Vào khoảng giữa Thu, trước lễ Các Thánh, người Mỹ có ngày hội Halloween. Ngày hội này tương tự như ngày lễ cúng cô hồn ở Việt Nam. Tuy nhiên Halloween chỉ là một ngày hội dân gian, thiên về truyền thống văn hóa hơn là một ngày lễ tôn giáo. Trong dịp này trẻ con thường hóa trang thành ma quỉ để đùa vui. Các tay chơi người lớn thường trang hoàng sân cỏ trước nhà của họ thành bãi tha ma ngổn ngang bia mộ. Tuy bia đá có khắc chữ R.I.P. (Rest In Peace) nhưng vài xác chết (bằng nhựa) vẫn chui ra khỏi mồ một nửa người. Chúng vươn mình quơ những ngón tay khẳng khui, như chân quạ đen, vẫy gọi những kẻ lang thang chiều tím để hù chơi.
Vào những buổi sáng tĩnh lặng, trong không khí mơ hồ sương Thu, cảnh ma quái ấy mất hẳn ý vị khôi hài. Hình ảnh chiếc mộ bia rêu phong lạnh lẽo, bên những chiếc lá úa vàng, chập chờn mang nét đẹp song đôi. Một bên là nét buồn muôn thủa của cái định mệnh đóng kín, không lối thoát. Một bên là linh ảnh cánh chung của thánh Phaolô. Vào ngày ấy tiếng kèn của Thiên Chúa sẽ đánh thức những kẻ chết trong mồ sống lại (1Cor 15, 51-52).
Đối với con dơi đu mình trên mộ bia kia, cái chết là một định mệnh từ bên ngoài áp đặt cho nó. Chết là tiêu tan. Nhưng chúng ta không phải là thú vật hay thực vật. Chúng ta là con người, một thực thể tự do, cấu trúc theo hình ảnh Thiên Chúa, cái chết thể xác đối với chúng ta không phải là hết. Ngay tại phút lâm chung, chúng ta vẫn có tự do đối diện với cái chết. Nghĩa là chúng ta có quyền lực lựa chọn cho mình một định mệnh, mà giờ chết là cao điểm tối hậu của ý chí tự do, là lúc chúng ta hoặc tán thành, hoặc từ chối một cách dứt khoát theo Ý Cha.[1] Sau đó không còn dịp nào nữa.
Sau khi chết, mọi nền văn hóa đều có sẵn niềm tin về cuộc sống đời sau của hồn. Niềm tin này không dính líu gì đến tôn giáo. Nó chỉ là sắc thái tâm lý biểu lộ cái ước vọng bất tử của con người. Từ đó những lễ nghi kỳ dị, những bùa phép, những ác quỷ, và những thần linh tùy trí tưởng tượng của con người mà nảy sinh để thỏa mãn nhu cầu đời sống của đời sau. Nhiều người cẩn thận còn gửi tiền bạc qua thế giới bên kia cho người thân. Nhưng cái tôi đích thực là ai? Tôi là xác hay là hồn? Đã có một thời gian rất dài người ta nghĩ rằng cái tôi là linh hồn. Họ cho rằng linh hồn bất tử là đủ. Xác là phần thể chất ô uế làm sao lên cõi trời cho được. Triết học Platô cho thể xác là ngục tù của linh hồn. Chỉ khi nào thể xác chết đi linh hồn mới được tự do.
Đối với Kitô hữu, ý thức về bản thể con người phải rút ra từ lời dạy của Thiên Chúa. Lời phán của Chúa Cha: “Con hãy yêu Thiên Chúa hết mình, hết linh hồn, hết trí khôn” đã ám chỉ cái tôi đang hiện diện gồm có xác, hồn, và thần (danh xưng theo Tân Ước: soma, psyche, pneuma). Đức Giêsu đã có lần cảnh cáo dân chúng: “Đừng sợ những kẻ giết được xác, hãy sợ Đấng có thể giết được cả xác lẫn hồn trong hỏa ngục.” Đức Giêsu đã không tách rời xác và hồn thành hai đời sống cá biệt. Xác và hồn đều có cùng nhau trên thiên đàng hay dưới hỏa ngục. Thánh Phaolô nói với dân Côrintô, “Ngươi không biết thân xác ngươi là đền thờ của Chúa Thánh Thần sao?” (1Cor 3,16). Ý thánh muốn nói không phải chỉ có linh hồn là nơi duy nhất Thiên Chúa an trú. Chủ đề xác-hồn được cha Pierre Teihard de Chardin lồng vào tin mừng phục sinh như một liên kết tất yếu. Chúa Giêsu hiến dâng sự cứu rỗi không phải chỉ cho linh hồn, nhưng cho cả cấu trúc thể chất là điều kiện của linh hồn.[2] Như vậy cái tôi đúng nghĩa đối với Kitô giáo là một hiện hữu nhất thể xác-hồn-thần. Cái chết, vì vậy, không phải chỉ liên quan đến xác. Nó là một biến cố khác thường cho con người toàn thể. Ơn cứu độ cũng vậy, tôn giáo nào chỉ cứu được một phần, hoặc hồn hoặc xác, thì cái phần được cứu ấy đâu phải là tôi trọn vẹn.
