Kitô hữu chúng ta đều biết ơn cứu độ của Thiên Chúa mang tính phổ quát. Thiên Chúa muốn toàn thể thế giới nhận ra chân lý và ơn cứu độ của Người (1Tm 2:4). Tuân theo ý Chúa, Giáo Hội cố gắng loan truyền Tin Mừng đến khắp mọi nơi trên địa cầu. Tuy nhiên việc truyền giáo gặp khó khăn ở Á Châu, Phi Châu và ở các xứ thuộc nền văn minh Hồi Giáo. Bàn về vấn đề này, có lẽ linh mục thần học gia Karl Rahner là người đưa ra một nhận xét bộc trực nhất, ông nói, “Thực sự hoạt động của Giáo Hội trong tương quan với thế giới ngoài Âu Châu là hoạt động của một công ty xuất khẩu (xin lỗi đã dùng từ ngữ này). Giáo hội nhằm xuất khẩu một tôn giáo Âu Châu như một món hàng gửi đi khắp thế giới cùng với những thứ thuộc nền văn hóa và văn minh được tự coi là cao hơn của người khác.”(1) Chúng ta có thể tranh luận câu nói của Rahner về vấn đề phụng vụ, nhưng hàm ý đề cao mọi nền văn hóa của ông thì không cần bàn cãi vì nó rất đúng.
Văn hóa là gì? Xin tóm lược, văn hóa là những giá trị đạo đức, tư tưởng và thẩm mỹ thấm nhuần vào đời sống và niềm tin của mỗi dân tộc, qua hằng ngàn năm, khiến nó đã trở thành bản sắc riêng của dân tộc đó. Kể từ Công Đồng Vatican II, thần học đã nhận ra việc “loan truyền Tin Mừng” phải nằm trong nguyên lý hội nhập văn hóa. Người loan truyền Tin Mừng không thể tảng lờ những giá trị văn hóa nơi mình đang rao giảng. Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II cho rằng hội nhập văn hóa là việc cần thiết để phát triển đức tin Công Giáo (Giáo Hội Châu Á số 21 và 22). Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói, “Đức tin tự chính nó là văn hoá. Không có đức tin suông và cũng không có gì gọi là thuần túy văn hoá.” (Niềm tin vào Đức Kitô trước sự thách đố của các nền văn hoá, diễn đàn ở HĐGM Á Châu, từ ngày 3 đến 5/3/1993).
Chúng ta có thể tìm thấy vấn đề hội nhập văn hóa đã có từ thời Tân Ước. Theo sử liệu, trên đường hành đạo, một hôm Phêrô dừng chân ở thành Giaphô, ở trọ nhà ông Simôn. Vào giờ thứ sáu, Phêrô lên mái nhà cầu nguyện cho thanh vắng. Ông chìm vào cơn ngất trí. Ông thấy một tấm vải từ tầng trời thả xuống, trong đó có các thú bốn chân, chim trời, và các loài bò sát. Rồi có tiếng phán, “Phêrô! hãy làm thịt chúng mà ăn.” Ông hốt hoảng thưa, “Chúa ôi, không đâu. Có bao giờ con ăn đồ ô uế này.” Lại có tiếng phán, “Vật gì Thiên Chúa cho là sạch thì ngươi chớ cho là ô uế.” Câu này được lập lại ba lần, rồi tấm vải rút về trời.
Phêrô tỉnh dậy đang còn hoang mang thì có nhóm người tìm đến. Họ là lính hầu của quan Cônê, xứ Xêgiarê. Họ thưa, “Quan đại đội trưởng là người nhân nghĩa và kính sợ Thiên Chúa. Ông được thiên sứ mách bảo mời ngài tới nhà để giảng đạo.” Phêrô kinh ngạc vì Xêgiarê là xứ dân ngoại, nơi bị coi là ô tạp. Ông chưa bao giờ có ý tưởng đến đó. Bất chợt ông nghiệm ra ý nghĩa thị kiến về túi vải với những loài cầm thú. Tất cả mọi người đều là con cái của Thiên Chúa. Tất cả đều cần được thanh tẩy và cứu độ. Không ai có quyền nâng cao văn hóa của mình và coi khinh chủng tộc khác là ô uế. Phêrô bèn đi theo mấy người lính. Khi Cônê gặp Phêrô, Cônê quì xuống chào, nhưng Phêrô nâng ông dậy và nói, “Xin ngài đứng dậy. Tôi đây cũng chỉ là người mà thôi.” Rồi Phêrô giảng về Đức Kitô, trong khi ông nói, Thần Khí ngự xuống trên tất cả mọi người có mặt ở đó. Sau đó họ đều nhận phép rửa để gia nhập đạo (CV 9:43, 10:1-22).
