G ần đây có những cuộc khủng bố giết người dã man xảy ra bừa bãi khắp nơi, trong không khí ghê rợn đó, những phim The Exorcist (người trừ quỉ) do Hollywood tung ra, và nền văn hóa hỗn tạp cùng loại, khuấy động tâm tư nhiều người vốn đã hỗn loạn trong thời đại chúng ta. Nhiều người mơ hồ cảm thấy có một liên hệ nào đó giữa tội ác và quỉ dữ. Rõ nét hơn, Adam Daniels -- thủ lãnh dị giáo Satan -- dựa vào luật bình đẳng tôn giáo đã thành công bắt ép thị trưởng thành phố Oklahoma để hắn cử hành lễ đen (black mass - lễ thờ Satan) ở tòa hành chánh của tỉnh. Đối với Kitô hữu, Satan có thật, nhưng chúng ta lại ít lưu tâm đúng mức về nó. Hầu như chúng ta có tập quán tâm lý cho đó là chuyện dị đoan nhảm nhí, hoặc do bản năng tự vệ muốn tránh né sự sợ hãi. Dù thế nào, vào thời điểm thích hợp này chúng ta nên nhìn thẳng vào sự hiện diện của Satan.
Tại sao thế giới tràn đầy sự dữ? Một số tôn giáo giải thích bằng tín lý nhị nguyên (dualism). Họ cho rằng, trong vũ trụ có hai thượng đế, một vị tốt lành và một vị ác xấu. Hai nguyên nhân tốt và xấu đến từ hai vị này. Hai vị độc lập, có quyền năng bằng nhau, và cùng cai trị thế gian. Thế gian trở thành bãi chiến trường giữa thiện và ác không bao giờ ngừng. Công Giáo phủ nhận thuyết nhị nguyên và nêu rõ thần dữ đó chính là Satan. Nếu Satan có sự hiện hữu, có quyền năng, và có bản tính siêu việt… mà đó là những giá trị tối thượng tốt lành, vậy Satan phải bắt nguồn từ Thiên Chúa là Đấng tốt lành, rồi sau đó mới trở nên xấu. Satan chính là một vị thiên thần sa ngã. Satan sa ngã vì có ý chí tự do. Bởi có ý chí tự do nên có thể trở nên tốt hoặc trở nên xấu. Satan là kẻ thụ tạo nên không thể ngang hàng với Thiên Chúa (GLCG 391-393).
Chúng ta cũng thường nghĩ Satan có dạng một người đàn ông mặt sói, da cháy đỏ, đầu có sừng, vai có cánh, mông có đuôi, ngón tay có vuốt. Thật ra Satan là thần linh thuần túy nên không có dạng thể vật chất. Satan có thể xuất hiện với bất cứ dạng thể nào nó muốn. Nó có thể là con rắn khi quyến rũ bà Eva, con rồng bảy đầu như trong sách Khải Huyền miêu tả, trong dạng những thiếu nữ lõa thể cám dỗ Thánh Pio. Có lần nó còn hiện ra với Thánh Pio trong dạng Đức Kitô.
Kinh điển Công Giáo còn nói tới một nhân vật “Kẻ Chống Chúa” (Antichrist - 1Ga 2:18, 22; 1Ga 4:3; 2Ga 1:7). Xin đừng lầm hắn là Satan. Hắn là một người phàm. Sách Khải Huyền cho biết tên của hắn gồm những mẫu tự nếu cộng lại theo thứ tự của bảng mẫu tự Hebrew, nó sẽ là con số 666. Kẻ chống Chúa xuất hiện vào thời mạt thế để lãnh đạo thế giới chống lại Giáo Hội. Đã có lúc người ta tưởng hắn đã tới, thật ra không ai biết hắn là ai và lúc nào sẽ lộ diện.1
Theo kinh điển, Lucifer (nghĩa là Sao mai) là vị tổng lãnh thiên thần rất cao trọng. Lucifer vì kiêu ngạo mà phản nghịch Thiên Chúa nên bị Thiên Chúa loại bỏ. Từ đó Lucifer có tên là Satan (nghĩa là kẻ chống đối) và nhiều tên khác như Ben-giê-bút (Beelzebub), Ác thần (Evil One), và Quỉ dữ (Devil). Satan có nhiều danh hiệu như Hoàng tử của hỏa ngục, Hoàng tử của thế gian, Gốc của mọi dối trá... Satan có rất nhiều thuộc hạ, cũng là những thiên thần sa ngã, gọi chung là “ác quỉ” hay “quỉ” (evil -- devil -- demon, không viết hoa). Sách Khải Huyền cho biết 1 phần 3 thiên thần trên Thiên Đàng đi theo Lucifer (Kh 12:3-9; Is 14:12-15; 2 Pr 2:4; Ga 12:31).
