Đã có một số trường hợp mất đức tin xảy ra trong gia đình Công Giáo. Cha mẹ ngỡ ngàng khi thấy con cái, vào tuổi lên đại học, quay ra thờ ơ với tôn giáo, đôi khi đến mức bỏ đạo. Chúng nói thẳng với cha mẹ rằng trường học dạy vũ trụ không do Thiên Chúa tạo dựng trong 6 ngày nhưng được tạo ra từ vụ nổ lớn (Big Bang). Con người không từ đất nặn thành, mà là kết quả tiến hóa từ một đơn bào, qua nhiều dạng thú rồi mới thành người. Evà không thể từ nhánh xương sườn của Ađam mà ra… Nói chung, đó là cuộc khủng hoảng đức tin trong thời đại duy lý bao trùm bởi những thuyết tiến hóa.
Nhiều người tin Thiên Chúa tạo ra vũ trụ, nhưng cũng có nhiều người không tin như vậy. Đối với những người không tin, lập trường của họ khá rõ ràng. Trái lại đối với những người tin, vấn đề vũ trụ tiến hóa như thế nào lại không rõ ràng. Mỗi nhóm đưa ra một thuyết tạo dựng khác nhau. Rồi tất cả mọi khuynh hướng đã tạo ra những cuộc tranh luận giữa các giới khoa học, luật học, triết học, học giả, và thần học với cường độ dữ dội. Trong bối cảnh nước Mỹ, lịch sử ghi nhận khi một thuyết nào đó thắng thế trong cuộc tranh luận, thuyết ấy trở thành môn học trong học đường. Với tình trạng ấy, trình bày diễn tiến của sự xung khắc là một công trình tốn nhiều giấy mực. Ở đây tôi chỉ nêu ra lập trường căn bản của năm khuynh hướng chính để thấy sự khúc mắc của vấn đề và để làm rõ nét quan điểm của Công Giáo.
Vào năm 1859 nhà sinh vật học Charles Robert Darwin xuất bản tác phẩm Nguồn Gốc Các Loài (Origin of Species). Ông đưa ra khái niệm về cuộc tiến hóa hữu cơ. Ông cho rằng sinh vật đã và đang biến đổi theo thời gian để sinh tồn. Sự biến đổi có tính cách bắt buộc: 1) Biến đổi để thích hợp với môi trường sống. 2) Biến đổi do ngẫu nhiên mà ra (change at random). 3) Cuộc biến đổi tiệm tiến trong một thời gian rất dài (đơn vị thời gian là 1 triệu năm). 4) Vạn vật sinh tồn dựa trên luật thiên nhiên đào thải (còn gọi là “thích hợp nhất mới sống sót” - survival of the fittest).
Từ những xác định trên, ông đưa ra nguyên lý: 1) Mọi vật phải tiến hóa theo luật “thiên nhiên lựa chọn” (natural selection). 2) Nhờ có cuộc tiến hóa mà những sinh vật mới được tạo ra theo thời gian.
Darwin đã tạo ra cơn chấn động lớn khi cho rằng loài người là dạng tiến hóa từ loài khỉ. Vào đầu thế kỷ 19, thuyết Darwin thắng thế và được đưa vào học trình giáo dục của Mỹ. Tuy nhiên nhiều người đã lợi dụng thuyết này với mục đích riêng. Chẳng hạn Thomas Huxley dùng thuyết tiến hóa đề phổ biến Ngộ Giáo (Gnosticism). Nhiều người khác, và một số quốc gia, dùng thuyết tiến hóa để cổ võ cho chủ nghĩa vô thần. Họ cho rằng không có Thượng Đế, từ thiên nhiên tiến hóa mà con người được tạo ra.
Thuyết Cơ Bản (Fundamentalism) được thành lập khoảng năm 1910, do giáo phái Protestant đưa ra. Nền tảng của thuyết căn cứ theo nghĩa đen của Thánh Kinh. Thuyết này cho rằng Thiên Chúa tạo ra vũ trụ và hoàn tất mọi sự trong 6 ngày. Thiên Chúa hài lòng với những gì đã làm, nên sau 6 ngày đó không có cái gì mới được tạo ra thêm. Vạn vật trước thế nào thì nay vẫn vậy, không biến đổi. Khỉ vẫn là khỉ, người vẫn là người. Không có hiện tượng khỉ tiến hóa thành người.