Khi trở lại Giêrusalem, Phêrô bị cộng đồng Công Giáo ở đấy chất vấn, “Tại sao ông lại vào nhà kẻ chưa cắt bì và ăn chung với họ?” Phêrô kể lại diễn tiến mọi sự, rồi kết luận, “Khi họ tin vào Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho họ nhận lãnh Thần Khí như chúng ta. Tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa.” (CV 11:3-17).
Cũng theo sử liệu, Thánh Phaolô lưu hành truyền đạo ở những xứ xa xăm tận Âu Châu và Tiểu Á. Tại những nơi dị văn hóa này, người tự ý hợp thức hóa các tập tục truyền thống của dân địa phương và khai đạo nhập môn cho họ. Thánh Phaolô không ngần ngại loại bỏ luật cắt bì. Thánh nhân nói, “Đối với Đức Giêsu, cắt bì hay không cắt bì cũng chẳng có giá trị gì. Điều quan trọng là trở nên một người mới” (Gal 6:15).
Đức Giêsu, Tông Đồ Phêrô và Phaolô đều là người Do Thái. Cả ba thầy trò đều chịu phép cắt bì theo luật thanh sạch của Môisen. Đó là điều kiện để nhập đạo Thiên Chúa, nhưng những người ở Xêgiarê, Âu châu và Tiểu Á đã không cắt bì, không giữ luật thanh sạch về thực phẩm, vậy mà họ cũng được nhận là dân Chúa. Thánh Phêrô là nhân chứng khi Thần Khí ngự trên những người không cắt bì, thánh nhân suy ra Thiên Chúa chấp nhận họ. Trường hợp Thánh Phaolô thì khác. Người tự ý hủy bỏ “luật đạo” cắt bì cổ truyền. Người đã phát huy một Kitô giáo mới cho dân ngoại ra ngoài khuôn khổ Kitô giáo gốc văn hóa Do Thái. Hai thánh Phêrô và Phaolô chắc chắn đã không lấy thẩm quyền riêng của mình để hủy bỏ một luật đạo, nhưng hai vị đã được mặc khải để thấy điều kiện cắt bì chỉ là yếu tố văn hóa, mà yếu tố văn hóa thì có thể điều chỉnh. Thêm một chứng cớ nữa, Tông Đồ Gioan đã dùng khái niệm Logos (Ngôi Lời) của Hy Lạp để truyền đạo cho dân chúng ở những xứ theo văn hóa Hy Lạp.(2) Đó là một cuộc nhận diện rất quan trọng về ý thức văn hóa khi rao giảng tin mừng. Các thánh Phêrô, Phaolô và Gioan, ngay từ thời giáo hội sơ khai, đã nhìn ra ngôi vị Đức Kitô của vũ trụ bao trùm ngôi vị Đức Giêsu của lịch sử. Ba vị đã mở đường cho nhu cầu bản vị hóa (gia nhập văn hóa) sau này.
Thần học gia Raymundo Panikkar trình bày một chứng nghiệm tôn giáo như sau. Kitô hữu tuyên xưng đức tin về Đức Giêsu qua công thức: “Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa”. Tuy nhiên có một cảm thức hết sức tế nhị là các thành tố trong công thức trên không thể đảo ngược vị trí. Không ai muốn tuyên xưng đức tin theo dạng: “Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô.”(3) Sở dĩ như vậy vì Thiên Chúa là Đấng ẩn dấu vô danh, siêu việt duy-nhất-tính tuyệt đối, mầu nhiệm trên mọi mầu nhiệm, vượt trên cả mầu nhiệm nhập thể, nên chúng ta không quen giản lược Thiên Chúa vào một hữu thể của lịch sử. Chủ ý mô phạm của Raymundo là nêu rõ vị thế vũ trụ của Đức Giêsu, đồng thời nhấn mạnh vị thế lịch sử của Đức Giêsu trong thế tích cực của văn hóa. Không thể chối cãi khi Thiên Chúa đến với nhân loại Người trở thành một nhân vật trong không gian và thời gian. Đôi khi người ta còn gọi rõ hơn Người là Giêsu Nazarét hay Giêsu con vua Đavít. Người có một quê hương và một phả hệ rõ rệt. Người đã sống với truyền thống văn hóa địa phương và đã giảng đạo bằng ngôn ngữ của quê hương Người. Khi đi vào lịch sử, chính Thiên Chúa đã làm gương cho Giáo Hội trong chiều hướng gia nhập văn hóa khi rao giảng Tin Mừng.
