Tuân theo cương kỷ đạo đức là nhân cách phải có để sống trong một xã hội văn minh trật tự. Tuy nhiên vấn đề không giản dị, xã hội có quá nhiều cương kỷ thuộc những nền tảng khác nhau. Nào bổn phận cha mẹ, bổn phận công dân, bổn phận nghề nghiệp, bổn phận tín đồ… Giữ đúng những cương vị này nhiều khi phải có những hành xử mâu thẫn nhau. Chẳng hạn xét về sự kiện phá thai. Luật pháp cho phép phá thai. Chính phủ ủng hộ phá thai. Xã hội chấp nhận phá thai. Nhưng tôn giáo lại cấm phá thai. Bà mẹ dĩ nhiên đã dựa vào một nền tảng luân lý nào đó để yên tâm quyết định. Điều chắc chắn là hành vi của bà không thể hài lòng mọi phía. Ngay cả khi có người chấp nhận một nền luân lý vững chắc nào đó, cũng có lúc gặp cảnh trớ trêu khiến phải lúng túng với chính nền luân lý của mình. Nếu có kẻ cướp cầm súng vào nhà, tín đồ Kitô giáo có quyền nói dối với hắn để bảo vệ tính mạng vợ con hay không? Suy ra không thể có một hoàn cảnh khách quan để áp dụng luật luân lý. Đời sống gồm những hoàn cảnh đa dạng phức tạp. Mỗi hoàn cảnh có những điều kiện bắt con người phải lựa chọn một thái độ nào đó để đáp ứng.
Thực trạng phức tạp nêu trên khiến một số nhà luân lý học thuộc nhóm thời đại mới đòi xét lại hệ thống luân lý. Họ đưa ra nhận xét rằng mặc dù có rất nhiều nền luân lý thuộc những nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, nhưng mọi luật luân lý đều có chung một đặc tính: giá trị của nó biến chuyển tùy hoàn cảnh. Chẳng hạn nói dối để lường gạt thì xấu nhưng nếu nói dối để cứu người thì không phải là xấu. Vậy “nói dối” không mang một giá trị đạo đức cố định. Nói cách khác “nói dối” tự chính nó không mang một giá trị nào cả. Nó là xấu hay tốt tùy hoàn cảnh. Con người không thể biết “nói dối” là tốt hay xấu, bởi vì sự quyết định không có sẵn mà chỉ có sau khi gặp hoàn cảnh mới có.
Cao điểm của khuynh hướng xét lại là thuyết “luân lý tương đối”, xuất hiện vào năm 1932 bên Âu Châu. Nhóm xướng lập chủ thuyết này đòi duyệt lại giáo luật của Công Giáo. Chủ đề của họ là: “mọi hoàn cảnh đều cá biệt, không có luật luân lý cố định đúng cho mọi trường hợp”. Những biện luận của họ được những người theo khuynh hướng vô thần và hiện sinh hưởng ứng. Luân lý tương đối phủ nhận tính cách pháp chế (legalistic) của mọi nền luân lý tôn giáo. Đối với họ không có luật buộc, con người có quyền tự do phán xét theo lương tâm cá nhân. Nhóm thuyết tương đối đã thổi một luồng gió thế tục vào tất cả mọi lãnh vực sinh hoạt xã hội. Theo ảnh hưởng này, năm 1960, Joseph Fletcher, một mục sư Anh Giáo lập ra thuyết “luân lý hoàn cảnh” (situation ethics). Điều đáng nói là Fletcher không đả kích luân lý tôn giáo. Ngược lại ông lấy chính luân lý Kitô giáo làm nền tảng để lập ra thuyết luân lý hoàn cảnh. Fletcher tin rằng thuyết của ông là nhịp nối liền và cân bằng hóa luân lý Kitô giáo với các khuynh hướng thế tục.
