Trong những tính mê mà ông Adong đã lưu truyền lại cho con cái loài người, có ba tính nặng nhất, đó là mê đắm xác thịt, tham lam của cải và kiêu ngạo. Ma quỷ dùng ba tính mê ấy như đầy tớ để cám dỗ và xúi giục chúng ta phạm tội. Người nào muốn được cứu rỗi, muốn nên thánh phải hãm mình và từ bỏ ba tính mê ấy thì mới theo Chúa Giêsu được. Sự chống trả và hãm dẹp ba tính mê ấy gọi là hãm mình.
Thánh Phao lô dạy ta phải hãm mình, hãm xác thịt “Mortificate ergo membra vestra.” Cha Gioan đã giữ trọn lời Thánh Phaolô dạy là luôn kềm hãm trí khôn, lòng muốn và xác thịt. Người ta thường nói: “Vạn sự khởi đầu nan”. Quả thật, chỉ có những việc hãm mình chúng ta mới làm lần đầu thì khó thôi, một khi đã hãm mình ít lâu, chúng ta sẽ không còn thấy khó mà coi đó là điều dễ dàng và vui thích nữa. Sự hãm mình ví như thức ăn cao lương mỹ vị, ai đã nếm thì thèm muốn hoài.
Cha Gioan kềm hãm xác thịt và bắt nó vâng phục chịu lụy linh hồn. Cha coi khinh xác thịt mình, coi nó là vật hèn hạ. Khi cha nói đến xác thịt mình thì coi thường và gọi nó là xác hèn. Khi có ai hỏi thăm thì cha nói:
- Hỏi thăm xác hèn của tôi làm chi?
Có lúc cha nói:
- Adong cũ vốn khỏe mạnh quá!
Không những là cha không nuông chìu xác thịt mà còn không cho xác thịt được điều gì vui thú ở đời này. Cha quyết làm khốn thân xác cho đến chết, không để cho nó yên bao giờ. Cha hay đau bụng, đau ruột nhưng cha coi như không, chẳng nói cho ai hay biết hết. Lúc cơn đau dâng lên cha cắn răng chịu không kêu một tiếng, không chịu bỏ bớt hay trì hoãn những việc bổn phận. Có một kỳ cha đau răng lắm nhưng không chịu đi bác sĩ, chỉ nói thầy dòng lấy kềm nhổ một lúc ba cái răng cho cha.
Cha kềm hãm xác thịt trong mọi sự, bất kể đó là việc lớn hay là việc nhỏ. Cha không bao giờ ngửi hương thơm của hoa hay vật gì thơm tho. Lúc khát cha nhịn khát không uống nước. Lúc nóng cha không quạt, chẳng đập ruồi muỗi, không tránh những mùi hôi thối. Dù nhọc nhằn kiệt sức cha không mấy khi ngồi, chỉ đứng. Lúc đọc kinh, chầu Thánh Thể, cha quỳ suốt từ giờ này sang giờ khác, không ngồi cũng không dựa vào đâu. Vì người cha gầy gò, yếu ớt, đến mùa đông buốt giá lạnh lẽo khó chịu lắm, nhưng dù giá rét thế nào, cha không đốt lửa, không sưởi cũng không dùng áo bông, áo kép. Có một năm, giữa mùa đông cha ho hơn một tháng. Bà chị ông tiên chỉ làng Ars thấy cha ho quá liền gửi cho cha một ít thuốc ho nhưng cha không lấy, bắt đem trả lại và bảo:
- Hãy về bảo bà ấy đọc một kinh lạy cha, một kinh kính mừng cho tôi thì hơn.
Khi con chiên ốm bệnh liệt giường, họ chỉ ao ước mời cha đến cử hành các bí tích sau cùng cho mình chứ không muốn mời cha khác. Người viết tiểu sử của cha kể:
”Nhiều lần tôi thấy cha nhọc nhằn kiệt sức bước đi không được, phải nghỉ dọc đường hai ba lần mới đến nhà người bệnh, nên tôi thưa với cha: “Sao cha nhọc mệt như thế mà còn gượng đi người liệt? Sao cha không bảo con đi cho?” Cha trả lời: “Tôi nhọc mệt nhưng còn đi được, hơn nữa người liệt muốn gặp tôi, nên tôi phải đi, vì bệnh người ấy nặng lắm không biết có sống nổi đến sáng mai không, và tôi còn có gặp mặt được lần nào nữa không?”