Satan rất thù ghét loài người nên tìm cách bắt linh hồn con người làm nô lệ cho hắn. Thần học giải thích rằng so với Satan, có bản thể là thiên thần, con người là loại hạ đẳng, quá hèn mọn. Vậy mà Thiên Chúa nhập thế làm người chứ không làm thiên thần. Do đó con người được tôn lên cao hơn Satan. Trong khi thiên thần phải tuyên xưng Chúa Giêsu là Vua thì con người lại được coi là anh em với Chúa Giêsu. Khi con người phạm tội, Thiên Chúa ban cho con người ơn hòa giải, nhưng Satan và quỉ không được ơn tha thứ. Con người được Chúa Giêsu chịu chết để chuộc tội nhưng Satan và quỉ thì không được ơn này. Không những thế, Thiên Chúa cho biết một nữ nhân sẽ đạp đầu Satan (trong dạng con rắn). Rồi Satan còn phải tôn thờ một người con của phàm nhân (Đức Giêsu). Làm sao một vị thần linh uy dũng đầy quyền phép như Satan lại có thể chịu được nỗi nhục nhã như vậy. Điều này đã khiến Satan thù hận loài người.
Tuy nhiên Thiên Chúa ban cho Satan được quyền hoạt động tự do. Satan là vua của thế giới vật chất. Đáng buồn là ít ai chú ý đến sự kiện này. Đã có nhiều dòng tư tưởng thuộc thời đại mới thách thức đức tin của Thiên Chúa giáo. Điều này rất hợp với ý của Satan vì nó muốn con người tin rằng nó chỉ là nhân vật tưởng tượng, nhờ đó sẽ không ai đề phòng nó. Giáo Hoàng Benedict XVI, khi còn là Tổng Trưởng Bộ Đức Tin, trong bản Tường trình về Đức Tin, năm 1985, đã viết: “Kitô giáo đã đem ánh sáng văn minh cho thế giới Tây phương, nhưng nếu ánh sáng ấy bị văn hóa vô thần đè bẹp đến nỗi tắt đi, Tây phương sẽ rơi vào bóng tối tuyệt vọng. Ngày nay ta đã thấy có dấu hiệu của quyền lực bóng tối xuất hiện, như việc tôn thờ Satan.” Còn gì rõ hơn khi chính Satan xác nhận với Đức Giêsu rằng thế gian thuộc về hắn. Hắn nói, nếu Đức Giêsu tôn thờ hắn, hắn sẽ ban cho mọi vinh quang ở thế gian (Lc 4:1-13; Mt 4:1-10). Sự tiết lộ của Satan đã cho chúng ta một cơ hội kiểm tra lại vị thế của mình trong bản sắc là người Công Giáo.
