đưa ra thuyết: con người là hậu duệ của giống siêu nhân sống bên ngoài trái đất. Ông ta diễn giảng rằng vào khoảng nhiều triệu năm xưa, có một số người siêu việt từ một hành tinh cực kỳ tiến hóa ghé thăm trái đất. Họ để lại những “hạt giống” của họ trên trái đất. Rồi vào đúng thời, họ sẽ trở lại trái đất để “gặt mùa”, nhưng chỉ có những linh hồn ưu tuyển mới được họ mang về quê tổ. Theo Marshall, nhóm Heaven’s Gate là những người được tuyển chọn. Còn trái đất khi đến thời mạt vận, nó sẽ được tái tạo (recycle) cho tốt hơn. Vào lúc đó loài người sẽ bị chết hết cùng với những vật ô uế. Cuối cùng vào tháng Ba năm 1997, nhân có sao chổi Hale--Bopp bay ngang qua trái đất. Marshall báo cho các tín đồ biết rằng đi theo với sao chổi là con tàu không gian (UFO) của tổ phụ. Đó là dịp may hiếm có để đi theo tổ phụ vào cõi tiến hóa. Nhóm này gồm tất cả là 39 người đã tử tử vào ngày 26 tháng ba, 1997. Trong băng thu âm do Marshall để lại, ông cho biết tự tử là cách duy nhất để linh hồn thoát xác đi theo tổ phụ, và cũng để thoát chết bởi trái đất đến ngày thanh lọc.
Giáo thuyết của Heaven’s Gate là một mớ hỗn hợp bao gồm ý niệm cánh chung của Kitô giáo, giả thuyết “phi hành gia cổ đại” (ancient astronaut) của khoa học giả tưởng, ý niệm thoát xác của Ngộ đạo, và huyền bí học. Phanh phui hồ sơ cá nhân của hai vị giáo tổ, người ta biết Marshall có vấn đề tâm thần đến phải vào nhà thương chữa trị. Bonnie lại chính là cô y tá săn sóc cho ông.
Thống kê của hội International Cultic Studies Association , năm 1989, cho biết có 240,000 học sinh trung học đi theo các nhóm đạo. Theo Encyclopedia of Cults and New Religions, năm 2001 có 48 tôn giáo mới được thành lập. Trong năm 2009, nước Mỹ có 5000 nhóm tâm linh (cult) khác nhau, trong đó có cả nhóm thờ Satan. Vì lý do tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, chúng ta tránh bàn đến họ ở đây.
Trong lãnh vực thần bí, chúng ta có thể nhìn vào học thuyết của nhà thần bí học Joseph Campbell như một tài liệu tham chiếu. Campbell đi khắp nơi để nghiên cứu về thần thoại, từ những chủng tộc man khai sống trong rừng núi đến những nền văn hóa khác nhau từ Đông qua Tây; từ thời cổ đến thời cận đại. Công trình của ông được trình bày trong cuốn “The Masks of God” (Những mặt nạ của thượng đế), sách dầy 730 trang. Ông đưa ra chủ thuyết: nhân loại có chung một lối nhận thức về vũ trụ và cũng có chung những ý tưởng cơ bản về thần linh. Ông dẫn chứng rằng mỗi chủng tộc đều có một đấng cứu thế. Đấng này tuy chân dung (mặt nạ) có khác nhau, nhưng cấu trúc thành hình về đấng cứu thế đều giống nhau.
Học thuyết của Campbell, được cụ thể hóa qua bộ phim Star Wars (chiến tranh giữa các hành tinh) mà hầu như cả thế giới đều biết. Star Wars, trình chiếu từ năm 1977 và vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay (2015). Bộ phim là sản phẩm của George Lucas, học trò cưng của Campbell. Star Wars là khuôn mẫu huyền thoại về đấng anh hùng của học thuyết Campbell. John D. Caputo, giáo sư triết Đại Học Syracuse University, gọi học thuyết này là “tôn giáo Star Wars” vì nó có đầy đủ những nhân vật biểu tượng về đấng cứu thế của các tôn giáo cổ điển. Caputo đã không nói quá lố, vì trên thực tế, bộ phim đó đã tạo nên một nhóm đạo có tên là Jedism. Theo thống kê của năm 2001, có 390,127 người đi theo đạo Jedism.
