Người ta thường gọi chung những tôn giáo theo truyền thống Chúa Kitô là Kitô giáo. Kitô giáo có đến hơn 100 giáo phái. Để tổng quát hóa chúng ta có thể phân các giáo phái này theo bốn nhánh lớn: Kitô giáo Tây Phương, Kitô giáo Đông Phương, Kitô giáo Tin Lành, và Kitô Anh giáo. Tất cả mọi truyền thống Kitô giáo đều dùng danh xưng “giáo hội” để nói về đoàn thể của mình. Vì vậy “giáo hội” là một danh từ chung để chỉ cấu trúc của một cộng đồng tôn giáo. Danh xưng “Giáo Hội” (viết hoa) được trình bày trong bài này không mang ý nghĩa vừa nói. Danh xưng Giáo Hội ở đây hàm ý yếu tính thần quyền hơn là cơ cấu đoàn thể thế tục. Theo mô thức này, Công Giáo—không phải tất cả mọi giáo phái Kitô—có những xác tin riêng để định nghĩa Giáo Hội. Có thể quan điểm này sẽ gây ra nhiều tranh luận, nhưng Công Giáo có lý do để bảo vệ sự xác tín của mình. Vấn đề minh xác danh xưng Giáo Hội được đặt ra vì hiện trạng phân hóa đa dạng của Kitô giáo hiện nay. Hậu quả của sự phân hóa dẫn tới khuynh hướng hiện đại hóa quá đáng trong suy tư thần học và thái độ tương đối tính trong đức tin của Kitô hữu.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu chỉ định Tông Đồ Phêrô cai quản Hội Thánh. Thánh Phêrô lập công đoàn ở Rôma. Thánh Phêrô đương nhiên trở thành Giám Mục giáo phận Rôma. Trong thời Giáo Hội sơ khai, các Tông Đồ tung ra tứ phương truyền đạo. Tuy nhiên các vị đều công nhận chức thủ lãnh của Phêrô và luôn luôn thông hiệp với ngài. Sau một thời gian, sự bành trướng của Giáo Hội càng ngày càng lớn rộng. Từ đó nảy sinh ra những trở ngại giao kết giữa các Tông Đồ với nhau và với Giám Mục Rôma. Những trở ngại bắt nguồn từ sự cách biệt về địa dư, văn hóa, chính trị, ngôn ngữ... xuyên qua các đại lục xa xôi. Sự biến chuyển đã khiến những cộng đoàn từ từ trở nên biệt lập lẫn nhau. Mỗi cộng đoàn, cuối cùng, chỉ còn biết vị Giám Mục của mình. Tình trạng tách biệt tiệm tiến theo thời gian nên không thể ghi chú chính xác theo niên biểu. Các học giả thường lấy những biến cố Công Đồng làm mốc để biên chép lịch sử Giáo Hội.
Sử liệu cho biết vào thời Công Đồng Chalcedon (năm 451) Giáo Hội có 5 Trưởng Giám Mục cai quản 5 đại giáo phận là Rome, Constantinople (Đông Âu, Bắc Phi), Alexandria (Ai Cập), Antioch (Syria, Địa Trung Hải, Tiểu Á), và Jerusalem (Palestine). Chiếu theo địa dư, giáo phận Rome thuộc Tây phương và 4 giáo phận kia thuộc Đông phương.
Bắt đầu từ thế kỷ thứ 5, Giáo Hội Tây phương và Giáo Hội Đông phương đã thấy có hiện tượng dị biệt về tín lý. Chẳng hạn Chính Thống Đông Phương giáo (Oriental Orthodox) chỉ chấp nhận 3 Công Đồng đầu tiên là Nicea, Constantinople và Ephesus. Sự khác biệt giữa hai bên càng ngày càng lớn cho đến thế kỷ thứ 11 thì bùng nổ đại biến cố ly giáo (năm 1054). Giáo Hội Kitô phân làm hai gồm Công Giáo Rôma (dùng văn tự Latin) và Chính Thống Đông Phương (dùng văn tự Hi Lạp). Từ đó Chính Thống Đông Phương không còn chấp nhận quyền thủ lãnh của Giám Mục Rôma nữa. Đối với Kitô giáo Đông Phương các Giám mục đều có quyền ngang nhau không ai trên quyền ai, vì vậy họ không phải là một khối thống nhất.
