Hiện nay hơn bao giờ hết, vấn đề “quyền làm chủ thân xác mình” được biểu lộ như một thách đố ngang tàng. Những người tranh đấu cho quyền này không dựa vào một hệ tư tưởng hay một giáo lý nào. Họ vin vào nguyên lý tự do cá nhân và quyền tư hữu của luật nhân quyền. Thật ra họ muốn mọi người tin như vậy. Mặc dù lý lẽ của họ được luật pháp quốc gia chấp thuận, nhưng chủ trương thật của họ nhắm tới là gì? Bàn về vấn đề này chúng ta không thể đưa ra những lập luận triết lý xuông xoay quanh vấn đề làm chủ thân xác. Chúng ta phải nói thẳng đến cái chủ đích của họ là ý muốn tự do phá thai và quyền an tử (euthanasia).
Trước năm 1960 đa số các quốc gia cấm phá thai, trên thực tế người ta vẫn phá thai trong ẩn giấu. Lợi dụng thực trạng này, phong trào đòi hợp pháp hóa phá thai đưa ra mục đích làm phúc lợi cho xã hội. Họ hô hào hợp pháp hóa phá thai để không còn những bà mẹ tử vong vì không được y tế hỗ trợ; để nhiều thiếu nữ vị thành niên có thể tiếp tục đi học; và để phụ nữ được quyền chọn lựa muốn làm mẹ hay không trong hoàn cảnh khó khăn. Tại Mỹ, cuộc tranh đấu kéo dài tới ngày 22 tháng 1 năm 1973 thì kết thúc với vụ án Roe v. Wade nơi Tối Cao Pháp Viện [1].Tòa này phán quyết rằng phá thai là hợp pháp cho tới gian đoạn thai nhi “có khả năng sinh tồn” (viability). Sarah Weddington, luật sư của Roe tuyên bố, cuộc chiến không phải cho phá thai nhưng cho phụ nữ có quyền tự do quyết định theo ý mình. [Pro Reclaiming Abortion Rights, trang 89]
Trong ba thập niên 70 -- 90, để chống lại những đả kích về tính vô đạo của hành vi phá thai, nhóm chủ trương phá thai dựa vào lập luận triết học cho rằng cái phôi bào (embryo) chỉ có tiềm năng (potential) là người chứ chưa thực sự là con người. Nó không có quyền vượt trên quyền của người mang thai (họ tránh dùng chữ bà mẹ). Lý lẽ này đã bị chính triết học bẻ gẫy. Dù là phôi bào, nó cũng mang nguyên lý của sự sống và khao khát được hiện sinh. Khoa học cũng không thể tách biệt khi nào phôi bào chưa phải là người và khi nào là người. Sự phát triển của phôi bào là một diễn tiến liên tục không thể ngắt ra từng đoạn theo lý luận. Vì vậy hủy bỏ một phôi thai có tiềm năng là người, tức hủy diệt nó trở nên người, thì cũng đồng nghĩa với giết một mạng người.
Ngày nay phe cổ võ phá thai trở nên hung hăng hơn bao giờ. Họ không bận tâm đến mặt đạo đức mà chỉ nhắm vào sự hợp pháp của “quyền sở hữu thân xác”. Họ đưa ra hai điểm quan trọng: 1) Tôi là chủ thân xác của tôi. 2) Tôi được tự do xử dụng thân xác theo ý tôi. Họ cho rằng thân thể phụ nữ không phải của chồng, của con cái, của chính phủ, hay của tôn giáo. Người ngoài không có quyền ra lệnh cho họ phải sử dụng thân xác như thế nào. Cô đọng trọn vẹn lối suy nghĩ của nhóm phá thai, có lẽ là tuyên ngôn của Katha Pollitt, tác giả cuốn sách Pro Reclaiming Abortion Rights. Theo Katha, Tử cung đàn bà không phải là cái thùng (bunker) chứa đồ ăn và là môi trường thích hợp để nuôi thai nhi. Thai nhi không phải là chủ (owner), người phụ nữ mới là chủ. Lời nói này chỉ những ai cuồng nhiệt đề cao tự do cá nhân mới nghe nổi. Nó hoàn toàn vắng bóng tình mẫu tử và ý thức đạo đức. Những hướng suy diễn như vậy về quyền làm chủ thân xác ngày càng trở nên hỗn loạn. Chúng mở đường cho các chủ trương tự do tìm lạc thú tình dục, tự do hôn nhân đồng tính, tự do chuyển giới tính và tự do chọn giới tính cho mình (tự xác định mình là nam hay nữ bất kể giống tính bẩm sinh).