Khi một anh nông dân thất học Việt Nam có một cảm nghiệm về Đức Giêsu, cảm nghiệm ấy chắc chắn hướng về Chúa Giêsu siêu việt duy-nhất-tính. Anh khó có thể ý thức về Đức Giêsu Nazarét, vì anh không biết tí gì về màu da, địa dư và văn hóa của người Do Thái. Anh sống trong đức tin Chúa Kitô siêu việt (Chúa Giêsu vũ trụ). Nội tâm anh kết hợp với Đức Giêsu hằng sống qua tâm hồn Việt Nam của anh, bởi vì anh không thể làm cách khác. Các vị lớn tuổi ở miền Bắc chắc còn nhớ một vài đoạn trong những bài “ngắm đứng” về các sự thương khó của Chúa Giêsu. Trong số đó có câu nói rằng quân dữ trói tay Đức Giêsu rồi đẩy xuống sông cho lạnh lẽo, còn chúng đi trên bờ nắm dây thừng kéo đi. Con đường Thánh Giá sỏi đá cháy khô vùng sa mạc Sinai đã được dân quê Việt nam đổi thành con sông lạnh lẽo vùng lưu vực sông Hồng. Chúng ta cũng thường thấy tượng Đức Mẹ La Vang mặc áo dài Việt Nam và các nghệ sĩ Âu Châu vẽ chân dung Đức Giêsu với da trắng, mắt xanh, tóc vàng. Dĩ nhiên không nên nhận thức sai lạc như vậy, nhưng nó lại chứng tỏ sự cảm thức là một yếu tố văn hóa. Nếu muốn anh nông dân Việt nói ra cảm nghiệm về Thiên Chúa, anh chỉ có thể cố gắng diễn tả theo Việt tính. Nếu muốn anh biểu lộ cảm nghiệm ấy bằng văn hóa Do Thái hay triết lý Hi-La, nó sẽ là một đòi hỏi hoang đường.
Những điều nói trên không có nghĩa mọi chiêm niệm về Đức Giêsu là một tri thức phi lịch sử. Ngược lại nó có nghĩa là lời giảng dậy của Đức Giêsu là chân lý của mọi lịch sử. Diễn tả một chứng nghiệm tâm linh, con người phải dùng những khái niệm để cụ thể hóa chứng nghiệm ấy. Hình thức diễn tả phải lấy từ những chất liệu văn hóa mà người ấy đang có. Thánh kinh cho biết Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha. Chúng ta hiểu “Cha” mang ý nghĩa siêu việt hằng tồn. Tuy nhiên Đức Giêsu đã biểu lộ mối cảm xúc ấy qua tiếng gọi “Abba”, một ngôn từ đầy nhân tính thuộc văn hóa Do Thái. Suy ra Kitô hữu chúng ta cũng vậy, chúng ta cảm nhận được duy-nhất-tính của Thiên Chúa, nhưng lại không thể diễn tả cảm nhận ấy bằng khái niệm duy-nhất-tính. Chúng ta bắt buộc phải dùng phương tiện văn hóa địa phương. Các học giả công giáo cho rằng cuộc nhập thế của Đức Giêsu trong thế hệ này là cuộc gia nhập văn hóa. Nghĩa là trong nghĩa vụ truyền giáo và sống đạo, sứ điệp của Đức Giêsu cần phải triển khai cho thế giới bằng chính văn hóa địa phương của mỗi miền. Đó là công việc vừa phải trung thành với chứng cứ của Phúc Âm lại vừa phải sáng tạo. Gọi là sáng tạo vì giảng viên phải lấy chất liệu văn hóa địa phương mà cắt nghĩa ánh sáng Phúc Âm.
Năm 1963, Cộng đồng Vaticanô II đã có một quyết định quan trọng trong nghi thức phụng vụ Thánh Thể. Giáo Hội đã chấp nhận cử hành Thánh lễ bằng tiếng địa phương của từng quốc gia thay vì bằng tiếng Latin.(4) Cộng đồng Vaticanô II cũng khảng định Thần Khí hiện diện và hoạt động trong mọi dân tộc. Thánh Kinh diễn tả Thần Khí qua những dạng: gió, nước, và lửa. Đó là những lực của sự sống tác động trên con người và vũ trụ từ thuở khai thiên lập địa. Sự hiện hữu của Thần Khí là chứng cớ bảo đảm cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Thần Khí ấy cũng là Thần Khí của Đức Giêsu. Như vậy Thần Khí của Đức Kitô tỏa rộng khắp nơi trên vạn vật, để rồi vào thời chung kết, muôn loài sẽ quy lại dưới một chủ chăn là Đức Giêsu. Đức Giêsu không lập ra một Giao Ước Mới với một nhóm đặc tuyển hay một dân tộc chọn riêng. Tầm phổ quát của ơn cứu độ cống hiến cho hết mọi người trên thế gian và không ngừng nghỉ trong toàn bộ lịch sử nhân loại.