Jedi là tên của dòng minh sư (guru) rất thông minh và tốt lành. Jedi có khả năng thần thông nhờ biết sử dụng nguồn năng lực sáng thần bí của vũ trụ, gọi là The Force (Năng Lực vũ trụ). Vũ khí của Jedi là cây gươm ánh sáng (lightsaber), lưỡi gươm của nó là năng lượng vũ trụ kết tinh thành. Jedi dạy rằng The Force hiện diện ở khắp mọi nơi và đang sinh động bên trong mỗi người. Con người chỉ cần tĩnh lặng trong thiền định là nhận thức được Năng Lực vũ trụ ở nội tâm. Vì vậy mỗi người đều có sẵn một lương tâm đạo đức bẩm sinh. Jedism trở thành đạo của trí tuệ và vị tha. Tuy nhiên trong vũ trụ còn có phần năng lượng tối đối nghịch với phần năng lượng sáng. Sống trong phần năng lượng tối là nhóm người Sith. Chính sự sợ hãi và lòng hận thù đã dẫn cái ngã của Sith tới mặt tối (dark side) (*giống như trường hợp của Cain). Sith sử dụng “năng lượng tối” để gây chiến tranh giữa các hành tinh. Các Jedi đã phò tá một thanh niên trẻ vô danh trong gia đình họ Skywalker chống lại nhóm Sith để bảo vệ hòa bình cho đế quốc thiên hà.
Mặc dù Skywalker, vị anh hùng cứu thế, là nhân vật chính của bộ phim, nhưng lời giảng đạo của Jedi mới tạo nên đạo giáo Jedism. Lời chúc bình an nổi tiếng của Yoda, một vị sư phụ Jedi, “May the Force be with you” (xin Lực Vũ Trụ ở cùng bạn) là tiếng vọng lời chúc của Công Giáo “Thiên Chúa ở cùng anh chị em”. Hiển nhiên, đạo Jedi đã đồng hóa Lực Vũ Trụ với Thiên Chúa.
Học thuyết của Campbell có giá trị về mặt học thuật nhân văn. Nó đưa ra một cơ chế hậu thế tục (post-secularism) về những tôn giáo dân gian (pagan) theo nghĩa truyền thống. Star Wars, cũng như các khuynh hướng tâm linh hiện đại, đã nhìn thế giới với con mắt nhị nguyên: thể xác và linh hồn, mặt sáng (thần linh) và mặt tối (ác quỉ), vật chất và thần khí, khoa học và niềm tin, giới hạn và vô hạn… Trong thế giới đó luôn luôn có cuộc chiến giữa hai cực: ác và thiện. Đó vốn là khuôn mẫu của loại thần thoại cổ điển, nhưng đã được các “minh sư” cận đại dùng kỹ thuật cao chuyển hóa thành một dạng triết lý. Rồi triết lý được thăng hoa thêm nữa để thành một “tôn giáo” (theo nghĩa mới) một cách dễ dàng. Năm 2010 viện Gallup thống kê cho biết 12% thanh niên Mỹ tin vào năng lực vũ trụ theo lời giảng của Jedi. Trên thực tế thế giới của Star Wars và đạo Jedism là một tổng hợp của Ngộ giáo với lối truyền thụ tri thức bí truyền, Lão giáo với quan niệm về nguyên lý vũ trụ, Hindu qua chủ trương phiếm thần, và thuyết nhân bản đề cao cá nhân.
Cùng một khuynh hướng, năm 1983 có nhóm Women-Church (giáo hội nữ giới) do vài nữ tu Công Giáo sáng lập nhằm nỗ lực thu hút nữ giới. Hằng ngày họ cử hành những lễ nghi có tính cách phù thủy. Đôi khi họ có lễ hội nhảy múa theo kiểu người Celt hoặc Saxons thời xưa. Trên bàn thờ họ đặt tượng Chúa Giêsu ngang hàng với tượng Phật Thích Ca, Thần Vishnu và ông Môise. Trong nghi lễ thờ phượng hằng ngày, họ đọc một đoạn văn trích trong những kinh điển của Phật giáo, Lão giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, hay Kitô giáo. Một nhóm đạo khác là Church of Scientology (Giáo hội Tri thức) do ông Ron Hubbard sáng lập vào năm 1985. Hiện nay đạo giáo này có 30,000 tín đồ ở Mỹ. Theo Hubbard, đạo của ông có 8 triệu tín đồ trên khắp thế giới. Hai đạo giáo này đều là tổng hợp những dạng của Ngộ giáo, khoa học giả tưởng, tâm lý học, thuyết lực vũ trụ của Lão giáo, và thuyết luân hồi của Hindu.
