Câu định nghĩa lý tưởng “tự do là muốn làm gì thì làm không bị ngăn cản” đã trở thành một ý niệm không tưởng. Ai cũng biết ta không thể tự do làm tổn thương người khác. Tự do luôn luôn gắn liền với trách nhiệm đạo đức. Nhưng khi nói đến đạo đức là đã có cái vô đạo đức hiện diện. Rốt cuộc thực thể của tự do là ý chí chọn lựa, cân nhắc giữa thiện và ác, để quyết định hành động. Khả năng này được gọi đúng tên là “ý chí tự do” (free will). Vấn đề chính đặt ra cho chúng là: con người có ý chí tự do hay không?
Vì ý chí tự do là vấn đề lớn của thời đại, nên chúng ta phải biết đến những tư duy hiện có về nó. Kể từ xưa đến nay, đã có hằng chuỗi dài danh sách những nhà khoa bảng phủ nhận ý chí tự do.
Một số triết gia cho rằng về thể chất con người bị đóng khung trong không gian, thời gian và sự mỏng dòn của thân xác. Về tinh thần, con người bị hạn chế bởi sự ngu dốt của trí tuệ. Bản chất của những giới hạn này vốn đã phản nghịch với ý chí tự do. Hơn nữa, buộc con người phải có ý thức lựa chọn hành động, sức cưỡng ép ấy đã làm mất tự do. Nietzsche gọi ý chí tự do là “một thứ thần thoại của các thần học gia”. Bruce Waller phủ nhận nền công lý và trách nhiệm. Ông nói, không ai tự chọn gen di truyền cho mình hay hoàn cảnh mà mình bị sinh ra. Từ khởi đầu đã không có tự do. Do đó không ai chịu trách nhiệm về mình là ai và những gì mình làm.
Về phía vật lý học, một số khoa học gia dẫn ra nguyên lý tiền định (predeterminism) (*). Nguyên lý này xác định rằng vũ trụ hiện hữu dựa trên một chuỗi những nguyên nhân và hậu quả. Con người là một sinh vật trong vũ trụ, nên cũng phải sinh tồn theo luật tiền định này. Vì vậy mỗi một hành động của con người đều là kết quả từ một hay nhiều nguyên nhân nào đó tác động. Nếu định nghĩa một hành vi của ý chí tự do là một hành vi không hề có nguyên nhân nào tác động, nó sẽ là một lập luận phản khoa học.
Đa số các chuyên gia tâm lý cũng không ủng hộ quan niệm có ý chí tự do. Francis Galton dựa vào thuyết tiến hóa của Darwin, biện luận rằng con người là kết quả của cuộc tiến hóa. Mọi thứ của con người, từ ngoại hình, đến khả năng suy tư của bộ não, đều từ gen di truyền mà có. Chúng phản ảnh điều kiện của môi trường sống và văn hóa chủng tộc. Suy ra con người không thể đứng độc lập bên ngoài môi sinh để tự cho mình có ý chí tự do. Một số tâm lý gia khác còn đi sâu hơn vào lãnh vực tiềm thức của não bộ. Họ cho rằng con người luôn luôn sống trong tình trạng xô đẩy bởi những ức chế trong quá khứ và những khao khát thầm kín ẩn dấu dưới dạng vô thức. Con người sống như kẻ mộng du chưa bao giờ hoàn toàn thức tỉnh. Vì vậy ý chí tự do của một người tỉnh táo chỉ là một ảo tưởng.
Đối với các nhà thần kinh học, bộ não là một cơ phận vật chất và là nơi phát sinh tất cả mọi suy tư của con người. Bộ não tự vận hành theo luật tiền định khi có dòng điện kích động trên các nơ ron thần kinh. Francis Crick nói thẳng thừng, “Bạn chẳng là gì ngoài một mớ nơ ron”. Năm 1980 nhà sinh lý học Benjamin Libet đã dùng máy phân hình não (brain scanner) để thấy dòng điện tích tụ trong khu não của người khám nghiệm. Ông thấy nơ ron đưa ra tín hiệu, trước khi người này có ý thức quyết định di chuyển bàn tay. Libet muốn chứng minh rằng con người không có ý chí tự do. Ông hóm hỉnh đưa ra lời an ủi: hình như có ý chí tự do, nhưng nó chỉ là thứ thêm vào (add-on) sau khi não bộ đưa ra chỉ đạo.