Nhưng cái xác đã chết mất rồi, nó có thể sống lại không? Tất cả mọi nền văn hoá và mọi tôn giáo trên địa cầu đều nói rằng “không”, bởi vì họ không thể vượt qua được sự chết. Chỉ có Thiên Chúa giáo nói rằng “có”, bởi vì thân xác Đức Giêsu đã sống lại, cho nên Đức Giêsu là nguyên nhân của sự sống lại nơi con người. Tín lý này là nền tảng của toàn bộ đức tin cứu độ. Ai không tin nổi kẻ chết sống lại, người ấy không thể là tín đồ Kitô. Qua thánh Phaolô, giáo hội Kitô nói với thế giới: “Nếu Đức Giêsu không sống lại thì lời giảng của chúng tôi vô giá trị” (1Cor 15,12-20). Phải hiểu như thế mới khoát ly khỏi những niềm tin mập mờ về sự chết và sự sống đời sau. Chẳng hạn Platô cho rằng khi chết chỉ có thể xác tiêu tùng, linh hồn tự bản chất vẫn như cũ không hề hấn gì, nhóm Ngộ Giáo (Gnostics) cho thể xác là ma quỉ ô uế.
Nhưng rõ ràng xác chết bị tiêu tan trong lòng đất theo thời gian, vậy cái thể sống lại là cái gì? Ý niệm này được hiểu rõ hơn trong sự thay đổi danh xưng phụng vụ về bản thể của cái sống lại. Kinh tin kính của các thánh Tông Đồ tuyên xưng rằng xác chết sống lại (resurrection of the body). Trong kinh tin kính của công đồng Nixê (Nicene, 325) và Constantinople
Ý niệm trên đã được đổi thành kẻ chết sống lại (resurrection of the dead). Tuy hai bản kinh có thể được dùng song song, nhưng Sách Giáo Lý Công Giáo chấp nhận cách diễn đạt “kẻ chết sống lại” gần với mạc khải hơn (GLCG 988).
Theo Tân Ước chính Đức Giêsu đã giáo huấn về “kẻ chết sống lại” (Mac 12,18-27; Mat 22,31; Gio 6,40). Đồng thời Người cũng cho biết chính Người sẽ chết và sẽ phục sinh (Mac 8,31-33; 9,30-32; 10,32-34). Vào thời đó, các Tông Đồ nghe thế bèn ngơ ngác hỏi nhau, “Kẻ chết sống lại nghĩa là gì?” (Mac 9,10). Sau biến cố phục sinh, ý nghĩa kẻ chết sống lại mới được các Người hiểu rõ. Sau đó thánh Phaolô cố công khai triển ý niệm “kẻ chết sống lại” khi rao giảng tin mừng (CV 23,6 ; 24,21; 26,23; Rom 1,4; ICor 15,12-42). Nhưng tội nghiệp, khi ông đến thành Athen loan truyền tin mừng ấy, dân chúng nghe xong cười ầm lên bỏ đi (CV 17, 32). Có lẽ vì vậy nên mặc dù biến cố phục sinh của Đức Giêsu có chứng cớ và nhân chứng, nhưng giáo hội vẫn cho đó là một mầu nhiệm đức tin.
