Đã đành có nhiều nền văn hóa không tin có nơi luyện tội (gọi tắt là “luyện tội”), nhưng chính trong Thiên Chúa giáo cũng có khá nhiều giáo phái không tin như vậy. “Lẽ nào một linh hồn tội lỗi có thể vào luyện tội để tẩy sạch tội bằng lửa? Nguyên tắc này do ai đặt ra?” Đó là câu hỏi trong phạm trù công lý của thời duy lý hiện tại. Trong bối cảnh hoài nghi hay thẳng thừng chối bỏ nơi luyện tội, suy ra câu hỏi như vậy vẫn cần phải đặt lại, ngay cả cho người Công Giáo.
Giáo hội Tin Lành, gồm các giáo phái Orthodox, Presbyterian, Protestant, Calvin, Baptist, Methodist, Evangelist, Fundamentalist…, phản đối mạnh mẽ ý niệm luyện tội. John Calvin, giáo chủ giáo đoàn Calvin, cho “luyện tội là chuyện hoang đường nguy hiểm chết người do Satan đặt ra nhằm hủy hoại thập giá Chúa Kitô.”(1) Một số học giả Tin Lành mỉa mai, “Người Công Giáo bỏ tiền vào cái lọ để xin ơn rút ngắn thời gian trong luyện tội đáng thương của họ.”(2) Nói chung lập luận của các giáo phái Tin Lành có thể tóm lược trong hai điểm chính sau:
Giáo phái Lutheran đả kích các ơn ân xá kể cả thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn. Họ cho rằng Công Giáo đã ăn cắp vinh quang Thiên Chúa, trao vào tay các linh mục và giáo hội quyền kiểm soát sự cứu rỗi, theo một hệ thống áp chế tinh thần.
Đối với đại chúng, những người duy lý hay vô tôn giáo, họ tin rằng chết là hết. Nếu có một dạng nào đó sau khi chết thì đó là dạng của hạnh phúc và giải thoát. Một niềm tin khác cho rằng con người có thể tái sinh qua nhiều kiếp để tích lũy kiến thức, cho đến khi kiến thức thâm hậu thấu triệt sự toàn hảo thì linh hồn sẽ được thăng tiến vào cõi hạnh phúc. Nơi luyện tội, đối với họ, chỉ là một quan niệm lệch lạc lỗi thời, thuộc thời trung cổ, đặt ra để hù dọa con người.
Trớ trêu thay trong khi các giáo phái Tin Lành phủ nhận luyện tội với những lý lẽ sắc bén thì nhiều mục sư của họ lại gặp những linh hồn từ luyện tội trở về. Sự kiện xảy ra trái với niềm tin của họ nên họ tìm cách giải thích loanh quanh. Tuy nhiên trong số đó, tính đến năm 1984, đã có 189 vị mục sư chấp nhận sự thật về luyện tội và đã trở lại với Công Giáo. Xin dẫn chứng một trường hợp của Mục Sư Doug Lorig, giáo phái Episcopal. Lorig liên tiếp thấy linh hồn người chết đến với ông. Ông kiểm chứng lại sự việc và khám phá ra họ là những người có thật đã qua đời trước đó. Ông không muốn đối diện với một sự kiện trái với niềm tin của mình, nhưng các linh hồn cứ đến với ông. Cuối cùng ông nhận ra đó là ý Chúa muốn ông cầu nguyện cho họ. Ông đã cải qua đạo Công Giáo và được phong linh mục năm 1984. Cha Lorig đã lập riêng một nhà nguyện ở Scottsdale, Arizona, có tên là Holy Souls Oratory (Đền Những Linh hồn Thánh) để cầu cho các linh hồn trong luyện tội.(3)
Nhận thức về luyện tội đã không còn là một suy niệm thần học, nhưng là một xác tín của kinh nghiệm. Chính những linh hồn từ luyện tội trở về trần thế đã chứng minh điều này. Một số tu viện và nhà thờ ở rải rác trên thế giới hiện đang lưu trữ một hay nhiều chứng tích về sự hiện hữu của luyện tội. Những chứng tích này thường là dấu bàn tay cháy đen in trên sách kinh, trên vải lót chén thánh, trên áo, hay trên gỗ do linh hồn từ luyện ngục để lại.