Thuyết luân lý hoàn cảnh và những thuyết cùng loại đang càng ngày càng ảnh hưởng trong lối suy tư duy lý của thời hiện đại. Chúng cũng trở thành một thử thách cho đức tin Kitô hữu. Duyệt xét lại thuyết luân lý hoàn cảnh cũng là dịp chúng ta đào sâu nền luân lý Công Giáo.
Cũng giống như thuyết luân lý tương đối, Fletcher cho rằng luật luân lý không hề có cái gọi là bản chất đạo đức nội tại. Giá trị đạo đức không thể đứng độc lập bất chấp hoàn cảnh. Nó hiện hữu vì có liên hệ với con người. Giá trị của nó phải tùy thuộc vào hiện trạng mà con người đang liên hệ. Vì vậy những ý niệm đạo đức như tốt/ xấu, thiện/ác, đúng/sai… thay đổi tùy theo những hướng nhìn khác nhau của con người. Ai cũng biết “thức ăn bổ của người này lại có thể là món ăn độc của người kia.” Một hành xử có thể đúng với hoàn cảnh này nhưng lại sai trong hoàn cảnh khác. Để hỗ trợ cho luận chứng, Fletcher dẫn chứng lời phán của Đức Giêsu: “Luật Sabát vì con người mà có chứ không phải con người được sinh ra vì luật Sabát” (Mac 2:27-28). Luật luân lý đặt ra để giúp con người không phải để áp chế tù hãm con người bất chấp tình thế của hoàn cảnh.
Vì luật có giá trị tương đối, theo Fletcher, cần phải có một diễn giải nối liền những luật luân lý trừu tượng với môi trường sống thực tế của con người. Thuyết luân lý hoàn cảnh là chiếc cầu ấy. Nó nối liền đức tin vào hành động và đặt giá trị vào thành quả và hành động.
Fletcher đưa ra 6 mệnh đề. Từ mệnh đề I tới mệnh đề IV, Fletcher luận về tình yêu. Theo Fletcher, luân lý hoàn cảnh đặt trên nền tảng tình yêu là đúng với giáo lý Kitô giáo. Chính Đức Giêsu đã tóm lược tất cả các luật thành một “luật lớn nhất là tình yêu”. Tình yêu ở đây là “Agapé”, một đặc ngữ thần học Kitô giáo, chỉ về tình yêu thương tuyệt đối, thuần khiết vị tha, vô điều kiện, “yêu kẻ thù nghịch”. Tình yêu tự chính nó là tốt lành và công chính. Một hành vi công chính là tượng hình của tình yêu cụ thể hóa qua hành động.
Fletcher phân biệt mỗi luật luân lý có hai phạm trù: giá trị nội tại và giá trị ngoại tại. Về giá trị nội tại, Fletcher khảng định, chỉ có một mình agape là có giá trị nội tại mà thôi. Ngoài ra tất cả những luật khác đều có giá trị tương đối. Agape tốt lành tuyệt đối bất chấp hoàn cảnh có thế nào. Giá trị ngoại tại của luật luân lý là cách thức thể hiện luật ấy, tức những diễn biến của hành xử để dẫn tới thành quả tốt lành cuối cùng.
Fletcher đưa ra hướng đi như sau. Vì agape có giá trị tuyệt đối nên agape được dùng làm gốc cho mọi hành xử. Khi quyết định một hành xử, người trong cuộc trước hết phải có tình yêu là động lực thúc đẩy. Kế đó là phải nhìn ra trước kết quả tốt đẹp việc mình đang làm. Luận đề này đưa đến kết luận: bất cứ điều gì nếu căn gốc là tình yêu, điều ấy sẽ là tốt lành. Fletcher đưa ra thí dụ, một tù binh tự tử để không tiết lộ tin tức nguy hiểm cho đồng đội. Nếu chỉ nhìn vào sự kiện tự tử, nó là xấu. Nhưng nếu nhìn vào hoàn cảnh và thành quả của nó người ta sẽ thấy đó là một nghĩa cử hành thiện can trường. Hy sinh một người để cứu nhiều người. Đã không thiếu những trường hợp vì hoàn cảnh ép buộc khiến điều tốt nhất người ta có thể làm là thể hiện một hành xử xấu để đạt kết quả tốt.