Chúng ta có thể hoài nghi kết quả của Libet. Dĩ nhiên khi chạm tay vào lửa, cơ bắp cánh tay theo phản xạ tự động thụt lại mà ta chưa kịp suy nghĩ. Nhưng không phải mọi hành vi của con người đều vô ý thức như vậy. Trên thực tế ý kiến của Libet lại được xã hội chấp nhận. Chẳng hạn các luật sư triệt để khai thác khoa thần kinh học, ngày càng nhiều, để bào chữa rằng bộ não của bị cáo có vấn đề tâm thần, nó đã cưỡng chế bị cáo làm điều thất đức mà bị cáo không có ý thức. Điều đáng nói là trong khá nhiều vụ họ đã thắng kiện. Sự thắng thế này đã lặng lẽ đưa ra một thông điệp: con người không có ý chí tự do trong hành động.
Sự lây lan của những lối suy diễn như trên đã tạo ra những câu hỏi đầy hoang mang: “Vậy con người không có trách nhiệm đạo đức hay sao? Nếu thế việc gì sẽ xảy ra đối với những hệ thống xây dựng trên nền tảng trách nhiệm đạo đức?”
Có hay không có ý chí tự do? Giữa các triết gia và khoa học gia mỗi bên đều có những người không thể đồng ý nhau. Họ đã tạo ra những cuộc tranh luận dai dẳng qua nhiều thế kỷ mà vẫn chưa ngừng nghỉ. Nhóm ủng hộ kể từ thời cổ đại, như Socrates và Plato, nhất quyết con người có ý chí tự do. Hai ông cũng khảng định chỉ những hành động tốt đẹp mới thực sự là hành động trong ý chí tự do, vì chúng được cân nhắc bởi suy tư khôn ngoan. Đến những triết gia thời hiện đại, như Immanuel Kant, cũng một mực tin rằng tự do là một định đề cần thiết về ý thức đạo đức. Nếu không có ý chí tự do để lựa chọn giữa đúng và sai thì hành vi làm điều thiện sẽ vô nghĩa, và hành vi làm điều ác cũng không thể bị kết án.
Vào năm 2002, hai nhà tâm lý học Kathleen Vohs thuộc Đại học Utah, và Jonathan Schooler thuộc Đại học Pittsburgh đã có một cuộc thí nghiệm giản dị, nhưng mang tầm vóc chấm dứt sự hoang mang về ý chí tự do. Họ lập hai nhóm người. Một nhóm được đọc bài viết phủ nhận ý chí tự do, coi nó là một ảo tưởng. Sau đó họ cho hai nhóm làm một bài kiểm tra toán học. Họ đặt sẵn trên bàn tờ giải bài toán và một phong bì đựng những tờ $1 tiền thưởng để cám dỗ lòng tham. Kết quả cuộc trắc nghiệm cho thấy nhóm bị ảnh hưởng không tin vào ý chí tự do có xu hướng gian lận cả về bài giải toán lẫn tiền thưởng. Trái lại nhóm thứ hai xử sự đứng đắn hơn. Vohs và Schooler đưa ra nhận định: “những ai bị kích động không tin có ý chí tự do có nhiều khả năng hành xử thiếu đạo đức”.
Giáo sư tâm lý học Roy Baumeister, Đại học Florida, đã mở rộng cuộc phát hiện trên. Ông giám sát thái độ sống của các sinh viên, ông nhận thấy những ai có niềm tin thấp về ý chí tự do có kết quả học tập kém và ít tự nguyện dành thời gian giúp đỡ bạn học. Ông yêu cầu một số sinh viên đọc bản tuyên bố “Khoa học đã chứng minh ý chí tự do chỉ là ảo tưởng”. Sau đó ông để ý thấy họ không rộng rãi bố thí cho người vô gia cư hoặc không dám cho ai đó mượn chiếc điện thoại di động của mình.
Baumeister và các đồng nghiệp đã mở rộng những nghiên cứu sâu xa hơn. Họ nhận ra có sự liên hệ giữa thiếu niềm tin vào ý chí tự do với tình trạng trầm cảm, hoàn cảnh bất hạnh, và thiếu nhiệt tình gắn bó đối với các mối giao tế. Khi các đối tượng được khuyến khích tin rằng, “tất cả các hành động của con người đều do các sự kiện trước đó tác động và cuối cùng đều được hiểu qua sự chuyển động của các tế bào”, đã dẫn tới ý nghĩ tiêu cực cho đời là vô nghĩa. Rất nhiều các cuộc khảo sát sau đó cũng đều chứng tỏ những ai không tin vào ý chí tự do họ ít có óc sáng tạo, dễ buông xuôi, phát triển tính lừa dối, không biết tri ân, thiếu tự tin, khó thành công trong sự nghiệp. Họ có vẻ như nuông chiều đời sống theo mặt tối của họ.