Câu hỏi quan trọng nhất cho quan niệm tự do cá nhân là “tự do là gì?” Người ta có thể tìm câu trả lời trong triết học và luật pháp, nhưng lời giải đáp thật sự thâm sâu của nó ẩn tàng trong niềm tin tôn giáo của con người. Công Giáo trả lời rằng ý chí tự do phải gắn liền với nguyên lý đạo đức. Thiên Chúa ban cho con người ý chí tự do để con người tùy ý làm phong phú sự sống chứ không để tiêu diệt sự sống. Tôn trọng phẩm giá con người là tôn trọng chính bản tính người chứ không phân biệt dạng phôi bào hay thai nhi. Một hành vi đạo đức là một hành vi phải làm vì nó đúng chứ không vì nó hợp pháp hay có ích lợi cho mình.
Bản chất thật của hành vi phá thai, ngụy trang trong quyền làm chủ thân xác, đã biểu lộ qua ba sự kiện cụ thể sau.
Bác sĩ Kermit Gosnell có phòng mạch phá thai ở Philadelphia. Tuy đã có nhiều tin đồn xấu về ông nhưng dưới thời thống đốc Robert P. Casey, luật pháp vẫn bảo vệ ông với luật cấm kiểm soát phòng mạch phá thai. Năm 2010 ông bị truy tố vì tội bán thuốc bất hợp pháp và cấp thuốc quá liều khiến bệnh nhân bị chết. Bấy giờ phòng mạch của ông mới bị điều tra. Giới chức trách khám phá ra ông đã giết nhiều thai nhi dù đã 6 hay 8 tháng còn sống trong bụng mẹ. Ông cũng đã dùng kéo cắt cổ 4 bé sơ sinh được đẻ ra còn sống. Mặc dù ông đã bị kết tội là sát nhân, nhưng tội của ông bắt nguồn từ yêu cầu của các bà mẹ muốn phá thai.
Bác sĩ Bernard Nathanson rất nổi tiếng qua việc thành lập “Liên Đoàn Thực Hiện Quyền Phá Thai Toàn Quốc” (National Abortion Rights Action League) vào năm 1968. Ông còn là giám đốc một cơ sở phá thai lớn nhất thế giới là “Trung Tâm Sinh Sản và Y Tế Tình Dục” (Center for Reproductive and Sexual Health). Theo ước tính của ông, trung tâm đã thực hiện hơn 60,000 vụ phá thai. Đích thân ông hướng dẫn sinh viên và bác sĩ thực tập phá thai hơn 15,000 vụ. Tự tay ông đã phá thai 5,000 vụ, trong đó có thai nhi là con ruột của ông với cô bạn sinh viên. Khi những người phò sự sống (pro-life) tụ tập trước các phòng phá thai lên tiếng kêu cứu cho thai nhi, ông bắt đầu chú ý đến những lý lẽ của họ đưa ra. Chúng đã đánh động lương tâm ông. Năm 1970, máy siêu âm ultrasound ra đời, Nathanson thú nhận, qua máy siêu âm ông nhìn thấy rõ trái tim đang đập của thai nhi. Ông hoàn toàn thay đổi lập trường cũ của mình. Ông hoán cải thành tín đồ Công Giáo và giành hết năng lực để chống phá thai. Năm 1996 ông xuất bản cuốn sách The Hand of God (Bàn Tay của Chúa) như cách bộc lộ lời thú tội với lòng ăn năn sám hối. Ông cho rằng phá thai là bất chính và sự bào chữa cho nó chỉ là những lời dối trá. Bs Nathanson đã chứng minh con người có lương tâm. Lương tâm không chấp nhận quan điểm tự do làm chủ thân xác mình để phá thai, vì nó mang bản chất vô đạo.