Khi nước Đức gây thế chiến I, mọi người bi quan nhìn thấy nền văn minh cơ khí đã tạo ra tội ác và hủy hoại. Thuyết Cơ Bản nổi bật như một lối thoát trong niềm tin vào Thiên Chúa. Trong khí thế tôn giáo hứng khởi, nhóm Cơ Bản đòi hủy bỏ thuyết Darwin trong học đường. Nội vụ được đưa ra tòa tại bang Tennessee (1925). Tại đây, nhóm Cơ Bản đã thắng. Năm 1926 đạo luật Butler Act ra đời “cấm bất cứ thuyết nào cho rằng con người là kết quả tiến hóa từ loài vật hạ đẳng và phủ nhận con người do Đấng Tạo Hóa sinh ra”. Vào khoảng năm 1930 hơn 70% học sinh nước Mỹ không hề biết đến thuyết Darwin.
Khoảng năm 1960 thuyết Darwin được cải tiến, gọi là thuyết Hậu Darwin (Neo Darwinism), rồi tràn ngập học đường Mỹ. Có lẽ đó là lý do khiến thuyết Sáng Thế (Creationism) ra đời. Thuyết này được kỹ sư Henry M. Morris, thuộc giáo phái Seventh-Day Adventist giới thiệu vào năm 1961. Thuyết Sáng Thế, cũng giống như thuyết Cơ Bản, hoàn toàn tin vào sử liệu của sách Sáng Thế nhưng dùng những bằng chứng khoa học để hỗ trợ cho luận thuyết. Chẳng hạn Morris dựa vào khám phá của địa chấn học cho biết vụ đại hồng thủy thời Noah xảy ra khoảng 10,000 năm về trước. Ông lý luận rằng với một gian đoạn ngắn như thế, thời gian không đủ cho sự tiến hóa để có tràn đầy sinh vật như hiện tại (theo Darwin phải cần hằng triệu năm). Thuyết Sáng Thế cho rằng mọi sinh vật đều được tạo ra riêng biệt, không do tiến hóa từ một vật tổ chung. Tuy nhiên có sự tiến hóa trong nội bộ của một chủng tộc. Chẳng hạn mèo nhà, mèo rừng, mèo núi… có thể có sự liên hệ về phả hệ.
Sự tranh luận giữa nhóm Sáng Thế và nhóm Darwin được đưa lên tối cao pháp viện Mỹ vào năm 1968. Tại đây tòa phán quyết rằng không thể chống thuyết tiến hóa Darwin chỉ vì thuyết này trái với niềm tin tôn giáo của mình. Cũng không thể đưa thuyết Sáng Thế vào học đường vì chính phủ không có lý do áp đặt một tôn giáo trên quyền tự do của người khác vì như vậy là vi hiến.
Thuyết Thiết Kế Linh Ngộ (TKLN -- Intelligent Designism) khởi đầu là tư tưởng của một luật sư Kitô giáo, ông Phillip Johnson, chống lại những thuyết tiến hóa vô thần. Sau đó, năm 1980, Jon Buell và một số khoa học gia đồng nghiệp lồng thuyết này vào hệ thống khoa học. Khác với thuyết Cơ Bản và thuyết Sáng Thế hoàn toàn dựa vào thánh kinh, TKLN dùng phương pháp khoa học khảo sát cách thiết kế vũ trụ để chứng minh có sự hiện diện của một nguồn trí tuệ siêu việt. Đặc điểm của thuyết này là không hề nhắc đến Thiên Chúa. Họ cho rằng vũ trụ với những cấu trúc và định luật vô cùng phức tạp chứng tỏ không thể nào do ngẫu nhiên mà có. Hẳn phải có một nguồn trí tuệ nào đó xếp đặt mà nên. Hai kiện tướng của nhóm TKLN là nhà sinh hóa Michael Behe (luôn luôn minh định mình là tín đồ Công Giáo) và nhà toán học William Dembski (Tin Lành).