Fletcher cho rằng chính Đức Giêsu đã công nhận thuyết luân lý hoàn cảnh. Chứng cớ là Người đã tranh luận với nhóm Pharisêu để bênh vực cho các Tông Đồ, khi họ đã bứt lúa ăn trong ngày Sabát. “Há các ngươi chưa đọc việc Đavít đã làm trong khi đi cùng thuộc hạ bị đói sao? Họ đã vào nhà Chúa ăn bánh trần khiết trên bàn thờ, mà luật cấm họ không đươc ăn, vì bánh ấy chỉ dành riêng cho các thầy tế lễ” (Mar 12:3-4). Hành vi của Đavít là đúng. Sự đúng của nó không ở hành động phá luật, nhưng ở tình yêu liên kết với yếu tố hoàn cảnh. Nếu không nhờ bánh cứu mạng, sau này dân Do Thái làm gì có vị vua Đavít vĩ đại. Fletcher cũng cho rằng Đức Giêsu là người đầu tiên công kích luật Môisen vì tính cách bao trùm luật lên trên hoàn cảnh. Đức Giêsu đã đặt vấn đề với nhóm Pharisêu, “Ai trong các ông có lừa hoặc bò rơi xuống giếng nhằm ngày Sabát mà không lập tức kéo nó lên?”(Luc 14:5). Đức Giêsu đã không lấy luật làm căn bản, nhưng lấy tình yêu làm động lực quyết định cách hành xử.
Trong mệnh đề thứ V Fletcher đưa ra định đề “mục đích biện minh cho phương tiện”. Ông luận rằng luật lệ luân lý không mang lại ý nghĩa cho việc làm, nhưng mục đích mới biện minh cho viêc làm. Nếu không đạt mục đích tốt mọi việc làm trở thành vô nghĩa. Thánh Phaolô nói: “Trong Chúa Kitô, cắt bì hay không cắt bì đều vô hiệu. Duy có đức tin biểu lộ qua tình yêu mới đáng kể” (Gal 5:6). Suy ra người ta chỉ có thể đánh giá phương tiện của công việc khi nhìn vào mục đích và thành quả tốt của nó. Nói cách khác, một hành vi mang lại lợi ích là một hành vi lương thiện. Điều này có nghĩa “mục đính biện minh cho phương tiện”.
Mệnh đề VI, Fletcher phủ nhận hệ thống luân lý pháp chế (ethical legalism). Ông khuyến cáo trong thời đại mới, chế độ luân lý pháp chế không còn hợp tình hợp lý. Bởi vì hệ thống luật này chỉ chú trọng đến phán quyết và kết án, cho nên không thể áp dụng được. Trong khi đó luân lý hoàn cảnh giúp con người thích ứng với xã hội phức tạp. Nó nâng đỡ ý thức tự do và ý thức trách nhiệm của con người. Con người được quyền tự chọn lựa hành vi thích ứng với hoàn cảnh, để thể hiện tình yêu thương. Sự kiện này dẫn đến nguyên tắc xét lại: luân lý Thiên Chúa giáo phải đặt trên căn bản luận xét theo hoàn cảnh, chứ không phải đặt bản kết án tiền chế.