Mặc dù các hệ phái của Kitô giáo Đông phương là những tôn giáo độc lập, nhưng trên thực tế họ đều hợp ý với Thượng Phụ Constantinople trong tình huynh đệ. Họ có 5 truyền thống chính với 5 nghi thức phụng vụ khác nhau. Tuy dị biệt nhưng tất cả các giáo phái đều nhận mình là Chính Thống Giáo. Bởi đặc điểm này Kitô giáo Đông phương còn được gọi chung là Chính Thống Đông Phương (Eastern Orthodoxy). Chính Thống (nguyên ngữ là “ortho-doxologia”) là đặc ngữ do Công Đồng Chalcedon đưa ra để chỉ sự phụng vụ Thiên Chúa không bị sai lạc bởi lạc thuyết. Trong khi đó Giáo Hội Tây Phương lấy danh xưng là Công Giáo Rôma (hay Công Giáo).
Công Giáo Rôma luôn luôn kêu gọi sự thống nhất trong Giáo Hội. Lời kêu gọi đã có một chút kết quả. Công Giáo Rôma đã thuyết phục được giáo phái Orthodox trở lại họp trong hai Công Đồng Lyons II (1274) và Florence (1439). Tiếc thay sự kết hợp này không bền, sau Công Đồng Florence, Orthodox chính thức ly khai Công Giáo Rôma cho đến ngày nay.
Trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo Rôma cũng có những biến cố ly khai. Vào thế kỷ 16, một linh mục Đức tên là Martin Luther lập ra những thuyết đối lập với tín lý của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Ông muốn tách rời khỏi Giáo Hội để khởi xướng một tôn giáo mới. Tôn giáo này khởi đầu có tên là giáo hội Luther, sau đó được đổi là Tin Lành (tên nguyên gốc là Protestant—kháng cách). Tín Lý cơ bản của ông là con người được công chính nhờ đức tin (Justification through Faith), không phải do công trạng hành thiện cá nhân. Sau đó Tin Lành lại tự phân hóa thành rất nhiều giáo phái. Phong trào cải cách lan rộng, rất nhiều giáo phái Kitô tự thành lập trong những năm gần đây. Danh xưng “Tin Lành” được dùng để gọi chung tất cả mọi giáo phái cải cách này, dù họ có dựa vào giáo lý của Luther hay không. Có thể nói Tin Lành có nhiều giáo phái độc lập nhất. Ở Mỹ, giáo hội Mormon và Jehovah’s Witnesses là 2 giáo phái nổi bật hơn cả.
Cũng trong thế kỷ 16, từ tham vọng chính trị, vua Henry VIII của Anh lập ra Anh Giáo (tên gốc là Puritan—Thanh Giáo). Anh Giáo cải cách về giáo lý và phụng vụ nhiều hơn truyền thống Luther. Chẳng hạn họ hủy bỏ thánh lễ Misa và các tượng thờ. Họ muốn tôn giáo của họ mang tính đặc thù của Anh quốc và do vua làm thủ lãnh.
Ngày 10 tháng Bảy, 2007, Bộ Tín Lý Công Giáo Rôma phổ biến văn kiện bày tỏ quan điểm về danh xưng “Giáo Hội”. Bản văn có tựa đề “Xác Định Về Tín Lý Của Giáo Hội” (Clarification On The Doctrine Of The Church) và được trình bày dưới dạng 5 câu hỏi và trả lời. Văn kiện được ký vào ngày 29 tháng 6 năm 2007, nhằm lễ kính các Thánh Phêrô và Phaolô và được Giáo Hoàng Bênêđic XVI phê chuẩn.
Nội dung của bản văn dựa vào một số Hiến Chế của Công Đồng Vatican II và vài Sắc Lệnh của các Giáo Hoàng Gioan XIII, Phaolô VI, và Gioan-Phaolô II. Tuy nhiên ý chính của bản văn rút ra từ tuyên ngôn “Dominus Iesus” (Đức Giêsu là Thiên Chúa) của Bộ Tín Lý, phát hành năm 2000. Vào thời đó Giáo Hoàng Bênêđic XVI giữ chức Trưởng Thánh Bộ này.
Bản “Xác Định” trước hết minh xác Công Đồng Vatican II không hề thay đổi bất cứ một tín điều nào của Giáo Hội và trong tương lai cũng sẽ không có sự thay đổi. Cồng Đồng chỉ làm sáng tỏ những gì vốn đã có sẵn nhưng còn trong vòng giả định mà thôi (câu hỏi 1). Người ta cũng nhận ra chiều hướng này qua sự kiện vào ngày 7 tháng 7 vừa qua, Giáo Hoàng Bênêđíc XVI phục hồi Thánh Lễ Latinh. Giáo Hoàng cho rằng người ta đã hiểu lầm chủ đề canh tân của Công Đồng Vatican II. Theo ngài, canh tân không có nghĩa là phá vỡ truyền thống quá khứ nhưng là làm mới lại ý nghĩa chân thực của truyền thống mà thôi.