Năm 1969, tiểu bang Texas chỉ cho phép phá thai nếu bị hãm hiếp, loạn luân hay nguy hiểm đến tính mạng người mẹ. Cô Norma McCorvey, 21 tuổi, nói dối là bị hiếp để được phá thai. Chuyện không thành, cô tức giận đưa sự vụ ra tòa án liên bang. Tên cô được che giấu dưới danh xưng Jane Roe. Chính quyền Texas cử luật sư Henry Wade để tranh luận. Vụ án có danh xưng là Roe v. Wade. Tòa án xử cô thắng kiện dựa vào Tu Chính Án IX của hiến pháp (quyền tư hữu của người dân). Năm 1970, Henry Wade kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện. Ngày 22-1-1973, tòa Tối Cao chiếu theo Tu Chánh Án XIV (quyền bình đẳng của mọi công dân), phán quyết rằng bà mẹ có quyền phá thai. Vì vụ án kéo dài 3 năm (từ 1970 đến 1973) nên Norma đã sinh ra đứa con trong thời gian đó. Sau khi có con Norma ân hận đã đóng vai Jane Roe. Năm 1994, cô viết cuốn I Am Roe, để giãi bày sự sai lầm của mình. Cô đổ lỗi cho hai luật sư bào chữa ham tiền đã lèo lái tư tưởng của một thiếu nữ trẻ nhẹ dạ là cô. Hiện nay cô là tín đồ Kitô Giáo và triệt để chống phá thai. Hơn ai hết, vì cô là người khởi đầu phong trào đòi hợp pháp phá thai, nên cô có thẩm quyền đưa ra kết luận về sự thật của phong trào.
Khởi đầu, một số người đề xướng quan điểm con người có quyền được chết (right to die). Họ đưa ra thực trạng nhiều người lâm vào cảnh khó khăn đến mức không còn thấy sự sống có ý nghĩa. Họ đã phải tự tử trong đau đớn, như nhảy lầu, thắt cổ… Vì quyền làm chủ thân xác đã được luật pháp công nhận, nên con người có quyền tự kết liễu sự sống của thân xác của mình trong một môi trường an toàn. Từ đó chủ trương an tử (euthanasia) ra đời. An tử nghĩa là chết êm dịu, an lành, trong sự tôn trọng nhân phẩm. Người muốn chết có thể tự kết liễu đời mình hay nhờ người khác trợ giúp (thường là bác sĩ). Tại Mỹ, quyền được chết được Tối Cao Pháp Viện hợp pháp hóa qua vụ án Nancy Cruzan, năm 1989 [2]. Luật về quyền an tử ra đời với chú thích chính đương sự phải tự ý xác định muốn chết. Quyền an tử dựa vào 2 nguyên lý: 1) Tránh kéo dài sự đau khổ không cần thiết. 2) Quyền tự do cá nhân [3].
Nếu nhìn vấn đề này một cách phiếm diện, chúng ta dễ chấp nhận quyền an tử vì lòng nhân ái. Chúng ta không nỡ để những người bị bệnh nan y, trong thời kỳ cuối, nằm thoi thóp quằn quại trong đau đớn. Như vậy lòng cảm xúc thương người đã chi phối nhận định của chúng ta về nguyên lý đạo đức. Công Giáo dạy rằng an tử là sai lầm, vì nó tiêu diệt sự sống. Công Giáo kết án an tử bao gồm hai loại hành vi: trực tiếp sát nhân và bỏ quên. “Bỏ quên” là hành vi bỏ rơi nạn nhân không chăm sóc như bỏ đói hay không gắn ống dưỡng khí khiến nạn nhân phải chết.
Để có thể hiểu giáo huấn Công Giáo, chúng ta cần phải có cái nhìn khách quan hơn. Chúng ta hãy xét đến những trường hợp nằm bên ngoài yếu tố từ tâm. Chúng hoàn toàn chỉ phơi bày ý niệm tự do làm chủ thân xác.
Có lẽ ai cũng nghe đến tên “Bác sĩ Tử thần” (Dr. Death), danh hiệu của bác sĩ Jack Kevorkian do báo Time đặt vào năm 1993. Từ 1990 tới 1998, ông đã trợ giúp cho 130 người tự tử và thiết kế “máy an tử” (mercitron) để giúp người tự tử. Ông đưa ra khẩu hiệu “Dying is not a crime” (Chết không phải là tội ác). Năm 1999, ông bị kết án là sát nhân qua vụ án Thomas Youk, vì chính ông chích thuốc độc vào người Thomas Youk. Hành vi này vượt ra khỏi nguyên tắc trợ giúp. Ngoài ra, qua những cuộc giảo nghiệm tử thi của một số bệnh nhân mà ông giúp cho chết, những người này không thấy có dấu hiệu bệnh tật. Điều đó chứng tỏ “Bs. Tử thần” đã không theo dõi bệnh trạng của thân chủ; cũng không dành thời gian tiếp xúc với bệnh nhân để nắm vững tình trạng tâm lý của họ. Ông chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn yêu cầu muốn chết của họ.