Công Giáo tin có một nền luân lý khách quan. Nền luân lý này bao gồm luật tự nhiên (natural laws) và luật trường cửu (eternal laws). Luật trường cửu là Trí Huệ của Thiên Chúa nâng đỡ sự sống. Vũ trụ được tạo thành và tồn tại trong trật tự. Con người sống trong một vũ trụ trật tự nên cũng phải có một trật tự thích hợp để tồn tại. Vì vậy vạn vật mang sẵn bộ luật tự nhiên để tiến hóa, chẳng hạn khi đói thì biết ăn. Riêng con người, là sinh vật có ý thức và tự do, nên không hành động vô tri như loài thú. Thiên Chúa cấy vào nội tâm con người bộ luật trường cửu hướng về đạo đức tâm linh. Chẳng hạn con người khi đói thì biết đi kiếm thức ăn, nhưng tránh cướp giựt. Để hành động đúng, con người cần phải có luật trường cửu hướng dẫn. Luật trường cửu thể hiện qua Muời Điều Răn của Thiên Chúa. Giá trị của những luật này phản ảnh bản tính Thiên Chúa. Chín trong mười điều răn này đã nằm sẵn trong lương tâm của mỗi cá nhân. Mười Điều răn là nền tảng của sự trật tự sống.
Thuyết luân lý hoàn cảnh đã đẩy luật trường cửu ra ngoài. Thay vào đó là ý chí tự do phán xét của con người. Thánh Bernard ở Clairvaux (1090-1153) không tín nhiệm sự phán đoán của con người. Thánh nhân cho rằng con người phải biết khiêm nhường và trung thành với luật trường cửu. Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II cho biết Thiên Chúa cấm Ađam ăn trái của cây hiểu biết điều tốt điều dữ. “Ngày nào ngươi ăn nó tất ngươi phải chết” (ST 2:17). Đó là một ẩn dụ cho biết quyền quyết định xấu/tốt không phải là quyền của con người, nhưng của riêng Thiên Chúa.
Tuy Fletcher mượn tình yêu agape của Công Giáo làm nền tảng cho thuyết của ông, nhưng ông lại chủ trương cá nhân được hoàn toàn tự do thẩm định ý nghĩa của nó. Agape vốn là một khái niệm tình yêu lý tưởng. Đặt vào trong luân lý hoàn cảnh, nó trở nên khó định nghĩa. Nếu dựa vào lương tâm tự do của cá nhân mà định nghĩa, nó có thể mang ý nghĩa từ rất tổng quát đến mơ hồ. Mặt khác nó lại có thể rất hẹp hòi, một chiều, và cố chấp. Nó có tiềm năng dẫn đến những hành xử ích kỷ (chỉ nghĩ đến lợi ích của người mình yêu) hay khuynh hướng ưu tuyển (thiên vị) mà chính người hành xử cũng không ý thức mình sai lầm. Với hướng nhìn nào đó, việc làm của Hitler, mặc dầu có tính cách ưu tuyển chủng tộc, đã trở thành công chính vì được thúc đẩy bởi tình yêu agape. Đối với luân lý Công Giáo, tội ác diệt chủng của Hitler là sai, mặc dù, theo luận biện, hắn có tình yêu agape lớn đến cỡ nào.
Fletcher cho rằng ngoại trừ tình yêu, mọi luân lý đều không có giá trị nội tại. Fletcher đặt lẽ phải vào tay người trong cuộc. Họ tự do tìm ý nghĩa cho agape và tự do mang lại ý nghĩa cho cách giải quyết. Từ đó họ có thể làm bất cứ gì hợp với hoàn cảnh, miễn tác động khởi đầu là tình yêu. Như thế giết người, cướp của, gian dối, lừa đảo… rốt cuộc đều có thể trở thành tốt nếu được thực thiện vì tình yêu. Fletcher đã lẫn lộn giữa “tâm ý thiện lành” và “hành vi công lý”. Ăn cắp khẩu súng của kẻ nào đó để hắn khỏi giết người là có thiện tâm. Dù thế vẫn không làm cho hành vi ăn cắp trở thành công chính. Tình yêu không thể biến một hành động sai thành một hành động đúng.