Trong chiều hướng ấy, các thần học gia lập luận rằng tất cả các thánh nhân trên thế giới, dù không biết Đức Kitô, đều mang chức vị là những ngôn sứ của Thiên Chúa. Bởi vì những giáo huấn của họ đều là hoa trái của Thần Khí Thiên Chúa. Rõ hơn, giáo lý họ truyền bá đúng với giáo lý của Đức Giêsu. Chẳng hạn một số thần học gia Trung Hoa nhìn ra trong sách Luận Ngữ của Khổng Tử, người sống trước Đức Giêsu lịch sử hơn 500 năm, có rất nhiều điểm tương đồng với Phúc Âm. Nếu Thiên Chúa đã linh ứng cho nhân loại, qua các bậc hiền triết khắp nơi, thì mầu nhiệm Chúa Giêsu vũ trụ phải vượt khỏi giới hạn diễn đạt của một nền văn hóa. Vào thời điểm này, không nên khăng khăng cho rằng Kitô học dạng Do Thái Tây phương là lối đi duy nhất, để tìm câu trả lời cho nhân sinh. Trong bối cảnh mới của thời nay, thần học Kitô hướng tới chiều đa dạng là điều dĩ nhiên. Một thí dụ nhỏ Kitô hữu ngày nay nhìn ra thiền Đông Phương cũng là một phương thức cầu nguyện để chiêm niệm mầu nhiệm Thiên Chúa.
Đa số các thần học gia Công Giáo đã đưa ra vấn đề vị thế ngôn sứ của các vị hiền triết, đặc biệt là những vị ở ngoài Kitô Giáo. Trước khi bàn đến vấn đề này chúng ta cần phải xác định, “Chúng tôi tin vững vàng và khảng định đơn giản chỉ có một Thiên Chúa chân thực, vô hạn, bất biến, vô phương thấu hiểu, toàn năng và khôn tả, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: ba ngôi vị nhưng chỉ có một bản thể đơn thuần” (Công Đồng Latran). Như vậy mầu nhiệm nhập thế là một biến cố duy nhất: chỉ có một Đấng Kitô, chỉ có một giáng sinh, chỉ có một cuộc thương khó, chỉ có một phục sinh, chỉ có một ơn cứu độ. Đó là khẳng định rõ ràng, dứt khoát, và không thể thay đổi của Giáo Hội Kitô. Vì vậy danh xưng Đức Giêsu Nazarét vẫn rất cần cho khởi điểm của đức tin. Tuy nhiên lịch sử cứu độ vẫn còn tiếp tục trong thế giới. Thời gian để hoàn thành ơn cứu độ cũng là thời gian hoàn tất cuộc lữ hành, vào lúc Đức Kitô trở lại thế gian lần thứ hai.
Trong khi nhân loại đang trên đường lữ hành về miền đất hứa. Giáo hội cũng nhận diện rằng nhân loại đang sống trong những nền văn hóa dị biệt cổ kính và thâm sâu. Hiển nhiên nhân loại có những truyền thống suy tư khác nhau. Điều đó có nghĩa là chứng nghiệm Phúc Âm không thể có một dạng đơn thuần, nhưng rất cá biệt theo văn hóa. Khi thần học nhận diện vị thế ngôn sứ của các thánh nhân ngoài Kitô giáo, thần học không làm giảm nhẹ biến cố nhập thế của Đức Kitô. Thần học chỉ muốn nói rằng để ơn cứu độ được hoàn thành, mọi nền văn hóa phải cùng tích cực tham gia suy niệm Phúc Âm.
Hội nhập văn hóa không chỉ đơn thuần là sử dụng những chất liệu bề mặt của văn hóa để diễn dịch Phúc Âm. Xa rộng hơn, các thần học gia nhìn sâu vào cuộc nhân sinh của chủng tộc mình trong mọi dạng liên hệ. Thần học đào sâu trong đối thoại với nhân chủng học, triết học, xã hội học, ngôn ngữ học, và các tôn giáo cổ truyền. Thần học Ấn Độ, chẳng hạn, dùng niềm tin về thần linh trong truyền thống Ấn giáo để suy niệm mầu nhiệm nhập thế của Đức Kitô. Thần học Đài Loan dùng chủ đề “sự sống”, qua khái niệm “sinh khí” của đạo học Trung Hoa, để suy niệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Thần học Đại Hàn dùng thực trạng nghèo hèn của “tiện dân” làm bối cảnh cho ơn cứu độ do Đức Giêsu đề xướng. Thần học Châu Mỹ Latinh chú trọng đến thực thể kì thị và bất công xã hội làm chủ đề cho công tác thể hiện Nước Trời. Giáo hội Việt Nam đang “cố gắng trong việc hội nhập văn hóa để tránh thành kiến cho rằng Công Giáo đồng nghĩa với hủy bỏ truyền thống và lòng hiếu thảo tổ tiên” (GM Phaolô Nguyễn văn Hòa, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 2002).