Ngược lại trong những thí nghiệm mà những người tình nguyện được đọc những lời củng cố niềm tin về ý chí tự do. Nhóm người này cư xử chẳng khác gì những người chưa hề suy nghĩ về ý chí tự do. Nói cách khác, họ không cần được nhắc nhở một cách có ý thức về ý chí tự do. Họ hành động như thể họ đã sở hữu nó. Từ kết quả này, Vohs và các bạn đồng nghiệp cho rằng, niềm tin vào ý chí tự do là một mặc định (có sẵn) cho hầu hết mọi người. Chúng ta cũng cảm thấy dễ chấp nhận rằng mình có ý chí tự do hơn là mình không có. Chẳng hạn bạn đang đọc bài suy luận này là tự ý muốn của bạn chứ chẳng có ai bắt buộc.
Trớ trêu thay, đa số những người không tin có ý chí tự do lại không dám sống với quan điểm của mình. Trường hợp của Saul Smilansky, giáo sư triết học tại Đại học Haifa, Israel, là một điển hình. Ông thú nhận rằng ông đã phải vật lộn với nỗi khắc khoải tiến thoái lưỡng nan trong quá trình bảo vệ sự nghiệp của ông. Ông chua chát cho biết, sự thật con người không có ý chí tự do, nhưng nhân loại không thể chấp nhận nổi sự thật này. “Nếu tôi làm một việc thật ích kỷ, nhưng mọi người sẽ nói, ‘ông ấy không thể lựa chọn cách khác. Chúng ta không thể bắt lỗi ông ấy.’ Như vậy, dù làm một việc ích kỷ hại nhân, tôi biết rõ mình sẽ không bị kết án. Một quan niệm sống như thế sẽ rất nguy hiểm cho xã hội”. Smilansky kết luận “Thúc đẩy đề cao thuyết tiền định là ngạo mạn và nguy hiểm.” Rất nhiều nhà tư tưởng khác, vốn không tin có ý chí tự do, cũng đi đến kết luận như Smilansky. Họ đều phải công nhận rằng các thể chế về phán xét và hình phạt là cần thiết nếu nhân loại muốn tránh rơi vào cảnh man rợ.
Tư tưởng của Thánh Augustine về ý chí tự do đã đặt nền tảng cho thần học về vấn đề này. Theo thánh Augustine, bởi sự toàn năng, toàn trí, toàn thiện và vĩnh hằng của Thiên Chúa, nên giới răn của Chúa là chân lý tuyệt đối, vượt xa sự khôn ngoan của loài người. Vì vậy ý chí tự do của con người chỉ đúng với nghĩa của nó khi nó hợp với luật của Thiên Chúa. Thánh Thomas Aquinas đã khai triển tư tưởng của Thánh Augustine cả trong thần học lẫn triết học. Thánh dẫn giải, bản tính tự nhiên của con người là ưa chuộng hạnh phúc và xa lánh đau khổ. Nhưng luôn luôn có nhược điểm và thiếu sót trong mỗi hạnh phúc trần thế được trình bày cho con nguời. Hạnh phúc toàn vẹn không thể nhìn thấy với trí tuệ phàm trần. Chỉ riêng Thiên Chúa mới có kiến thức không sai lầm về hạnh phúc toàn vẹn. Vì vậy, mặc dù con người có ý chí tự do chọn lựa, nhưng sự chọn lựa đúng nhất vẫn là đi theo hướng chỉ của Thiên Chúa.
Nhóm chống đối đặt vấn đề sai khi cho rằng nếu theo Thiên Chúa thì được thưởng, không theo thì bị phạt, vô hình trung như thế là ngăn cản ý chí tự do. Thần học đưa ra hình ảnh một người phóng xe trên sườn núi. Một bảng chỉ đường cho biết nếu rẽ trái thì sa xuống vực sâu. Nếu rẽ phải thì thoát chết. Thiên Chúa là bảng chỉ đường giúp con người khỏi chết, nhưng đi hướng nào là tùy anh ta lựa chọn. Như vậy trong ý định lựa chọn theo hướng chỉ của Thiên Chúa, không có sự cưỡng lại ý chí tự do của con người. Theo Thomas Hobbes, Thiên Chúa là tác giả của tất cả mọi nguyên nhân và hậu quả, nhưng không là tác giả của tội lỗi. Khi con người phạm tội, chính con người tự sa xuống vực tối của đau khổ. Cho dù trong một số trường hợp, sự việc diễn ra như có sự cấm đoán, chẳng hạn bác sĩ cấm ta uống rượu. Nghe theo lời khuyên của bác sĩ là khôn ngoan, không phải là mất tự do. Trái lại nếu ta đầu hàng cơn nghiện, trở thành nô lệ cho nó, mới là mất tự do. Uống thuốc độc thì phải chết, không thể nói “Tại sao bắt tôi chết, vậy là không có tự do.”