Xác thịt vốn mê ăn uống, mê ngủ và làm biếng, không muốn làm việc gì. Cha Gioan quyết hãm dẹp xác thịt mình khỏi các tính mê ấy, không cho nó ước ao và bắt nó chịu những gì trái ý muốn. Cha giữ chay trường kỳ, cha ăn ít, kham khổ, ăn một tuần không bằng người khỏe ăn một bữa. Cha thức khuya dậy sớm, mỗi đêm không ngủ được một giờ, có nhiều đêm chẳng ngủ được chút nào. Cha làm việc luôn tay, khi thì giảng, lúc khác giải tội, yên ủi người âu lo, chữa người ốm đau, đọc kinh cầu nguyện, chẳng lúc nào thấy cha rảnh rỗi bao giờ.
Khi xem hạnh các thánh chúng ta thấy có nhiều vị hãm mình quá sức, nhưng không có mấy vị hãm mình, làm khốn xác thịt mình nhiều cho bằng cha Gioan. Không những là cha bắt xác thịt mình ăn chay nhịn đói, thức suốt đêm và bắt nó làm việc luôn không bao giờ nghỉ mà còn lấy roi sắt đánh vào xác thịt, không mấy đêm không đánh. Chính cha đã nói điều ấy. Một hôm, cha bảo bà Catharina:
- Ban đêm khi tôi phải thức dậy đi giải tội, xác thịt tôi nặng nề lắm, muốn ngủ thêm chứ không muốn dậy, nên tôi phải lấy roi mà đánh cho nó biết nghe. Những người dạy sư tử, hổ, gấu phải lấy cây mà đánh thì mới trị được những thú dữ ấy. Vì thế, tôi phải lấy roi mà trị Adong cũ, là xác thịt của tôi.
Một người đạo đức kia nói:
- Có một đêm tôi nằm trong phòng cha Gioan nghe tiếng cha hành xác dữ và lâu lắm. Tôi sốt ruột quá muốn kêu cha thôi nhưng cha cứ đánh mãi, gần một tiếng cha mới thôi.
Không những cha lấy roi sắt đánh xác thịt mà còn mang thắt lưng bằng dây có đinh sắt nhọn đâm vào thịt, mặc áo đan bằng chỉ sắt sát vào thịt và dùng những đồ mà các thánh đã bày ra để hãm mình, phạt xác từ xưa đến nay. Cha giấu những đồ ấy kỹ lắm, nhưng có khi bỏ quên nơi này nơi kia nên những người ra vào phòng cha đã xem thấy nhiều lần. Hơn nữa, người giặt áo quần cho cha thường thấy quần áo cha có dính những vết máu.
Những năm mới coi sóc xứ Ars cha còn khỏe, nên hãm mình phạt xác nhiều lắm và thường cầu xin với Chúa rằng:
”Lạy Chúa con, nếu Chúa thương mở lòng con chiên của con được ăn năn trở lại, con xin hãm mình phạt xác và chịu mọi sự khốn khó, mọi sự đau đớn cho đến trọn đời”.
Những năm sau này cha có giảm bớt ít nhiều việc hãm mình phạt xác, phần vì già yếu kiệt sức, phần vì vâng lời đức giám mục và cha linh hướng ra lệnh cha phải làm như vậy. Cha vâng phục nhưng lấy làm buồn tiếc và hay trách mình là người mê ăn uống. Có lúc cha nói:
- Nếu như ngày trước tôi ăn nhiều như bây giờ chắc tôi đã buồn quá mà chết rồi.
Không những cha Gioan hãm mình phạt xác mà còn sẵn lòng chịu nhục nhã xấu hổ nữa. Cha bị nhiều người giận ghét, phỉ báng và vu cáo cha hơn mười năm, cũng có nhiều giáo dân khô khan xấu nết đến sỉ nhục cha và vu cho cha những điều ô uế xấu xa nhưng cha cũng không chấp, không buồn người ấy. Không những là không buồn không giận những người vu cáo và làm ô danh của mình mà cha còn thương họ cách riêng và còn đối xử lịch sự với họ. Cha thường nói:
- Người nói xấu ta là người làm ơn cho ta. Còn người nịnh bợ, tâng bốc ta là người làm hại ta.
Trong năm mà các linh mục đàn anh trong địa phận làm đơn kiện cha Gioan nhiều điều nặng, và nhiều nơi người ta đồn thổi cha sẽ bị cách chức, sẽ bị truất mọi quyền và bị gọi về tòa giám mục, hay bị giam phạt trong một dòng tu, không được coi xứ Ars nữa. Nếu cha thật thà viết thư trình với đức giám mục về cách ăn ở, những việc làm của cha chắc đức giám mục sẽ tin và cho cha được bình an. Thư ấy cha đã viết xong nhưng đến lúc giao cho người đưa thư, cha suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Hôm nay là ngày thứ sáu, ngày Chúa Giêsu vác Thánh Giá, tôi cũng phải vác Thánh Giá theo chân Người. Hơn nữa, khi xưa dân Do Thái vu cáo, Người im lặng chẳng nói lời nào, nay tôi cũng phải bắt chước như vậy.
