Có lẽ Mỹ là một quốc gia duy nhất trên thế giới có ngày quốc lễ Tạ Ơn Thiên Chúa (Thanksgiving Day). Lễ được quốc hội long trọng đặt vào ngày thứ năm của tuần cuối cùng tháng 11. Truyền thống này khởi đầu từ lòng tạ ơn được mùa của đám di dân từ Anh quốc qua Mỹ tìm tự do vào năm 1619.
Bài phúc âm đọc trong thánh lễ Tạ Ơn là truyện 10 người phong cùi van xin Đức Giêsu cứu chữa. Sau khi lành bệnh có ông dân ngoại Samari trở lại tìm Đức Giêsu để cám ơn (Luca 17: 11-19). Giáo hội dùng trình thuật này để đề cao ý thức tạ ơn Thiên Chúa. Điều chúng ta suy nghĩ ở đây không phải là hình ảnh nước Mỹ, như ông Samari, khi so sánh Mỹ với những nước khác. Nó cũng không phải là ý tưởng đề cao hành xử của ông Samari. Vấn đề là việc 9 người được chữa lành nhưng chẳng có ai trở lại cám ơn Đức Giêsu.
Sự nghiêm trọng của vấn đề “không trở lại cám ơn” chỉ có thể hiểu được khi chúng ta biết rõ về thực trạng bệnh cùi vào thời đó. Người cùi là người bị coi như đã chết. Gia đình họ bỏ rơi họ và còn không dám nhắc đến tên họ. Cộng đồng ghê tởm họ vì mọi người tin rằng họ là những kẻ tội lỗi ô uế. Giáo hội cũng khai trừ họ và hất hủi đuổi họ đi. Thánh Luca kể rằng 10 người cùi đứng ở đàng xa mà kêu cứu vì luật buộc họ không được lại gần người lành. Như vậy khi Đức Giêsu cứu họ, không phải Người chỉ chữa lành bệnh thể xác, nhưng hơn thế, Người đã cho họ tái sinh để họ trở về với cuộc sống đầy đủ ý nghĩa đã mất trước đó.
Có một mối xúc động khiến chúng ta chú ý đến việc lặng lẽ ra đi của 9 người phong cùi, không phải để xét đoán họ, nhưng vì chúng ta thấy hình bóng mình trong đó. Mỗi một linh hồn Kitô hữu đều biết rõ rằng mình đã chết, nhưng được tái sinh trong phép rửa. Linh hồn của mỗi Kitô hữu đã được rửa sạch bằng máu của Đức Giêsu. Nhưng chúng ta có từng bao giờ tìm gặp Đức Giêsu để cảm tạ?
Có người đoán rằng 9 người phong cùi trên đường đi chắc đã lên tiếng cám ơn. Cứ coi là đúng như thế, nhưng đó có phải là những lời cám ơn gửi theo gió. Đức Giêsu muốn họ trở lại tìm Người nên mới thắc mắc: “Còn 9 người kia đâu?” Câu hỏi này có sức mạnh gieo vào lòng mỗi Kitô hữu cuộc tự vấn “tôi đã trở lại gặp Đức Giêsu chưa?” Điều này có nghĩa là chúng ta đã thật sự liên kết với Đức Giêsu trong cuộc đời. Chúng ta nhất quyết phải trả lời câu hỏi này. Nếu chưa, hẳn có nhiều lý do, nhưng đàng sau mọi lý do, chỉ là cái bản thể bất toàn của cái tôi kiêu ngạo. Cái bản thể bị màng nhện vật chất cột chặt không cho chúng ta nhìn thấy thế giới siêu nhiên. Bên trong lưới nhện dù chúng ta có mau miệng lên tiếng cám ơn Thiên Chúa về những may mắn lợi nhuận, điều ấy tuy rất tốt đẹp, nhưng chưa trọn vẹn. Tiếng cám ơn chỉ trọn vẹn khi tâm hồn chúng ta thật sự liên kết với Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ nằm ngoài thế giới tài vật.
Mười người phong cùi được chữa lành nhờ có lòng tin. Đức Giêsu đã xác nhận như vậy. Tuy nhiên đó chỉ là sự tin tưởng tự nhiên của suy luận trí óc. Bước qua tầng siêu nhiên, lòng tin là một phẩm hạnh (virtue) và được gọi là đức tin. Có một lý do khác khiến Kitô giáo gọi sự tin tưởng là đức tin và sự yêu mến là đức mến. Đức tin và đức mến vượt khỏi sự suy luận của trí óc. Khi trạng thái của tin và mến được chuyển hóa để cảm nghiệm là đức tin, đức mến, chúng ta đặt mình trong tay của Thiên Chúa, như thánh Phaolô cảm nghiệm “Đấng Kitô sống trong tôi”. Đó là cuộc gặp gỡ cần có giữa mỗi linh hồn Kitô hữu và Thiên Chúa của mình. Khi lòng tràn đầy đức tin, đức cậy, đức mến, chúng ta không thể làm gì hơn là sống trong sự tạ ơn Thiên Chúa.
Lên tiếng cám ơn thì ai nói cũng được. Thốt ra một âm thanh vật lý suông ở đâu đó cũng chẳng khó khăn gì. Tuy nhiên đến với Thiên Chúa để nói “cám ơn” với âm vang rung động tận đáy lòng, với cảm nghiệm đức hạnh siêu nhiên, “cám ơn” trở thành sự thức tỉnh về ý nghĩa hiện hữu của mình. Ta là một ân sủng được sinh ra bởi Chúa Cha, được cứu chuộc bởi Chúa Con, và có sự sống bởi Chúa Thánh Thần.