Theo linh mục Gabriele Amorth (1925-2016), vị trừ quỉ của giáo phận Roma, cũng là nhà trừ quỉ nổi tiếng nhất thế giới với 70,000 vụ trừ quỉ, cho biết quỉ có thể tác động vào con người qua ba lãnh vực: thể xác, đạo đức, và tâm linh. Chẳng hạn quỉ có thể đánh đập nạn nhân, hay chiếm hữu thân xác nạn nhân. Quỉ có thể tác động vào tâm trí để xúi giục con người làm những việc bá đạo. Quỉ có thể khuyến dụ con người với những học thuyết giả dối để con người sa đọa. Cha Amorth cũng cho biết đừng nghĩ lầm rằng quỉ chỉ đến với những kẻ tội lỗi và tránh xa người tốt lành. Quỉ có thể tới với bất cứ ai. Tuy nhiên đối với những kẻ thờ quỉ, hoặc sống với bùa ngãi trù ếm…thì quỉ đến với họ, vì chính họ tự ý mời quỉ tới. Khi quỉ đã nhập vào người nào, chỉ có phép trừ quỉ của Công Giáo mới trục xuất nó (hay chúng) ra được.2
Tôi xin rất vắn tắt đan cử một ca trừ quỉ. Cô Rosa, người Ý, thường trở nên trầm cảm vào những ngày lễ trọng như lễ Lá, lễ Phục Sinh, lễ Ngũ Tuần… Một hôm Roberto, anh của cô, thấy cô nằm ở sàn nhà, người vặn vẹo, miệng gầm gừ như chó sói. Anh mang cô đến gặp cha Amorth vào tháng 8 năm 2015. Qua vài cuộc định bệnh, cha Amorth cho biết Rosa bị quỉ nhập do lời nguyền từ cô bạn gái của Roberto. Roberto và cô bạn gái này là hội viên của một dị giáo rất mạnh.
Cô Rosa trải qua gần 10 buổi trừ quỉ. Xin ghi ra đây lần cuối cùng và cũng là lần thành công. Cha Amorth mời tất cả mọi người trong phòng đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng. Sau đó, cha xin sự bảo trợ của các Thánh Giuse, Thánh Pio, Chân Phước Amantini, và Đức Trinh Nữ Maria. Rosa lắc lư đầu, mắt trợn ngược, và rơi vào trạng thái hôn mê. Cha Amorth cầu nguyện bằng tiếng Latinh, “Exorcizo Deo Immundissimus Spiritus” (xin Thiên Chúa giải trừ sự xâm nhập của thần ô uế). Nghe thế Rosa vùng vẫy miệng xùi bọt trắng. Phải cần tới năm người đàn ông trợ giúp mới ghìm được cô ta nằm xuống. Cha Amorth tiếp tục đọc, “Recede In Nomini Patris” (nhân danh Chúa Cha hãy ra khỏi đây) Rosa rướn mình lên hét vào mặt cha “Mai” (không bao giờ). Chợt có luồng âm thanh vo vo như bầy ong tràn ngập căn phòng. (chú thích riêng: có lẽ đó là lúc bầy quỉ nhỏ xuất ra). Cha Amorth bình tĩnh cầu nguyện, “Spirito Del Sinore. Spirito, Spirito sancto Sanctissima Trinata…” (Lạy Thần Tính Thiên Chúa, lạy Chúa Thánh Thần, lạy Chúa Ba Ngôi, xin gìn giữ Rosa, xin hủy diệt thế lực ác tà để Rosa được bình phục mà phục vụ tốt lành cho tha nhân. Xin Chúa khiến ma quỉ tránh xa cô ấy). Rosa vùng dậy hét to vang nhà “Maaaaaiiiii” (không bao giờờờờờ). Rồi một giọng nói khác từ trong cô ré lên: "Đừng đụng vào nó! Không bao giờ được đụng tới nó, Io Sono Satana (ta là Satan)”. Cha Amorth nói “Recede Ergo Nunc!” (Rời khỏi cô ta ngay!). Rồi cha hỏi, “Bọn ngươi có bao nhiêu quỉ?” Quỉ trả lời, “Tám mươi quân đoàn”. Quỉ nói tiếp, “Nó thuộc về ta.” Cha Amort cãi lại, “Không cô ta thuộc về Đấng Giêsu Kitô.” rồi cha Armoth trầm tĩnh nói khe khẽ, “Requie Creatue Dei” (hãy an nghỉ, hỡi kẻ tạo vật của Thiên Chúa.) Sau đó Satan ra khỏi Rosa. Cô từ từ tỉnh lại và không nhớ những gì đã xảy ra. Hai năm sau khi được hỏi về chuyện này, Rosa cho biết. “Tôi thấy rõ tôi được tự do. Tôi cảm nhận được nỗi đau đớn của Ác thần bên trong tôi khi bị trục xuất.” 3