Fetcher khảng định một hành vi được thực hiện bởi tình yêu, hành vi ấy là một hành vi công chính. Wayne Jackson đưa ra một hoàn cảnh như sau. Có một cô gái thất tình rơi vào tình trạng suy xụp tinh thần. Một ông bạn đồng nghiệp động lòng trắc ẩn liên hệ với cô để nâng đỡ cô. Bà vợ biết truyện chồng mình ngoại tình, bà thất vọng, xuống tinh thần, rồi tự tử. Thế là gia đình của ông tan vỡ. Hai đứa con của ông bị khủng hoảng tinh thần. Một đứa uống rượu say rồi lái xe cán chết một bà mẹ cùng với hai đứa con nhỏ. Một đứa bỏ đi sống bụi đời rồi cuối cùng vào tù vì tội sát nhân.
Phân tích hoàn cảnh trên Jackson cho rằng: 1) tình yêu không đủ yếu tố để bảo đảm cho một hành xử có luân lý. Phải chăng, đối với Fletcher, việc ngoại tình của người bạn là tốt vì có mục đích yêu thương. 2) Fletcher cho rằng thành quả biện minh cho phương tiện. Thực tế cho biết thành quả tốt, hay hậu quả xấu, là những việc không thể lường trước. Không phải lúc nào ta cũng có thể hình dung ra trước kết quả của việc làm. 3) Fletcher cho rằng “đối với luân lý hoàn cảnh không hề có luật lệ”, vì tình yêu hóa giải mọi luật (p. 55). Với dẫn chứng trên, vô luật lệ đã trở thành hỗn độn. Jackson kết luận, những mệnh đề do Fletcher đưa ra đều vô nghĩa.
Nếu nói dối có giá trị tương đối tốt/xấu tùy hoàn cảnh, vậy làm sao mà biết giá trị thật của nó. Chỉ tin vào lương tâm cá nhân, nhưng cái mình nghĩ là tốt chắc gì người khác cũng tin như thế. Vì vậy luân lý hoàn cảnh thiếu hụt một nền tảng tiêu chuẩn để đo lường giá trị luân lý. Thuyết luân lý hoàn cảnh trở nên nguy hiểm vì dẫn người ta ra ngoài mọi thang giá trị. Con người không cần đồng ý với nhau. Mỗi người tự hành động theo ý của mình.
Ngày xưa các chế độ chuyên chế cấm đạo Công Giáo bằng cách bắt các Kitô hữu chối bỏ Thiên Chúa. Tại sao các thánh dù hoàn cảnh bắt buộc nhưng đã không nói dối chối Chúa để bảo toàn tánh mạng. Không phải chỉ một người thà chết không nói dối, mà hằng triệu các thánh tử vì đạo nhất quyết nói thật. Không lẽ tất cả những cuộc tử nạn của họ đều vô nghĩa. Cái gì đã giúp họ kiên cường, không thích ứng xuôi theo hoàn cảnh, nhưng đối đầu với hoàn cảnh. Cái đó chính là những tiêu chuẩn luân lý làm nền tảng đức tin của họ.
Fletcher đưa thí dụ trong trường hợp bắt buộc phải nói dối để cứu người. Việc đó có thể xảy ra, nhưng nó không làm “nói dối” trở nên tốt. Nói dối tự bản chất là xấu, xấu trong mọi trường hợp. Cho dù nói dối để cứu người, nó vẫn không thể trở thành tốt. Thuyết luân lý hoàn cảnh đã dẫn đến hậu quả là con người có toàn quyền quyết định thế nào là phải bất chấp luật Thiên Chúa. Quan niệm này mở đường cho bất cứ gì cũng có thể làm miễn người ta cho là đúng với tình thế.