Đây không phải là lúc tranh luận giữa đức tin Công Giáo và kiến thức duy lý của con người. Kitô hữu chúng ta tin rằng cái chết không phải là một định mệnh vô bổ áp đặt từ bên ngoài. Sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu là chủ điểm của sự sống lại của con người. Đó là sứ mạng của tình yêu. Con người được sinh ra không phải để bị trừng phạt nhưng để được yêu thương. Tuy thân xác thường được các học giả ví như khí cụ của linh hồn, thực sự thân xác chia sẻ với linh hồn mọi phút của sự sống và mọi dự phóng của tương lai. Thiên Chúa muốn con người trọn vẹn sống vinh hiển với Người, vì vậy thân xác cũng có mục đích trở về cùng Thiên Chúa. Xác Đức Giêsu phục sinh chứng tỏ Thiên Chúa yêu quí tác phẩm sáng tạo của Người. Người không bỏ rơi bất cứ gì mà Người yêu quí. John Polkinghorne nói, thân xác Đức Giêsu cấu tạo bởi những hạt bụi vũ trụ. Khi xác Chúa phục sinh, Người đã khiến không những nhân loại mà còn cả vũ trụ cũng được ơn phục sinh.[3] Tôi tin rằng cách diễn tả “hạt bụi vũ trụ” đầy ấn tượng đã giúp trí óc chúng ta tiếp cận, một cách rất hiện thực, với dòng sinh mệnh của ơn phục sinh vốn là mầu nhiệm đức tin.
Vì xác phàm đã tan rã, nên phục sinh không phải là tình trạng chết giả, hoặc đã chết rồi được hồi sinh. Đức Giêsu phục sinh đã mặc khải cho chúng ta biết xác-hồn-thần, một nhất thể bất phân ly, sống lại là chiến thắng sự chết qua quyền năng của Chúa Thánh Thần. Vì vậy xác phục sinh thấm nhuần sự sống siêu việt của Thiên Chúa với những phẩm chất sáng tạo mới. Thể xác sống lại là thể đã tiến hóa để đồng dạng với phẩm tính siêu việt của xác Đức Giêsu (Phi 3,20-21). Xác mới có đặc tính bất tử, sáng láng, đẹp đẽ, và siêu việt (1Cor 15,43, 41-42, 44). Để cụ thể hóa sự biến dạng này Thánh Phaolô ví phàm thân xác như hạt mầm. Khi hạt mầm gieo xuống nó sẽ hóa thân để tái sanh ra một dạng mới, “Gieo xuống là xác khí huyết, sống lại là xác thần thiêng” (1cor 15,44). Lần khác thánh ví thân xác như cái lều cũ, cái áo rách. Phục sinh là như sống trong căn nhà mới hay như được mặc áo mới. “Quả chúng ta đã biết, căn lều trần thế này bị hư hoại, thì ta có căn nhà vĩnh cửu chốn thiên đường không do phàm trần làm ra nhưng do Thiên Chúa tác tạo. Khi thân xác hư hoại, ta sẽ có thân thể thần thiêng như mặc chiếc áo mới” (2Cor 5,1-2).
Quy chiếu sự sống lại của Đức Giêsu làm mẫu gốc, chúng ta biết thể xác Đức Giêsu sống lại trên thân vẫn mang những thương tích cũ như lỗ đinh ở tay, ở chân, và vết đâm ở cạnh sườn. Tuy có thân xác như cũ, nhưng Đức Giêsu có thể đi xuyên qua tường vào nhà, trong khi cửa ra vào đóng kín và khóa chặt. Như vậy thân xác phục sinh không còn lệ thuộc vào những định luật của vũ trụ. Cái chết đến với thể xác như một nhiệm màu. Để rồi xác được tái tạo trong nguồn sống mới thấm nhuần ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa.
Một vài dẫn chứng có thể nêu ra ở đây. Khi ông Môisen lên núi đối diện với Thượng Đế để nhận mười điều răn, mặt ông biến dạng sáng láng. Lúc ông xuống núi mọi người đều sửng sốt không những mọi người không nhìn ra ông mà còn không nhìn vào mặt ông được vì nó sáng chói. Ông Môisen đã phải lấy miếng vải che mặt lại. Khi Đức Giêsu dẫn Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi Tabô, Đang khi cầu nguyện, Người biến dạng sáng láng. Cả áo Người cũng sáng chói khiến mắt trần không nhìn được. Sau khi phục sinh Đức Giêsu tìm gặp các môn đồ. Người đi với họ cả một buổi chiều, ngồi ăn cùng bàn với họ, nhưng họ không nhận ra Người. Sau đó nhờ cách bẻ bánh mà họ mới nhận ra Thầy. Rõ ràng khi con người đối diện với Thiên Chúa, xác con người đổi dạng phản chiếu ánh vinh quang của Thiên Chúa khiến cả người quen cũng không nhận ra.