Thuyết TKLN minh xác đây là một khảo sát nghiêm túc khoa học, nhưng mọi người đều hiểu họ ám chỉ Thiên Chúa là tác giả của công trình vũ trụ. Thuyết TKLN tạo được ảnh hưởng lớn vì có tính cách khoa học lại có chỗ cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Tổng thống George W. Bush đề nghị cho thuyết TKLN và thuyết tiến hóa được dạy song song trong học đường. Tuy nhiên đề nghị của ông đã không được hưởng ứng.
Một số khoa học gia Kitô Giáo đề xướng thuyết Mục Đích (Teleologism). Thuyết này giải thích những hiện tượng thiên nhiên qua chức năng của nó. Họ công khai đặt Thiên Chúa vào công trình tiến hóa. Họ công nhận có cuộc tiến hóa nhưng nó không xảy ra một cách máy móc (ngẫu nhiên) theo luật thiên nhiên đào thải. Nó hướng tới một mục tiêu rõ ràng do Thiên Chúa đặt ở phía trước lịch sử nhân loại. Cuộc tiến hóa chỉ là cuộc hành hương phải có để đi tới mục tiêu đã định. Theo Christian Duve (đoạt giải Nobel về sinh học), Laurence Henderson, và Michael Denton, có bằng chứng cho thấy vũ trụ sinh ra để mang trọng trách cưu mang sự sống. Chúng hành động theo ý định của Thiên Chúa.
Tôi xin tóm tắt 3 dẫn chứng của thuyết Mục Đích. 1) Trái đất cung cấp tất cả những vật liệu cần thiết cho sự sống: nước, hóa chất, khí hậu, ánh nắng, dưỡng khí… Tuy là những vật liệu nhưng chúng không nằm trong thế thụ động. Chúng biến hóa vô cùng linh động để nuôi dưỡng sự sống. Chẳng hạn nước, bình thường là dung môi hòa tan mọi hoá chất. Nhờ đó những phản ứng hóa học được thành tựu. (Trong cơ thể mọi sinh vật đều có nước). Nước chuyên chở khoáng sản từ lục địa ra biển để nuôi các sinh vật ở biển. Khi môi trường quá nóng, nước bay hơi để dung hòa nhiệt độ cho sự sống. Khi thời tiết quá lạnh, nước đông đặc ở bề mặt để bảo vệ những sinh vật sống bên dưới. 2) Những diễn tiến vi tế của các vật liệu đều hướng về mục đích phò sự sống. Chúng tạo ra hằng hà sa số những phản ứng hóa học nối kết nhau ngày đêm. Chúng hòa hợp với dòng điện lực và từ trường của vũ trụ nhằm mục đích nuôi dưỡng các tế bào. 3) Lực quân bình phải có từ các tinh tú trong vũ trụ. Mặt trời, mặt trăng, thổ tinh, mộc tinh… nằm đúng vị trí thích hợp để bảo vệ trái đất. Chúng tạo ra hấp lực điều hành mọi vận chuyển trong môi trường để duy trì sự sống. Như vậy sinh vật như có sức đẩy sau lưng bắt buộc phải hỗ trợ con người tiến hóa về phía trước. Thiên Chúa đặt vào tất cả mọi vật trong vũ trụ một ý định. Ý định trở thành cái đích toàn thiện và toàn mỹ theo Ý Chúa Cha.
Truyền thông gọi chung khuynh hướng theo thuyết Darwin là nhóm tiến hóa (evolution) và gọi chung khuynh hướng hữu thần là nhóm sáng thế (creation), vậy tôi cũng xin dùng lối xưng hô này cho giản dị. Kể từ năm 1925, thầy giáo John T. Scopes, Tiểu Bang Tennessee, đưa thuyết Darwin vào lớp học. Ông bị nhóm sáng thế đưa ra tòa về tội phổ biến lạc thuyết. Kể từ đó cho đến ngày nay cuộc chiến giữa khuynh hướng tiến hóa và khuynh hướng sáng thế chưa bao giờ ngừng nghỉ. Cả hai phía đều qui tụ rất nhiều khoa học gia nổi tiếng trên thế giới. John Leslie tóm lược cuộc khủng hoảng bằng câu hỏi: phải chăng có nhiều vũ trụ khác nhau? Một vũ trụ được Thiên Chúa tạo ra với đầy đủ tiềm năng biểu lộ ý muốn của Người. Một vũ trụ ngẫu nhiên mà có với những luật lệ riêng, trong đó con người do cơ hội tiến hóa tình cờ mà được sinh ra.