Hội nhập văn hóa rồi sẽ thế nào? Chúng ta hãy coi như Đức Giêsu nhập thế nơi quê hương của mình. Vậy Phúc Âm phải tuyên xưng thế nào trong văn hóa của mình. Chúng ta là những công dân Nước Trời mang Tin Mừng cứu độ đến cho con người. Chúng ta không thể làm gì khác hơn là sống trọn vẹn với Người, trong môi trường văn hóa do lịch sử quy định.
(1) Trích trong bài diễn văn của Karl Rahner, nhan đề “Tiến Tới Một Lối Giải Thích Thần Học Nền Tảng Về Vatican II”. Rahner phát biểu trong dịp linh mục được cấp bằng tiến sĩ danh dự về Văn Chương Nhân Bản, ngày 8 tháng 4 năm 1979, tại Đại học Cambridge, Massachusetts. Bản dịch của Vũ Văn An. Nguồn: trang nhà Trung Tâm Học Vấn Đa Minh
(2) Logos, thuật ngữ của triết học Hy Lạp, chỉ về nguyên lý tạo dựng vũ trụ biểu hiện qua tiếng nói. Công Giáo đã dịch Logos là Lời (hay Ngôi Lời): “Từ khởi đầu đã có Ngôi Lời” (Ga 1:1). Như vậy khi giảng đạo cho dân Hy lạp, Tông Đồ Gioan đã dùng chính ý niệm triết học của họ để chuyển tải Tin Mừng. Linh mục Nguyễn Quốc Hải đã dùng khái niệm Đạo của triết học Đông phương để chuyển nghĩa đặc ngữ Logos. Ông viết, “Từ muôn thuở đã có Đạo” (Đường Vào Cõi Phúc, nxb Nguồn Việt Media. 1997, tr. 522). Dù đây chỉ là ý kiến riêng của lm Nguyễn Quốc Hải, nhưng ít ra nó cũng chứng tỏ có yếu tố văn hóa trong việc truyền giáo.
(3) Về điểm này Kitô hữu cần nắm vững một hướng nhìn hết sức tinh tế, lệch một chút là rơi vào lạc giáo. Chúng ta không nói “Thiên Chúa là Đức Kitô” bởi vì câu nói này dễ dẫn tới ý nghĩ Thiên Chúa là người phàm Giêsu. Ngộ nhận nguy hiểm này xảy ra khi ta chỉ để tâm vào một bản thể phàm trần của Đức Giêsu. Thực ra câu nói ấy không hàm ý rằng Đức Giêsu không thể ôm trọn mầu nhiệm Thiên Chúa? Tuyên xưng của Công Đồng Canxêđôn đã đặt chủ đề mầu nhiệm nhập thế vào đúng vị trí của đức tin. Bản tuyên xưng xác tín Đức Giêsu có hai bản thể. Cùng một lúc Người là một con người thật và là Thiên Chúa thật. Hai bản thể này song hành không trộn lẫn nhưng cũng không tách biệt. Đức Giêsu là Thiên-Chúa-Người. Nếu chỉ thấy một bản thể và giữ bản thể ấy đứng một mình, ngôi vị Kitô dễ bị bóp méo. Đức Giêsu là người phàm và còn là Thiên Chúa, Đấng siêu việt tuyệt đối. Vì vậy Người ôm trọn mầu nhiệm Thiên Chúa. Do đó Đức Giêsu duy trì một bản thể siêu việt duy-nhất-tính bất biến vượt giới hạn văn hóa, lịch sử, và thời gian.
(4) Sắc lệnh về cử hành Thánh lễ bằng tiếng địa phương được minh xác qua bản Hiến Chế Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium - Constitution of the Sacred Liturgy) do Giáo Hoàng Phaolô VI ký ngày 4 tháng 12 năm 1963. Thánh lễ đầu tiên bằng tiếng Ý do Giáo Hoàng Phaolô VI cử hành ngày Chúa nhật ngày 7 tháng 3 năm 1965.