Tại Rôma có viện bảo tàng Piccolo Museo del Purgatorio (Tiểu Bảo Tàng Luyện Tội), nằm trong khuôn viên nhà thờ Sacred Heart of Suffrage (Thánh Tâm Chúa Chuyển Cầu). Nơi đây lưu trữ 15 di tích của luyện tội. Tại mỗi di tích đều có bản ghi xuất xứ của hiện vật. Xin kể ra một dẫn chứng điển hình là chiếc bàn gỗ có hình bàn tay và hình Thánh Giá cháy thành than. Ngày 1-11-1731, cố linh mục Panzini hiện về với mẹ bề trên Isabella Fomari, dòng Thánh Clara ở Todi. Lm Panzini cho biết ông đang ở luyện tội và xin được cầu nguyện. Để làm chứng ông đặt bàn tay lên bàn làm việc của mẹ Isabella rồi dùng ngón tay vẽ hình Thánh Giá lên bàn. Những nơi ông đặt tay vào đều bị cháy đen.(4)
Rất nhiều bậc thánh đáng kính cho biết chính họ đã gặp những linh hồn từ luyện tội đến xin giúp đỡ. Xin kể ra vài vị thánh tiêu biểu: các thánh Bernard Clairvaux, Catherine Genoa, Francis assisi, Francis Xavier, Faustina, Nicholas, Padre Pio, Thomas Aquinas,… Trong số những vị này, có nữ tu Lucia Santos được Đức Mẹ Fatima cho thấy cảnh các linh hồn đang bị thiêu đốt trong luyện tội. Thánh Brigitta được Đức Mẹ cho biết, “Mẹ là mẹ các linh hồn luyện tội. Mẹ hằng giúp đỡ giảm bớt những hình khổ cho họ.” Nếu Đức Mẹ và các thánh đã chứng thực về luyện tội, con người phải nghiệm ra ý nghĩa hiện hữu của luyện tội chính là lòng thương xót của Thiên Chúa.
Đối với Kitô hữu Công Giáo, nhắc lại giáo lý về luyện tội là việc không cần thiết. Hơn ai hết, chúng ta phải biết rõ điều này. Tuy nhiên nếu cần một chứng từ làm căn bản, chúng ta có thể lấy lời khảng định của Công Đồng Trent, năm 1545: “Dưới sự dạy dỗ của Công giáo, mọi tội lỗi phải được thanh tẩy, hoặc ở trên trái đất hoặc sau khi chết trong một trạng thái gọi là luyện tội.”(5) (* Ghi chú thêm: điểm quan trọng của bản văn là sự xác định: luyện tội là tiến trình thanh tẩy, không phải là hình phạt như quan niệm của những đời trước. Vì vậy không nên dùng danh xưng “luyện ngục” vì nó gợi ý “ngục” tù hay “ngục” giam.)
Nhưng có dẫn chứng nào trong Kinh Thánh về điều đó hay không? Đức Giêsu đã trả lời, “Ai nói phạm đến Thánh Thần thì chẳng được tha, trong cả đời này lẫn đời sau” (Mt 12:32). Như vậy có một khoảng thời gian tồn tại khi con người qua đời gọi là “đời sau”. Nơi này không thể là thiên đường vì không có tội trên thiên đường. Nơi này cũng không thể là hỏa ngục vì ở đó tội lỗi không được tha. Nơi này phải là luyện tội, ở đấy linh hồn đang được thanh luyện.Thanh luyện cách nào? Thánh Phaolô cho biết tội lỗi được tẩy rửa bằng lửa (1Cr 3:13-15).(6)
Khi Chúa Giêsu hứa với người trộm lành sẽ cho anh ta lên thiên đường ngay hôm nay, giản dị là Chúa Giêsu đã ban cho anh ơn đại xá. Có thể anh đã đền tội đầy đủ nơi trần thế. Thêm nữa, các nhà thần học Công Giáo đều cho rằng trước khi chết anh đã thật lòng hối lỗi, chấp nhận hình phạt bị đóng đinh và đã xưng tội với Đức Giêsu. Cuối cùng anh khấn xin, “Ngài Giêsu ơi, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi” (Lc 23:42). Diễn tiến này đúng với bí tích giải tội và ân xá của Công Giáo. Do đó không thể suy diễn sai về biến cố này để kết luận không có luyện tội.
Về phương diện xã hội, chúng ta công nhận có một học thuyết về luyện tội kể từ thời Plato (400 BC) và phong tục cầu nguyện cho người chết. Vào thời Cựu Ước cũng có việc người Do Thái cầu nguyện cho linh hồn các chiến sĩ tử vong (2 Mcb 12:41-42). Tuy nhiên niềm tin này không bắt nguồn từ sự sợ hãi nhưng từ lòng nhớ ơn và nhân từ đối với người qua đời. Điều đó chứng tỏ người cổ xưa đã trực giác về sự hiện hữu của một nơi tạm trú của linh hồn. Nơi đó tội lỗi có thể được tha do lời cầu nguyện. Nơi đó chính là luyện tội.