Sau đây tôi xin tóm lược lập trường của hai phía.
Thuyết tiến hóa (hiện đang là học trình giáo dục ở Mỹ) dạy rằng sự sống bắt đầu từ một hóa chất đơn. Nó không có mầm sống. Qua ảnh hưởng của luật vật lý, hóa học, và thiên nhiên đơn chất này biến đổi để trở thành một hỗn hợp phức tạp gọi là một tế bào. Tế bào tiếp tục biến đổi qua thời gian rất dài để có một tập hợp tế bào. Diễn tiến tiếp tục như vậy mà tạo nên vật thể có sự sống. Vật sống đầu tiên là vật tổ. Nó tiến hóa theo giời gian mà tạo ra muôn loài. Sinh vật từ đó tiến hóa không có giới hạn.
Có hai cách để chứng minh sự tiến hóa. Thứ nhất là khảo sát những thể sinh vật hóa thạch. Người ta đo lượng phóng xạ của chất carbon 14 nằm trong vật hóa thạch để tính tuổi của nó. Thứ hai là khảo sát đường di truyền qua thể gene. Gene cấu tạo bởi những chuỗi hóa chất gọi là DNA. Nếu những vật có từ 50% đến 99% DNA cùng loại, người ta kết luận chúng có cùng một gốc. Nhóm tiến hóa dùng gene học bổ túc rằng khỉ không phải là thủy tổ của người. Đúng ra cả khỉ lẫn người và những loài có vú đều có chung một tổ.
Nhóm tiến hóa không nhìn nhận các thuyết sáng thế là môn khoa học, vì chúng không được nghiên cứu theo phương pháp khoa học. Nhóm sáng thế chỉ biết dựa vào nghĩa đen của thánh kinh mà lập luận một cách lộn xộn bất nhất. Một mặt họ tin vũ trụ được thành lập trong 6 ngày. Mặt khác họ tính ra tuổi vũ trụ là 6000 năm. Rồi họ lại nói cách đây 10 ngàn năm trái đất bị lụt, nước dâng cao tới đỉnh núi. Trận lụt kéo dài gần một năm khiến mọi sinh vật đều chết hết trừ những con vật được giữ trong tàu ông Noah. Những tình tiết này không có bằng chứng hỗ trợ. Địa chất học không tìm thấy chất trầm tích và vật hóa thạch để chứng minh cho khảng định trên. Nhóm sáng thế chỉ gồm những người bảo thủ với một niềm tin tôn giáo. Riêng đối với thuyết Mục Đích, nhóm tiến hóa cho rằng mọi luận thuyết chỉ dựa trên sự tưởng tượng của con người.
Nhóm tiến hóa khẳng định rằng phương pháp nghiên cứu của họ đúng với nguyên tắc khoa học hơn tất cả mọi giả thuyết hiện có. Họ phủ nhận triệt để quan niệm vũ trụ được tạo dựng từ Thượng Đế. Họ nhấn mạnh vào luật cơ hội tình cờ. Nhà sinh hóa Jacques Monod tuyên bố: “Con người phải hiểu rằng hắn [hiện hữu] chỉ là sự ngẫu nhiên.” Nhà cổ sinh vật học George Gaylord Simpson nói: “Con người là kết quả của cuộc biến hóa vô mục đích, [hiện hữu của] hắn không nằm trong ý định của thiên nhiên.”