Trong thực tế, xã hội đã có quá nhiều sự lạm dụng như vậy đã xảy ra, Bs Kevorkian chỉ là một vụ điển hình. Sự kiện này nảy sinh ra vấn đề người ngoài (bác sĩ, thân nhân…) đã tự ý quyết định cho số mạng của nạn nhân.
Năm 2001, ở Rotenburg nước Đức, có Armine Meiwes thẳng thừng nhắn tin trên internet tìm một người khỏe mạnh tuổi khoảng 20-30 đồng ý bị giết và bị ăn thịt. Khoảng 200 người đã trả lời cho cái tin nhắn đó, nhưng chỉ có ông Bernd Jurgen Brandes, kỹ sư phần mềm 43 tuổi được “trúng tuyển”. Meiwes đã cho Brandes uống thuốc ngủ như một phương cách an tử rồi cắt cổ Brandes. Sau đó gã xả thịt Brandes ra từng miếng để dành trong tủ lạnh. Meiwes thu hình video đầy đủ cảnh giết người và cảnh chiên thịt với tỏi và dầu ôliu để ăn. Vào lúc bị bắt, Meiwes đã tiêu thụ hết 20 kg thịt của Brandes. Nước Đức không có luật cấm ăn thịt người. Luật pháp cũng không thể kết tội Meiwes vì chính Brandes tự ý muốn chết và bị ăn thịt. Brandes đã thể hiện quyền tự do làm chủ thân xác và Meiwes chỉ là người trợ giúp. Tuy nhiên tòa án đã phạt Meiwes 8 năm tù. Năm 2005, một phiên tòa tái thẩm được triệu tập để hủy bỏ bản án cũ. Lần này Meiwes bị kết án tù chung thân. Nguyên tắc tự do làm chủ thân xác không được tòa xét tới. [4]
Vụ án Meiwes không có vấn đề bệnh nan y, hay lâm vào cảnh tuyệt vọng, hay thân thể bị đau đớn. Nó chỉ thể hiện một lý lẽ duy nhất là quyền làm chủ thân xác để mình tự do muốn làm gì thì làm. Lý lẽ vô lý này là một thách đố cho chủ trương an tử theo nguyên lý tự do cá nhân.
Dục vọng thiển cận của con người càng ngày càng đưa quyền làm chủ thân xác tới những thảm trạng khôn lường. Thông thường, những khuynh hướng phi luân lý vẫn được trình bày ngụy tạo để phù hợp với nguyên lý đạo đức. Tuy nhiên trong một số trường hợp, người ta chẳng màng che đậy sự thật của dục vọng.
Hằng năm có khá nhiều người chết vì hư thận. Hầu hết các nước cho phép người ta hiến thận nhưng cấm bán thận trên thị trường. Những người ủng hộ quyền sở hữu thân xác phản đối luật cấm đoán này. Mấu chốt của việc đòi bán thận dựa trên quyền tự do làm chủ thân xác. Người ta có quyền bán đi một trái thận, vì nó thuộc sở hữu của riêng họ. Con người có hai trái thận, nếu mất đi một trái thì người đó vẫn còn khả năng sống. Trên thị trường có rất nhiều người dư tiền cần có thận và cũng có rất nhiều người cần tiền muốn bán thận (thường là dân nghèo thuộc thế giới thứ ba). Đó là một thương vụ tốt vì vừa cứu người vừa giúp cho những ai cần tiền.
Hầu như ai cũng cảm thấy quí trọng hành vi hiến thận nhưng ghê sợ hành vi bán thận. Rõ hơn nữa chính phủ đề cao quyền tự do sở hữu thân xác, nhưng lại không xét việc bán thận theo nguyên tắc đó. Sự mâu thuẫn này ngầm chứa rằng ý niệm tự do làm chủ thân xác còn lệ thuộc vào giá trị đạo đức thâm sâu nằm trên luật lệ.