Trường hợp cô Rosa, một người vô tội bị người khác làm hại không phải là ít. Hiện tượng này được gọi là tình trạng SRA (Satanic Ritual Abuse - bạo hành bởi nghi thức thờ Satan). Đây là những hành vi tội phạm phát sinh từ những dị giáo. Thông thường chúng cưỡng bức những bé gái, những cô gái trẻ có thai và dụ dỗ giới học sinh trung học phục vụ cho Satan.4
Cũng có một số trường hợp quỉ trút lòng thù hận vào những vị đạo đức thánh thiện. Chúng ta có thể hiểu điều này vì quỉ sợ hãi bị tiêu diệt bởi những vị đạo đức cao trọng. Điển hình là cuộc khổ nạn của Thánh Pio Năm Dấu (1887-1968). Khi còn ở trong nhà dòng, hằng ngày cha Pio bị quỉ hành hạ tàn bạo cả thể xác lẫn tinh thần. Trong đêm, cha rợn người bởi những giọng nói quái đản phát ra nơi góc tối. Đang ngủ cha bị hất tung người lên đập vào vách tường đá, rồi một vật gì đó đánh tới tấp cho đến khi cha gục ngã xấp mặt xuống đất, máu chảy ra đầy mặt. Cuộc bạo hành khiến cha gần tới tình trạng bị liệt thân, nhấc tay lên không được. Cha suy nhược đến nỗi các tu sĩ bạn tưởng người bị bệnh. Tuy vậy Cha Pio vẫn im lặng và cương quyết tiếp tục ăn chay hãm mình. Không thành công trong bạo lực, một lần kia quỉ hiện ra dưới dạng Cha Agostino, cha linh hướng của Pio. Agostino nói, “Chúa sai tôi đến nói cho cha biết Người không chấp nhận việc hãm mình của cha.” Cha Pio sững sờ một lát rồi đáp, “Nếu cha thực sự do Chúa gửi đến, cha phải cho tôi một dấu chỉ. Tôi yêu cầu cha kêu tên Đức Chúa Giêsu.” Cặp môi đỏ của quỉ bật lên tiếng cười lạnh lùng rồi nó tan vào không khí để lại một mùi hôi thối nồng nặc.
Theo tâm lý học con người có khuynh hướng chối tội để bảo vệ sự an ninh bản thân. Tổ phụ mẫu Ađam Evà là gốc đầu tiên. Khi phạm tội Ađam đổ lỗi cho Eva xúi dục, Eva đổ lỗi cho con rắn khuyến dụ. Chúng ta cũng có thói quen đổ tội tất cả những lỗi lầm ác hại của mình cho Satan. “Ma đưa lối quỉ đưa đường” là lời ngụy tín mở đầu cho mọi lần sa ngã. Đàng khác nhiều người chửi kẻ xấu là quỉ. Vô tình, chúng ta đề cao ma quỉ hoặc tự mình đồng hóa với nó. Trên thực tế rất nhiều lần con người, với ý chí tự do, đã chọn lựa điều xấu mà không có quỉ liên hệ. Cho dù trong trường hợp bị quỉ cám dỗ, chúng ta vẫn có ý chí tự do chọn theo lẽ phải. Tín lý Công Giáo khảng định con người có ý chí tự do, không những ma quỉ mà ngay cả Thiên Chúa cũng tôn trọng sự tự do này (GLCG 1739). Cả trăm ngàn thánh tử đạo Việt Nam đã chứng minh điều đó. Suy ra Thiên Chúa cũng không thể cứu chúng ta nếu chúng ta trước hết không tự cứu mình.