Sau đó bản “Xác Định” luận về danh xưng Giáo Hội (qua những câu hỏi từ 2 tới 5). Theo bản văn, Giáo Hội do Chúa Kitô thành lập là một Giáo Hội có nội lực tự tồn tại. Chiếu theo kinh sử, chính Chúa Giêsu thành lập Giáo Hội và Người chỉ thiết lập có một Giáo Hội. Tín lý trong Kinh Tin Kính của các Tông Đồ và sau này được công đồng Nicea tổng kết là “có một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và Tông truyền”. Như vậy Giáo Hội từ nguyên thủy có 4 căn tố nội tại: 1) do Chúa Giêsu thành lập; 2) chỉ có một; 3) có tính phổ quát; 4) tự tồn tại không gián đoạn qua Tông truyền. Với bốn căn tố chặt chẽ tự bản chất này chỉ có Công Giáo mới đủ điều kiện nắm giữ đặc ân “một” Giáo Hội mà tín lý nêu ra. Nói cách khác “một Giáo Hội duy nhất” hiển hiện (subsist) trong Công Giáo. Công Giáo là một cộng đoàn hữu hình duy nhất chuyên chở những mầu nhiệm thánh do chính Chúa Giêsu thiết lập. Suy ra chỉ Công Giáo mới có đầy đủ nguyên tố chuyên chở ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Chiếu theo nguyên tố của danh xưng giáo hội, các tôn giáo Kitô Đông Phương, mặc dù khiếm khuyết, nhưng vẫn được gọi là Giáo Hội. Lý do vì những cộng đồng tôn giáo này đã một thời có nguồn gốc Tông Truyền. Tuy nhiên bị gọi là khiếm khuyết vì họ đã cắt đứt truyền thống hiệp thông với đấng kế vị thủ lãnh Phêrô. Kể từ biến cố ly khai đó, những cộng đồng này thiếu yếu tố Tông truyền liên tục từ Chúa Giêsu. Vì vậy bí tích truyền chức thánh của họ không có giá trị.
Những giáo phái Tin Lành không mang một cấu trúc giáo hội như Công Giáo. Họ thiếu tất cả mọi thành tố quyết định nêu ra ở trên để được gọi là Giáo Hội. Họ chỉ là những cộng đồng tôn giáo (ecclesial communities) Kitô. Những thể chế tôn giáo này thiếu những căn tố hiện hữu (subsists) từ bên trong để có thể mang danh xưng Giáo Hội.
Ý thức về giá trị linh ứng, Công Giáo nhìn nhận những giáo hội Kitô đáng kính ngoài Công Giáo cũng có yếu tố thánh hóa và chân lý. Nhưng ơn phúc này của Chúa Thánh Thần chỉ là dấu chỉ Thiên Chúa tiềm ẩn thúc đẩy sự hiệp nhất với Công Giáo, nguồn của các bí tích thánh. Bởi lý do chúng ta không thể thay đổi tín lý chỉ có “một Giáo Hội duy nhất”, vì vậy ly khai khỏi Giáo Hội cũng chẳng khác gì ly khai khỏi Chúa Kitô.
Đoạn mở đầu của bản “Xác Định” có nói đến tầm quan trọng của suy tư thần học. Bản văn cẩn thận minh xác Công Đồng Vatican II không có ý thay đổi tín lý của Giáo Hội. Rõ ràng Giáo Hội muốn tránh những diễn dịch quá trớn về cải cách mượn cớ Công Đồng II. Sự suy diễn thần học quá đáng đã tạo nguy cơ hoang mang về ý nghĩa của giáo hội học. Báo Sun Journal (12-7-07) phỏng định Giáo Hội muốn gửi một thông điệp cho một số nhà thần học, nhưng không muốn nêu danh ra. Nhà báo phỏng đoán có thể là nhóm thần học giải phóng (liberation theology). Cùng một nhận định, nhiều người cho rằng Giáo Hoàng Bênêđic XVI, nay với tư cách đứng đầu Giáo Hội, muốn tái khảng định những gì ngài đã nêu ra trong năm 2000 khi còn giữ bộ Tín Lý. Báo Pierceland Herald (11-7-07) cho rằng với giọng văn quyết liệt rõ rệt và thẳng thắn, bản “Xác Định” hơn bao giờ hết đã củng cố đức tin vững chắc và làm nổi bật bản sắc của Kitô hữu Công Giáo.