Trên thực tế vụ mua bán thận phải qua giới trung gian. Cả người bán lẫn kẻ môi giới chẳng ai quan tâm đến việc cứu người. Hai bên ráo riết mặc cả dựa trên lợi nhuận cá nhân. Cái lý lẽ cần tiền đôi khi như một chuyện hoang đường. Một anh Ấn Độ tên là Somesh Bandookwala ở Mumbai đã bán trái thận để có tiền mua iphone 6s. Hai anh Wu và Huang ở Jiangsu, Trung quốc, cũng đã bán thận với cùng mục đích ấy. Ngoài thận, các bộ phận nội tạng khác cũng đều được bán bởi những người tuyệt vọng cần tiền. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization), khoảng 5-10% số ca cấy ghép nội tạng trên thế giới đã được thực hiện qua việc buôn bán trong bóng tối. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, dịch vụ buôn bán bất hợp pháp nội tạng đã trở thành một tổ chức tội phạm qui mô.
Thánh Gioan Phaolô II nói, chúng ta đang sống trong nền văn hóa của sự chết [5]. Xã hội cho phép loại bỏ những người khuyết tật, bệnh hoạn, già yếu và thai nhi. Lối đối xử này đã đưa ra một thông điệp rằng chúng ta trừ khử những người không còn giá trị mặc dù họ đang sống. Công Giáo đề cao quyền tự do cá nhân, nhưng không thể dùng nó để biện minh cho những hành vi giết người. Con người phải được tôn trọng kể từ lúc thụ thai cho đến khi từ trần. Cụ thể hơn cả, năm 1975 Giáo Hội đưa ra Tuyên cáo về phá thai (Declaration on procured abortion) và Tuyên Cáo về An Tử (Declaration on Euthanasia), trong năm 1980.
Trong tuyên cáo về phá thai, Công Giáo khảng định phá thai là một “tội ác không thể diễn tả”. Nó là vết thương sâu đậm của xã hội, khi mầm sống được ủy thác cho bà mẹ bảo vệ thì bà lại hủy diệt nó. Công Giáo phạt vạ tuyệt thông cho bà mẹ và những ai trực tiếp giúp họ phá thai. Thời hạn 12 tuần (vài tiểu bang ấn định là 24 tuần) do chính phủ đưa ra, để bào thai có thể bị phá, là hoàn toàn vô lý. Năm 1985, Bs Nathanson đã trình bày một cuốn phim nhan đề "The Silent Scream" (tiếng thét câm nín), trong đó ông thu hình một ca phá thai khi thai nhi đã lớn được 12 tuần. Người xem thấy rõ đứa bé bị dụng cụ phá thai kéo ra khỏi bụng mẹ. Nó há miệng ra. Bs. Nathason dẫn giải, “Đó là tiếng thét câm nín của một em bé đang bị giết.”
Đối với an tử, Công giáo cho rằng an tử là một tội ác chống lại sự sống. “Không ai được phép yêu cầu giết người, hoặc cho mình, hoặc cho người khác mà mình có nhiệm vụ chăm sóc họ.” Khẳng định này đã ngầm ý cho rằng không một cơ quan nào có thẩm quyền cho phép hợp pháp hóa hành động an tử. Tuy nhiên Công Giáo cũng nhận diện rõ ràng có những trường hợp con người rơi vào hoàn cảnh khốn khổ, sống không được mà chết cũng không xong. Vì vậy Công Giáo đưa ra phán quyết “Chỉ khi nào cái chết sắp xảy ra không thể tránh khỏi ... bấy giờ lương tâm có thể quyết định từ chối các hình thức điều trị, khi đã chắc chắn rằng sự sống sót rất mong manh và là gánh nặng, miễn là sự chăm sóc người bệnh không bị gián đoạn.[6]” Giáo huấn này dựa trên nguyên tắc cốt yếu của đạo đức Công Giáo, tính thánh thiêng của sự sống, của nhân phẩm, của lòng nhân từ, và nhân quyền với một tỷ lệ cân xứng trong các biện pháp can thiệp, không thể tránh khỏi của cái chết.
Đạo đức không dựa trên những yếu tố lợi ích cá nhân, hay một chủ thuyết nhất thời của xã hội. Tự do làm chủ thân xác không phải là quyền thỏa mãn những ham muốn của mình. Tự do phải gắn liền với sự tự chủ hướng về đạo đức và công lý. Chính cái ý thức tự chủ đã tạo nên ý thức đạo đức và phẩm giá cuả con người. Ý thức tôn trọng nhân phẩm là tôn trọng giá trị tự thân, do đó phải bảo vệ sự sống. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi về già, người bị co rút vì bệnh Parkinson, không những người bình thản chịu đựng sự đau đớn mà người còn tuyên bố rằng sự đau khổ có giá trị tâm linh của nó.