Kitô giáo không coi cái chết là một diễn biến tự nhiên của luật hữu sinh hữu hoại. Cái chết có một nguyên nhân sâu xa trong lịch sử. Nó là hậu quả của Nguyên Tội (Rom 5,12). Như vậy cái chết của thể xác là một án phạt cho tội lỗi của con người. Tuy nhiên sau biến cố phục sinh của Đức Giêsu, nguyên tội được rửa sạch, cái chết bị vượt qua. Từ đó Công Giáo nắm giữ một quan niệm rất tích cực về cái chết. Toàn thể vũ trụ đổi mới, trong cảnh sáng tạo mới, bắt đầu từ buổi sáng Đức Giêsu phục sinh. Với lối nhìn như vậy Kitô giáo không bi thảm hóa cái chết thể xác. Chết chỉ là kết thúc cuộc lữ hành, một cửa ngõ mở ra một cảnh mới, một biến cố mầu nhiệm để trở về cùng Chúa. Khi thánh Phaolô bị tù, ông tâm sự rằng ông ráng sống vì lợi ích cho anh em tín hữu. Còn trong lòng, ông chỉ mong chết để trở về với Đức Giêsu (Phi 1,20-24). Đúng như thế, do sự phục sinh của Đức Giêsu, cái chết có một ý nghĩa mới, đó là một mối lợi.
Cũng từ đó Kitô hữu có một lối nhìn mới về cánh chung. Ngày tận thế không thuần túy mang ý nghĩa là thời điểm Đức Giêsu trở lại trần thế để phán xét con người. Nếu chỉ ngưng đọng trong mối lo sợ “ngày trở lại” ấy dễ đưa chúng ta tới sự hiểu lầm rằng trong hiện tại Đức Giêsu đã bỏ rơi chúng ta. Tin vào sự sống lại của Đức Giêsu có nghĩa là tin rằng Người đang ở với chúng ta hằng ngày cho đến tận thế. Ngày cánh chung chỉ là ngày viên mãn cuộc sáng tạo. Đức Giêsu lộ diện để chúng ta được diễm phúc thấy Người nhãn tiền. Như vậy sự sống không phải nằm trong tương lai nhưng đã bắt đầu từ ngày chúng ta chịu phép rửa. Vào giây phút rửa, phần cái tôi tội lỗi chết đi, và cái tôi mới tái sinh. Từ đó sự sống chính là trạng thái kết hợp với Đức Giêsu, Thiên Chúa của sự sống[4]
Điều đó cũng có nghĩa cái chết không phải bắt đầu khi ta lìa trần. Nếu sống mà không có sự kết hợp với Đức Giêsu, ngay bây giờ đã là chết. Có một người muốn thành đệ tử của Đức Giêsu, anh ta thưa với Người, “Tôi xin theo Thầy, nhưng cho tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giêsu trả lời, “Cứ theo Ta hãy để kẻ chết chôn cất người chết của chúng” (Luc 9,57-60). Một người đã chết rồi còn chôn kẻ chết khác thế nào được. Ấy thế mà vẫn được. Đức Giêsu không nói về cái chết thể xác, nhưng là cái chết tâm linh khi xa lìa Thiên Chúa. Thiên Chúa là sự sống. Ai không nhận sự sống từ nguồn mạch Thiên Chúa là đã chết rồi. Cái thể lý sinh động của họ chỉ là cái thây ma biết đi. Hãy để những thây ma biết đi chôn cất thây ma của nhau. Cái mà Kitô hữu chúng ta phải chôn chính là cái chết của mình. Chỉ khi chiến thắng cái chết chúng ta mới có sự sống.
Hiện tại “ngày sau hết” chưa tới. Những người trên trần thế đang sống trong thời gian chờ đợi. Những người qua đời đang chờ đợi. Các thánh trên thiên đàng cũng đang chờ đợi. Tất cả mọi Kitô hữu còn sống hay đã lìa trần hợp thành một hội thánh duy nhất và cùng chờ đợi cái ngày Nước Chúa được trị đến. Ngày dưới đất hợp nhất với trên trời. Khi ấy Đức Giêsu chiến thắng mọi sự và chương trình cứu độ hoàn tất. Đức Giêsu lộ diện với loài người. Xác chết được tử thần trả lại. Xác hồn thần của mọi người tái hợp. Rồi những ai có tên trong sổ hằng sống sẽ được Đức Giêsu đưa về trời, sống vĩnh cửu trong Vương Quốc Thiên Chúa (KH 20,11-15).