Kể từ khi tôn giáo được mở rộng và trở nên có hệ thống với những giáo luật rõ ràng, cộng đồng tín hữu lập nên một giới chức chuyên lo việc tế lễ. Giới chức đó mang chức vụ tư tế. Thánh John Chrysostom, Giám mục Constantinople (400 AD) cho biết các thánh Tông Đồ thường dâng thánh lễ cầu nguyện cho những người qua đời.(7) Từ đó giáo dân nhờ những vị tư tế dâng lễ cầu nguyện cho linh hồn qua đời. Để tỏ lòng biết ơn giáo dân dâng cúng một số tiền nhỏ để phụ vào những chi phí của đền thờ (2 Mcb 12:43,46). Qua thời gian công đức dâng tiền đã bị lạm dụng ở cả phía tư tế lẫn giáo dân, vì vậy đã gây ra những suy diễn lệch lạc.
Thái độ lệch lạc cũng nảy sinh nơi các tín hữu Công Giáo. Nhiều người không nhận ra việc đóng tiền là cơ hội lập công đức trong chiều kích hiệp thông. Họ dùng tiền như một dịch vụ buôn bán. Có người xin lễ với món tiền hậu hĩ kèm theo lời yêu cầu linh mục chỉ dành riêng thánh lễ cho linh hồn họ xin, không gộp chung với những linh hồn khác. Họ nghĩ ân sủng sẽ được trọn khi không chia cho người khác. Cũng từ lối nhìn đó mà nảy sinh ra thắc mắc, phải chăng chỉ linh hồn thân nhân của những người giàu mới được cứu vì có tiền xin lễ, còn người nghèo thì không!(8)
Trên thực tế trong thánh lễ của Công Giáo, linh mục chủ tế luôn luôn dâng lời nguyện cầu cho những người qua đời. “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhan Chúa.” Người dự lễ có thể hiệp thông với lời cầu nguyện này mà cầu cho linh hồn thân nhân của mình. Không những thế Giáo Hội dành riêng tháng 11 hằng năm để cầu nguyện cho các linh hồn. Ngoài ra giáo dân cũng có nhiều dịp lãnh ơn xá tội (tiểu xá hay đại xá) và có thể dành cho các linh hồn thân nhân đã qua đời.
Suy ra việc xin thánh lễ cầu hồn rất phù hợp với niềm tin của anh em Tin Lành. Sự giảm khinh cuộc đau khổ trong luyện tội là nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, không phải nhờ ơn của vị linh mục hay Giáo Hội. Linh mục, qua sự thông hiệp của toàn thể Hội Thánh, chỉ dâng lời cầu nguyện chứ không lấn quyền Thiên Chúa.
Con người không thể dùng ngôn ngữ giới hạn trần thế để diễn tả một trạng thái siêu nhiên vượt khỏi ý niệm không gian và thời gian. Do đó chúng ta không thể đưa ra những lập luận về luyện tội. Chúng ta chỉ có thể suy niệm từ lời phát biểu của những vị thánh thiện và của những vị được mạc khải tư về vấn đề này. Cho đến nay, chỉ có hai người đã chứng nghiệm về luyện tội và đã đưa ra lời giải thích cụ thể. Đó là bà Maria Simma và nữ tu Lucia Santos.
Bà Maria Simma là một tín hữu rất nổi tiếng trên thế giới, vì bà được ơn Chúa cho tiếp xúc với những linh hồn từ luyện ngục. Đa số họ đến nhờ bà xin thánh lễ cầu nguyện. Bà là nguồn tham khảo cho những nhà “luyện tội học”. Khi được hỏi về bản chất của lửa luyện tội, bà đã trả lời qua một biểu tượng. Tôi xin viết lại vắn gọn như sau.