Phe sáng thế thường thách đố phe tiến hóa chứng minh giả thuyết của họ. Nhóm tiến hóa thừa biết không thể mang một tế bào vào phòng thí nghiệm để khiến nó biến thành một sinh vật, nên họ không bao giờ trả lời. Trên nguyên tắc nếu một giả thuyết không thể tái kiểm chứng thì công trình đưa ra không thuộc ngành khoa học. Nói về luật tình cờ của cơ hội (nguyên lý căn bản của thuyết tiến hóa), nhiều nhà toán học đã ra công đi tính con số này. Sau khi tính toán, họ kết luận rằng toán học không hỗ trợ cho thuyết cơ hội. Có lẽ nổi tiếng nhất là nhận định của Fred Hoyle. Hoyle cho biết con số xác xuất về cơ hội tình cờ là 1 trong 10 lũy thừa 40,000. Nếu bạn viết con số này xuống giấy, bạn sẽ không viết nổi, vì nó dài vô tận. Ông nói, “Cơ hội tình cờ xảy ra cũng giống như có trận cuồng phong đến phá tung toé rác rưới sau vườn nhà bạn. Sau khi trận gió bỏ đi nó để lại rác rưới nay đã [tình cờ] lắp ráp thành chiếc máy bay Boeing 747”. Nhà vật lý học Paul Davies chuyển con số cơ hội của Hoyle thành hiện thực như sau. Một người nhắm bắn một phát súng. Viên đạn bay qua một quãng đường dài 20 tỷ năm ánh sáng để trúng một cái đích lớn bằng 1 phân Anh (1 inch).
Michael Behe phê bình rằng thuyết tiến hóa lộ rõ sự sai lầm từ căn bản trong diễn trình vĩ mô (chuyển hóa từ giống này qua giống khác). Behe lấy kiến trúc của con mắt làm bằng chứng. Nếu theo thuyết Darwin mầm sống đầu tiên phải không có con mắt. Tại sao thế hệ sau lại có con mắt? Tình cờ mà có chăng? Mắt có khoảng hơn chục ngàn loại tế bào khác nhau hợp lại. Khi hoạt động mắt có hơn 20 phản ứng của những chất protein. Cộng vào đó mắt còn có rất nhiều bộ phận liên hệ như dây nơron, bắp thịt, lăng kính, dung dịch, màng che… để tạo nên một cấu trúc thu hình kỳ diệu. Câu hỏi đặt ra là không lẽ hàng chục ngàn các loại tế bào khác nhau, hằng ngàn những bộ phận nhỏ kỳ diệu đều tình cờ từ hư vô nhảy ra cùng một lúc để tạo nên con mắt. Cấu trúc của mắt quá phức tạp đến mức không thể nào tin được là ngẫu nhiên mà có. Từ khi có con mắt, nó không hề được biến đổi để tiến hóa theo thời gian. Lý do là vì nó không thể bị giản lược. Behe đưa ra quan điểm: thể phức tạp không thể giản lược (irreducible complexity). Nghĩa là luật tiến hóa không thể áp dụng trong những hiện tượng phức tạp của thiên nhiên. Behe cho biết, trong thể phức tạp, kiến trúc của nó bao gồm nhiều bộ phận phụ rất phức tạp nhưng lại ăn khớp với nhau rất chặt chẽ. Chặt chẽ đến nỗi nếu một phần của tổ hợp bị lấy ra thì cả thiết kế sẽ không hoạt động. Kế đó William Dembski dùng toán học để tính cơ hội may mắn có thể xảy ra cho con mắt. Ông kết luận rằng sự ngẫu nhiên không thể có được trong trường hợp con mắt. Giải thích về hiện tượng đột biến này Behe đưa ra thuyết Thiên-Chúa-của-khoảng-gián-đoạn (God-of-the-gaps theory). Khoảng trống mất liên tục giữa hai thế hệ là lãnh vực hoạt động của Thiên Chúa. Nghĩa là nếu có sự đột biến về tiến hóa không thể giải thích bằng vật lý học thì phải công nhận có sự can thiệp của Thiên Chúa. Behe kết luận, vào thế kỷ 19, với trình độ kiến thức thời đó, Darwin không thể giải đáp cho vấn đề tiến hóa vì ông chưa hề biết đến kiến trúc của tế bào và thể DNA.