Mặc dù các nhóm tôn giáo mới có những vị giáo chủ có khả năng thuyết phục cao, nhưng sự thành công của họ còn nhờ vào bầu không khí hoang mang do nền văn học đương thời tạo ra. Đó là dòng văn học gothic (hay Gothick) hậu trung cổ. Gothic có cấu trúc tái tạo những yếu tố man rợ, hỗn loạn và quái dị thành văn hóa dân gian. Gothic đã chuyển thể quỉ dữ thành thiên thần, quái nhân thành anh hùng, và con người trở thành “thiên chúa”. Giới thiếu niên bị bao vây bởi những sách báo và phim ảnh diễn tả những con ma hút máu (vampire) dũng cảm, những con quỉ dữ (devil) đại lượng, lồng trong những mối tình nên thơ, đang xảy ra trong thời đại kỹ thuật cao. Dòng văn học gothic điều chỉnh các quy ước cũ về tội lỗi thành lề lối tự nhiên của đời thường. Từ đó những hành vi xấu dễ được xã hội chấp nhận, rồi sẽ không còn là tội lỗi. Mặt khác chúng gây hoang mang cho những ai thiếu kinh nghiệm tôn giáo. Chẳng hạn Dan Brown viết cuốn “The Davinci code” trình bày Chúa Giêsu chỉ là một người phàm bình thường, thậm chí còn lấy vợ và có con. Những khái niệm về thiêng liêng được kiến tạo lại để trở thành thế tục. Từ đó trí thức của não bộ và sự khôn ngoan của tâm trí (psyche) tạo ra những “tân tôn giáo dân gian” (new Paganism) không có tín điều và không cần có giáo hội, nhưng phù hợp với cái ngã của mỗi người.
Một thị trường tâm linh nói trên đã tạo nên một dạng đời sống mới hổ lốn (new age syncretism).2 Một thực trạng vừa đề cao khoa học, trọng duy lý, lại vừa đề cao khoa học dã tưởng và niềm tin thần thoại hư cấu. Những khuynh hướng này đúng hơn là loại triết lý tôn giáo chứ không phải là tôn giáo.
Dưới con mắt của Công Giáo, lẫn trong đời sống của chúng ta có sự hiện diện của Satan. Satan đang dẫn dụ con người hiện đại với những lời thì thầm êm ái của con rắn, cùng một chiến thuật nó đã ve vuốt cái ngã của bà Eva. Cũng như nó đã cám dỗ Đức Giêsu qua những việc rất nhỏ bé cần thiết cho nhu cầu sống. Satan bày ra thức ăn cho kẻ đói khát, ru ngủ cho những tâm hồn cô đơn, và cho biết “thượng đế” là chính họ. Rồi nó dẫn con người tới sự khôn ngoan của tâm lý (psyche). Với những ai chưa dứt khoát, Satan thâm độc khai thác tâm lý chạy tội của kẻ lầm lỗi, một nhu cầu tiềm ẩn muốn bào chữa tội của mình thành vô tội. Muốn vậy con người phải chặn tiếng gọi của người công chính và biến đổi kẻ đối kháng hung ác thành nhân vật anh hùng. Con người cần phải giết Đức Giêsu và tha Barabas.
Kitô giáo được xây dựng trên sự thật về Chúa Kitô. Nếu không có Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá cho tội lỗi nhân loại, con người không thể hòa giải cùng Thiên Chúa. Nếu Chúa Giêsu không phục sinh thì cái chết của Người không hơn gì cái chết của một vị thánh tử vì đạo. Nếu Đức Kitô không phục sinh, nhân loại sẽ không còn hy vọng và cũng không thể có Công Giáo. Sự thật này Công Giáo không rút ra từ bất kỳ một truyền thống nào, và cũng không phải do bất cứ tư tưởng nào của ai đặt ra.
Cái nguy hiểm nhất của con người hiện tại là không tin có Satan và cũng không tin vào Thiên Chúa; không chấp nhận những giới răn đạo đức khách quan; không tin vào mặc khải; không còn siêu nhiên mà chỉ có tự nhiên; Thượng Đế không còn siêu việt mà chỉ là năng lực. Tóm lại họ chỉ tin vào chính họ. Nhưng sự thật là chúng ta không thể đến với Thiên Chúa từ phía con người. Chính Thiên Chúa đến với con người qua những mặc khải. Đúng là con người không thể hiểu biết về Thiên Chúa nhưng vẫn có thể cảm nhận về Người qua những mặc khải. Vì vậy chủ đề của những mạc khải mới thật sự là đời sống tâm linh.