“Giống như khi bạn bước vào một căn phòng trong đó có một Hiện Hữu (Being) tuyệt mỹ và rất mực yêu thương bạn. Bạn bị thu hút bởi tình yêu thương đó và muốn rơi vào lòng của tình yêu này. Ước muốn khao khát được gần gũi quá mãnh liệt khiến tim bạn bốc lửa. Nhưng bạn nhận ra người bạn đầy mùi hôi hám, mồ hôi và nước mũi chảy nhễ nhãi. Bạn tự thấy mình không xứng đáng đứng trước mặt người đó trong tình trạng như vậy. Bạn phải đi tắm rửa cho sạch sẽ. Nhưng lòng say đắm trong tim bạn mãnh liệt quá, nó khiến bạn không thể xa cách nguồn yêu thương này một giây nào. Bạn chỉ biết đứng nhìn trong đau khổ vì bị xa cách và chịu đựng ngọn lửa khao khát đốt cháy trong tim. Lửa luyện tội là như vậy.”(9)
Nữ tu Lucia, người được Đức Mẹ Fatima cho thấy cảnh linh hồn bị lửa thiêu trong luyện tội cũng có lời giải thích tương tự.
“Đối với tôi, lửa luyện tội là lửa thánh tình yêu của Thiên Chúa. Chúa chuyển đến các linh hồn theo tỷ lệ tương ứng với tình yêu Thiên Chúa của họ. Bạn phải yêu Thiên Chúa hết lòng, hết tâm hồn, hết sức lực, hết trí khôn. Qua tỷ lệ của mức độ yêu thương đó ngọn lửa thánh sẽ nhỏ hay lớn, cho đến khi linh hồn bạn được hoàn toàn thanh lọc và xứng đáng để được thừa nhận sống trong hiện hữu bao la, khôn ngoan, quyền lực, trí tuệ, và yêu thương của Thiên Chúa.” Nữ tu Lucia nói thêm rằng, “Tôi không thể diễn tả chính xác được, vì vậy đây là những gì tôi nghĩ, không phải những gì tôi hiểu.”(10)
Vô hình trung sự cảm nghiệm của bà Maria Simma và nữ tu Lucia về “lửa thánh” trong tim đã hỗ trợ cho lời dậy của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết luyện tội không phải là một địa điểm, như thường được nhận biết và diễn tả bằng ngôn ngữ trần thế, vì luyện tội không hiện hữu trong trật tự không gian và thời gian. Đặc tính thiết yếu của luyện tội là trạng thái của linh hồn. Đó là trạng thái thanh luyện trong tình yêu của Chúa Kitô, Đấng sẽ loại bỏ những tàn dư của sự chưa hoàn hảo ra khỏi con người.(11)
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng nói “Lửa luyện tội là lửa thanh luyện cháy bên trong con người. Sự đau đớn của linh hồn là nỗi hối hận về tội lỗi của mình.(12)
Một số nhà thần học cho rằng ngọn lửa vừa đốt cháy vừa cứu độ chính là Chúa Kitô, Người vừa là Đấng Phán Xét vừa là Đấng Cứu Độ. Cuộc gặp gỡ với Người là cuộc phán xét. Trước ánh nhìn của Người tất cả những giả dối đều cháy tan. Cuộc gặp gỡ, trong lữa cháy, sẽ biến đổi và giải thoát chúng ta, để chúng ta trở thành chính mình.(13)
Giáo Hội tin rằng con người không đủ hiểu biết để nói chính xác về luyện tội, vì vậy Giáo Hội đã dùng cả hai mô thức “nơi chốn” (place) và “trạng thái” (state, hay “điều kiện” -- condition) khi nói về luyện tội. Tuy nhiên càng ngày càng có khuynh hướng thiên về thuật ngữ “trạng thái”, vì nó gần với đặc tính siêu nhiên của luyện tội.
Luyện tội không phải là nơi khủng khiếp để trừng phạt con người mà là nơi Thiên Chúa biểu lộ tình yêu. Những linh hồn từ luyện tội trở về xin cầu nguyện cho họ, không những là lời cảnh báo cho những ai có những chọn lựa sai lầm mà còn nói lên giáo lý quan trọng về sự hiệp thông. Hiệp thông giữa Hội Thánh lữ hành (nơi trần thế) với Hội Thánh thanh luyện (nơi luyện tội) và Hội Thánh khải hoàn (trên thiên đường). Tình yêu trong hiệp thông vượt khỏi ranh giới của sự chết. Chúng ta tiếc cho những người không tin và phỉ báng niềm tin vào sự tồn tại của luyện tội. Tuy nhiên đó là quyền tự do lựa chọn của họ. Đức Giêsu đã nói rõ trong dụ ngôn Nazarus và ông phú hộ. Ông phú hộ xin Abraham sai Nazarus đến báo cho anh em ông biết sự trừng phạt cho kẻ có tội ở đời sau. Abraham trả lời, “Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe” (Lc 16: 19-31). Điều này nghĩa là tất cả những gì họ không muốn nghe, không muốn tin nó hiện diện, thì họ sẽ nhất định không chịu thấy.