Thần học Công Giáo không đánh giá cao tất cả mọi giả thuyết bao gồm khuynh hướng vô thần lẫn hữu thần. Tại sao phải đặt trọng tâm vào vấn đề tiến hóa vật chất mà bỏ quên chủ điểm mầu nhiệm cứu độ? Nhận định riêng về từng nhóm, thần học cho rằng thuyết Darwin chất chứa tất cả những gì trái với tín lý tôn giáo. Thuyết này khởi đi từ vật chất để tiến đến chủ đích vô thần. Theo John Polking Horne, nếu con người chỉ là kết quả của một diễn tiến vật lý thì dù diễn tiến này có phức tạp đến đâu, sự sống của con người cũng chẳng có nghĩa gì hơn sự sống của con bò. Khi tất cả chúng ta chỉ là thú vật, vũ trụ sẽ chẳng còn điều gì có ý nghĩa.
Thuyết Sáng Thế thất bại trong cố gắng trộn lẫn thánh kinh vào khoa học. Luận cứ của họ không những thiếu nguyên tắc khoa học mà còn thiếu cả nguyên lý thần học. Biểu tượng của ẩn dụ sáng thế trong 6 ngày thay vì được diễn giải theo chiều kích mạc khải Thiên Chúa, họ lại bảo thủ hiểu thánh kinh theo nghĩa đen. Vũ trụ quan của họ quá thô thiển đến độ sai lạc.
Thuyết Thiết Kế Linh Ngộ tuy thiên về khoa học nhưng họ phạm một lỗi lầm lớn khi cho rằng khoa học có thể giải thích về Thiên Chúa tốt hơn Phúc Âm. Thần học gia Joan Roughgarden đặt câu hỏi: “Ai cho phép chúng ta thẩm định trình độ IQ của Thiên Chúa để phán quyết Người là thiết kế linh ngộ?” Đức Hồng Y Schonborn chỉ trích thuyết TKLN đã hủy bỏ ý chí tự do của con người và diễn tiến tự nhiên của thiên nhiên. Thuyết TKLN và thuyết Mục Đích, kết cuộc, chỉ là một dạng triết học để chống lại thuyết duy vật vô thần.
Thần học nhận định rằng khoa học không phải là kiến thức duy nhất để tìm hiểu vũ trụ. Với một hiểu biết nhỏ nhoi về vũ trụ, con người lập ra môn khoa học. Nhưng khoa học chỉ khảo sát những gì vốn đã có vậy. Những gì huyền bí nằm đàng sau thực thể vũ trụ thì khoa học không biết. Theo Wayne W. Dyer, “Nếu bạn chỉ tin vào những gì bạn thấy, bạn đã tự giới hạn mình vào những gì nằm trên bề mặt của nó.” Pierre Teilhard de Chardin phủ nhận con người chỉ là một thực thể vật chất. Theo Chardin, để tìm hiểu về con người, khoa học phân chất con người thành những hạt nhỏ gọi là nguyên tử. Họ chỉ nắm được mớ bụi đất. Triết gia nghiền nát thân xác để tìm ý nghĩa. Họ chỉ tìm thấy sự trống rỗng của hư vô. Khoa học và triết học không thể thấy thần tính của thân xác. Một cách hiện thực, Karl Rahner dùng thần giao cách cảm để chứng minh con người có nguồn lực tinh thần. C. S. Lewis dùng phép lạ để dẫn chứng về chiều siêu việt. Chúng ta cũng biết rõ ràng phép lạ bức tượng gỗ bỗng nhiên chảy máu, mà lại chảy ra từ điểm duy nhất là con mắt. Cũng không phải mọi bức tượng đều có hiện tượng này, nhưng chỉ có ở tượng Đức Mẹ Maria. Hiện tượng không xảy ra một lần nhưng nhiều lần. Những sự kiện này khoa học chỉ có thể chứng kiến và kiểm chứng mà không thể giải thích. Vì vậy những thuyết tiến hóa rốt cuộc chỉ là môn triết học thiên nhiên (naturalistic philosophy). Tất cả công trình nghiên cứu của khoa học chỉ nhằm xoay quanh một tiền đề phỏng định. M. J. Oard nói: “Nhóm khoa học gia đặt kết luận xuôi theo hướng giả thuyết đã lập sẵn. Rồi họ tìm cách chứng minh những gì phù hợp với sự phỏng định của họ.” Nhóm tiến hóa phủ nhận chương trình sáng thế, vậy làm sao giải thích được cấu trúc vũ trụ và kinh nghiệm tâm linh của con người từ đâu mà có? Họ chỉ là những người chống tôn giáo.