Bản tin được giới truyền thông loan đi với những ngôn từ thông tin như “các tôn giáo ngoài Công Giáo không dẫn tới ơn cứu độ”, hay “giáo hội Tin Lành không phải là Giáo Hội thật”. Vì vậy nhiều người nhìn bản “xác định” như một thái độ kỳ thị của một thứ siêu tôn giáo. Bài “xác định” trở thành đề tài gây sự hiểu lầm qua chủ đề “ngoài Giáo Hội Công Giáo không có ơn cứu độ”. Câu nói cổ điển này vốn được cho là của Thánh Cyprianô trong thế kỷ thứ I. Đúng với gốc thời điểm của câu nói, lập trường của Thánh Cyprianô chỉ nhắm vào nhóm ly giáo và bè rối vào thế kỷ I. Ngày nay một số người lập lại ý tưởng này như một công thức tất yếu để chống đối tất cả mọi người ngoài Công Giáo. Thực ra Giáo Hội chưa bao giờ công nhận lập trường bảo thủ này. Trái lại Công Đồng Florence đã cải chính rằng Thiên Chúa nhân từ chịu chết để cứu độ cho tất cả mọi người. Thiên Chúa không luận phạt người công chính, dù họ ở tôn giáo khác. Một cách hiện thực, thần học gia Jutta Burggraf nói: Giáo Hội là “Nhà Chúa” mà cánh cửa đi vào là bí tích rửa tội. Bất cứ ai chịu phép rửa, dù thuộc giáo hội nào, đều là Kitô hữu. Không ai có thể tước đi vị thế ấy của họ. Đi xa hơn nữa Sách Giáo Lý Công Giáo công nhận ơn cứu độ có cả nơi những người chưa nhận phép rửa: những ai chưa biết Tin Mừng Đức Giêsu và Giáo Hội của Người, nhưng đang tìm chân lý và thực hiện ý Chúa theo sự hiểu biết của mình thì có thể được cứu độ (# 1260). Theo góc độ Công Giáo, đức Gioan-Phaolô II, qua Tông huấn Redemptoris Missio (Sứ Mệnh Của Chúa Cứu Thế, 1990), cho rằng mầu nhiệm cứu độ do Thiên Chúa hoạch định không giới hạn trong không gian và thời gian, hiện diện trong các nền văn hóa và tôn giáo, theo một cách thế mà chỉ Thiên Chúa mới hiểu được. Tuy nhiên Công Giáo là mầu nhiệm hữu hình của ơn cứu độ một cách trọn vẹn nhất.
Đàng khác, bản “xác định” cũng gây nên sự xúc động tiêu cực cho nhiều Kitô hữu Tin Lành. Họ cho rằng bản tin sẽ tạo ra một vết thương lớn cho đại kết Kitô giáo. Tuy nhiên, theo giáo sư Jutta Burggraf, phải nhìn nhận rằng sự thật chính các giáo hội Tin Lành có một quan điểm khác về danh xưng Giáo Hội. Chẳng hạn họ phủ nhận tất cả mọi bí tích. Họ không thừa nhận giáo hoàng là vị thừa kế Thánh Phêrô. Họ không tin chức linh mục là một bí tích. Với sự khác biệt này Công Giáo phải minh định danh xưng Giáo Hội theo nghĩa mà Công Giáo hiểu biết. Trong chiều hướng ấy, bản minh xác là một biểu lộ rõ ràng và thành thật cần phải có. Điều này rất hữu ích cho hướng đi của cuộc đại kết trong tương lai. Một số giáo hội Tin Lành đã lên tiếng phê phán về bản văn. Tiêu biểu là lời phát biểu của Giám Mục Wolgang Huber, Lutheran giáo. Trong bản nhận định có tựa đề “Cơ Hội Đã Mất” (Lost Chance), Giám Mục Huber viết: “Sẽ được đầy đủ nếu bản văn nói rằng những giáo hội cải cách ‘không nằm trong những điều kiện nêu ra ở đây’ hay ‘họ là những giáo hội có những thể thức khác’—nhưng những nhịp cầu này đã không được [bản văn] dùng tới.” Lời phản đối của Giám Mục Huber suy ra lại minh xác cho những dữ kiện mà Bộ Tín Lý đưa ra là đúng và là sự thật.
Đối với tín hữu Công Giáo, bản “xác định” giúp chúng ta nhìn lại chính nội tâm của mình. Một đàng chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã chọn chúng ta vào Giáo Hội của Người, một đàng chúng ta cải thiện để mầu nhiệm cứu độ được vẹn toàn nơi chính mình.