Fletcher cho rằng luân lý hoàn cảnh đã được Đức Giêsu phê chuẩn. Dẫn chứng ông đưa ra là lời Đức Giêsu ca tụng Đavít khi nhà vua ở trong tình thế đói khát khiến phải ăn bánh dành cho các bậc tư tế. Để hiểu rõ điều này, chúng ta phải xét nguyên gốc của câu truyện. Theo thánh sử Mátthêu (12:1-4), hôm ấy nhằm ngày Sabát, Đức Giêsu và các môn đệ đi qua một cánh đồng lúa mì. Các môn đồ đói bụng bèn bứt lúa mà ăn. Những người Pharisêu thấy vậy bèn bắt lỗi. Họ nói: “Coi kìa, môn đồ của thầy làm sai luật trong ngày Sabát.” Jackson cho rằng Fletcher đã đi lạc ra ngoài chủ đề mà Đức Giêsu nêu ra. Đức Giêsu dẫn truyện Đavít xưa để so sánh: “Đavít dẫn thuộc hạ vào đền thờ ăn bánh mà luật Môisen không cho phép nhưng các ông cho là phải. Nay môn đệ ta chỉ không theo tập quán do con người đặt ra, sao các ông lại kết tội họ.” Biện luận của Đức Giêsu cốt vạch rõ sự giả hình và thiếu nhất quán trong lời phê phán của nhóm Pharisêu. Rõ hơn nữa, McGarvey diễn tả lại câu nói của Đức Giêsu theo lối văn biện luận như sau: “Đavít nhằm cơn đói đã ăn bánh mà luật ghi là cấm, nhưng các ông cho là phải. Nay môn đệ của tôi ăn lúa mì trong ngày Sabát mà luật không cấm, tại sao các ông lại kết tội họ.”
Đức Giêsu nói rõ Đavít đã ăn bánh mà “luật không cho phép”. Người không hề nói Đavít làm vậy là phải. Alfred Edersheim nhận xét rằng các môn đệ của Đức Giêsu không hề phạm luật Môisen, họ chỉ phạm luật do các chức sắc Do Thái giáo đặt ra. Nhưng họ không phải là tín đồ Do Thái giáo, nên họ không bị ràng buộc bởi luật này. Fletcher và những người ủng hộ thuyết luân lý hoàn cảnh thường lấy Đức Giêsu làm chứng cho lập trường của họ. Thực ra Đức Giêsu chưa bao giờ sai phạm luật của Mười Điều Răn. Người chỉ phê bình luật của nhóm Pharisêu mà thôi. Đối với Công Giáo, lời nói của Đức Giêsu chính là: “Nếu yêu ta hãy giữ luật lệ của ta” (Gio 14:15). Thuyết luân lý hoàn cảnh lại loại bỏ luật Thiên Chúa để con người tự đóng vai Thượng Đế.
Giá trị của nền luân lý hiện đại là lấy lương tâm và tự do cá nhân làm trọng tâm. Theo Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, qua thông điệp “Veritatis Splendor” (Chân Lý Sáng Ngời), quan niệm như thế chẳng khác gì cho rằng “phán xét của cá nhân luôn luôn là đúng”. Mô thức này sẽ dẫn con người tiến gần tới chủ nghĩa vô thần. Hiện tại con người đang dần dần đánh mất nền luân lý khách quan gắn liền với chân lý. Bởi không còn tin vào chân lý trường cửu, nên lương tâm cũng xoay chiều biến đổi. “Lương tâm cá nhân tự xác định tốt/xấu một cách độc lập rồi tự quyết định cách hành xử cho phù hợp” (#32). Chính vì nền luân lý hiện đại phong cho cá nhân quyền “sáng tạo ra giá trị luân lý”, cho nên họ đã bỏ rơi sự thật trường cửu. Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II kết luận, sự lệch lạc của luân lý hiện tại là bởi 2 nguyên nhân: 1) Có sự tách rời sự thật ra khỏi tự do. 2) Có sự tách rời đức tin ra khỏi luân lý. Cuối cùng chính những điều họ tin là hợp lý lại trở thành vô lý.