Linh mục Chardin, cũng là nhà nhân chủng học, nhìn thấy cuộc tiến hóa của con người có 2 lối rẽ. Hoặc là từ vật chất tới thân xác, rồi tới tự giác, rồi tới tôn giáo, rồi tới Thiên Chúa. Đó là cuộc tiến hóa đi lên. Vật chất được nâng lên cõi siêu việt. Hoặc từ vật chất đi trở về vật chất. Tinh thần phân hóa trở về cát bụi vô nghĩa. Đó là cuộc “tiến hóa” đi xuống.
Như vậy thần học Công Giáo không phủ nhận sự tiến hóa của vũ trụ, nhưng sự giải thích về vũ trụ thì không dành độc quyền cho vật lý học. Nó phải được hiểu qua nhiều ngành trong đó không thể thiếu thần học. Nếu có một nghiên cứu mà người ta phải hủy bỏ rất nhiều dữ kiện thì cuộc nghiên cứu ấy không có giá trị. Chỉ với một ý thức của hiền nhân xưa: “con người được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa”, chiều sâu của nhận thức ấy đã giúp con người hiểu về sự tiến hóa vượt xa giới hạn của vật lý học. Hủy bỏ yếu tố thánh linh, con người sẽ đi đến những tham vọng vô lương tâm. Với cuộc tiến hóa vô mục đích và vô nghĩa, nó xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm. Nó biến con người và thiên nhiên thành những dụng cụ. Sự vô nghĩa của sự sống sẽ trở lại hủy hoại chính con người và trái đất.
Nhận xét về thuyết tiến hóa, Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II nói: “Những hiểu biết mới dẫn tới sự công nhận rằng sự tiến hóa [đáng giá] hơn là một giả thuyết. Thật đáng khen, thuyết này đã dần dần được những nhà nghiên cứu công nhận, trải qua những khám phá trong nhiều lãnh vực kiến thức khác nhau (1).” Đàng khác Đức Bênêđic XVI lại đả kích cuộc tranh luận về tiến hóa ở Mỹ khi họ cho rằng cuộc sáng thế là một kế hoạch thông minh. Người cũng chỉ trích những ai nhân danh khoa học cho rằng cuộc sáng thế có tính cách vô định hướng hay vô trật tự. (2)
Giới truyền thông đã làm ầm lên về lời phát biểu của hai vị giáo hoàng, họ cho rằng chúng mâu thuẫn nhau. Theo tôi, dựa vào hai nhận xét của hai giáo hoàng, ta có thể kết luận rằng Công Giáo không phủ nhận giá trị khoa học nhưng cũng không nhất thiết phải đi theo những gì thuộc dạng học thuyết hay triết học. Thật không dễ dàng để nhìn một vấn đề đa dạng trong một thể đơn giản. Trong thời hiện tại đa số người ta tán trợ những luận thuyết duy lý thiên về khoa học. Tuy nhiên con người cũng không muốn coi mình như một thể vật chất, là kết quả máy móc của luật nhân quả, mà bỏ đi ý chí tự do và một bản thể có khả năng hướng tới siêu việt. Công Giáo có những nhận thức riêng về ý nghĩa tiến hóa dựa trên những mặc khải Thiên Chúa bao trùm triết học, khoa học, và tất cả mọi ngành kiến thức của con người. Đối với những thuyết tiến hóa vô thần, dù là triết học hay khoa học, chúng là những cố gắng vô vọng. Bởi vì sự tiến hóa, dù diễn tiến thế nào, chỉ có thể xảy ra khi những vật liệu và điều kiện thích hợp để tiến hóa phải đã có sẵn. Tiên khởi vẫn cần Thiên Chúa là Đấng sáng tạo từ không thành có. Ngược lại cũng không có bất cứ hệ thống hữu thần nào, dù là triết học hay khoa học, có thể giải thích về Thiên Chúa. Mọi cố gắng của con người chỉ mấp mé ở mức tiếp cận. Gọi là tiếp cận vì những giải thích ngày hôm nay lại phải sửa đổi ở ngày mai.