Có một thiếu nữ tách rời đám đông đến nói nhỏ với cha Pio, “Con thấy mắc cở khi nói điều này, nhưng phải nói ra, con yêu cha hơn yêu Chúa.” Cha Pio nhìn thẳng vào mặt cô, đáp, “Cô hãy vào trong làng ăn trộm đồ cho tôi.” Cô gái đỏ mặt trả lời, “Con không bao giờ làm như thế.” Cha Pio nghiêm mặt nói, “Tôi ra lệnh cho cô, cô phải vâng lời.” Cô gái trố mắt nhìn sững cha Pio tưởng người đã hóa điên. Cha Pio bèn mỉm cười nói, “Con thấy không, con yêu Chúa hơn yêu ta. Con không vì ta mà làm điều trái ý Chúa.” Mẩu chuyện này đã chứng minh con người có ý chí tự do và một ý thức đạo đức. Tuy chúng chìm trong vô thức, nhưng khi có tình trạng hỗn loạn về đạo lý thì nó trở thành sức mạnh chuyển hóa nội tâm. Nếu một vị đạo đức, mà mình yêu, không thể sai khiến mình làm điều nghịch đạo thì mình cũng có thể chống lại ma quỉ như vậy.
Thánh Gioan Phaolô II nổi tiếng với lời kêu gọi Kitô hữu toàn cầu “Đừng sợ hãi.” Cha Amorth cũng nói, “Tôi không sợ ma quỷ mà chính nó phải sợ tôi bởi vì tôi hoạt động nhân danh Thiên Chúa. Satan chỉ là con khỉ của Chúa.” Satan làm chủ thế giới vật chất, nhưng không thể làm chủ tâm linh con người. Thánh Kinh cho biết con người sinh ra trong hình ảnh Thiên Chúa. Điều này có nghĩa chân thân (true self) của con người là bản thể thánh (divine self). Thân xác con người là đền thờ Thiên Chúa, trong tâm hồn mỗi người có Thần Khí ngự trị (không phải quỉ ngự trị). Đấng Immanuel đã hứa ở với con người cho đến ngày tận thế. Cha Pio khẳng định, “Đừng để con thú quái vật (danh xưng Thánh Pio thường dùng để chỉ Satan và quỉ) đe dọa bạn. Thiên Chúa sẽ chiến đấu với bạn và cho bạn.” Năm 2001, ký giả Stefano Maria Paci phỏng vấn Cha Amorth về ảnh hưởng của ma quỉ trong giáo hội, Cha Amorth trả lời, “May phước có Chúa Thánh Thần bảo vệ Giáo Hội. ‘quyền lực hỏa ngục cũng không thắng nổi’. Dĩ nhiên quỉ có thể thắng vài trận, ngay cả một số trận lớn, nhưng chúng không thắng được cuộc chiến.”
Trên nguyên tắc, tư tưởng đến với con người qua giác quan. Quỉ gian manh đi vào tư tưởng con người qua lối giác quan. Chúng bày ra những hình ảnh về quyền lực, giàu có và khoái lạc để gài bẫy con người. Hơn ai hết, chúng ta biết vinh quang thế gian của Satan chỉ có ở bề mặt, bề trong là sự tàn ác, ích kỷ, dâm ô, và mọi thứ dục vọng đen tối. Chúng mang đến hỗn loạn, chiến tranh và sự chết. Vì vậy trên nguyên tắc chúng ta phải tỉnh thức để giữ mình sống trong luật đạo.
Tuy nhiên tránh khỏi sự cám dỗ của quỉ không phải dễ, để hỗ trợ cho đời sống đạo đức, Giáo Hội có cả một kho tàng kinh nghiệm về trừ quỉ. Để tránh ngộ nhận cho rằng những chuyện đó chỉ là truyền thuyết mơ hồ, tôi xin viện dẫn kinh nghiệm của Cha Amorth và của Thánh Pio. Hai vị là những người sống cùng thời với chúng ta và đã thực hiện nhiều vụ trừ quỉ.