Thần học phân biệt “hành vi bản tính người” (acts of man) và “hành vi nhân linh” (human acts). Thí dụ nhảy xuống sông để tắm là hành động theo bản tính người, nhưng để cứu người sắp chết đuối là hành vi nhân linh. Chúng ta dễ nhìn ra hành vi nhân linh gắn liền với ý chí tự do, bởi vì nó được cân nhắc theo lương tâm trước khi hành động. Nhưng đối với hành vi bản tính người, chúng ta không hàm ý khả năng của ý chí trong sự vắng mặt của các tác động bên ngoài. Phần lớn cuộc sống bình thường của con người được điều khiển bởi các cơ chế phản xạ và các thói quen. Trong hàng loạt các hành vi theo thói quen, như ăn uống, học tập, làm việc v.v ..., đa số chúng “tự phát” bởi tính khí con người và được xác định bởi luật nhân quả. Tuy nhiên chính con người đã khởi xướng ra chúng, hoặc có ý thức nhập cuộc với những thói quen đó, để bây giờ chúng được thể hiện. Do đó chúng ta vẫn phải chịu trách nhiệm đạo đức về chúng. Theo quan điểm của Thánh Thomas Aquinas, bởi con người có kiến thức luôn luôn hướng về những hành vi của trí tuệ, vì vậy thói quen rốt cuộc vẫn là sự cố ý không phải là bản năng tự nhiên.
Những cách giải thích về tác động tâm thần của nhóm phủ nhận ý chí tự do, họ chỉ nhắm vào vào một số trường hợp nên thiếu cái nhìn toàn bộ. Họ bỏ rơi mục đích tối thượng của con người. Dù có lúc hành động do tâm thần sai khiến, con người không hoàn toàn vô thức, nhưng vẫn biết việc mình đang làm theo một cấp độ ý thức nào đó. Vì vậy chúng không mâu thuẫn với ý chí tự do. Hơn nữa khi có một hành động sai, con người còn có nhiều dịp sửa sai trong tương lai. Thiên Chúa không chi phối vài hành động riêng lẻ nhưng hướng dẫn toàn thể cuộc sống con người đến cùng đích hạnh phúc. Theo Kant, tri thức chỉ có thể biện luận qua hiểu biết từ kinh nghiệm và luận lý (logic). Nhưng bên ngoài giới hạn này còn có tư tưởng tiên thiên (a priori knowledge), chẳng hạn lòng khao khát chân lý (Thiên Chúa), trí óc không thấy thực thể này vì Thiên Chúa ngự ở nơi chúng ta không thấy. Điều này có nghĩa là cái tôi thật (chân thân) của chúng ta không gắn bó với vật chất, nhưng với niềm hạnh phúc siêu nhiên.
Tân Ước trình bày ý chí tự do theo trình tự sư phạm: trước hết phải biết sự thật; sự thật mang lại tự do; tự do dẫn tới ý chí tự do lựa chọn. Trình tự này phản ảnh trong lời dạy của Đức Giêsu và Phaolô: Khi các ngươi biết được sự thật, sự thật sẽ giải thoát cho các ngươi được tự do. Tự do là không bị làm nô lệ cho tội lỗi (Ga 8:32-36; Rm 6:17-18). Chính để chúng ta được tự do mà Chúa Giêsu đã giải phóng chúng ta. Vậy hãy đứng vững đừng rơi vào ách nô lệ tội lỗi nữa. Tách rời khỏi Chúa Giêsu là tội lỗi dẫn đến cõi chết (Gl 5:1; Êp 2:1-10). Đừng rơi vào ách nô lệ tội lỗi nghĩa là đừng dùng ý chí tự do chọn lựa điều xấu. Ý chí tự do là phương thức cao độ của sự tự do. Như vậy theo Công Giáo, ý chí tự do là khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí, để thoát khỏi tình trạng nô lệ của tội lỗi, nhờ đó con người có thể tự lựa chọn hành vi của mình, để tự quyết định đời sống của mình (GLCG 1731).