Nói rồi cha liền xé bức thư ấy đi và không gửi nữa.
Người chép tiểu sử cha Gioan đã giúp cha lâu năm kể rằng:
”Cứ theo lời cha đã nói với tôi nhiều lần thì tính cha vốn nóng nẩy và cục cằn, không hiền lành hòa nhã đâu, nhưng từ khi tôi về giúp cho đến khi cha qua đời, tôi chỉ thấy cha hiền lành, nhịn nhục, sẵn lòng chịu nhục nhã. Đó là dấu chứng tỏ cha phải cố kềm hãm tính nóng nảy nhiều lắm nên cha mới hiền lành nhịn nhục như thế.”
Không ai kể hết những điều người ta quấy phá, làm phiền cha. Khi ở nhà thờ về phòng hay từ phòng ra nhà thờ một ngày hai ba lần, có hàng trăm người tuốn đến chung quanh vây kín, và nhiều khi làm cha ngã đau lắm, nhưng chẳng bao giờ nghe cha nói lời gì gắt gỏng, khó chịu hay buồn phiền cả, gương mặt cha vẫn luôn tươi cười vui vẻ.
Tôi đã thấy nhiều người lẽo đẽo theo cha nài nẵng xin cha những điều trái quấy không thể cho được, nhưng cha không xua đuổi quở mắng lời nào, chỉ dịu dàng bảo:
- Chúng con hãy bằng lòng vậy, vì cha không thể cho những điều chúng con xin.
Tôi không thể kể hết những lần cha phải xấu hổ nhuốc nha thế nào. Ở đâu cũng có người khôn, người đàng hoàng, ở đâu cũng có người dại, người ngỗ nghịch. Trong những người từ khắp nơi đến xứ Ars, thỉnh thoảng cũng có những người ngỗ nghịch làm càn nói quấy. Khi họ đến cùng cha Gioan xin những điều trái ngược mà không được như ý, họ nổi xung, sỉ vả cha:
- Chúng tôi nghe thiên hạ đồn thổi thì tưởng ông là người khôn ngoan thông minh, bây giờ mới biết ông là thằng ngốc, là đứa ngu dốt.
Cha Gioan nghe thấy những điều ấy, mỉm cười nói:
- Chúng con tin những điều người ta đồn thổi làm chi? Bây giờ chúng con đã biết cha xứ Ars thật là người dốt nát hèn hạ yếu đuối rồi chứ.
Cha Gioan hay khuyên người ta bỏ ý riêng, cha nói:
”Trong mình ta chẳng có gì là của riêng ta cả, chỉ có ý riêng là thật của ta mà thôi. Khi nào ta bỏ ý riêng của mình mà theo ý người khác trong những việc lành thì được nhiều công phúc lắm.” Phần cha Gioan, cha thường bỏ ý riêng của mình để theo ý người khác. Khi ai xin điều gì có thể cho được, cha cho ngay. Ai muốn trình việc gì, lúc nào, dù đang bận nhiều việc, dù nhọc mệt thế nào cha vẫn luôn chiều lòng người ấy không tiếc công, không ngại khó.
Cha đã xin về hưu và ước ao thôi việc coi xứ đã lâu, phần vì mỏi mệt kiệt sức, phần vì già nua tuổi tác muốn có thời gian rảnh rỗi để ăn năn đền tội và dọn mình chết. Cha luôn ao ước và xin điều ấy mãi nhưng các bề trên thấy cha làm sáng danh Chúa, cứu được nhiều người có tội và làm ích cho nhiều người nên không nhận lời cha xin mà truyền cho cha phải chịu khó cho đến chết thì cha cũng từ bỏ ý riêng mình mà theo ý bề trên. Dù biết việc ấy nặng nề khó nhọc, cha cũng bỏ ý mình theo ý bề trên vì cha tin ý bề trên là ý Chúa.
I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY
II: TỪ KHI CHA GIOAN NHẬN XỨ ARS
III: DÂN CHÚNG TỪ KHẮP NƠI KÉO ĐẾN XƯNG TỘI VỚI CHA GIOAN TRONG NHỮNG NĂM 1826 - 1859
IV: CHA GIOAN VIANNEY CHỮA BỆNH PHẦN XÁC, PHẦN HỒN
V: NHỮNG NHÂN ĐỨC MÀ CHA GIOAN THƯỜNG LUYỆN TẬP