Quỉ nhập vào con người qua trung gian bùa ngãi của phù thủy, vậy chúng ta phải tránh sự liên hệ với những thứ này. Hằng ngày nên đọc kinh Lạy Cha, vì trong kinh có lời khấn xin Thiên Chúa đừng để chúng ta sa vào những cám dỗ của quỉ (deliver us from evil). Đọc kinh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Trong nhà nên có cây Thánh Giá trừ quỉ có mề đay Thánh Benedict. Theo Thánh Pio, “Khí giới mạnh mẽ chống lại quỉ là đức tin. Hãy lần chuỗi Mân Côi và cầu nguyện Đức Mẹ Maria khi gặp cơn sa ngã.” Hãy tôn trọng nước phép vì nước phép có thể trừ quỉ. Cha Pio kể rằng, một hôm cha linh hướng Agostino gửi cho tôi một lá thư, nhưng khi mở thư chỉ thấy tờ giấy trắng. Tôi biết ngay quỉ không muốn cho tôi đọc nên đã khiến chữ trở thành vô hình. Tôi lấy nước phép rẩy vào lá thư, tức thì các chữ hiện ra.
Cha Amorth đưa ra một chi tiết mới là kêu tên Thánh Gioan Phaolô II. Cha cho biết ngay khi Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn sống quỉ đã sợ người. Cha hỏi quỉ tại sao sợ, nó cho biết Giáo Hoàng đã phá hủy kế hoạch thôn tính thế giới của nó (Giáo Hoàng dâng nước Nga cho Đức Mẹ khiến liên bang Nga sụp đổ) và lôi kéo giới trẻ bỏ rơi nó (Giáo Hoàng lập ra đại hội giới trẻ).
Thánh sử Gioan cho biết, “Khốn cho đất và biển vì ma quỉ đã đến với các ngươi” (Kh 12:12). Hiển nhiên Satan đã có mặt để hãm hại con người (Mt 12:22, 17:15-18; Mc 5:2-5). Nhóm vô thần cho rằng Satan là sản phẩm do Công Giáo bịa đặt ra để hù dọa con chiên nhằm lùa họ vào nhà thờ. Một luận cứ khác của nhóm duy thiên nhiên và ngoại giáo (naturalism and paganism) cho rằng Satan chỉ là biểu tượng đạo đức do con người đặt ra để ám chỉ sự xấu. Những dẫn chứng về quỉ ám nêu trên chứng tỏ quỉ không phải là sản phẩm tưởng tượng, cũng không phải để hù dọa ai, nhưng để giúp chúng ta có ý thức đứng đắn về ma quỉ và quyền lực của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi linh hồn nào kết hợp với Người.
Thiên Chúa luôn luôn cho chúng ta một cơ hội. Thiên Chúa cho Adam và Eva một cơ hội, Chúa cho Giuđa một cơ hội, nhưng ý chí tự do của con người đã chọn những gì họ muốn làm. Đức Giêsu phán, “Ai không đi với ta, là kẻ chống lại ta” (Mt 12:30; Lc 11:23), ý nghĩa câu nói thật rõ ràng trong lãnh vực chống với Satan. Do đó ai sống trong tội lỗi, lừa đảo, sát nhân là đã xa lìa Thiên Chúa nhưng phục vụ cho Satan. Vì vậy Thánh Pio mắng kẻ phá thai là Satan. Đặc biệt thời nay có những kẻ nhân danh Thiên Chúa để giết người một cách dã man. Giáo Hoàng Francis đã kết án họ, “Ai nhân danh Thiên Chúa để giết người kẻ ấy là Satan.”5 Đối với Kitô hữu chúng ta, lời nhắn nhủ của Thánh Lêo Cả Giáo Hoàng đáng cho chúng ta suy ngẫm, “Các con được thấm nhập vào Chúa, nhưng Nước Trời không đến với những kẻ ngủ mê.”