Nếu chúng ta bỏ luật để chỉ để ý đến động lực yêu thương, chúng ta tưởng rằng chúng bám sát lương tâm. Thực ra chúng ta hoàn toàn bám vào mối xúc động nhất thời. Chúng ta sẽ lạc hướng và sẽ sống ở nơi vô biên giới, vô kỷ luật. Khi bỏ rơi luật trường cửu, chúng ta chỉ còn lương tâm sai lầm hay mù quáng. Nếu chỉ căn cứ vào tình yêu của lương tâm, người ta sẽ thừa lý do để bào chữa cho Hitler. Bởi vì hắn hành động trong lương tâm yêu thương. Hắn muốn nhân loại tiến hóa. Việc hắn giết 6 triệu người là một việc hành thiện, vì đã có công tiêu trừ cấp hạ đẳng, cản trở sự tiến hóa. Nếu thuyết luân lý hoàn cảnh là đúng, trên thế gian sẽ chẳng còn một hành động xấu nào có thể bị xét xử.
Fletcher, qua mệnh đề thứ V, cho rằng khi thực hiện một việc, người hành thiện phải thấy trước diễn tiến công việc sẽ đưa tới thành quả lợi ích. Nhờ đó mới có ý thức mục đích để hướng dẫn việc mình đang làm. Điều này rất khó xảy ra. Nó khó không những vì kiến thức của đương sự hạn hẹp, mà còn bởi tính chất của công việc. Chẳng hạn khó mà biết một cô gái 16 tuổi, nghiện ma túy, đi phá thai có lợi hay không. Có thể cô không đủ tư cách làm mẹ vào lúc này. Nhưng cũng có thể cô được giúp đỡ đi cai thuốc, rồi trở nên một bà mẹ tuyệt vời. Rồi cũng có thể đứa con được sinh ra sẽ là một người hữu ích cho xã hội. Điều này chỉ thời gian trong tương lai mới trả lời được.
Fletcher hướng dẫn: “hành động phù hợp luân lý nhất là hành động hàm chứa tình yêu tối thượng”, nhưng khi giải thích việc làm ấy cụ thể là gì thì lại nói “hành động hàm chứa tình yêu tối thượng cần phải làm là hành động đúng nhất”. Luận cứ này trở thành cái vòng luẩn quẩn hẹp hòi. Rất nhiều ý kiến chống đối mạnh mẽ khi Fletcher cho rằng nếu một hành động được thực hiện do tình yêu thúc đẩy, hành động ấy đương nhiên trở thành công lý. Không lẽ một người vô tình làm chết hai đứa bé trong khi cứu con chó hàng xóm là đúng. Công giáo không bao giờ coi luật luân lý chỉ là cách sống của một cá nhân. Trong đó hắn tìm cách tự phong thánh cho chính hắn. Ngược lại đời sống luân lý là những cố gắng có hướng dẫn bởi Thánh Linh. Một hành vi công lý không phải là một hành vi thich hợp với hoàn cảnh, nhưng là một hành vi làm sáng danh Thiên Chúa. Đó là nỗ lực mở rộng Nước Trời, hay làm cho Nước Cha trị đến. Vì vậy mỗi một hành vi luân lý đích thực phải biểu lộ được phẩm chất luân lý khách quan trong sự hiệp thông với giáo hội.
Thánh kinh cho biết con người nhận lãnh luật trường cửu, con người không sáng tạo ra chúng. Luật trường cửu là chân lý. Chân lý không bao giờ sai lầm, hằng hiển nhiên và khách quan, luôn luôn đi trước tri thức con người, vượt khỏi giới hạn không gian và thời gian. Tách rời luật trường cửu con người sẽ mất hút vào những ảo ảnh của khuynh hướng duy lý và vô thần. Nơi nào mà con người sống với chiều tự do tiến hóa phi-luân-lý-trường-cửu, không những họ mất liên kết với Thiên Chúa mà nền công lý đạo đức cũng mất theo.