Theo định nghĩa này thì ngay cả những người đang ở trong tù hay những ai có khả năng hạn hẹp cũng có ý chí tự do. Triết gia G. E. Moore đưa ra một câu tóm lược nổi tiếng, “Tôi có ý chí tự do nếu hành động của tôi có thể lựa chọn làm theo cách khác.” Mệnh đề này đã vô hiệu hóa thuyết tiền định, bởi vì mặc dù có sự cưỡng chế của điều kiện, nhưng chúng không thể buộc người trong cuộc phải đi theo. Đức Giêsu đã cho chúng ta một gương mẫu khi Người bị Satan cám dỗ. Hoàn cảnh lúc ấy người-phàm-Giêsu đã nhịn đói 40 ngày. Satan bảo Người biến cục đá thành bánh mà ăn. Thiên-Chúa-Giêsu có thể làm điều đó nhưng Đức Giêsu quyết định hiện diện trong vị thế người phàm. Tự do không có nghĩa là chối bỏ sự hiện hữu của mình. Con người không thể tự do trở thành “cái tôi” không phải là thực thể người. Chúng ta không thể tự do đòi cục đá biến thành ổ bánh, nhưng có ý chí tự do từ chối chiếc bánh dục vọng của Satan.
Một yếu tố khác chứng tỏ con người tất nhiên phải có ý chí tự do, đó là tình yêu. Thánh Gioan định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4:8,16). Tân Ước diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa và con người như một cuộc hôn phối. Nhưng chỉ có tình yêu đích thực khi có sự hiến tặng và đối tượng phải có tự do đón nhận hay từ chối. Tình yêu không có cưỡng ép, sợ hãi, và trừng phạt (1Ga 4:18). Con người có thể tự do từ chối Thiên Chúa. Như trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, Cha để con tự do ra đi, nhưng Cha vẫn yêu, vẫn đợi người con trở về (Lc 15:11-32). Cha còn ban Ngôi Hai xuống thế giảng dạy và chịu chết để giải phóng con người khỏi cảnh nô lệ tội lỗi. Đức Giêsu thiết lập Tân Ước kêu gọi con người trở lại, Người cho biết lý do, bởi vì “Ta là đường đi, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6). Đức Giêsu là “đường đi” vì con người không thể tự mình đến với Chúa Cha. Đức Giêsu là “sự thật” vì Người là ngôi Lời, là Đấng cứu thế, nơi Người không có sự giả dối, lời của Người là chân lý. Đức Giêsu là “sự sống” vì nơi Người không có sự chết. Trở về cùng Thiên Chúa, nhân loại được thông phần với sự sống vinh hiển của Chúa Giêsu, như cành nho nối liền với thân nho (Ga 15:1-8). Đó là tình yêu của Thiên Chúa.
Sống với thể xác trong thế giới vật chất, con người bị dục vọng lôi kéo hướng về vật chất. Khởi đầu có một chọn lựa sai, kế đó là trở thành nô lệ cho dục vọng. Nhóm vô thần lý luận rằng con người không có ý chí tự do chọn lựa hành động, tất cả đều do não bộ chỉ thị, nên không có lỗi gì cả. Sự thật dù có các chuyên gia hàng đầu về não bộ, truy cập đến từng vi mạch nơ ron thần kinh, họ cũng không thể tìm ra những gì bạn đang suy tư, và những mộng ước thầm kín bạn đang ấp ủ. Con người không phải là một rôbô, nhưng là hình ảnh của Thiên Chúa, nên con người còn có bản thể siêu việt. Bạn có thật sự tin rằng sự sống của bạn, đơn giản, chỉ là hậu quả của những phản ứng hóa học, hay do gen di truyền, vô chủ đích và phi luân lý? Như đã trình bày ở trên, sự phản tỉnh của Smilansky, người chống đối ý chí tự do, đã cấp bách vô hiệu hóa những phân tích thuộc loại logic trần tục. Ông đã thú nhận rằng niềm tin vào ý chí tự do là một nhân tố tốt để có niềm hứng khởi vui sống, hiệu quả trong việc làm, và phù hợp với các nguyên lý đạo đức. Xin tóm tắt ý chí tự do là gì. Theo kinh thánh và thần học, ý chí tự do là không bị nô lệ cho những dục vọng xấu. Đức Giêsu dạy rằng, những kẻ làm nô lệ cho tội lỗi sẽ không còn là con cái của Thiên Chúa, nên sẽ không được sống trong nhà với Chúa (Ga 8:34-35). Chấp nhận lời dạy này hay không, dĩ nhiên tùy vào quyết định của bạn. Rốt cuộc, sự lựa chọn của bạn đã chứng minh bạn có ý chí tự do.